Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Tết Đoan Ngọ ăn gì để giết sâu bọ, bảo vệ sức khỏe mọi người?

Thứ Tư, 09/06/2021 13:56 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ai cũng biết ngày mùng 5/5 âm lịch là Tết Đoan Ngọ hay tết diệt sâu bọ, nhưng Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ mới là chuẩn nhất thì không phải ai cũng nắm rõ. Đừng bỏ lỡ những món ăn tết diệt sâu bọ dưới đây để vừa đảm bảo sức khỏe, vừa hút may mắn và tài lộc nhé.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Vì sao có tết diệt sâu bọ?

 
Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ?
 
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là “Tết diệt sâu bọ” - ngày Tết truyền thống của người Việt diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch
 
Dịp Đoan Ngọ là lúc tiết trời nóng bức nhất. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương tổ tiên cầu tai qua nạn khỏi, may mắn và được mùa.

Với đa phần người Việt Nam, đây là ngày Tết quan trọng thứ 2 trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán, là dịp gia đình sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn liền với đời sống của người dân.
 

2. Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ?

 
Vậy Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ? Trên thực tế, mỗi vùng miền, địa phương lại có những phong tục, tập quán và những món ăn khác nhau trong dịp tết này. Dưới đây là một số món ăn phổ biến nhất vào dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 để bạn tham khảo.
 

- Cơm rượu nếp Tết Đoan Ngọ

 
Cơm rượu nếp dịp Tết diệt sâu bọ
 
Rượu nếp là một trong những món ăn Tết diệt sâu bọ đầu tiên phải kể đến.
 
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người dân trên cả nước ai nấy đều ăn món cơm rượu nếp. Vì theo quan niệm của người Việt Nam, cơm nếp hòa cùng men rượu cay sẽ có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể.
 
Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5/5 âm lịch, các loại ký sinh này thường “ngoi” lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
 
Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Món này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". 
 
Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại cơm rượu này.
 
Bạn có biết cơm rượu nếp ở 3 miền lại có sự khác biệt không? Cụ thể, nếu cơm rượu của miền Bắc hạt rời thì cơm rượu miền Trung lại được ép thành từng khối. Trong khi đó, đặc biệt hơn, cơm rượu miền Nam được vo thành viên tròn.
 

- Bánh gio

 
Bánh gio, bánh ú
 
Bánh gio (hay bánh tro, bánh ú gio, bánh âm, bánh nẳng...) là món ăn truyền thống cũng không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Tùy theo đặc trưng mỗi vùng miền mà mỗi nơi sẽ có một cách gọi khác nhau.
 
Bánh tro được xem như là món ăn hội tụ tinh hoa của đất trời bởi khâu lựa chọn nguyên liệu và quy trình chế biến rất tỉ mỉ. Chiếc bánh nho nhỏ nhìn đơn giản vậy nhưng được làm rất kỳ công, tỉ mỉ từ khâu chọn nếp đều hạt, thơm đến khâu gạn nước gio, gói, luộc rồi cuối cùng mới đến tay người thưởng thức.
 
Gạo được lựa chọn phải là những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất, đều hạt. Nước gio để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng) được pha chế từ gio than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, sau đó sẽ pha thêm một chút nước vôi trong. 
 
Sau khi hạt gạo được ngâm kĩ đã ngả sang màu vàng nghệ sẽ được gói trong lá dong, lá chuối rồi đem luộc. Theo ông bà xưa, gạo luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ, có tác dụng tiêu tan bệnh trong người, đồng thời giải nhiệt trong tiết trời oi bức tháng 5 âm lịch.
 
Bánh gio tùy theo mỗi vùng mà có một kiểu gói khác nhau, có khi bạn thấy bánh gio có hình thuôn dài, cũng có khi bánh được gói hình tam giác như bánh ú. Bánh có màu vàng nhạt hay đậm tùy vào loại nước gio mà người làm bánh sử dụng. Bánh gio thường có nhân mặn, ngọt hoặc có loại không nhân, có thể cứ vậy mà ăn hoặc ăn kèm với đường, mật. 
 

- Hoa quả theo mùa

 
Hoa quả diệt sâu bọ
 
Các loại hoa quả theo mùa là món ăn tiếp theo không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ. Người xưa cho rằng, sau khi sâu bọ bị “chuốc say” bởi rượu nếp, nếu ăn những loại quả này sẽ khiến chúng bị tiêu diệt nhanh hơn. 
 
Vào ngày mùng 5/5 âm, các loại hoa quả được chọn để diệt sâu bọ chủ yếu là các loại quả mùa hè có vị chua chua, thơm như mận, xoài, vải, dưa hấu,…
 
Việc ăn trái cây đầu mùa, không chỉ với mong muốn tiêu trừ mầm bệnh mà phần nào còn thể hiện được mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
 

- Thịt vịt

 
Ăn thịt vịt trong dịp Tết diệt sâu bọ
 
Với người dân ở một số vùng miền như miền Trung, miền Nam, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong dịp Đoan Ngọ diệt sâu bọ. Kể cả khi người dân có quan niệm kiêng ăn thịt vịt vào đầu tháng vì sợ đen đủi thì vào ngày 5/5 âm lịch, vẫn có nhiều người ăn thịt vịt.
 
Bởi theo quan niệm dân gian, ngày 5/5 là ngày có dương khí mạnh nên ăn thịt vịt có tính hàn sẽ giúp giải nóng, làm mát cơ thể.
 
Ngoài ra, còn có một lý do khác đó là vào tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa nên béo, thịt thơm hơn và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
 

- Chè trôi nước

 
Chè trôi nước
 
Người miền Bắc thường có tục lệ ăn bánh trôi vào Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) nhưng người miền Nam lại ăn chè trôi nước vào dịp 5/5 - Tết Đoan Ngọ. 
 
Theo quan niệm dân gian, những món ăn làm từ nếp đều có tác dụng diệt sâu bọ đường ruột, chè trôi nước được làm từ gạo nếp nên món ăn này cũng không phải ngoại lệ.
 
Những viên chè được làm từ bột nếp vo tròn bọc bên trong nhân đậu xanh thơm bùi. Chè trôi nước có vị béo của đậu xanh, vị ngọt của đường và nước cốt dừa. Khi ăn cho thêm chút gừng và mè vào thưởng thức sẽ rất ngon.
 

- Chè kê 

 
Chè kê diệt sâu bọ của người dân Huế
 
Chè kê là món ăn đặc trưng ngày Tết Đoan Ngọ của những người con xứ Huế.
 
Dịp Tết Đoan Ngọ cũng là lúc kê vào mùa, vì vậy mà người Huế thường nấu chè kê để dâng lên ông bà, tổ tiên. 
 
Chè kê được làm từ hạt kê xay tróc vỏ rồi ngâm. Sau khi ngâm, người ta đun hạt kê cho đến khi nở mềm thành dạng sệt. Cuối cùng cho thêm ít đường và nước gừng. 
 
Chè kê rất thơm và có màu vàng đặc trưng. Ngày nay, có nhiều phiên bản chè kê làm cho món ăn này trở nên phong phú hơn như chè kê đậu xanh, chè kê khoai lang…
 

3. Tết Đoan Ngọ làm gì để diệt sâu bọ?

 
Bên cạnh việc ăn các món ăn Tết diệt sâu bọ truyền thống, bạn cũng có thể thực hiện một vài việc sau đây để có thể tiêu diệt lũ sâu bọ, tăng cường vận may cho bản thân vào ngày 5/5 âm lịch nhé.
 

- Tiến hành cúng lễ gia tiên: 

 
Cúng gia tiên là việc làm quan trọng, không thể nào thiếu vào mỗi dịp lễ Tết của người Việt Nam, dịp Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ. 
 
Mâm cúng gia tiên được chuẩn bị tùy theo điều kiện, phong tục của từng gia đình, địa phương, cũng không nên quá bày vẽ nhưng cần có các món ăn đặc trưng dịp này như đã kể bên trên để thể hiện sự thành kính với các bậc bề trên. 

Cúng tết Đoan Ngọ
 

- Tắm sớm: 

 
Quan niệm dân gian cho rằng, vào ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5, bạn cần dậy sớm trước khi mặt trời mọc rồi tắm rửa sạch sẽ thì rôm sảy trên người sẽ được tiêu trừ hết.
 

- Ăn các món ăn truyền thống khác: 

 
Sau khi tắm rửa sạch sẽ, bạn nên ăn một chút cơm rượu nếp để "chuốc say" lũ sâu bọ trong cơ thể, sau đó bạn có thể thưởng thức những món ăn khác đã được nêu ở phần bên trên của bài viết.
 

- Bôi vôi cho trẻ em: 

 
Trước đây, một số địa phương thường có tục lệ bôi vôi ăn trầu vào rốn, trán, thóp của trẻ em với ý nghĩa trừ tà ma, tiêu diệt bệnh tật.
 

- Bắc chảo rang trên bếp: 

 
Nhiều gia đình vùng nông thôn Bắc Bộ, Trung Bộ có tập tục sẽ bắc một chiếc chảo trên bếp rồi vừa lấy đũa đảo vừa đọc "rang muối, rang kiến". Đây là việc làm thể hiện mong muốn loại bỏ các loại côn trùng, sâu bệnh trong nhà để chúng không phá hoại của cải, đồ đạc trong nhà.
 

- Hái lá thuốc: 

 
Trước đây, người Việt thường hái lá thuốc vào giờ Ngọ. Đây là thời điểm dương khí tốt nhất trong năm và người Việt xưa tin rằng lá thuốc được hái vào giờ này sẽ có công hiệu tốt nhất.
 
Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
 
Nơi phố phường, thị thành, không nhiều vườn tược, cỏ cây, người dân có lệ đi mua lá thuốc mồng 5. 
 
Những dịp Tết Đoan ngọ, người buôn bán từ quê thường mang ra theo đủ thứ loại lá bày bán. Lá được xắt nhỏ, phân từng loại riêng biệt, người đi chợ chọn lấy những lá có mùi vị ưa thích mua về, đúng ngọ ngày mồng 5, lại đem ra phơi khô rồi bọc lại để trong tủ thuốc gia đình, dùng khi nhà có người ốm đau.
 

Tin cùng chuyên mục

X