Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Năm Canh Tý nói về phong tục kỳ lạ liên quan đến Chuột: Cúng thịt chuột ngày Tết, cúng Thần Rắn bằng tiết canh chuột

Thứ Ba, 10/12/2019 15:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những nét đặc sắc phong tục tập quán về loài chuột của một số đồng bào dân tộc thiểu số dưới đây sẽ khiến bạn không khỏi cảm thấy ngạc nhiên và thích thú.
 
 
net dac sac phong tuc tap quan ve loai chuot
 
Từ xa xưa, Chuột là loài động vật gắn liền với sự thành bại mùa màng của người nông dân nên và thường mang nghĩa tiêu cực.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng như trên thế giới, hình tượng Chuột lại mang lại những giá trị tốt lành và may mắn, luôn có mặt trong những lễ cúng hay những nghi lễ quan trọng của đời người như cưới hỏi, cúng Giao thừa chẳng hạn...
 
Năm Canh Tý 2020 chẳng còn mấy nữa sẽ gõ cửa từng nhà, hãy cùng Lịch Ngày Tốt khám phá những nét đặc sắc phong tục tập quán về loài chuột để có thêm những kiến thức thú vị nhé!
 

1. Phong tục cưới hỏi của đồng bào Xa Phó (Lào Cai): Không thể thiếu thịt Chuột Cống

 
Đồng bào Xa Phó ở Lào Cai có tập quán cưới hỏi khá độc đáo, khác lạ từ lễ vật thách cưới cho đến các nghi thức, đặc biệt không thể không có “thịt chuột” trong nghi lễ quan trọng này.

Một số lễ vật có thể cắt giảm theo hoàn cảnh, nhưng các lễ vật là thịt chuột ống, rượu ống, bánh giày thì bắt buộc phải có. 
 
Ông mối nhà trai xin nhà gái cho biết số lượng anh em bên nhà gái để chuẩn bị đủ ống thịt chuột, ống rượu. 
 
Thịt chuột ống phải là loại được bẫy ở rừng mới đảm bảo chất lượng. Thông thường, lễ vật Chuột sẽ gồm 18 ống thịt chuột nhỏ và 2 ống thịt chuột to.
 
Tại sao đám cưới phải có đầy đủ thịt chuột?

net dac sac phong tuc tap quan ve loai chuot dam cuoi nguoi Xa Pho
 
Đây là phong tục bắt nguồn từ truyền thuyết về nguồn gốc của người Xa Phó. 
 
Có hai anh em sống sót sau thảm họa đại hồng thủy, họ bắt buộc phải lấy nhau nhưng lúc đó trên mặt đất mọi con vật đều chết hết, họ phải chui vào hang tìm bắt chuột và dùng thịt chuột làm lý cúng báo cho ông trời biết ngày họ nên duyên vợ chồng. 
 
Cũng kể từ đó, khi tổ chức cưới cho con, nhà trai người Xa Phó phải làm thịt chuột ống giao cho nhà gái mới được đón dâu về nhà. 
 
Nhà gái nhận và kiểm đếm số lễ vật, nếu thấy đủ sẽ đem chia phần thịt chuột ống, rượu ống cho anh em trong dòng họ. 
 
Khi nhận thịt chuột, những người này cảm ơn và gửi lời chúc đôi vợ chồng trẻ sau này có cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc bền lâu.

Có thể bạn quan tâm: Kỳ lạ những phong tục cưới hỏi chỉ có ở Việt Nam
 

2. Cúng Thần Rắn bằng tiết canh Chuột của dân tộc La Chí

 
Cúng Thần Rắn bằng tiết canh Chuột là một trong những phong tục độc đáo của dân tộc La Chí ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), vẫn còn duy trì đến ngày nay và được tổ chức 13 năm 1 lần.
 

2.1. Truyền thuyết về Thần Rắn và lễ cúng vị thần này

 
Ngày xưa, có một cụ già râu tóc bạc phơ, sau nhiều ngày dạo chơi qua các bản làng thì đi vào rừng, chết luôn tại đấy và biến thành hai con rắn. Khu rừng đó được gọi là rừng Me Meo, chính là rừng cấm trên núi Lủng Cẩu bây giờ.
 
Trong bản có một anh nông dân dù làm việc rất chăm chỉ nhưng vẫn luôn nghèo khó, đã 9 đời đều trôi qua như vậy. Anh liền đi tìm thầy mo để hỏi xem vì sao cuộc đời mình cứ nghèo đói mãi vậy,
 
Khi qua rừng Me Meo, anh gặp hai con rắn. Anh nhà nghèo kể lại sự tình. Rắn nghe vậy, liền nhờ anh chàng nhà nghèo: “Ngày trước tôi đi đâu cũng được, bay cũng được, thế mà giờ không tài nào làm được gì để kiếm ăn. Nhờ anh hỏi hộ xem vì sao lại thế?”
 
Gặp thầy mo, kể lại sự tình của mình và hai con rắn trong rừng Me Meo, thầy mo bảo: 
 
- “Trước đây con rắn biết bay, nhưng giờ không bay được, cũng không đi được là vì hai bên mép của chúng có hai cái răng vàng. Nhổ đi sẽ khỏi hết. Nhưng nếu nhổ răng rắn thì cỏ cây sẽ khô héo, ngô lúa cũng chết”.
 
- “Còn việc anh nghèo hay giàu thì tùy ở cách ứng xử và lòng tốt của anh” - Thầy mo chỉ nói có vậy rồi biến mất. 
 
Gặp hai con rắn, anh cũng kể lại câu chuyện gặp thầy mo. Nhưng anh không nhổ răng vàng cho rắn, vì làm như vậy, bản làng anh sẽ chết đói. 
 
Rắn van xin: “Nếu anh không giúp chúng ta thì chúng ta đành phải chết đói, chết khát ở khu rừng này mất rồi”.
 
Anh nhà nghèo động lòng thương liền nhổ răng cho rắn và được rắn 4 chiếc răng vàng. Rắn dặn rằng chiếc răng vàng này sẽ giúp nhân dân được no ấm, nhưng nhân dân phải bảo vệ rừng Me Meo nơi rắn ngự trị.
 
Anh nhà nghèo mang răng vàng về nhà, bỗng nhiên nương lúa trong bản tốt tươi, trâu bò đông đúc. Anh cũng trở nên giàu có. 
 
Từ đó, 13 năm một lần, người La Chí phải vào rừng Me Meo, tức là rừng cấm để cúng Thần Rắn. Đừng bỏ lỡ bài viết: Bí ẩn về những CÁI CHẾT liên tiếp khi THẦN RẮN TRẢ THÙ
 
net dac sac phong tuc tap quan ve loai chuot Tiet canh chuot
 

2.2. Vì sao lại cúng Thần Rắn bằng tiết canh chuột?

 
Trong ngày lễ cúng Thần Rắn, đồng bào tụ tập quanh sàn cúng, được dựng giữa rừng, trước miếu thờ. Các thầy mo ngồi trên sàn cúng và thực hiện lễ cúng với hai mâm cỗ.
 
Một mâm toàn thịt chuột, với rất nhiều món đã được chế biến sẵn, như chuột hấp, chuột hầm, chuột xào mầm thảo quả. Nhiều nhất là các món chuột khô, chuột nướng. Một thứ không thể thiếu, đó là bát tiết canh chuột.
 
Người La Chí cho rằng, ma gà thích ăn tiết canh gà, còn Thần Rắn thì thích nhất tiết canh chuột nên trong lễ cúng không thể thiếu món này.

Ngoài ra, người dân còn 13 con chuột sống, đủ các loại to nhỏ, bị buộc vào dây và cột vào cọc trước sàn cúng.
 
Lễ cúng Thần Rắn với mâm thịt chuột diễn ra suốt 2 ngày, trong không khí cực kỳ trang nghiêm. Không ai cười đùa, cợt nhả. Tất cả đều hướng tâm trí về Thần Rắn và các vị thần cai quản khu rừng với sự thành kính sâu sắc.
 

3. Miếu thờ Thần Chuột và lễ cúng thịt chuột ngày Tết của người Dao (Hòa Bình)

 
Đối với người miền xuôi, câu chuyện cúng bằng thịt chuột là lạ lẫm, thậm chí bị coi là kỳ dị. 
 
Tuy nhiên, với người Dao Tiền ở bản Bương, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, cỗ cúng ở ngôi miếu của bản bắt buộc phải có thịt chuột khô mới thiêng, trên bàn thờ ba ngày Tết cũng phải có thịt chuột khô mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên.
 

3.1. Miếu thờ Thần Chuột

 
Không biết phong tục thờ Thần chuột có từ bao giờ, người Dao Tiền chỉ biết rằng, khi họ sinh ra và lớn lên đã có tập tục này. 
 
Nghe ông bà xưa kể lại, do cuộc sống thiếu thốn, ngoài trồng trọt, mọi người phải đi săn bắn để kiếm sống. Trong những lúc giáp hạt vào mùa khô (thời điểm gần Tết Nguyên đán) thú rừng dần cạn kiệt, chỉ còn loài chuột là nhiều và dễ bắn. 
 
Do vậy, nhiều người trong làng lấy thịt chuột làm bữa ăn hằng ngày. Thịt chuột trở thành lương thực cứu đói cho dân làng những lúc khó khăn. 
 
Điều kỳ lạ, cả bản làng đi bắt chuột, có ngày phải bắt được đến cả tạ, nhưng chuột không hết mà ngày càng nhiều. 
 
Để tưởng nhớ ông bà tổ tiên khai sinh ra bản làng và nhờ chuột mà người Dao Tiền mới tồn tại được đến ngày hôm nay, nên người dân ở đây coi chuột là ân nhân, phải thờ cúng thần chuột để đền đáp công ơn. Người dân nơi đây lập miếu thờ thần chuột.
 
Tại miếu thờ thần chuột, không ai được tự tiện vào trong miếu mà chỉ có trưởng bản mở cửa vào những ngày lễ, Tết. Họ quan niệm, nếu tự ý vào sẽ bị thần chuột đánh, không thì cũng một năm trồng trọt, chăn nuôi thất bát vì bị chuột phá phách. 
 
Ngoài miếu thờ chung của làng, ở trong bản nhà nào cũng có một bàn thờ riêng để thờ thần chuột. Bàn thờ này được đặt ngay bên cạnh bàn thờ của ông bà tổ tiên mình. 
 

3.2. Cỗ cúng ngày Tết không thể thiếu thịt chuột khô

 
net dac sac phong tuc tap quan ve loai chuot cua nguoi dao
 
Hằng năm, người Dao Tiền có 3 ngày lễ lớn: lễ cầu mùa vào Rằm tháng 5, lễ ăn cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9 và lễ Tết Nguyên đán.
 
Riêng ngày Tết Nguyên đán, ngoài các phong tục thờ cúng truyền thống, thì ở bản Bương của người Dao tiền lại có thêm món thịt chuột để cúng ông bà tổ tiên và thờ cúng thần chuột. 
 
Theo những người dân ở đây, không có loại thịt gì có thể thay thế được thịt chuột để cúng trong đêm Giao thừa. 
 
Dựa trên yếu tố tâm linh, các ma làng và những người đã khuất chỉ chấp nhận loại đặc sản “truyền thống” này của dân mình.

Cứ đúng vào đêm Giao thừa, nơi giờ khắc sắp sửa chuyển giao một năm mới là mỗi gia đình lại chuẩn bị hai con chuột khô lên bàn thờ thắp hương báo cáo tổ tiên của họ. 
 
Trước khi thực hiện nghi lễ cũng tế, mỗi người phải tắm rửa sạch sẽ, trước khi bước vào đền phải bỏ dép ở bên ngoài cửa, sau đó đi chân đất vào, làm như vậy vừa để thể hiện sự tôn kính vừa là sự giao thoa của con người với thiên nhiên, đất trời. 
 
Sau khi đã tế lễ xong, nhà nào cũng xin lộc đóng góp lại cùng dân bản ăn uống vui vẻ để lấy may.
 
Người dân Dao Tiền quan niệm, trong lúc tế lễ ở miếu, người nào thấy chuột chạy qua thì năm đó thần chuột đã về phù hộ cho gia chủ. 
 
Ngược lại, vô tình dẫm phải chuột đó phải về làm một cái lễ gồm 9 con chuột, rượu sau đó cả gia đình đến miếu làm lễ xin tha tội.
 
Mồng Hai Tết, mỗi hộ trong bản cúng hai con chuột khô (chuột làm sạch, sấy trên gác bếp) cùng nhiều vật phẩm khác để cầu tài lộc, làm ăn phát đạt, người người khỏe mạnh, làng xóm yên ổn…
 
Người Dao Tiền quan niệm, đầu năm không ai được dùng thịt chuột tươi, nếu giết mổ chuột là điềm không lành, là mạo phạm đến thần chuột. Do vậy, Tết đến nhà nào cũng sử dụng chuột sấy khô từ trước. 
 
Thông thường, để có chuột cho những ngày lễ tết, ngay từ đầu tháng 11 Âm lịch, tất cả mọi gia đình đều phải lo chuẩn bị thịt chuột sấy khô. 
 
Trước lúc Giao thừa, gia chủ là đàn ông để thịt chuột lên bàn thờ khấn các cụ tổ tiên về ăn Tết thịt chuột. 
 
Nhà nào có nhiều thịt chuột nhất trong ngày Tết thì gặp nhiều may mắn trong năm mới. Thịt chuột thờ phải tự tay gia chủ đi bắt, không được mua ở ngoài về thì mới thể hiện sự thành kính.
 
Hiện nay, dù đời sống ở bản Bương đã được cải thiện đáng kể, ít hộ đói nhưng tục lệ đi săn chuột và thờ cúng thần chuột vẫn không bị mai một theo thời gian mà vẫn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống.
 
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X