Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Đức Phật dành tặng bạn 4 chữ vàng giúp đời thoát bể khổ, dù không tín Phật cũng nên nhớ kỹ

Thứ Sáu, 11/12/2020 13:27 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cuộc sống có lúc thăng lúc trầm là điều bình thường, có đôi khi bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác bế tắc và mệt mỏi. Những lúc như vậy, hãy nhớ đến 4 chữ vàng đức Phật tặng bạn để có thêm động lực vượt qua hết thảy những sóng gió đó nhé.
 
 
Tử Cống, một học trò của Khổng Tử hồi đó, đã hỏi Khổng Tử rằng: “Thưa thầy, có chữ nào có thể dùng làm tiêu chuẩn sống để một người cả đời làm theo không?” 
 
Khổng Tử nói với Tử Cống một chữ. Tử Cống nghe xong đã được lợi rất nhiều từ chữ đó và quả thật đã dùng nó cả đời. Chữ đó đã trở thành tiêu chuẩn làm người của bản thân ông.
 
Vậy chữ mà Khổng Tử đã nói với học trò của mình là gì?
 
Khổng Tử nói với Tử Cống chữ "thứ", nghĩa là tha thứ. Đây cũng chính là quy tắc đối nhân xử thế của Nho giáo. 
 
"Thứ" tức là đòi hỏi chúng ta phải học cách tha thứ cho người khác và không làm những gì mình không muốn người khác làm lại cho mình. 
 
Trong đạo Phật cũng có 4 chữ rất quan trọng, 4 chữ này cũng có thể dùng làm quy tắc chuẩn chỉ đối nhân xử thế của đời người.
 
Dưới đây là 4 chữ vàng đức Phật tặng bạn, giúp đời thoát bể khổ, dễ dàng lấy lại bình yên trong cuộc sống, bạn nhất định cần phải ghi nhớ.

4 chu vang duc Phat tang ban 1
 

1. KHỔ

 
Khổ nhiều vui ít là trạng thái bình thường của cuộc sống, dù là làm người hay theo học Phật pháp cũng phải hiểu rõ chữ “khổ”. Chỉ khi hiểu được cái khổ trên thế gian thì mới mong thoát khổ, tìm đến hạnh phúc
 
Sau khi Phật Thích Ca thành Phật, Ngài đã nói cho tất cả chúng sanh một sự thật, đó là tất cả chúng sanh đều đau khổ. 
 
Đức Phật nói: Sinh, lão, bệnh, tử đều là khổ; ái biệt ly (xa người thân yêu), cầu bất đắc (mong cầu không được toại nguyện), oán tăng hội (gặp và sống chung với người mình căm ghét) cũng là khổ; phiền não là khổ, vô thường đều là khổ. Cho nên chỉ khi cách xa những cái khổ đó, con người mới thoát khỏi khổ.
 
Hạnh phúc trên đời luôn rất ngắn ngủi, hễ điều gì đẹp đẽ xảy ra thì thời gian luôn trôi nhanh, nhưng khổ đau trên đời thì dài. 
 
Mục đích học Phật pháp của chúng ta thực ra là để thoát khỏi đau khổ và có được hạnh phúc. 
 
Vậy làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi bể khổ và có được hạnh phúc? 
 
Đức Phật dạy rằng: Tìm căn nguyên của nỗi khổ, diệt trừ nó đi, thì mới có thể thoát khổ, đạt được hạnh phúc.
 
Theo quan điểm của đạo Phật, mọi thứ trên đời đều có nhân quả, đau khổ cũng có nhân quả, nếu tìm được nguyên nhân của đau khổ thì có thể tránh xa khổ đau.
 
Khổ là hiện tượng của nhân sinh vô thường. Vô thường là quy luật của vũ trụ; sự tiêu trừ khổ và vô thường chính là giải thoát. 
 
Tóm lại, khổ mà đức Phật đề cập đến là cái khổ do vô minh ái dục tạo ra, nên muốn hết khổ thì phải diệt tận vô minh ái dục. 

Đừng bỏ lỡ: Phật giáo chỉ ra 7 nỗi khổ lớn của đời người, không chừa một ai
 

2. GIỚI

 
Nguyên nhân của đau khổ phát sinh từ ác nghiệp, vì chúng ta đã tạo vô số nghiệp xấu trong quá khứ, nên nhân xấu sẽ tạo thành ác quả. Đó là lý do chúng ta sẽ cảm thấy nhiều đau đớn trong thế gian.
 
"Kinh Hoa Nghiêm" nói: "Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp, giai do vô thỉ tham sân si, tùng thân ngữ ý chi sở sanh, kim đối Phật tiền cầu sám hối."
 
Câu này có nghĩa là: Tất cả những nghiệp ác đã tạo trong quá khứ đều do tham, sân, si tạo ra; hết thảy đều bắt nguồn từ ba nghiệp thân, khẩu, ý.
 
Cho nên chữ thứ 2 trong 4 chữ đức Phật tặng bạn, cũng chính là lời mà đức Phật dặn các đệ tử phải ghi nhớ trước khi Niết bàn, đồng thời cũng là phương pháp có thể giải trừ mọi khổ đau trên thế gian - chính là chữ "Giới".
 
Trong Phật giáo, giới là giới luật mà tăng, ni cũng như người tu tại gia phải tuân thủ.
 
Còn trong xã hội, giới có thể được hiểu là những quy định, luật lệ đặt ra để duy trì trật tự cần có.
 
Giới được chia làm 2 dạng: Giới tự nhiêngiới chế định.
 
Giới tự nhiên là bất cứ cái gì mà sau khi làm xong chúng ta cảm thấy cắn rứt, hối hận và không yên tâm – là đã phạm giới tự nhiên. Đó là những nguyên tắc và giá trị sống mà những người lương thiện trân quý và tôn trọng, mặc dù không có trong văn bản pháp luật. 
 
Trong khi đó, giới chế định là những luật lệ được đặt ra để duy trì đời sống có chuẩn mực cho cá nhân, tổ chức và cộng đồng, xã hội. Nếu một tổ chức mà không có điều lệ thì tổ chức đó rất lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng, và mau tan rã.

Nếu một xã hội mà không có luật pháp thì xã hội đó sẽ đi đến chỗ rất loạn, người ta sẽ giẫm đạp lên nhau mà sống, không còn tôn tri trật tự và kỷ cương nào nữa. Một cộng đồng cũng có những nguyên tắc sống và phong cách cư xử nào đó phù hợp với nhận thức chung của các thành viên trong cộng đồng đó.
 
Giới luật của Phật giáo chú trọng tu thân làm người, điều này được gọi là “ngưỡng chỉ duy Phật-đà, hoàn thành nhân cách” (ngưỡng vọng và noi theo tấm gương đức Phật để hoàn thành nhân cách), làm một con người tốt; tu thân hoàn thành mới có thể khai phá trí tuệ sáng ngời bên trong, chứng ngộ chân lý cao nhất.
 
Người bình thường nghĩ rằng giữ giới là bị trói buộc thêm. Thực ra, hễ thân rơi vào lao ngục, con người mất đi tự do, rốt cục nguyên nhân của nó đều là vi phạm giới.
 
Phật giáo chú trọng vấn đề kiềm chế bản thân, tôn trọng người khác, mọi việc làm phù hợp nhân quả thiện ác là giữ giới, phá giới vẫn có thể phát lộ sám hối, tích thiện kết duyên để hóa giải, lập công chuộc tội.

Tuy nhiên, việc phá kiến (không có quan niệm nhân quả) thì không có cách nào để chữa trị, muôn đời không phục hồi được.
 
Đức Phật dạy rằng, muốn tránh xa khổ đau thì phải giữ giới, giữ giới có thể cắt bỏ nhân ác, tăng thêm trí tuệ; giữ giới có thể làm cho con người bình tĩnh, khi đó sẽ có thời gian suy nghĩ, trí tuệ sẽ được phát huy, có trí tuệ thì có thể cắt đứt những phiền não vô minh.

Khi đó, bạn sẽ có thể tìm được cách giải thoát bản thân từ trong những phiền não đó.

4 chu vang duc Phat tang ban 2
 

3. TỊNH

 
"Tịnh" chính là chữ thứ 3 trong 4 chữ vàng đức Phật tặng bạn để có thể thoát khỏi bể khổ trần gian.
 
Kinh Duy-ma-cật chép rằng: “Dục đắc tịnh thổ, đương tịnh kỳ tâm, tuỳ kỳ tâm tịnh, tức Phật thổ tịnh”, nghĩa là: Muốn được tịnh thổ thì phải tịnh tâm mình, tâm mình tịnh rồi đó mới là tịnh thổ. Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ chẳng cầu Phật, còn kẻ ngu muội chỉ cầu Phật mà chẳng cầu tâm.
 
Học đạo Phật thực ra là để tịnh hóa tâm mình, làm cho tâm mình thanh tịnh, những rắc rối tự nhiên biến mất.
 
Trên thực tế, không phải những thứ bên ngoài làm bạn phiền lòng mà là trái tim bên trong của bạn không đủ thanh tịnh. 
 
Đó là bởi vì lòng bạn không thanh tịnh nên mới cảm cảm thấy không hài lòng, buồn khổ, giận dữ khi nhìn hoàn cảnh và sự vật bên ngoài.
 
Nếu bạn có thể thanh tịnh nội tâm của mình, để tâm trở về trạng thái thuần khiến ban đầu vốn có, bạn mới thấy được Phật tánh của chính mình. 
 
Tâm chúng ta vốn rất thanh tịnh, lại vì những thứ vô minh, tham-sân-si nhuốm bẩn, chỉ khi nào lấy lại được cái tâm trong sáng ban đầu thì mới thấy được Như Lai.
 
Vậy làm thế nào để thanh tẩy tâm hồn? 
 
Một vị thiền sư dạy rằng: “Thanh tịnh tâm hồn, cũng giống như bạn đang dâng hoa lên đức Phật, muốn hoa tươi lâu thì phải thay nước hàng ngày, khi thay nước phải cắt bỏ một phần cành hoa, bởi vì phần cành nhúng ở trong nước rất dễ thối rữa ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ nước của cả bông hoa, hoa vì thế sẽ mau héo”.
 
Ngài nói tiếp: "Nếu muốn thanh tịnh tâm của mình, đạo lý cũng giống như vậy. Môi trường sống của chúng ta giống như nước trong bình, và tâm của chúng ta như bông hoa. Chúng ta chỉ có thể không ngừng sám hối, kiểm điểm và thay đổi. Bằng cách loại bỏ những thói quen xấu, chúng ta mới có thể liên tục hấp thụ chất dinh dưỡng và liên tục thanh lọc thân tâm của mình. "
 
“Hơi thở của bạn là tiếng Phạn, nhịp tim đập của bạn là chuông và trống, thân bạn là chùa, và tai bạn là bồ đề. Khi tâm bạn trở nên thanh tịnh, mọi thứ sẽ trở nên yên tĩnh, hạnh phúc tràn trề.

4 chu vang duc Phat tang ban 3
 

4. BUÔNG

 
Người ta sống trên đời thường phiền não, khổ đau vì nhiều lý do. Nhưng tựu chung lại nguyên nhân chủ yếu gây nên mọi khổ hạnh trên đời đều nằm ở 3 điều sau:

- Quen phóng đại hạnh phúc của người khác

- Quen phóng đại nỗi khổ của bản thân mình

- Quen mang nỗi khổ của bản thân mình ra so sánh với nỗi khổ của những người khác, đem khuyết điểm của mình ra so sánh với ưu điểm của người khác.
 
Tất cả những nguyên nhân trên đều xuất phát từ sự ôm đồm của chính bản thân, hay nói cách khác là thái độ không bằng lòng với bản thân mình, cái gì cũng muốn được, muốn hơn mà không chịu "buông".
 
Cuộc sống hằng ngày luôn đặt chúng ta vào các tình huống mà sự buông xả là điều cần thiết, hoặc đôi khi là điều bắt buộc để có thể sống nhẹ nhàng hơn. 
 
Cho nên học làm cách buông bỏ một cách khéo léo, là một điều cần thiết để chúng ta có được một cuộc sống hạnh phúc.
 
Buông bỏ là điều rất cần thiết để chúng ta cởi trói những ràng buộc của thân tâm, để trả lại cho ta sự tự do đích thực. Hiểu đúng về chữ buông của đạo Phật mới tránh sống vô nghĩa.
 
Hãy nhìn sâu vào những điều kiện mà bạn luôn nghĩ là cần thiết cho hạnh phúc của mình và xét xem chúng có thực sự đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho bạn hay không? Hay chúng đang trói buộc, hủy hoại và giam hãm bạn trong ngục tối của những nỗi phiền muộn, lo âu và sợ hãi? 
 
Nhận ra được những sợi dây đang trói buộc mình rồi thì ta phải đủ can đảm để quyết tâm dứt lìa và tháo tung những xiềng xích ấy đi.
 
Có một thực tế là chúng ta thường chủ quan với những cái gai rất nhỏ ghim trong lòng mình. Đó có thể chỉ là một lời nói không “thuận tai” của một ai đó, một cái nhìn thiếu bao dung, hay những lầm lỗi vụng về cứ lặp đi lập lại nhiều lần của người thương, nhưng ta lại cứ ghim nó vào sâu trong tâm thức hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.

Và những cái gai đó luôn nhức nhối trong lòng, khiến tình cảm dễ dàng sứt mẻ, dù là ai cũng chẳng thấy vui vẻ. 
 
Bế tắc sinh ra từ chính những cái gai nhỏ mà có thể ta đã nghĩ chúng chẳng bao giờ có khả năng ràng buộc được ta. Cho nên hãy bắt đầu từ những cái gai nho nhỏ đó, đừng biến mình thành nạn nhân của những khó khăn, khổ đau ấy để rồi thân thể ta ngày một gầy guộc, mà tâm hồn thì ngày một nặng nề. 
 
Đôi khi, ta cũng phải biết buông bỏ một số điều trong cuộc sống để trả lại sự nhẹ nhõm cho thân và tâm. Có thể là buông bớt công việc, buông bớt những toan tính lắng lo, những suy nghĩ miên man hay những thành kiến của mình về người này người kia. 
 
Càng buông được bao nhiêu thì cái không gian khoáng đạt trong lòng ta càng rộng lớn thênh thang bấy nhiêu. Buông bỏ để nhìn mọi người bằng một cặp mắt mới, buông bỏ để thấy thế giới còn rất nhiều điều tốt đẹp chờ ta khám phá. 
 
Có như thế thì lòng ta mới khỏe nhẹ an vui, tâm ta mới bao la rộng mở và ta sẽ cho người kia cơ hội để chuyển hóa. 
 
Hy vọng với 4 chữ vàng đức Phật tặng bạn trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn đổi khác về cuộc đời, tìm ra được “liều thuốc” thoát khỏi khổ đau, trả lại sự thanh tịnh cho tâm hồn và sống an yên, vui vẻ.

Tin cùng chuyên mục

X