Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Phật dạy: 10 hành vi âm thầm tiêu hao âm đức mỗi ngày khiến phước lộc tiêu tán - Ai cũng phạm phải ít nhất 3 điều!

Thứ Hai, 12/07/2021 14:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Người xưa dạy rằng, đức là ngọn nguồn của hết thảy phúc báo. Âm đức không tự nhiên mà có, cần trải qua quá trình tích lũy và bồi đắp. Tiếc rằng, không ít người vẫn ngày ngày phạm phải những hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày dưới đây khiến mệnh vận sa sút, hao tiền tốn tài và làm hại chính mình mà không hề hay biết.
 
Âm đức là tinh hoa của văn hóa truyền thống, là thể hiện tâm tín Phật hướng thiện, kính sợ Thần linh, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
 
Sống trên đời này, nên làm điều thiện tích đức, điều này không chỉ tạo phúc cho gia đình, cho bản thân mà còn tích đức cho con cháu đời sau. Muốn tích âm đức thì phải có lòng nhân ái và làm nhiều việc thiện.
 
Thiện ác đều nằm trong ý nghĩ, người làm điều thiện lâu ngày mà phạm một sai lầm nhỏ thì vẫn mang tiếng xấu suốt đời, vì vậy muốn tích âm đức thì nên một đời hành thiện, không bao giờ được làm điều ác. Đồng thời cũng cần phải nhớ, tích âm đức là hành thiện một cách âm thầm, lặng lẽ, không khoe khoang bản thân, ngoài mặt không tỏ ra vui vẻ phấn khích, nên nói ít làm nhiều.
 
Tích âm đức không khó nhưng cũng không đơn giản. Người xưa dạy rằng: “Lập công danh chẳng bằng tích âm đức”, tức dựng lập tiếng thơm, theo đuổi địa vị cao sang chẳng bằng bồi đắp âm đức cho bản thân, bởi đức là ngọn nguồn của hết thảy phúc báo. 
 
Âm đức vốn không tự nhiên mà có, nó cần phải trải qua quá trình tích lũy và bồi dưỡng. Thế nên bên cạnh việc tìm cách tích đức, điều quan trọng không kém là tránh xa những việc làm khiến phúc đức con người hao tổn.
 
Theo Phật giáo, 10 việc làm dưới đây được coi là hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày khiến phúc đức dần rời xa bạn. Một khi phước báo cạn kiệt, cuộc đời sẽ ngập đầy tai họa, sa sút, làm gì cũng khó thành, tài lộc, sức khỏe tổn hao nghiêm trọng...
 
Do đó, bạn nhất định phải tránh xa 10 hành vi này nếu muốn tránh xa tai họa.

10 hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày
 

1. Lòng dạ hẹp hòi

 
Đạo Phật dạy rằng: “Lòng dạ lớn bao nhiêu thì phúc đức lớn bấy nhiêu. Tâm địa của một người càng bao dung, rộng mở thì nhận về càng nhiều tốt đẹp của thế gian. Nhưng nếu tâm địa hẹp hòi, làm việc gì cũng luôn ích kỉ, chỉ nghĩ cách tư lợi cho bản thân, so đo tính toán chi li thì phúc báo sẽ dần sẽ tiêu hao hết. 
 
Những người như vậy sẽ càng sống sẽ càng chìm sâu trong khổ đau, mãi không thể thoát khỏi bể khổ. Bởi lòng dạ hẹp hòi chính là nguyên nhân của mọi phiền não trên đời này.
 
Vốn dĩ tâm tính của con người luôn thay đổi theo từng hoàn cảnh. Gặp chuyện vừa ý, ta vui vẻ hứng thú, cười nói thoải mái. Gặp việc trắc trở, lòng ta nổi gió nổi sóng, đánh mất bình tĩnh. 
 
Nhẹ thì giữ trong tâm, mà nặng thì giải tỏa bằng lời nói, hành động, sẵn sàng làm tổn thương người bên cạnh. 
 
Mà người nghe được không phải ai cũng biết nhường nhịn ta, gặp kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi thì ắt sẽ ghi hận, tìm cách gây khó dễ, cản trở ta hết việc này đến việc khác. Như vậy chẳng khác nào "tự mua dây buộc mình".
 
Kỳ thực, trong cõi hồng trần này, những việc không được như ý chiếm đến tám, chín phần. Nếu như chỉ gặp phải một chút khó khăn trở ngại mà cảm thấy chán ghét mọi người, oán hận người khác thì chính là lòng dạ của chúng ta quá hẹp hòi, tâm lượng quá nhỏ. 
 
Một người nếu như có thể mở rộng tấm lòng của mình thì tâm linh mới có thể thăng hoa. Nếu có thể bao dung hết thảy, tiếp nhận hết thảy, chỉ có người như vậy mới có thể thực sự sống nhàn tản, dẹp bỏ mọi phiền não, làm được từ bi thực sự và đạt được trí tuệ chân chính.
 
Tâm lượng, lòng dạ càng rộng mở thì phiền não càng nhẹ; tâm lượng càng nhỏ, lòng dạ càng hẹp thì phiền não càng nặng. Người có lòng dạ nhỏ hẹp thông thường sẽ không bao dung, không yêu thương nổi và cũng không tiếp nhận được khuyết điểm của người khác. Những người như vậy nhìn đâu cũng chỉ thấy tiêu cực, bỏ qua rất nhiều giá trị tốt đẹp mà cuộc sống ban tặng.
 
Mọi sự trong thế gian quả thực khó có thể vừa lòng đẹp ý tất cả mọi người, bởi vậy không cần phải lúc nào cũng tính toán, so đo. Thay vào đó, khi gặp sự tình không thuận thì phải nhìn được mặt thuận, mặt tốt của nó.
 
Thế gian này, có được thì có mất, có mất thì rồi sẽ có được cái khác, cho nên chớ nên tức giận, càng không cần tranh giành, đấu đá nhau làm chi cho mất công. Người ta chỉ có thể phóng đại được tâm lượng của mình khi biết nhẫn nại, kiềm chế.
 
Trong cuộc sống, hết thảy mọi việc phát sinh đều có hai mặt chính và phản. Những khó khăn, ngăn trở tạm thời sẽ là bậc thang cho những thành công trong tương lai. Những cực khổ của ngày hôm nay nhất định có thể trở thành những huy hoàng sau này. 
 
Một người nếu muốn đạt được thành công thực sự trong cuộc đời nhất định phải nhẫn nhịn chịu khổ, mở rộng tấm lòng. Người có tâm lượng lớn, tấm lòng rộng mở ắt là người tài năng, đức độ và nhận về phúc báo sâu dày, được người người xem trọng. 
 
Ngược lại, người dòng dạ hẹp hòi, luôn toan tính chi ti từng tý sẽ chỉ càng khiến âm đức ngày càng hao tổn, cuộc đời thêm gập ghềnh trúc trắc là điều tất yếu.
 

2. Thường xuyên nóng giận 

 
Sự nóng giận của con người càng nhiều thì phước báo càng nhanh mất đi.
 
Giáo lý nhà Phật có câu: 

comment leftNhất niệm sân tâm khởi, hỏa thiêu công đức lâm.
Lời Phật dạy
comment right

Nghĩa là: Một niệm sân tâm sinh ra, đốt trụi cả rừng công đức.
 
Ở đậy, “Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, nhân đó làm những chuyện sai trái. 
 
Đây cũng là một trong "tam độc" (tham - sân - si) khiến chúng sinh tạo nghiệp bất thiện để rồi trôi nổi mãi trong luân hồi sanh tử.
 
Phật dạy rằng, nóng giận là hành vi tổn hao âm đức rất nặng. Một khi tâm sân hận, tức giận nổi lên mà ta không thể tự kiềm chế, không tự khắc phục thì dù đời trước đời này đã tích lũy bao nhiêu công đức, làm bao nhiêu việc thiện, chăm chỉ tụng kinh bái Phật ra sao cũng thành vô ích. Khi đó, trăm ngàn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại sẽ tiếp nối ngay theo sau.
 
Theo đạo Phật, sự nóng giận là một loại xúc cảm tiêu cực và nó thường dẫn đến nhiều vấn đề rắc rối cho bản thân và cho những người có liên quan. 
 
Nóng giận chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn thường ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ xã hội, khiến cho những người vốn dĩ thân quen trở thành kẻ thù của nhau, thậm chí là trở thành những người không đội trời chung.
 
Giận chẳng những làm cho chúng ta đau khổ trong đời này mà còn trong đời sau nữa. Nó che lấp tâm trí chúng ta, cho nên chúng ta không thể nào thấy được sự thật của mọi sự vật hiện một cách đúng đắn, không thể nào đạt được giải thoát, không thể nào đạt được niềm hạnh phúc đích thực.
 
Mỗi khi người ta nổi giận thì thường không kiểm soát được những ý nghĩ, hành động và lời nói của mình. Vì thế mà trong lúc tức giận, người ta thường có những hành động bộc phát, những lời nói khiếm nhã gây ra nhiều tai hại, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đôi khi những hậu quả gây ra trong lúc tức giận ấy làm cho người ta phải ân hận, đau khổ, và dằn vặt suốt cả quãng đời còn lại.
 
Cho nên nếu muốn tích âm đức cho mình, nhất định phải xóa tan cơn nóng giận trong lòng.
 

3. Bất hiếu với cha mẹ

 
Bất hiếu với cha mẹ cũng là một trong những hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày hàng đầu mà chúng ta phải tuyệt đối tránh phạm phải. 
 
Theo lời Phật dạy, cha mẹ là phúc đức lớn nhất của chúng ta trên đời này. Hiếu thảo với đấng sinh thành có thể nhận được phúc lành vô cùng to lớn, còn bất hiếu với cha mẹ sẽ làm suy giảm âm đức trầm trọng.
 
Cổ ngữ nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm cái thiện thì hiếu kính cha mẹ là đứng đầu. Hành thiện tích đức, trước hết phải hiếu kính cha mẹ. Hiếu kính với cha mẹ là đạo lý hiển nhiên của người con. Đó không chỉ là bổn phận mà còn là cách bồi đắp phúc báo của chính bản thân mình.
 
Con người dù sinh ra trong cảnh bần cùng hay gia đình giàu có, nếu có tấm lòng tôn kính và hiếu nghĩa với cha mẹ, người lớn tuổi thì như là tích phúc báo cho mình.
 
Người tử tế sẽ không bao giờ đối xử tệ bạc với cha mẹ mình. Họ có thể đối xử tệ bạc với bản thân, nhưng vì họ lương thiện nên sẽ luôn biết cách làm sao để tích âm đức và tạo phúc cho con cháu.
 
Người hiếu thảo có thể làm gương cho con cái, họ có thể cho con cái cảm nhận được sự hòa thuận, đầm ấm của gia đình, để con cái cũng trở thành người hiếu thảo. 
 
Nề nếp gia phong tốt, được truyền từ đời này sang đời khác, lòng hiếu thảo làm ấm lòng người. Từ đó, phúc đức được tích lũy từ đời này sẽ lưu truyền cho các đời sau, con cháu được hưởng ấm no sung túc.
 
Một người ngỗ ngược với cha mẹ thì đó chính là bất hiếu, chắc chắn sẽ tổn hao phúc đức của bản thân khiến sự nghiệp sa sút, gia đình không hòa thuận, làm việc gì cũng gặp nhiều khó khăn phiền toái. Bởi bất hiếu chính là nguyên nhân dẫn tới Ác nghiệp lớn nhất.

Hành vi tiêu hao âm đức theo lời Phật dạy
 

4. Phạm tội tà dâm, ngoại tình

 
Người xưa có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, nghĩa là trong vạn cái ác thì tà dâm đứng đầu. Chính vì thế mà tội nghiệp nó để lại cũng không nhẹ chút nào. 
 
Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mang lại thì thật to như núi. Một người có mệnh phú quý nhưng một khi mắc phải tội tà dâm thì có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người có mệnh được hưởng phúc thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm thì có thể bệnh tật triền miên.
 
Trong kinh có viết: 

comment leftTập cận dục thời, vô ác bất tạo; thọ bỉ quả thời, vô khổ bất thọ.
Kinh Phật
comment right

Câu này có nghĩa là: Trong khi gần ái dục, không tội ác nào chẳng tạo tác; đến khi thọ quả báo của ái dục, không thống khổ nào chẳng lãnh thọ.
 
Con người ta, chỉ một niệm dâm dục sẽ dẫn khởi nhiều ác niệm, làm ra những chuyện không còn liêm sỉ, thương thiên hại lý, đi ngược với luân thường đạo lý, các loại ác nghiệp cũng từ đó mà sinh ra.
 
Bên cạnh tội tà dâm, ngoại tình cũng sẽ làm tiêu hao âm đức nghiêm trọng. Ngoại tình là nguyên nhân của mọi tệ nạn. Những người thường xuyên ngoại tình sẽ gặp rắc rối, bệnh tật, hôn nhân và gia đình tan nát. Những tai họa này là hậu quả xấu của việc ngoại tình. 
 
Cổ nhân cho rằng, hễ phạm tội tà dâm hay ngoại tình là đã tạo nghiệp chồng chất, từ đó mà tổn hao phúc báo, con đường nhân sinh cũng vì vậy mà gặp nhiều trắc trở. Nếu bạn muốn tích âm đức cho bản thân và con cháu đời sau, bạn phải tránh xa ngoại tình.
 

5. Ăn trộm, ăn cắp

 
Kinh Phật nói: “Trộm cắp sẽ gặp hai quả báo, một là nghèo khó, hai là có tiền mà không được hưởng”. 
 
Trộm cắp vốn là khái niệm rộng. Chỉ cần bạn chiếm hữu những thứ không phải là của mình làm ra thì đều được xem là hành vi trộm cắp. 
 
Phật dạy, trộm cắp là nghiệp cần phải tránh xa, nếu tâm trộm cắp sẽ phải gánh nghiệp khôn lường. 
 
Hành vi này không chỉ khiến cuộc đời mất đi phúc đức, gia sản tiêu tán. Mà đời con cháu sau cũng sẽ phải chịu quả báo nặng nề. 
 
Quả báo của tội trộm cướp, nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. 
 
Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nguyên nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.
 
Làm người hãy biết sống trong sạch, liêm chính để tạo phúc cho đời sau bởi trộm cắp chỉ khiến âm đức tổn hao nghiêm trọng, cuộc đời đi đến kết cục nghèo khó thảm hại. Ngược lại, một người thường xuyên bố thí sẽ tích được âm đức sâu dày, chiêu tới toàn là thiện quả phú quý và bình an.

Tội trộm cắp làm tiêu hao âm đức
 

6. Sát sinh và hại người

 
Trong hết thảy tội nghiệt thì sát sinh là một trong những hành vi tiêu hao âm đức lớn nhất, mà nặng nhất chính là sát hại người, giết các động vật thông thường cũng sẽ tạo tội nghiệt. 
 
Trong Phật giáo có năm giới cơ bản, đó là "sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu". Trong đó, sát sinh là giới cấm đứng đầu. 
 
Sinh mệnh nào cũng đều mong muốn được sống và sợ cái chết. Nếu một người bởi vì tư dục mà tạo nghiệp sát sinh, giết hại chúng sinh thì không chỉ khiến cho bản thân mất dần tâm từ bi, lòng nhân ái mà còn làm hao tổn âm đức của bản thân mình.
 
Có thể mua thịt ăn, nhưng giết chết các sinh vật còn sống làm thức ăn sẽ hao tổn phúc thọ. Người thỉnh thoảng sát sinh cơ thể thường ốm yếu nhiều bệnh, tuổi thọ ngắn, cuộc sống bần cùng, tướng mạo xấu xí, oán khí rất nặng.
 
Trên đời này mỗi sinh mệnh đều có nhân duyên riêng. Người thường xuyên sát sinh thì chắc chắn sẽ đánh mất đi duyên kỳ ngộ trong cuộc sống. Lúc đó bao nhiêu tài lộc, phú quý cũng sẽ rời đi.
 
Đạo Phật cho rằng trong tất cả các tội lỗi, tội hại người là nặng nhất. Hại người sẽ mang lại hai hậu quả xấu xa, thứ nhất, phúc thọ ngắn ngủi; thứ hai, nhiều bệnh tật.
 
Đời người, ai rồi cũng khó tránh khỏi việc va chạm hay làm tổn thương người này người kia. Có đôi khi việc làm hại người khác là việc vô ý nhưng cũng có khi là vì tâm tính không tốt mà cố ý làm như vậy.
 
Thế nhưng, xét đúng nghĩa về phúc đức, theo nhân quả báo ứng thì có một số người bạn nhất định không được làm hại họ. Và muốn tích âm đức thì việc đầu tiên cần làm là không hại người khác.
 
Người dùng tài năng làm việc thiện, sẽ tích được đại đức, phú quý muôn đời. Nhưng nếu dùng nó để làm việc xấu, từ đó tổn hại âm đức, mệnh đoản, mà gia tộc cũng có thể tiêu vong. 
 
Cho nên, có người đã so sánh cây bút của văn nhân và y thuật của thầy thuốc, thiện dùng thì có thể cứu người, ác ý thì có thể giết người. Mà giết người thì phải đền mạng, đây là Thiên lý, cho nên những người mệnh yểu là có liên quan tới những việc xấu đã làm trong quá khứ.
 

7. Gieo khẩu nghiệp ác ngữ

 
Nói chuyện ta phải chọn lời hay ý đẹp, nói những lời tốt đời đẹp đạo mới mong có phúc báo. Còn người thường xuyên nói những lời ác độc, giận giữ, nạt nộ, coi khinh người khác tức là đang tự làm tổn hao âm đức của mình.
 
Đức Phật dạy rằng, những việc ác con người làm ra đều do xuất phát từ thân - khẩu - ý của mỗi người. 
 
Thân có ba điều là sát sinh, trộm cướp, tà dâm; ý cũng có ba điều là tham, sân, si; nhưng khẩu có bốn điều, đó chính là nói ác, nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc.
 
Chỉ có miệng là chiếm bốn điều ác trong mười điều ác, từ đó chúng ta đủ thấy lời nói tạo ác nhiều như thế nào. Cho nên, chúng ta tu hành, ngoài sửa thân nghiệp và ý nghiệp, còn phải đặc biệt chú ý khẩu nghiệp. 
 
Giáo lý nhà Phật dạy rằng, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được.
 
Người xưa cho rằng, nói những điều xấu về người khác là làm tổn thương đến hòa khí giữa trời, đất và người, chiêu mời tai họa giáng xuống. 
 
Một câu nói thiện ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng. Những lời nói châm chọc, nói móc, chế nhạo, phỉ báng, vũ nhục người khác tựa như một nhát dao sắc đâm vào tâm can người nghe, mang đến thương tổn không gì vãn hồi được, đồng thời cũng làm tổn hại âm đức của bản thân.
 
Theo lời Phật dạy về khẩu nghiệp, lời nói ác ngữ gây khẩu nghiệp là một loại tội (lỗi) mà một người bình thường dễ phạm phải nhất. Chính vì thế mà người xưa mới có câu "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" hay "họa từ miệng mà ra".
 
Số mệnh của một người tốt hay không, xem người đó có nhiều khẩu nghiệp hay không là biết. Vì vậy, tránh vướng khẩu nghiệp đối với sinh mệnh mỗi người rất quan trọng.
 

8. Tham lam vô độ

 
Nếu một người quá tham lam mà không biết đủ, không biết hài lòng với những gì mình đang có thì cũng sẽ làm hao mòn âm đức.
 
Phật dạy rằng:

comment leftNguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều từ 3 việc mà ra: tham, sân, si.
Lời Phật dạy
comment right

Trong đó, tham đứng hàng đầu, là cội rễ của mọi tai họa.
 
Tuy nhiên phàm là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Từ chữ tham mới nổi lên sân hận, mới khiến con người si mê u tối, từ đó gây nên nghiệp ác.
 
Thế nhưng, tham lam không phải là bản chất của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Con người sinh ra thuần khiết như tờ giấy trắng, trái tim thuần hậu và thiện lương.

Lòng tham lớn dần lên theo năm tháng, qua những bể dâu mà mỗi người gặp phải. Người không biết tiết chế lòng tham thì lòng tham cứ lớn dần mãi lên, đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái.
 
Phật nói: “Lòng tham càng lớn, phúc đức lại càng tiêu tán”. Bởi tham lam thường đi liền với ác. Người tham muốn đoạt được thứ mình muốn, lại sinh làm điều ác để thỏa mãn cho mình.
 
Thực tế sự giàu có không đến từ việc tham lam vơ vét mọi thứ quanh mình hay keo kiệt bo bo giữ của không muốn cho ai. Ngược lại, keo kiệt và tham lam còn khiến cho cái nghèo cái khó cứ mãi đeo đuổi chúng ta.
 
Không làm việc thiện thì phúc báo khó mà có được. Không biết thông cảm và giúp đỡ mọi người thì nhân duyên cũng theo đó mà sa sút, chẳng những không thành công trong sự nghiệp mà còn khó có được hạnh phúc trong đời.
 
Chẳng có tiền bạc nào là vĩnh cửu, người chết đi cũng chẳng thể mang theo bạc tiền. Tuy lòng tham khi được thỏa mãn có thể mang lại sự vui vẻ, sung sướng nhất thời nhưng xét kĩ về hậu vận thì người có những tính xấu trên khó có được phúc lành.

không tin nhân quả làm tiêu hao âm đức
 

9. Không tin vào nhân quả

 
Khi nói đến luật nhân quả, nhiều người sẽ cho rằng đây là một khái niệm mê tín. Cũng có người cho rằng nhân quả là khái niệm mơ hồ không có thật của Phật giáo. Với những người Vô Thần, nhân quả báo ứng chỉ là điều viển vông. 
 
"Nhân quả" nghĩa là nghiệp nhân quả báo. "Nhân" tức là nguyên nhân, hay nhân duyên. "Quả" là kết quả, hay quả báo.
 
Trong kinh nhà Phật có nói:

comment leftNhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.
Kinh Phật
comment right

Tức những việc ta đã làm dù trải qua trăm ngàn kiếp cũng không mất đi, chỉ chờ đủ nhân duyên, cái quả ta sẽ tự nhận lấy. 
 
Trong kinh Niết-bàn cũng có dạy:

comment leftThiện ác chi báo như ảnh tùy hình; tam thế nhân quả tuần hoàn bất thất.
Kinh Niết-bàn
comment right

Câu này có nghĩa là: quả báo lành - dữ như bóng theo hình, nhân quả trong ba đời xoay vần không mất. 
 
Cách bạn đối xử với thế giới này ra sao, thế giới cũng sẽ hồi đáp lại bạn tương tự. Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lý mà luôn tuân theo định luật nhân quả. 
 
Mọi việc trên thế gian đều tồn tại nhân quả, tiền nhân hậu quả. Nhân quả không do bất cứ người nào, đấng thần linh nào quy định hay chế tạo ra, mà là một quy luật tồn tại khách quan, âm thầm, lặng lẽ, nhưng luôn đúng đắn, chính xác, hiệu quả vô cùng. 
 
Khi con người không tin nhân quả, không tin tội phước, không tin có đời sống kế tiếp thì họ sẽ làm bất cứ điều gì họ mong muốn, không có điều gì ràng buộc hành vi của bản thân, việc gì cũng dám làm thì rất dễ tạo nghiệp xấu.
 
Đừng nghĩ rằng những việc mình đã làm không có ai chứng kiến thì thần không biết quỷ không hay, thực ra mỗi một việc thiện mà bạn làm, sẽ trở thành phúc báo sau này cho bạn; mỗi việc ác mà bạn làm, sẽ trở thành quả báo, nghiệp báo mà bạn phải gánh vác trong tương lai. 
 
Nhân quả không chừa một ai, chẳng người nào có thể tránh được nhân quả báo ứng. Mỗi một hành động của con người, cuối cùng đều sẽ gieo nhân nào gặp quả nấy.
 
Tin nhân quả làm chúng ta an tâm. Sự hợp lý, trật tự, ý nghĩa của xã hội là do mỗi người nhận thức được và sống theo nhân quả. Và mọi lộn xộn, thậm chí hỗn loạn của đời sống một cá nhân hay của xã hội đều là do thiếu nhận thức về nhân quả và không tin, không sống theo nhân quả.
 

10. Tổn hại đến sức khỏe

 
Những hành vi làm tổn hại đến sức khỏe của bạn cũng sẽ làm suy giảm âm đức của bạn. Sức khỏe thể chất mà tạo hóa ban tặng cho mỗi người từ khi sinh ra chính là phúc đức lớn nhất trên đời.
 
Nếu không biết quý trọng thân thể, thường xuyên làm tổn hại thân thể, thường xuyên ăn ngủ không đúng giờ, sinh hoạt bừa bãi, âm đức của bạn sẽ dần tiêu hao mài mòn.
 
Cơ thể đổ bệnh cho thấy phúc báo hao tổn quá nhiều. Muốn tích thêm phúc khí thì phải học cách nâng niu thân thể, ăn ngủ, vận động thường xuyên hơn, đây cũng là một cách để tích lũy phước lành cho bản thân.
 
Con người sinh ra như tờ giấy trắng, sống thiện thì thành người thiện, sống ác thì thành người ác. Bởi vậy, Phật dạy phải tu tâm hàng ngày hàng giờ để sửa mình, cố gắng trở thành người thiện, tu được nghiệp lành. 
 
Người ta đấu đá, tranh giành, so bì, tị nạnh lẫn nhau, rút cuộc là vì thứ gì. Bởi đời người ngắn lắm, mấy chục năm tưởng dài mà trôi nhanh như cái chớp mắt. Về với cát bụi rồi, thứ mang theo chỉ có Tội hoặc Phúc.
 
Cho nên nhất định phải tìm cách tích đức hành thiện mỗi ngày, đặc biệt là tránh xa những hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày như trên. Hãy là một người sống chan hòa, không hại người và giúp đỡ người khác.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X