Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Tết Đoan Ngọ là gì, rơi vào ngày nào, có phải tết "Diệt sâu bọ", cúng gì vừa tốt vừa thiêng?

Thứ Sáu, 11/06/2021 15:06 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đoan Ngọ được coi là một trong những dịp lễ tết lớn của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Tết Đoan Ngọ là gì, rơi vào ngày nào, có cần thắp hương không, cúng gì cho linh thiêng...?
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Tết Đoan Ngọ là gì?
 

1. Khái niệm về Tết Đoan Ngọ 

 


- Tết Đoan Ngọ là gì?


Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ quan trọng trong tập tục truyền thống của người Việt. Nó có nội hàm văn hóa phong phú gắn liền với kinh nghiệm của nhân dân lao động về sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên, đất trời, thời tiết… có tác động đến sức khỏe, vận khí con người cũng như hoạt động sản xuất mùa vụ trong năm. Không chỉ ở Việt Nam, mà một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng có nghi lễ này.


- Tết Đoan Ngọ là ngày nào trong năm?


Tết Đoan Ngọ chính là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.


2. Tết Đoan Ngọ có phải là Tết "Diệt sâu bọ" không?


Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương hay Tết Diệt sâu bọ (Giết sâu bọ/ Chiết sâu bọ)... Theo quan niệm người Việt, Đoan Ngọ cũng là ngày phát động bắt sâu bọ, loại trừ bớt các loại sâu gây hại cho cây trồng. 

Theo đó, có thể khẳng định rằng, Tết Đoan Ngọ cũng chính là Tết Diệt sâu bọ, hay ngày giết sâu bọ.
 

3. Ý nghĩa và nguồn gốc Tết Đoan Ngọ

 

- Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ là gì?


Có khá nhiều quan niệm và ý kiến khác nhau về ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam. Tuy nhiên, tựu chung lại, ngày tết này mang 3 ý nghĩa chính như sau:

+ Đánh dấu mốc diệt sâu bọ, cầu mong mùa màng bội thu.

+ Dịp để thờ cúng ông bà tổ tiên, tưởng nhớ công ơn người đi trước.

+ Tết sum vầy, gia đình quây quầy đoàn viên bên nhau ăn những món ăn đặc trưng của ngày tết này, vừa tốt cho sức khỏe lại giúp trừ xui khí.
 

- Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ


Đến nay, vẫn còn khá nhiều tranh cãi về ý nghĩa và nguồn gốc Tết Đoan Ngọ. Có người cho rằng, đó là kết quả bởi sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, nhưng cũng có người cho rằng ngày lễ này bắt nguồn từ đạo Phật...

Trung Quốc với truyền thuyết Khuất Nguyên:
 
Khuất Nguyên, họ Tam Lư làm chức Tả Đồ nước Sở dưới Triều vau Hoài Vương, là vị trung thần có tài và liêm chính. Bạn đầu ông rất được vu Hoài Vương yêu mến nhưng vì nịnh thần xúi giục nên mỗi khi ông bàn về quốc sự đều bị vua bài bác. Về sau ông bị nhà vua truất bỏ. Để tự tả nỗi oán than ông viết bài thơ “Ly Tao”.
 
Khi vua Sở Hoài Vương sang Tần, ông hết lời can ngăn nhưng Hoài Vương không nghe, rồi bị chết ở đất Tần. Vua Tương Vương kế nghiệp vua Hoài Vương không những không chịu nghe lời ông lại còn bắt ông đi đày.
 
Ông làm bài thơ “Hoài Sa” và uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch.
 
Được tin đó là vua rất hối hận và thương tiếc, làm cỗ ra tận bờ tận bờ sông cúng ông và ném cỗ xuống sông nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết. Nhờ báo mộng nên nhà vua biết được rằng khi ném cỗ xuống phải lấy lá bọc lại, buộc bằng chỉ ngũ sắc, cá tôm sẽ không ăn được. Theo lời báo mộng, vua ra lệnh cho nhân dân làm theo.
 
Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, rồi lấy lá bọc lại, buộc ngũ sắc ném xuống dòng nước để cúng ông Khuất Nguyên.
 
Riêng tại sông Mịch La, người nước Sở mở hội rất vui, ngoài việc cúng lễ Khuất Nguyên còn tổ chức các cuộc đua thuyền, tượng trưng cho ý muốn vớt thây Khuất Nguyên.
 
Việt Nam với truyền thuyết ông lão Đôi Truân:
 
Một trong những truyền thuyết kể rằng, đầu tháng 5 là kết thúc vụ lúa Chiêm, bước vào đầu vụ Mùa. Thời điểm này, sâu bọ phát triển nhiều.
 
Người dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
 
Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động thể dục.
 
Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ đàn lũ té ngã rồi đi mất. Lão ông nói: 'Sâu bọ vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng'. Dân làng biết ơn, định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất.
 
Để tưởng nhớ sự việc, dân chúng đặt cho ngày này là ‘Tết diệt sâu bọ’, có người gọi là tết Đoan ngọ, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
 
Tết Đoan Ngọ với nguồn gốc Phật giáo
 
Có quan điểm cho rằng, Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ Phật Giáo

Theo Phật giáo, tiết Đoan Ngọ là thời điểm ác quý quấy phá hung hăng nhất trong năm. Tuệ Nhật thiền sư trích lời trong “Đại Tuệ Phổ Giác thiền viện” rằng: từ thời Nam Tống, ngày 5/5 âm lịch là ngày đại quỷ vỗ tay tiểu quỷ, bỗng nhiên đụng phải bùa đào thần, cả hai cùng kêu khổ. Bởi vậy, Tết Đoan Ngọ nguyên thủy được tổ chức là vì mục đích trừ tà trấn quỷ và có xuất phát từ Phật giáo. 
 
Ngày này, chùa miếu đều thắp hương kính quỷ để cầu mong vô sự. Thần Chung Quỳ có nhiệm vụ xua ma đuổi quỷ, trừ tà, bảo hộ bình an được thờ trong điện. Cùng với đó, các chùa thường sử dụng bùa chú làm bằng gỗ đào 
 
Đi cùng với trấn áp ma quỷ là nghi lễ cầu phúc. Trong tết Đoan Ngọ, hai nghi lễ tôn giáo chính là tế quỷ và trừ quỷ. Tết Đoan Ngọ là thời điểm mà trăm quỷ, vạn bệnh sinh sôi nên nhất thiết phải làm lễ tế quỷ. Dân gian thường hiến tế gia súc để quỷ đói khát nhận mà không quấy phá. Còn Phật giáo tế lễ bằng cháo và đồ chay để yên lòng quỷ đói, đồng thời đọc kinh để an ủi chúng quỷ, hướng chúng tới hóa độ. 
 
Sau này, văn hóa có sự giao thoa và cải biến, tích hợp với văn hóa dân gian nên ngày Tết Đoan Ngọ còn là ngày lên rừng hái thuốc, với mong muốn bách bệnh tiêu tan, thân thể khỏe mạnh. Về tới Việt Nam, Tết Đoan Ngọ trở thành “ngày giết sâu bọ”, diệt trừ sâu hại và mầm bệnh trong người.
 

4. Mâm lễ Tết Đoan Ngọ gồm những gì?

 
"Tết Đoan Ngọ cúng gì" là thắc mắc phổ biến của nhiều người vào mỗi dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nhìn chung, đồ sắm lễ có thể khác nhau tùy từng vùng miền, nhưng cơ bản gồm những đồ lễ sau:

- Hoa tươi
- Trái cây tươi theo mùa
- Hương nhang
- Vàng mã 
- Nước, rượu
- Rượu nếp
- Bánh tro, bánh ú
- Xôi
- Chè 
 
Để biết chi tiết hơn về mâm cúng Tết Đoan Ngọ, bạn xem ngay tại đây:
Mâm lễ Tết Đoan Ngọ gồm những gì theo chuẩn phong tục truyền thống?
Mâm cỗ cúng Tết đoan ngọ rất quan trọng trong dịp này nhưng với các công đoạn chuẩn bị cầu kỳ khiến nhiều bà nội trợ xem rằng đây là gánh nặng chứ không còn là
 
Mâm lễ tết đoan ngọ gồm những gì?
 

5. Cúng Tết Đoan Ngọ ngày giờ nào tốt?


Trong từ "Đoan Ngọ", Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h. Vì thế, Tết Đoan Ngọ thường được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch. 
 
Ngoài khung giờ này, người ta cũng thường tiến hành nghi lễ cúng Đoan Ngọ vào buổi sáng sớm cho tới khung giờ Ngọ (từ 11h-13h). Sau giờ này thì không nên hành lễ nữa, dễ mất sự linh thiêng.

Để biết chi tiết về ngày giờ tốt, buổi nào tốt trong ngày, xem tại bài viết này:
Cúng Tết Đoan Ngọ giờ nào tốt, buổi nào hợp nhất trong ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch?
Vào này mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, các gia đình đều thành tâm chuẩn bị mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc nên cúng vào giờ nào,

6. Văn khấn Tết Đoan Ngọ


Dưới đây, Lịch Ngày Tốt giới thiệu bài cúng, bài văn khấn Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch đúng chuẩn văn khấn cổ truyền.
 
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)
 
Tín chủ chúng con là:…………
 
Ngụ tại:………………………….
 
Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.
 
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
 
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ....................., cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
 
Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.
 
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
 
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
 

7. Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ?


Tùy từng địa phương khác nhau mà có những món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Thông thường gồm những món cơ bản sau:

- Rượu nếp Tết Đoan Ngọ
- Bánh gio (bánh tro, bánh ú)
- Hoa quả theo mùa: Vải, mận, xoài, dưa hấu...
- Chè trôi nước
- Thịt vịt
- Chè kê
- Bánh khúc...

Muốn biết chi tiết Tết Đoan Ngọ ăn gì, vì sao nên ăn các món đó, bạn xem ngay bài viết này:
Tết Đoan Ngọ ăn gì để giết sâu bọ, bảo vệ sức khỏe mọi người?
Ai cũng biết ngày mùng 5/5 âm lịch là Tết Đoan Ngọ hay tết diệt sâu bọ, nhưng Tết Đoan Ngọ ăn gì để diệt sâu bọ mới là chuẩn nhất thì không phải ai cũng nắm

Cách diệt sâu bọ, xua tan bệnh tật dịp Đoan Ngọ


Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.
 
Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng.
 
Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.
 

8. Tập tục trong dịp Tết Đoan Ngọ


Ngoài việc cúng lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ, xưa và cả nay ở một vài địa phương, người Việt ta có nhiều tục lệ vẫn được duy trì như:
 
Tục giết sâu bọ
Tục nhuộm móng chân móng tay
Tục đeo bùa tui bùa túi
Tục tắm nước lá mùi
Tục hái thuốc vào giờ Ngọ
Tục treo ngải cứu để trừ tà
Tục đi siêu.
Tục khảo cây lấy quả

Tục khảo cây lấy quả dịp tết đoan ngọ
 
Nếu nhà có trồng cây ăn quả đã lớn mà mãi chưa ra quả, hoặc có ra quả nhưng rất ít, hay ra nhiều hoa nhưng không đậu quả, hay rụng lúc quả còn non, gia chủ sẽ tiến hành tục Khảo cây lấy quả vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.
 
Chủ nhà sẽ chuẩn bị sẵn 1 cái vồ gỗ, chày hay dao to mang ra vườn, đúng 12h trưa, tức Chính Ngọ thì ra khảo cây. Việc này thường có sự tham gia của 2 người, 1 đứa trẻ đóng vai cái cây và 1 người lớn là chủ nhà sẽ đóng vai người tra khảo.
 
Lời vấn đáp khi khảo cây cũng rất đa dạng, có nơi có hẳn bài vè để khảo cây, có nơi lại chỉ diễn nôm mà thôi. 
 
Nếu diễn theo bài vè thì sau khi chú bé đóng vai cái cây trèo lên cây cần khảo, chủ nhà ở dưới sẽ lấy cái vồ hay dao, chày gõ vào cây và nói “Dâu dả dâu da, ra quả cho bà, không thì bà đánh”.
 
Tên cây có thể tùy ý thay đổi cho phù hợp với tình cảnh.
 
Sau khi nghe chủ nhà “khảo”, chú bé trên cây sẽ vờ hốt hoảng mà nói, giọng sợ hãi: “Xin bà nhẹ tay, năm nảy năm nay, con xin ra quả.” Đơn giản vậy thôi là xong việc Khảo cây lấy quả, 2 người vào nhà dùng cơm, cũng đúng lúc mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ vừa dọn xuống.
 
Với cách diễn nôm, tục Khảo cây lấy quả diễn ra dài dòng hơn, chi tiết hơn. Song cũng tương tự như cách trên, vẫn cần có 2 người và tiến hành vào đúng giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5. Chủ nhà ra vườn dùng sống dao hay cái chày gõ mạnh vào gốc cây 3 lần rồi đánh tiếng: “Cây này”. Khi ấy đứa bé đóng vai cái cây đã nấp sẵn trên cây sẽ lên tiếng: “Dạ…dạ…dạ!”
 
Chủ nhà hắng giọng hỏi tiếp: “Sao cây lớn rồi mà không chịu ra quả?” (hoặc “Sao cây đang sai quả mà giờ lại ra ít, ra nhiều hoa mà không đậu quả, đậu nhiều quả mà hay rụng…”) Đứa trẻ run giọng đáp: “Dạ con biết tội rồi ạ! Con biết tội rồi ạ! Con biết tội rồi ạ!” Riêng ở đoạn này, đứa trẻ đóng vai cái cây phải nhớ mà nói đúng 3 lần.
 
Chủ nhà lại quát lớn: “Biết tội chưa?” Đứa trẻ vờ sợ hãi: “Con biết tội rồi ạ!” Chủ nhà quát lớn hơn: “Đã biết tội thì sang năm phải ra nhiều quả, quả to, ngon, đẹp, nghe chưa?” Đứa trẻ nhanh nhảu đáp: “Xin vâng ạ.”  Chủ nhà lại khảo: “Thế ra bao nhiêu quả?” Tùy theo loại cây mà đứa trẻ sẽ có câu trả lời tương ứng, hay đơn giản hơn là “Ra nhiều quả ạ.”
 
Cuối cùng, chủ nhà vờ dọa nạt: “Thế không ra quả hay quả bị rụng, sâu thối thì ta chặt bỏ nghe chưa?” Đứa trẻ trong vai cái cây lại trả lời: “Dạ xin vâng ạ! Xin vâng ạ! Xin vâng ạ!” (phải nói đúng 3 lần). Ấy là thủ tục đã tạm xong, đứa trẻ xuống khỏi cái cây, còn chủ nhà khi đó sẽ lại trèo lên cây, róc bỏ tượng trưng những cành nhánh phụ, cây khô gãy hay bị sâu… như 1 lời răn đe với cái cây. 
 
Đây là 2 cách khảo phổ biến nhất, còn tục Khảo cây lấy quả sẽ tùy theo vùng miền mà có sự thay đổi tùy biến. Có nơi khảo cây bằng vồ gỗ, có nơi lại dùng dao rựa, chày hay cây roi, gậy gộc…
 
Song điểm chung giữa các cách khảo cây đó là tục này sẽ được tiến hành vào đúng giờ Chính Ngọ, tức 12h trưa ngày mùng 5 tháng 5. Người đóng vai cái cây thường là trẻ con trong nhà, cây bị khảo là những cây không sai quả, hay bị sâu bệnh, cho sản lượng không cao. 


9. Kiêng kỵ trong ngày Tết Đoan Ngọ


Dưới đây là những điều kiêng kỵ Tết Đoan Ngọ mà ai cũng nên tham khảo, bởi "có kiêng có lành":

- Kiêng để rơi hay mất tiền

 
Vào ngày này, các bạn nên thận trọng khi làm những giao dịch tiền bạc hay khi xuất hành, tránh để tiền bạc hư hao. Làm rơi hay mất tiền vào ngày này là đại kị, bởi điều này không khác gì việc bạn để tài lộc của mình rơi mất, vận trình tài lộc cũng theo đó mà càng ngày càng sa sút, dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu. 
 

- Kiêng ở lâu nơi âm u, nhiều tà khí
 

Bị ảnh hưởng bởi tà khí từ ngũ độc trong tháng Cửu độc nên tháng 5 âm có nhiều điều phải kiêng kị, ngày Tết Đoan Ngọ cũng vậy.
 
Tuy nhiên, người ta đặc biệt lưu ý rằng không nên đi đến những nơi âm u, hoang vắng, nhiều tà khí và lưu lại đó quá lâu trong ngày 5 tháng 5 âm lịch. Âm khí quá nặng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, âm dương giao thái gây ra trường khí hỗn loạn, dễ dẫn đến ốm đau, bệnh tật.
 

- Kiêng để giày dép lộn xộn

 
Trong tiếng Hán, “giày dép” đồng âm với “tà”, vì thế người ta cho rằng nếu để giày dép lộn xộn, không đúng chỗ sẽ khiến tà khí phân tán, xâm nhập vào nơi ở của chúng ta. 
 
Theo đó, khi đi về nhà, bạn nên tháo giày dép và để mũi giày hướng ra ngoài, để tà khí thuận đường tiêu tan. Còn không để ý mà để giày dép hướng vào trong nhà thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc dẫn dụ tà khí vào nhà.
 

- Kiêng soi gương sau 12h đêm

 
12h đêm là thời điểm âm khí cực vượng, mà gương lại thuộc tính âm, dễ chiêu âm khí, còn được coi là cửa ngõ giao giữa 2 giới âm – dương.
 
Chính vì thế, sau 12h đêm, tốt nhất không nên soi gương hay đứng trước gương chụp ảnh, bởi không chỉ sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng mà có thể bạn sẽ bị dọa bởi những hiện tượng tâm linh kì bí nữa đó.
 

- Kiêng mua đồ lưu niệm trong ngày tết Đoan Ngọ

 
Vạn vật trên đời đều có linh khí, song không phải trường khí nào cũng tốt cho con người. Đồ lưu niệm là thứ chúng ta mua khi đến 1 vùng đất mới, thường có phong tục tập quán ít nhiều khác với nơi ta đang sinh sống.

Nếu không hiểu rõ ý nghĩa của nó thì tốt nhất trong ngày tết Đoan Ngọ, bạn không nên mua đồ lưu niệm về làm quà, dùng sai hay không đúng mục đích có thể sẽ mang tới những hậu quả khôn lường, hại mình hại người.
 
Kiêng mua đồ lưu niệm dịp tết đoan ngọ
 

10. Việc nên làm trong dịp Tết Đoan Ngọ


Dưới đây là 10 việc nên làm trong dịp Tết Đoan Ngọ để dễ dàng tích vận phúc, đón thêm nhiều may mắn cho mình và gia đình.

- Treo cành xương rồng trên cửa

 
Đoan Ngọ là thời gian dương khí vượng nhất, muốn cho nhà mình đón được nhiều vượng khí nhất thì bạn có thể treo một nắm cây ngải cứu hoặc một cành xương rồng trên cửa, 2 loại cây này sẽ có tác dụng trừ tà, loại bỏ mọi tà khí. Còn biện pháp tối ưu nhất là bạn sửa sang, quét dọn nhà cửa sạch sẽ một chút.
 

- Mang theo một nắm hương (nhang) bên mình

 
Mang theo một chút hương trầm theo người cũng là một trong những việc nên làm dịp Tết Đoan Ngọ. Những nguyên liệu để làm ra hương sẽ là vật hộ thân an toàn, vừa có tác dụng phòng bệnh, vừa có tác dụng trừ tà.
 

- Tắm bằng thảo mộc

 
Trong ngày Tết Đoan Ngọ bạn cũng có thể sử dụng nhưng cây cỏ thiên nhiên nấu lên làm nước tắm vừa để xua đi tà khí vừa làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn, tinh thần sảng khoái. Các loại cây có thể dùng để đun nước tắm như cỏ mần trầu, bông mã đề, lá mùi già, hương nhu…
 

- Phóng sinh

 
Đoan Ngọ cũng là thời điểm thích hợp để bạn làm việc thiện như phóng sinh. Điều này có thể là vì chính bản thân mình hoặc cho người nhà, tu nhân tích đức, quảng kết thiện duyên, phóng sinh là phương pháp loại bỏ ưu buồn, đau khổ hiệu quả nhất.
 

- Bỏ đi đồ vật của người đã khuất

 
Tiết Đoan Ngọ là ngày dương khí bay lên, âm khí hạ thấp, nếu trong nhà có đồ vật của người đã khuất còn lưu lại mà không dùng đến hoặc không có ý nghĩa thì nên nhân dịp này vứt bỏ hoặc hỏa táng. Việc làm này đại diện cho khứ âm khai dương, tiễn đưa âm khí ra khỏi nhà, có tác dụng trợ vượng vận.
 

- Quét dọn phòng vệ sinh, bỏ đi đồ khô héo

 
Phòng vệ sinh cần quét dọn sạch sẽ. Phòng vệ sinh mà dơ bẩn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, như vậy cần quét dọn sạch sẽ, chẳng những làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn có thể đánh bay vận xui.
 
Ngoài ra, cần nhanh chóng thu dọn cây cỏ khô héo, cá cảnh đã chết trong nhà để gia tăng sinh khí, trừ bỏ âm khí. 
 

- Không đến những nơi có nhiều âm khí

 
Trong ngày Tết Đoan Ngọ, tốt nhất là bạn không nên tới những nơi có nhiều âm khí như bệnh viện, nghĩa trang, ao hồ, nơi tối tăm, vắng vẻ để tránh bị âm khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần.
 

- Nên phơi nắng vào sáng sớm

 
Tết Đoan Ngọ dương khí vượng nên những người thường có cảm giác vận thế kém hoặc thời vận không ưng ý hãy đi phơi nắng vào sáng sớm, từ 7 đến 9 giờ, để gia tăng dương khí, sinh khí, tự mình bồi dưỡng thêm năng lượng mới mẻ, mạnh mẽ.
 

- Nên đi bơi hoặc tới bờ biển

 
Trong tiết Đoan Ngọ, ngoài việc ăn đồ nếp còn có thể cùng cả nhà đi bể bơi hay tới bờ biển, người ta gọi là tục “hí thủy”. Ý nghĩ của tục này là dùng Thủy Hỏa tương khắc để khai vận, kích thích vận trình.
 

- Lưu ý theo mệnh lý học

 
Người mệnh Hỏa trong tết Đoan Ngọ không nên ở trong nhà, nhất định phải ra ngoài dạo quanh một vòng hoặc đi thăm thú đây đó, tổ chức dã ngoại, du lịch ở nơi náo nhiệt để hấp thu Hỏa khí của đất trời, tốt cho vận trình.
 
Người có bát tự vượng hàn (ví dụ người sinh vào mùa đông, người có bát tự Thủy vượng,…) nếu muốn gặp nhiều may mắn trong tết Đoan Ngọ thì từ 11 đến 13 giờ dùng một chậu nước phơi nắng 1 giờ rồi lấy đó tẩy trừ tay chân để tăng dương khí, vượng cát tường.


11. Lưu ý dịp Tết Đoan Ngọ cho 12 con giáp


- Những tuổi cần thận trọng trong dịp Đoan Ngọ


Tuổi nào phải thận trọng Tết Đoan Ngọ, vốn dĩ được dân gian coi là ngày cực dương hoặc gần với cực dương, con người cũng như mọi vật cần dự trữ năng lượng để chống lại dương khí quá cao của trời đất?

Người tuổi Tị
 
Thời điểm này không có lợi cho việc đi xa, nhất là đi du lịch dài ngày ở nơi xa.
 
Nguyên nhân là do Tị Hỏa tự hình với ngũ hành Hỏa của tết Đoan Ngọ. Bởi theo âm dương ngũ hành, ngày 5/5 âm lịch là ngày cực dương, dương khí xung thiên, khí dương đạt đỉnh. Bản mệnh tự thân vốn mang hành Hỏa, lại chịu tác động của ngày Hỏa khí vượng, sức khỏe ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Biểu hiện dễ nhận biết là cơ thể mệt mỏi như không có sức lực, dễ bị đau đầu hoặc đau nửa đầu. Ngoài ra, tinh thần cũng bất ổn, tim đập nhanh, loạn nhịp, rất cần thời gian để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. 

Người tuổi Tý
 
Người tuổi Tý có ngũ hành mệnh cách thuộc Thủy. Thời điểm tết Đoan Ngọ lại có ngũ hành Hỏa cực vượng nên bản mệnh dễ bị khắc chế. Điều đó khiến tâm tính người tuổi Tý dễ nóng nảy, nổi giận vô cớ. 
 
Vì thế, phải hết sức thận trọng trong từng lời ăn tiếng nói của mình, tránh lỡ miệng mà rước họa thị phi vào mình, bị người khác nói xấu.
 
Ngoài ra, vì ngũ hành xung khắc nên sức khỏe bản mệnh cũng giảm sút đôi phần. Bạn thường cảm thấy nóng nực, khó chịu bên trong cơ thể, sắc môi nhợt nhạt, khô và bị bong tróc, cảm giác vô cùng khó chịu. 

Người tuổi Tuất
 
Người tuổi Tuất mang ngũ hành mệnh cách thuộc Thổ. Giai đoạn tết Đoan Ngọ là lúc Hỏa khí vượng sinh Thổ.
 
Lúc này Thổ khí càng vượng, tính tình bản mệnh dễ cứng nhắc, xử lý mọi chuyện không thấu đáo, dẫn tới cấp trên trách móc, cấp dưới không phục, vận thế sự nghiệp có phần giảm sút. Nếu không chú ý kiểm soát tốt cảm xúc, rất dễ rước vận xui vào mình.
 
Người tuổi Mão
 
Dịp tết Đoan Ngọ Hỏa khí rất vượng, sức nóng của mặt Trời ảnh hưởng lớn. Chính vì thế người tuổi Mão khó tránh cảm giác bực bội, uể oải, khó tập trung tinh thần làm việc hiệu quả.

- Vật phẩm trừ tà hiệu quả cho 12 con giáp dịp Tết Đoan Ngọ

 
Vật phẩm trừ tà cho 12 con giáp tết đoan ngọ
 
Tuổi Tý: Tượng Phật
 
Người tuổi Tý có thể mang theo hoặc đeo tượng Phật bản mệnh ở cổ hoặc cổ tay. Phật bản mệnh của con giáp này là Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay có công lực mạnh mẽ, nhìn thấu, nghe thấu trăm ngàn lẽ ở đời, dùng huệ nhãn soi tỏ khắp bốn phương. 
 
Nếu không đem theo tượng Phật bản mệnh, bạn cũng có thể lựa chọn đeo tượng Phật Quan Âm, Phật Di Lặc để được hộ mệnh, che chở, giúp đem lại nhân duyên tốt lành.
 
Tuổi Sửu: Hình "Ngũ độc"
 
Vào ngày tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch có một tập tục rất đặc biệt là “đuổi ngũ độc”. “Ngũ độc” chỉ năm loài con rắn, bò cạp, con rết, con cóc, thằn lằn, theo người xưa là những loài có độc tính cực mạnh.
 
Vì vậy trong ngày này, người tuổi Sửu có thể sử dụng hình cắt các loại ngũ độc nêu trên để dán ở cửa, tường, giường tủ hoặc trên cửa sổ giúp trừ tai họa, bệnh tật và chiêu dụ vận may. 
 
Bản mệnh cũng có thể đem theo hình cắt của những loài động vật này theo bên người, cất trong túi cũng có tác dụng trừ tà, đem lại may mắn.
 
Tuổi Dần: Tượng Tứ linh
 
Người tuổi Dần có thể đem theo tượng Tứ linh (bao gồm long, lân, quy, phụng) bên người hoặc đặt trong văn phòng, phòng làm việc để giúp trừ tà, đồng thời đem lại nhiều điều may mắn cho bản mệnh. Cụ thể: 
 
Vật phẩm rùa phong thủy giống như lá bùa bình an, phù hộ cho bản thân gặp dữ hóa lành, gặp nguy hóa an khi ra ngoài.
 
Vật phẩm hình rồng ngoài việc hóa sát còn tăng cường phát huy quyền lực, người có chức vụ cao dùng nó có hiệu quả càng lớn, người bình thường dùng có tác dụng đẩy lùi kẻ tiểu nhân, khiến kẻ xấu không dám quấy nhiễu.
 
Vật phẩm hình lân mang tới điềm lành cùng năng lượng phong thủy mạnh mẽ và tốt lành, bảo vệ gia đình bạn khỏi mọi tai ương.
 
Vật phẩm hình phượng tượng trưng cho quyền lực, thịnh vượng và sự vươn lên để phát triển mạnh mẽ.
 
Tuổi Mão: Dây ngũ sắc, khóa trường mệnh
 
Với vòng ngũ sắc, người tuổi Mão có thể dùng sợi chỉ nhiều màu sắc kết thành một sợi dây dài để treo trên cửa chính, đeo trên cổ tay hoặc trên cổ, có tác dụng xua đuổi tà khí, đem lại vận may cho bản mệnh.
 
Nếu trong nhà có trẻ con, gia chủ cũng có thể treo ở cạnh nôi hoặc treo ở đầu giường, giúp phòng tránh được tai ương, phù hộ an khang, gia tăng tuổi thọ.
 
Khóa trường mệnh biểu tượng của sự may mắn trong văn hoá Phương Đông, mang ý nghĩa phúc khí sẽ tập trung vào người mang theo. Trong ngày Đoan Ngọ, bản mệnh có thể đeo khóa trường mệnh Bình An, giúp việc xuất hành, đi lại được an toàn. 
 
Tuổi Thìn: Hương
 
Thời điểm này tuổi Thìn cũng có thể mang theo một chút hương bên người. Nguyên liệu làm hương có chứa phấn hùng hoàng, có tác dụng xua tan âm khí, đặc biệt có tác dụng rất lớn trong việc xua đuổi “ngũ độc”.
 
Không những vậy, mùi hương dễ chịu cũng sẽ làm cho tinh thần trở nên thư thái hơn, giúp bạn tập trung vào công việc, góp phần gia tăng vận thế. 
 
Tuổi Tị: Tỏi, hoa lựu, lá hương thảo
 
Người tuổi Tị có thể đem theo một củ tỏi bên người để hóa giải sát khí, tránh xa những điều xui xẻo. Ngoài ra, trong việc chế biến các món ăn hàng ngày, bạn cũng có thể cho thêm tỏi để tăng thêm hương vị, tăng sức đề kháng…
 
Bên cạnh đó, bản mệnh cũng có thể cất hoa lựu hoặc một ít là hương thảo trong túi xách của mình. Bởi:
 
Lựu là loại cây chịu hạn và rất ưa nắng, trong khi hoa lại có tác dụng hấp thụ khí độc, nên người ta thường trồng giữa sân nhà hay trước mái hiên để trừ tà khí, chướng khí. 
 
Hương thảo được cho rằng có thể kết nối giữa 2 thế giới, có khả năng trừ tà ma, mang lại may mắn, bình an cho chủ nhân của chúng. Trên thực tế, loài cây này còn hỗ trợ cho các hoạt động trí óc và tập trung cho học tập và làm việc.
 
Tuổi Ngọ: Phù Chung Quỳ
 
Chung Quỳ là một vị thần diệt yêu trừ ma trong truyền thuyết dân gian Trung Hoa. Những câu chuyện giáng yêu trừ ma của Chung Quỳ được nhiều người biết đến, gồm cả bùa chú, bát quái trận pháp hàng yêu phục ma, xem tướng mạo, bấm độn gieo quẻ.
 
Vì thế, để có thể trừ tà ma, giảm sát khí, người tuổi Ngọ có thể treo phù thần Chung Quỳ trên cửa, dán trên tường, bất kể là nhà ở của bạn hoặc nhà thuê, bạn sẽ cảm thấy thư thái và thoải mái hơn.
 
Tuổi Mùi: Rượu trắng
 
Rượu trắng có tác dụng trừ tà, kích thích tiêu hóa, xua đuổi hàn khí, giúp khí huyết luu thông tốt hơn, từ đó tránh được nhiều bệnh tật. Người tuổi Mùi có thể uống một chút rượu với lượng vừa phải hoặc đem theo một ít rượu bên người để diệt sâu bọ, đem tới sức khỏe và vận may cho mình.
 
Tuổi Thân: Túi thơm
 
Túi thơm có công dụng khử mùi, tẩy uế, giảm mùi ẩm mốc, tốt cho sức khỏe… đặc biệt mang lại tài lộc, may mắn. 
 
Trong ngày tết Đoan Ngọ, người tuổi Thân hãy bỏ túi thơm được làm từ các nguyên liệu thảo mộc như bạch chỉ, xuyên khung, tùng, bài tiền thảo… vào túi áo hoặc đeo trước ngực, nhất định có thể mang tới vận may, giúp tinh thần thư thái, tránh xa bệnh tật.
 
Tuổi Dậu: Lá ngải cứu
 
Cha ông ta quan niệm nếu treo một nắm lá ngải cứu hoặc nhánh xương rồng ở phía cửa ra vào thì có tác dụng ngăn chặn tà khí, đem lại sức khỏe và vận may cho mọi người trong gia đình.
 
Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo một chút lá ngải bên mình cũng rất có hiệu quả.
 
Tuổi Tuất: Đồ vật màu đỏ
 
Những đồ vật có màu đỏ mang ý nghĩa trừ tà khí, tăng cường vận may, hóa giải thị phi, đồng thời giúp gia chủ ngăn chặn được tiểu nhân.
 
Trong ngày Đoan Ngọ, người tuổi Tuất có thể đem theo bên mình những món đồ trang trí có màu đỏ hoặc mặc quần áo, đeo phụ kiện có màu đỏ sẽ gặp được nhiều điều may mắn.
 
Tuổi Hợi: Hồ Lô phong thủy
 
Hồ Lô phong thủy là vật phẩm tượng trưng cho đất và trời, có tác dụng trừ tà ma, giải trừ sát khí rất hữu hiệu. Đặt Hồ Lô trong nhà ở các vị trí như đầu giường, cửa chính, cửa sổ,... có tác dụng như bùa hộ mệnh cho gia chủ và cả gia đình của mình.

Để biết chi tiết lý do tại sao 12 con giáp nên đem theo bùa hộ mệnh này, xem ngay:
Tết Đoan Ngọ muốn trừ tà vượng vận, 12 con giáp hãy sắm ngay những vật phẩm này
Xem vật phẩm trừ tà cho 12 con giáp tết Đoan Ngọ, bạn sẽ biết đồ vật gì thích hợp mang theo để giúp vượng vận, hóa giải sát khí.


12. Mẹo phong thủy xua tà khí Tết Đoan Ngọ


Tham khảo những mẹo phong thủy xua tà khí Tết Đoan Ngọ dưới đây để tránh xui xẻo gặp phải, đồng thời nghênh đón cát khí vào nhà.

- Treo thần phù
 
Theo quan niệm xưa kia truyền lại, treo Thần Chung Quỳ Phù trên cửa để xua tan sát khí trong nhà, bất kể là nhà ở của bạn hoặc nhà cho thuê, bạn sẽ cảm thấy thư thái và thoải mái hơn.
 
- Treo lá ngải hoặc xương rồng
 
Ở phía trên cửa ra vào treo một nắm lá ngải cứu hoặc nhánh xương rồng, ngăn chặn tà khí đi vào nhà. Chú ý là treo trước giờ Ngọ ba khắc để đạt hiệu quả cao nhất. Để hiểu rõ hơn tác dụng của cây xương rồng.
 
- Đặt ngải trong nhà
 
Trong nhà ở cũng như trong văn phòng công ty, bạn có thể đặt một vài lá ngải, chúng sẽ có tác dụng xua tan tà khí. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang theo một chút lá ngải bên mình cũng rất có hiệu quả.
 
- Đeo dây cát tường
 
Bạn có thể dùng sợi chỉ nhiều màu sắc và kết thành một sợi dây dài để treo trên cửa chính, đeo trên cánh tay hoặc trên cổ, cũng có thể treo ở cạnh nôi nếu trong nhà có trẻ con, điều này sẽ phòng tránh được tai ương, phù hộ an khang, gia tăng tuổi thọ. 
 
- Mang túi hương (nhang) theo người
 
Để phòng bệnh và để trừ tà thì không chỉ trong tết Đoan Ngọ mà trong cả ngày thường bạn cũng nên mang theo một chút hương bên người.
 
Nguyên liệu làm hương có chứa phấn hùng hoàng, có tác dụng xua tan âm khí. Không chỉ mùi hương dễ chịu cũng sẽ làm cho tinh thần trở nên thư thái hơn, góp phần gia tăng vận thế.

- Tẩy trừ tà khí
 
Bồ kết, ngải cứu, bạch ngọc lan, hương nhu, lá bưởi, sả, gừng, vông mã đề… có tác dụng rất tốt trong việc phòng bệnh.
 
Bạn nên đun một nồi nước bao gồm các loại thảo mộc trên để cả nhà cùng tắm rửa, vừa phòng được bệnh ngoài da, vừa xua tan được tà khí, cơ thể cũng cảm thấy sảng khoái hơn.
 
- Đốt ngải 
 
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, bạn nên sử dụng một chút lá ngải đã được phơi khô từ trước đó và đốt lên. Bất kể là phòng khách hay phòng ngủ, lá ngải bị đốt cháy vừa tạo ra mùi hương dễ chịu, lại vừa có tác dụng “xua ma đuổi quỷ”. Tuy nhiên, khi thực hiện cần chú ý vấn đề an toàn cháy nổ.


13. Lời chúc Tết Đoan Ngọ và thơ mừng Đoan Ngọ

Lời chúc tết đoan ngọ, thơ chúc tết đoan ngọ hay nhất
 

Lời chúc Tết Đoan Ngọ dành tặng mọi người nói chung

 
- Đoan Ngọ đến rồi, một mùa diệt sâu bọ mới, cũng là mùa của sự sum vầy. Chúc mọi người sức khỏe dồi dào, tâm thái bình an, gia đình hạnh phúc. 
 
- Nhân dịp Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, mình xin gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả mọi người. Chúc mọi người “diệt được nhiều sâu bọ”, chúc bà con nông dân có một vụ mùa bội thu.
 
- Tết Đoan Ngọ đến rồi! Hy vọng mọi người có thật nhiều sức khỏe, luôn hạnh phúc, bình an và có những phút giây sum họp đầm ấm bên gia đình. Chúc mừng Tết Đoan Ngọ!
 
- Chúc mọi người có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ và đầm ấm. Nhớ ăn cơm rượu nếp để diệt được nhiều sâu bọ nha!
 
Lời chúc Đoan Ngọ dành tặng cha mẹ, người thân
 
- Tết Đoan Ngọ năm nay con không thể về nhà cùng ăn cơm rượu nếp, ăn bánh ú tro với bố mẹ rồi, bố mẹ đừng buồn! Con chúc bố mẹ luôn vui khỏe, hạnh phúc để chúng ta có thể cùng nhau đón nhiều cái Tết Đoan Ngọ nữa. 
 
- Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, chúc bố mẹ, anh chị luôn vui – khỏe – trẻ, chúc chiến dịch diệt sâu bọ của gia đình chúng ta thành công tốt đẹp. 
 
- Chúc bố mẹ của con có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, chúc vụ mùa sắp tới của gia đình mình thật bội thu. Bố mẹ hãy luôn khỏe mạnh, sống thật lâu bên con nhé vì với con bố mẹ là tất cả!
 

Lời chúc Tết Đoan Ngọ dành tặng bạn bè

 
- Chúc bạn thân yêu của tôi có một ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, lúc nào cũng trẻ khỏe. Nhanh nhanh dậy đưa tao đi ăn cơm rượu với bánh ú tro đi nào!
 
- Hôm nay Tết Đoan Ngọ mày đã ăn bánh ú tro chưa? Bánh ngon thật nhưng ăn vừa thôi nhé kẻo không lại ú thật thì khổ. Đùa tý thôi! Chúc mày có ngày Tết Đoan Ngọ thật vui vẻ, luôn mạnh khỏe và xinh đẹp nha!
 
- Vào ngày Tết Đoan Ngọ, không có gì vui bằng việc được quây quần bên những người thân yêu và thưởng thức bánh tro, cơm rượu nếp. Nếu bạn không thể về thăm gia đình vào Tết Đoan Ngọ năm nay thì cũng đừng quá buồn nha vì chúng ta còn có nhiều dịp khác mà. Xin gửi đến bạn và gia đình những lời chúc sức khỏe, bình an chân thành nhất!
 

Thơ chúc Tết Đoan Ngọ đặc sắc

 
Bài thơ về Tết Đoan Ngọ số 1:
Bày: Xôi, oản, thịt hôm trùng ngũ
Tửu nếp thơm ngào lưng một hũ
Sửa soạn hương trầm, lễ Tết xưa
Dâng mừng phẩm vật, theo lề cũ
Lòng mơ thuận gió cảnh an mùa
Ngả khấn xuôi chèo, sông tịnh lũ
Mỹ tục, thuần phong, tất phải gìn
Chân thành bái vọng! Tâm tà giũ.
(Tác giả: Thám Hoa)
 
Bài thơ mừng Tết Đoan Ngọ số 2: 
Ai về Đoan Ngọ Tết không ?
Cho tôi gửi đến tấm lòng thủy chung
Lớn lên trải khắp bốn vùng
Lung tung khắp chốn nhớ mùng Năm quê
 
Đi đâu ai cũng muốn về
Quê cha đất tổ bộn bề vui thay
Hằng năm chỉ có một ngày
Bà con lối xóm đẹp thay ân tình
 
Nhớ ngày Đoan Ngọ quê mình
Anh em bạn hữu chung tình hò reo
Giàu sang cũng sống như nghèo
Chung tay góp sức lệ theo quê mà
 
Bây giờ đã cách phương xa
Nhưng mà kỉ niệm mặn mòi tri âm
Nhớ thương nay chỉ lặng thầm
Cầu mong quê mẹ vui trong Tết này
 
Xa quê biết nói gì đây
Vài lời kính gửi lòng đầy luyến thương
Con tuy xa cách đoạn đường
Mà lòng con ở Tết Đoan Ngọ nhà.
(Tác giả: Phúc Cô Đơn)
 
Bài thơ Tết Đoan Ngọ số 3:
Mỗi lần tới Tết mùng Năm
Là ngày giỗ nội viếng thăm cuối tuần
Thắp hương tưởng nhớ người thân
Mẹ ơi siêu thoát an phần yên vui
 
Kiếp người lận đận đầy vơi
Những lời hứa hẹn đầu môi ngọt ngào
Giờ như nước chảy mưa rào
Trái tim trăn trở nghẹn ngào ai hay
 
Mong rằng số kiếp gặp may
Chắp tay khấn nguyện từ rày bớt đau
Yêu thương nguồn cội khắc sâu
Tết về vun đắp dài lâu nghĩa tình.
(Tác giả: Phan Hạnh)
 
Bài thơ Quà Tết Đoan Ngọ số 4:
Sắp ngày đón Tết mùng Năm
Tết này Đoan Ngọ mơ thầm tuổi thơ
Ngày này buổi sáng tinh mơ
Mẹ ta gọi dậy để chờ giết sâu
 
Mận đây chua lắm đủ màu
Ai mà muốn giết bọ sâu thì mời
Mọi người xin hãy về chơi
Nếm xem mận có dễ xơi không nào
 
Hôm nay em cũng mời chào
Cả nhà ủng hộ ngọt ngào lắm nha
Nếu mà các bác ở xa
Alô em sẽ mang qua em mời
 
Mận em mận thật tuyệt vời
Ăn rồi sẽ nhớ cả đời không quên.
(Sáng tác Thoa Phạm)
 
Bài thơ Tết Đoan Ngọ gặp duyên" (bài số 5):
Tết Đoan Ngọ dòng người náo nức
Cảnh xóm làng rạo rực xôn xao
Người đi ra, kẻ đi vào
Chợ quê nhộn nhịp… vui sao lạ lùng
 
Bước mông lung gặp nàng xuống chợ
Môi chím cười… anh ở nơi mô?
Giọng thương trầm ấm thăm dò
Ngẩn người khi biết là o xóm mình
 
Đi xa xứ… nay hình dáng đổi
Nét dịu dàng... đắm đuối mê say
Đôi mắt đẹp, lông mi dài
Thân mình thon thả làm ai thẹn thùng
 
Ngập ngừng bước muốn chung tâm sự
Phải chăng lòng… vội đã trót thương
Bình minh tỏa nắng khắp đường
Lả lơi ngọt gió quyện hương ngọt ngào
 
Mây hờ hững... trời cao vời vợi
Gặp duyên lành… chấp chới mộng mơ
Hôm ni gặp lại tình cờ
Nàng có đâu ngờ… ta đã tương tư.
(Tác giả - Lê Hoàng)
 
Bài thơ "Đón Tết Đoan Ngọ" (bài số 6):
Vừa đây thấm thoát nửa năm tàn
Tỉa tót, dâm cành mấy nụ lan
Sả lá, xương rồng treo trước cửa
Chè xôi, bánh ú đặt trên bàn
Hoa chờ khỏa cánh ngày Đoan Ngọ
Rượu đợi tràn ly buổi Thực Hàn
Thấp thỏm mong người về kịp Tết
Trong lòng cứ nghĩ chuyện lan man!
(Tác giả: Nguyễn Nhật)
 

14. Hình ảnh Tết Đoan Ngọ đẹp, đậm sắc màu văn hóa Việt


Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 1
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 2
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 3
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 4
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 5
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 6
 
Hình ảnh về Tết Đoan Ngọ 7
 
Trên đây Lịch Ngày Tốt đã chia sẻ toàn bộ thông tin để giải đáp thắc mắc Tết Đoan Ngọ là gì, rơi vào ngày nào trong năm, cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì, ăn gì để diệt sâu bọ Tết Đoan Ngọ, những điều kiêng kỵ, những việc nên làm... Hy vọng chúng hữu ích dành cho bạn! Chúc bạn và gia đình dịp Đoan Ngọ đoàn viên, sức khỏe dồi dào! 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X