(Lichngaytot.com) Trong cuộc đời, có 6 lời nói gây quả báo nhãn tiền càng ít nói càng tốt bởi theo lời Phật dạy, đó là những lời nói gieo trồng ác nhân, tạo ra ác quả, khiến bạn hao tổn hết sạch phước đức. Nhất là lời thứ 6 trong đó. Cùng xem bạn có lỡ phạm sai điều gì không để mau chóng sửa đổi nhé.
- Phật dạy: 4 kiểu người này không cần chăm chỉ bái Phật vẫn tự kết Phật duyên, ắt được độ trì lánh xa mọi khổ não
- Đức Phật dành tặng bạn 4 chữ vàng giúp đời thoát bể khổ, dù không tín Phật cũng nên nhớ kỹ
- 3 kiểu người trên đời được Phật Bồ Tát quý nhất, luôn phổ độ chở che, hy vọng có bạn trong đó!
Trong cuộc sống hằng ngày, liệu bạn có phải là người thận trọng trong ngôn từ, hành động?
Muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, điều quan trọng nhất là không thể hành sự tùy ý, không được nói lời tùy tiện.
Có những lời nên nói, nhưng cũng có những lời tuyệt đối tránh. Bởi nói hay thì như áo gấm thêu thêm hoa, nói dở thì như tuyết lạnh thêm sương.
Con người chỉ cần hai năm để học nói, nhưng lại cần tới vài chục năm để biết cách ứng xử.
Theo lời Phật dạy, có những lời chỉ cần không nói ra sẽ giúp con người chúng ta tích thêm phúc đức, ngược lại nói ra sẽ khiến ta tạo "khẩu nghiệp", mất đi phúc đức, thậm chí có thể lập tức gây ra tai họa cho bản thân người nói.
Theo lời Phật dạy về khẩu nghiệp, lời nói gây khẩu nghiệp là một loại tội (lỗi) mà một người bình thường dễ phạm phải nhất. Chính vì thế mà người xưa mới có câu "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" hay "họa từ miệng mà ra".
Số mệnh của một người tốt hay không, xem người đó có nhiều khẩu nghiệp hay không là biết. Vì vậy, tránh vướng khẩu nghiệp đối với sinh mệnh mỗi người rất quan trọng.
Phật dạy rằng, chỉ cần bạn cố gắng tránh nói 6 lời nói gây quả báo nhãn tiền dưới đây, phúc báo cũng sẽ không bị hao tổn, cuộc sống thanh thản, an yên tu chí làm ăn.
1. Tránh "Lời nói vô căn cứ, lời dối trá"
Những lời vô căn cứ, không có thông tin xác đáng đều là lời nói xằng bậy, dối trá. Đây được coi là một trong những lời nói gây quả báo nhãn tiền, làm tổn hao phúc báo mà đức Phật khuyên chúng sinh cần tuyệt đối tránh.
Nếu lỡ phạm phải cũng phải mau chóng sửa đổi, hạn chế tiếp tục nói dối để tránh khẩu nghiệp ngày càng sâu.
Nói dối cũng là một trong 5 điều thuộc "Ngũ giới" của đạo Phật bao gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Kinh "Chánh pháp niệm xứ" có viết:
Thực vi đệ nhất thiện, vọng ngữ đệ nhất ác. Chánh pháp niệm xứ kinh |
Câu này có nghĩa là, nói lời chân thực là việc thiện hàng đầu, nói lời dối trá là việc ác hàng đầu.
Đức Phật dạy, nói dối chia làm 4 loại: nói dối, nói lời hung ác, nói lời hai chiều, nói lời thêu dệt. Đây là 4 loại nói dối khiến bản thân mỗi người tạo gây nghiệp ác. Chính những cách nói này là tội ác mà người nói khiến cho những người xung quanh bị hại hay xa lánh. Vì thế, cần phải tránh xa.
Cho dù lời nói dối đó không có ác ý mà chỉ nhằm mục đích đùa vui thì cũng gây ra nghiệp quả không tốt. Bởi những lời đó khiến chủ nhân lời nói quen với thói xấu ấy, cũng làm mọi người xung quanh không tin vào lời nói của họ nữa, kể cả khi họ nói thật. Khi đó, người này sẽ bị xếp vào hạng người lừa lọc, thiếu đạo đức.
Hay có những người vì hám danh, thích địa vị nên cứ khoe khoang. Họ nói dối để thỏa mãn lòng ham hư vinh của bản thân, khiến người khác nghĩ mình thông minh, tài giỏi, hơn người… nhưng tất cả chỉ là giả tạo. Đây là nghiệp ác tự tạo, chỉ vì sở thích hám danh đem lại.
Dù nhằm mục đích tốt hay xấu, chúng sinh phàm phu đều không thể tránh khỏi nói dối, mặc dù nói dối không hại ai hoặc nói dối đùa chơi nhưng vẫn là nói dối, vẫn là làm mất uy tín của mình. Không nói dối là một việc làm rất khó, cho nên phàm làm người ai ai cũng có nói dối, chỉ khác là nói dối ít hay nói dối nhiều, nói dối có hại hay nói dối không hại người.
Người không nói dối là người tạo cho mình một uy tín đối với mọi người, một sự kính trọng tuyệt vời, một lòng tin yêu quý và tôn trọng sâu sắc. Người như vậy chắc chắn sẽ nhận được phúc báo tốt lành, cuộc đời bình yên suôn sẻ.
Xem thêm: Nói dối giúp người hay với mục đích tốt nên hay không?
Xem thêm: Nói dối giúp người hay với mục đích tốt nên hay không?
2. Tránh "Lời nói đưa chuyện thị phi"
Người xưa thường nói: “Người thích nói chuyện thị phi, ắt cũng là một người thị phi.”
Thường xuyên bàn tán về thị phi sẽ sớm làm hao mòn phúc khí của chính mình, khiến cuộc đời ngập trong tranh đấu, chỉ nhìn thấy những điều tiêu cực mà bỏ qua những thứ tốt đẹp cuộc sống ban tặng.
Đức Phật dạy rằng, những việc ác con người làm ra đều do xuất phát từ thân - khẩu - ý của mỗi người.
Thân có ba điều là sát sinh, trộm cướp, tà dâm; ý cũng có ba điều là tham, sân, si; nhưng khẩu có bốn điều, đó chính là nói ác, nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc.
Chỉ có miệng là chiếm bốn điều ác trong mười điều ác, từ đó chúng ta đủ thấy lời nói tạo ác nhiều như thế nào. Cho nên, chúng ta tu hành, ngoài sửa thân nghiệp và ý nghiệp, còn phải đặc biệt chú ý khẩu nghiệp. Trong đó cần phải tuyệt đối tránh những lời đưa chuyện thị phi.
Thế nhưng làm người mà không nói chuyện thị phi quả là rất khó. Trong cuộc sống thường xảy ra tình huống những như thế, những người có duyên với chúng ta, họ nói ra điều gì, làm việc gì chúng ta đều cho là đúng. Còn người không có duyên với chúng ta, những điều họ nói, việc họ làm bất kể ra sao đều không hợp ý ta.
Nho giáo có dạy rằng:
Nghĩa là chớ nói lời vô ích, chớ can thiệp chuyện người.
Vô ích ngữ ngôn mạc vong thuyết. Bất can kỷ sự mạc lao tâm. Nho giáo |
Nghĩa là chớ nói lời vô ích, chớ can thiệp chuyện người.
Đúng và sai, nếu chỉ dựa vào lập trường của chúng ta thì chẳng thể phân định được. Bởi dù thế nào cũng không thể tránh được nhận định cá nhân chủ quan của ta trong đó.
Chúng ta học Phật nhất định phải học được chân thật, đúng với người và sự việc. Nếu chúng ta cố tình phân tích rõ ràng thì tất nhiên không hiểu được việc đúng sai, sinh ra bất bình, tạo thành bốn ác nghiệp lớn do miệng.
Thế gian này, lời nói thị phi còn độc hơn nọc rắn, sắc bén hơn gươm đao, tuy không làm người ta máu chảy đầu rơi nhưng tai ương hệ lụy thì kéo dài đến muôn kiếp. Vua mà nghe lời thị phi thì Trung thần phải chết; cha mẹ nghe lời thị phi thì con cái lầm than; vợ chồng nghe lời thị phi thì gia đình ly tán.
Theo lời Phật dạy về thị phi, muốn giữ được phúc đức, muốn nhận phúc báo thì phải học cách cảnh tỉnh bản thân, chớ nên theo sự tốt xấu của mình mà luận bàn hay dở.
Chúng ta cho việc đó là tốt, nhưng chưa chắc là tốt thật sự. Bởi vì, chúng ta vẫn còn phàm phu, đứng ở lập trường không giống nhau, nhân duyên tiếp xúc cũng khác nhau; cho nên, có lúc chúng ta cho là tốt, nhưng chưa chắc là tốt thật sự.
Có thể nhân duyên của chúng ta không tốt bằng người kia, rõ ràng họ nói là việc tốt, chúng ta lại cho nó thành việc xấu; như thế cũng không đúng. Chúng ta phải khởi tâm bình thường, học Phật phải cố gắng kết duyên tốt, trừ bỏ đi tâm phân biệt tốt xấu.
Vì vậy, chúng ta không nên theo tâm mình để nhận định người khác, phải luôn luôn cảnh giác bản thân. Nếu như làm được như vậy, thì không nói lời thị phi chẳng khó gì.
3. Tránh "Lời nói tiêu cực, than phiền"
Phật dạy rằng, những lời tiêu cực, oán trách thường xuyên cũng là lời nói gây quả báo nhãn tiền sẽ làm cạn kiệt phúc khí của chính mình.
Nhiều người có thói quen thích phàn nàn, than phiền về cuộc sống, về số phận và cả về người khác. Đó là những lời vô nghĩa nhất trên đời. Nói những lời như vậy sẽ chỉ làm hao mòn phúc đức, không mang lại lợi ích gì cho cuộc sống của bạn.
Thay vì phàn nàn, chúng ta nên dùng nhiều hành động hơn để thay đổi hiện trạng, nói ít lời phàn nàn hơn, làm những việc có ý nghĩa hơn và cuộc đời bạn sẽ ngày càng tốt đẹp lên.
Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, nếu lỡ có chuyện gì thì hãy tìm cách giải quyết, bởi chúng ta sẽ chẳng có đủ thời gian để phàn nàn. Giữa đất trời mênh mông vô tận, con người chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, ai sẽ lắng nghe lời phàn nàn của bạn?
Chuyện rắc rối bạn đang gặp phải cũng chẳng thể tiêu tan chỉ bằng vài lời than phiền của bạn, người đã bỏ bạn đi chẳng vì lời phàn nàn của bạn mà quay lại, hà cớ gì chúng ta lại làm những chuyện tốn công vô ích như vậy?
Thay vì than phiền, hãy nỗ lực phấn đấu. Hãy coi khó khăn là động lực và cố gắng vượt qua để đạt được thành công. Nhớ tu miệng trước khi tu thân để đời đời hưởng phúc.
Nếu tâm của bạn bớt tham sân si, bớt ganh đua, ghen ghét… thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.
Chúng ta nghĩ thế nào thì con người chúng ta như thế ấy. Bạn nghĩ bạn vô dụng, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì vì bạn chẳng thèm hành động.
Bạn nghĩ bạn thông minh, dĩ nhiên bạn sẽ thông minh vì tự bản thân sẽ biết cách tạo nên điều đó.
Bạn chỉ biết ngồi oán trách sao cuộc đời mình không may mắn như người ta, tại sao gia cảnh của mình không bằng người ta, vậy thì bạn sẽ mãi thua kém những người đó.
Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi! Do đó, cuộc sống cũng sẽ ít buồn phiền, vì lúc nào bạn cũng cố biến mọi thứ bạn gặp phải trong cuộc sống thành niềm vui riêng cho mình.
Con người sở dĩ mệt mỏi chính là bởi vì họ nghĩ quá nhiều. Thân thể mệt mỏi không đáng sợ bằng tâm hồn mệt mỏi. Sống trong đời thường, ai ai cũng không tránh khỏi việc bị phiền muộn do bản thân mình hay liên lụy từ người khác.
Tuy nhiên, có người sẽ chọn cách xem nhẹ, nhanh chóng quên đi để tận hưởng cuộc sống, nhưng có người lại chấp trước vào đó, suy nghĩ ngày này qua ngày khác khiến tâm mệt mỏi. Hãy suy nghĩ ít đi để sống thoái mái hơn.
Người sống trên đời này, than phiền một ngày chi bằng cố gắng một ngày. Chỉ có sự cố gắng và nỗ lực của bản thân mình thì mới nhìn thấy ánh sáng của bình minh ngày mới. Nhớ lời Phật dạy, chớ nên nói những điều tiêu cực than thở này, bởi suy cho cùng thì nó cũng sẽ chẳng mang lại ích lợi gì.
4. Tránh "Lời nói ác độc làm tổn thương người khác"
Cổ nhân thường nói:
Câu này mang nghĩa là: Một câu lương thiện ấm ba đông, một lời ác lạnh sáu tháng ròng.
Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn. Lời người xưa |
Câu này mang nghĩa là: Một câu lương thiện ấm ba đông, một lời ác lạnh sáu tháng ròng.
Bất cứ lời nói tùy ý nào đều đem lại những kết quả khác nhau. Lời tốt đẹp khích lệ người khác sẽ mang đến thiện lành, còn lời nói xấu làm tổn thương người lại có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Kẻ xấu tạo tin đồn làm hại người khác vẫn tự cho mình là kế hay, nhưng họ đâu biết rằng những gì chờ đợi phía trước lại là hận thù hay báo ứng.
Đức Phật đã dạy ở đời luôn có luật nhân quả, đừng bao giờ nói xấu hay làm chuyện hại người. Bạn hãm hại người khác thì sẽ có người hãm hại lại bạn. Bạn lừa dối người khác cũng có người khác lừa dối bạn. Bạn làm tổn thương người khác thì cũng có ngày phải chịu lại những điều tương tự.
Miệng người giống như đao kiếm sắc bén, có thể mang đến điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh, nhưng cũng có thể dễ làm điều ác, gây họa cho người.
Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những cảm xúc buồn bã; lời nói nhã nhặn, lời khuyên bảo đúng thời, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi, những việc làm bất thiện.
Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời, trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
Trong kinh Phật có bài học đạo lý rằng: Có người nghe Đức Phật rất từ bi, rất có đạo hạnh, nên cố ý đến mắng nhiếc Đức Phật. Nhưng khi chửi mắng, Đức Phật đều lặng thinh, chẳng đáp.
Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai?” Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta.
Đức Phật liền nói, “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ!”
Theo giáo lý nhà Phật, lời nói ra làm người khác đau khổ thì đều là một cách gieo nghiệp bất thiện. Vì thế theo luật nhân quả, họ cũng sẽ phải chịu quả báo xấu như thường.
Nếu bạn thường xuyên nói những lời ác khẩu làm tổn thương người khác, hãy cố gắng thay đổi ngay từ hôm nay, nói càng ít càng tốt, nhất là những câu cay độc, mắng nhiếc người khác.
Một khi những lời này được nói ra, chúng sẽ chỉ gieo rắc ác nhân cho chính bạn, ác nhân ắt sinh ác quả, rất có hại cho cuộc sống của bạn.
5. Tránh "Lời nói xấu người khác"
Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác và tưởng chừng là vô hại. Đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong.
Có nhiều nguyên nhân của hành động này. Chẳng hạn, khi chúng ta tức giận người khác, chúng ta thường nói xấu họ. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để kéo mọi người đứng về phía mình. Có khi chúng ta nói xấu người khác vì ganh ghét họ, muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao như người kia...
Việc nói xấu người khác khiến chúng ta thành một người thường gây ra sự bất hòa. Dần dà sẽ chẳng còn ai muốn tâm sự với chúng ta vì họ sợ chúng ta sẽ nói với người khác, thêm thắt những lời đánh giá của ta khiến cho họ bị xem là không tốt.
Chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt... thường là những suy nghĩ “độc hại”, bóp méo thế giới quan của chúng ta, khiến ta nhìn đâu cũng chỉ thấy những điều xấu xa.
Khi ta nói xấu người khác tức là chúng ta đã gây ra tác nhân để cho người khác nói xấu mình. Điều này có thể xuất hiện ngay trong đời này nếu người mà ta phê bình muốn hạ nhục mình, hoặc có thể xuất hiện trong tương lai khi mình bị người khác buộc tội một cách vô lối hoặc là bị vu oan.
Bởi vậy mà trong cuộc sống chúng ta nên hạn chế, nếu được thì không nên buôn chuyện sau lưng người khác. Buôn chuyện về người khác là mắc vào một trong những điều cấm kỵ trong nhà Phật. Đặc biệt là nói xấu người khác sau lưng, hoặc chê bai người khác đều là cách gieo nghiệp xấu cho mình.
Phật dạy rằng, nói lời ác nghiệt thì khiến người khác tổn thương, càng nói nhiều thì lại càng hại người hại mình. Nói lời vô ích thì càng nói càng lãng phí thời gian, còn nói xấu sau lưng người khác thì càng nói, chúng ta càng khiến mọi người xa lánh mình.
“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của những người khác”, đây là một trong những lời nguyện của Bồ Tát. Sống trên đời, chúng ta ai cũng có những nỗi khổ và những câu chuyện của riêng mình, thế nên tốt nhất là bạn chớ nên đánh giá người khác nếu mình chưa thực sự hiểu rõ về họ. Ngược lại, chúng ta cũng đừng quá bận tâm khi ai đó nói những lời không hay sau lưng mình.
6. Tránh "Lời nói bất kính với cha mẹ"
Người xưa đã dạy rằng: “Trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu”. Câu này khuyên bảo chúng ta phải hiếu thảo với cha mẹ, với bề trên. Là phận làm con không chăm sóc cha mẹ khi về già đã là không tròn bổn phận, là bất hiếu và trời đất sẽ không dung tha.
Đức Phật có dạy: "Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần, sữa mẹ mà chúng ta đã uống còn nhiều hơn nước trong bốn biển”, rồi công ơn dưỡng dục của cha, đời này kiếp nay làm sao trả hết. Bởi thế, Phật dạy phương pháp cúng dường cao quý nhất, vốn không phải bạc vàng chất núi, mà chính là cúng dường cha mẹ.
Và tự ngàn xưa thì chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội, trong gia đình thì chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người.
Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an.
Đức Phật cũng đưa ra tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải hội đủ cả hai mặt “sự” và “lý”.
Sự là hình thức báo đáp bên ngoài, là lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng.
Lý là chăm lo đời sống tâm linh cho cha mẹ - hướng cha mẹ phát khởi thiện tâm, gieo tạo phước lành, tu theo chánh đạo; là làm sao cho cha mẹ hiểu rõ đường lành, tin sâu nhân quả, thoát ngoài vòng mê tín, ra khỏi luân hồi nghiệp báo, đạt được an lạc giải thoát trong hiện tại và tương lai.
Với những người ngược đãi cha mẹ, nói lời bất kính với đấng sinh thành sẽ chịu quả báo. Dù phúc báo có gây dựng bao nhiêu cũng mất hết, kiếp này không chịu hết thì sang đến tận kiếp sau.
Trong kinh “Nhẫn nhục”, Đức Phật dạy:
Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều ác cùng cực chẳng gì bằng bất hiếu. Lời Phật dạy |
Còn trong kinh “Báo hiếu phụ mẫu trọng ân,” Đức Phật cho biết quả báo của tội bất hiếu như sau: “Người con bất hiếu với cha mẹ là người thấp kém về nhân phẩm, bị người đời khinh rẻ và bị pháp luật trừng trị, về sau không đủ tư cách làm cha mẹ và sẽ bị con cái bất hiếu trở lại. Chẳng những thế, sau khi chết đi người con bất hiếu còn bị đọa địa ngục hoặc sinh làm loài súc sinh chịu muôn vàn khổ sở”.
Nếu thường nói lời bất kính hay làm trái ý cha mẹ thì phải cẩn thận, bởi sẽ làm tổn hại đến vận may của mình nhiều nhất. Theo quan điểm Phật giáo thì cha mẹ là phước báo lớn nhất, nhân ác lớn nhất sẽ cũng mang lại quả ác nặng nề nhất, nên cố gắng đừng nói những điều bất kính với cha mẹ.
Lời kết:
Người xưa có câu: “Học ăn học nói, học gói học mở”, mỗi người chúng ta phải biết cách để kiểm soát lời nói của mình. Trước khi phát ngôn bất cứ điều gì, đều cần phải suy nghĩ thật kỹ, thận trọng cân nhắc điều gì nên nói, điều gì không.
Những câu nói không suy nghĩ có những lúc sẽ gây tác dụng ngược ngoài sức tưởng tượng, phá hỏng các mối quan hệ và làm tổn thương người khác, thậm chí rước họa vào thân.
Ở đời luôn có luật Nhân - Quả, đừng nói lời ác khẩu hay làm chuyện hại người, chính bạn chứ không phải ai khác sẽ phải gánh nghiệp của mình. Hãy để cuộc chuyện trò trở nên có ý nghĩa và chất lượng, bớt những lời nói xấu xa, tiêu cực chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống của bạn.