Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cơ sở tính toán lịch Việt Nam - Kiến thức hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu

Thứ Sáu, 01/11/2019 10:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cơ sở tính toán lịch Việt Nam sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quát về cách tính ngày, tháng, năm âm lịch cũng như cách tính tháng nhuận.
 

1. Cơ sở tính toán lịch Việt Nam

 
co so tinh toan lich viet nam 2
 
Âm lịch Việt Nam là một loại lịch thiên văn. Nó được tính toán dựa trên sự chuyển động của mặt trời, trái đất và mặt trăng. Ngày tháng âm lịch được tính dựa theo các nguyên tắc sau:
 

1.1. Ngày Âm lịch

 
Ngày âm lịch gồm có 12 giờ: Tý (23h-1h), Sửu (1h-3h), Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h).
 
Qua đó, ta có thể thấy độ dài của ngày Âm lịch bằng với độ dài của ngày Dương lịch, tức đều gồm 24 giờ.
 
Tuy nhiên, một ngày Âm lịch bắt đầu sớm và kết thúc sớm hơn ngày Dương lịch 1 giờ. Cụ thể, ngày Âm bắt đầu từ giờ Tý (23h hôm trước) đến giờ Hợi (23h hôm sau), còn ngày Dương bắt đầu từ 0h đến 24h. 
 

1.2. Tháng âm lịch và năm âm lịch

 
Ngày đầu tiên của tháng âm lịch là ngày chứa điểm Sóc.
 
Một năm bình thường có 12 tháng âm lịch, một năm nhuận có 13 tháng âm lịch.
 
Đông Chí luôn rơi vào tháng 11 âm lịch.
 
Trong một năm nhuận, nếu có 1 tháng không có Trung khí thì tháng đó là tháng nhuận. Nếu nhiều tháng trong năm nhuận đều không có Trung khí thì chỉ tháng đầu tiên sau Đông Chí là tháng nhuận.
 
Trung khí: Người xưa chia vòng hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau gọi là 12 cung hoàng đạo và quy định rằng mặt trời cứ đi vào nửa cung hoàng đạo thì có một tiết tương ứng. Lúc mặt trời bắt đầu đi vào đến cung hoàng đạo gọi là Trung khí (trung có nghĩa là ở giữa). Còn lúc mặt trời tối giữa cung hoàng đạo gọi là Tiết khí (tiết có nghĩa là ngăn).
 
Việc tính toán dựa trên kinh tuyến 105° Đông.
 
Sóc là thời điểm hội diện, đó là khi trái đất, mặt trăng và mặt trời nằm trên một đường thẳng và mặt trăng nằm giữa trái đất và mặt trời. (Như thế góc giữa mặt trăng và mặt trời bằng 0 độ). 
 
Gọi là "hội diện" vì mặt trăng và mặt trời ở cùng một hướng đối với trái đất. Chu kỳ của điểm Sóc là khoảng 29,5 ngày. Ngày chứa điểm Sóc được gọi là ngày Sóc, và đó là ngày bắt đầu tháng âm lịch.
 
Trung khí là các điểm chia đường hoàng đạo thành 12 phần bằng nhau. Trong đó, bốn Trung khí giữa bốn mùa là đặc biệt nhất: Xuân Phân (khoảng 20/3), Hạ Chí (khoảng 22/6), Thu Phân (khoảng 23/9) và Đông Chí (khoảng 22/12).
 
Bởi vì dựa trên cả mặt trời và mặt trăng nên lịch Việt Nam không phải là thuần âm lịch mà là âm-dương-lịch. 
 
Theo các nguyên tắc trên, để tính ngày tháng âm lịch cho một năm bất kỳ chúng ta cần xác định những ngày nào trong năm chứa các thời điểm Sóc (New moon) và các thời điểm Trung khí (Major solar term). 
 
Một khi bạn đã tính được ngày Sóc, bạn đã biết được ngày bắt đầu và kết thúc của một tháng âm lịch: ngày mùng một của tháng âm lịch là ngày chứa điểm sóc.
 
Sau khi đã biết ngày bắt đầu/kết thúc các tháng âm lịch, bạn có thể xác định tên các tháng và tìm tháng nhuận theo cách sau:
 
Đông Chí luôn rơi vào tháng 11 của năm âm lịch. Bởi vậy, chúng ta cần tính 2 điểm sóc: Sóc A ngay trước ngày Đông Chí thứ nhất và Sóc B ngay trước ngày Đông Chí thứ hai. 
 
Nếu khoảng cách giữa A và B là dưới 365 ngày thì năm âm lịch có 12 tháng, và những tháng đó có tên là: tháng 11, tháng 12, tháng 1, tháng 2, …, tháng 10. 
 
Ngược lại, nếu khoảng cách giữa hai sóc A và B là trên 365 ngày thì năm âm lịch này là năm nhuận, và chúng ta cần tìm xem đâu là tháng nhuận. 
 
Để làm việc này, ta xem xét tất cả các tháng giữa A và B, tháng đầu tiên không chứa Trung khí sau ngày Đông Chí thứ nhất là tháng nhuận. Tháng đó sẽ được mang tên của tháng trước nó kèm chữ "nhuận".
 
Khi tính ngày Sóc và ngày chứa Trung khí bạn cần lưu ý xem xét chính xác múi giờ. Đây là lý do tại sao có một vài điểm khác nhau giữa lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc.
 
Ví dụ, nếu bạn biết thời điểm hội diện là vào lúc yyyy-02-18 16:24:45 GMT (giờ quốc tế) thì ngày Sóc của lịch Việt Nam là 18 tháng 2, bởi vì 16:24:45 GMT là 23:24:45 cùng ngày, giờ Hà nội (GMT+7, kinh tuyến 105° đông). 
 
Tuy nhiên theo giờ Bắc Kinh (GMT+8, kinh tuyến 120° đông) thì Sóc là lúc 00:24:45 ngày yyyy-02-19, do đó tháng âm lịch của Trung Quốc lại bắt đầu ngày yyyy-02-19, chậm hơn lịch Việt Nam 1 ngày.

Xem thêm: Lịch vạn niên là gì? Có tính năng và ý nghĩa thế nào?
 

2. Quy tắc tính Lịch âm dương Á Đông

 
co so tinh toan lich viet nam
 
Quy tắc tính Lịch âm dương Á Đông (trong đó có Việt Nam và Trung Quốc) hiện nay giống nhau và chỉ khác ở múi giờ tham chiếu, hoàn toàn thống nhất với các quy tắc do đài thiên văn Tử Kim Sơn công bố 1984.
 
Tuy nhiên, sự khác nhau về múi giờ có thể dẫn đến sự khác nhau về điểm sóc tháng nhuận, ngày tết hay ngày chuyển tiết giữa lịch các nước sau này.
 

2.1. Quy tắc tính

 
a. Ngày đầu tháng được gọi là ngày Sóc (Không trăng).
 
b. Một năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận sẽ có 13 tháng.
 
c. Ngày Đông Chí luôn rơi vào tháng 11 trong năm.
 
d. Trong năm nhuận, tháng không có Trung khí là tháng nhuận, tháng này đánh số trùng với tháng trước nó (thêm chữ nhuận). Nếu trong năm nhuận có hai tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông Chí được coi là tháng nhuận.
 
e. Cơ sở tính toán dựa trên kinh tuyến pháp định (ở Việt Nam là 105 độ Đông và ở Trung Quốc là 120 độ Đông).
 

2.2. Giải thích về quy tắc

 
Lịch vạn niên qua các thời kỳ lịch sử đều biến động không ngừng cùng những thăng trầm chính trị. Theo quan điểm tính toán, Lịch âm Dương Á Đông đã trải qua ba cải cách quan trọng: 
 
- Vào năm 104 Trước công nguyên (đời Hán,) quy tắc tháng nhuận là tháng Âm không chứa trung khí bắt đầu được áp dụng và điểm Sóc cũng như điểm khí (Tiết khí và trung khí) được tính trung bình.
 
-  Năm 619 Sau công nguyên (đời Đường), các nhà làm lịch bắt đầu tính được Sóc thực.
 
-  Tới năm 1645 Sau công nguyên (đời Thanh), các nhà làm lịch bắt đầu tính cả các điểm khí thực.
 
Giá trị trung bình hay giá trị thực ở đây ám chỉ việc người xưa lức đầu coi chuyển động quỹ đạo của trái đất hay mặt trăng là chuyển động đều sau đó mới tính chuyển động thực tốc độ thay đổi.
 

2.2.1. Tính ngày mùng 1 Âm lịch:

 
Để tính ngày mồng 1 âm lịch, ta phải tính thời điểm Sóc, tức thời điểm mà Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời theo thứ tự trên nằm thẳng hàng. Thời điểm Sóc rơi vào ngày nào của dương lịch thì ngày đó là mồng 1 âm.
 
Còn khi thứ tự Mặt trăng, Trái đất, Mặt trời nằm thẳng hàng thì đó là thời điểm Trăng tròn, lưu ý là ngày rằm 15 âm chưa chắc đã đúng là lúc Trăng tròn, nhưng ngày mồng 1 âm thì luôn luôn là ngày Sóc.
 
Ngày được bắt đầu từ nửa đêm tới nửa đêm tiếp theo (từ 0 giờ đến 24 giờ). Dù điểm Sóc rơi vào bất cứ giờ nào trong ngày thì cả ngày đó (kể từ 0 giờ) là ngày Sóc, tức Ngày mồng 1 Âm. 
 
Với điểm Trung khí cũng vậy, dù điểm trung khí xẩy ra trước thời điểm Sóc nhưng ở cùng ngày thì cũng coi như nằm trong tháng Âm tính từ 0 giờ ngày Sóc hôm đó. 
 
Chẳng hạn, điểm Đông Chí rơi vào 0 giờ 23’và điểm Sóc rơi vào 19 giờ 46’ (theo giờ Bắc Kinh) ngày 22 tháng 12 năm 1984 nên có thể coi tháng Âm bắt đầu từ 0 giờ ngày 22 tháng 12 này chứa điểm Đông Chí trên. Trong tính toán cụ thể điều này có nghĩa là chúng ta làm tròn đến số nguyên ngày Julius.
 

2.2.2. Tính tháng Âm lịch

 
Khoảng thời gian giữa hai điểm Sóc kế tiếp nhau chính là Tháng giao hội, trong Lịch âm Dương Á Đông các Tháng giao hội (với độ dài trung bình 29.53 ngày) được xấp xỉ bằng chuỗi tháng 29 và 30 ngày và các tháng này gọi là tháng Âm. 
 
Tháng Âm 29 ngày gọi là tháng thiếu, Tháng Âm 30 ngày gọi là tháng đủ, độ dài tháng Âm chính bằng số ngày giữa hai ngày Sóc kế tiếp vào ngày 30 tháng 5, do vậy tháng 4 âm chỉ có 29 ngày và là tháng thiếu. 
 
Nếu biết ngày Julius tương ứng với các ngày Sóc ta chỉ việc trừ đi hai ngày Julius sẽ biết độ dài tháng. Ngày Julius của 30 tháng 5 là 2445851 và ngày Julius của ngày Sóc kế tiếp (ngày 29 tháng 6) là 2445881 nên tháng 5 âm có 2445881-244581= 30 ngày là tháng đủ.
 

2.2.3. Tính năm Âm lịch

 
quy tac tinh lich a dong
 
Do độ dài 12 tháng Âm trung bình bằng 354.3671 ngày, ngắn hơn khoảng 11 ngày so với năm Xuân Phân (trung bình =365.2422 ngày) nên để cho phù hợp với thời tiết cứ sau vài ba năm, người ta lại chèn thêm tháng nhuận vào theo quy tắc d. ở trên. 
 
Như vậy, năm Âm lịch bắt đầu từ Tết Nguyên Đán và kết thúc vào ngày trước Tết Nguyên Đán kế tiếp có 12 hoặc 13 tháng Âm. 
 
Trong năm thường (12 tháng Âm) có 353, 354 hoặc 355 ngày, còn năm nhuận có 383, 384, 385 ngày. 
 
Trong Lịch âm Dương Á Đông, năm Xuân Phân được đánh dấu từ điểm Đông Chí này đến điểm Đông Chí tiếp theo chứa 24 khí và lịch 24 khí này tục gọi là Lịch nhà nông.
 

2.2.4. Tính tháng nhuận

 

a. Cách xác định tháng nhuận

 
Tại sao có ngày nhuận, tháng nhuận? Hãy cùng Lịch Ngày Tốt lý giải cụ thể.

Độ dài tháng Âm biến đổi trong khoảng 29.27 ngày đến 29.84 ngày. Giữa hai điểm Đông Chí liên tiếp nhau chỉ có thể có 12 hay 13 điểm Sóc, không thể ít hơn 12 và nhiều hơn 13.
 
Nếu giả dụ chỉ có 11điểm Sóc, lúc này giữa hai Đông Chí nhiều nhất có: 12 tháng Âm x 29.84 ngày<358 ngày, còn giả dụ có14 điểm Sóc thì giữa hai Đông Chí ít nhất có: 13 tháng x 29.27 ngày >380 ngày, điều này là không thể được vì các độ dài trên nhỏ hơn hoặc lớn hơn khoảng cách giữa hai Đông Chí.
 
 Tương tự như vậy, giữa các điểm Đông Chí của hai năm liên tiếp như của năm N-2 và năm N hay của năm N-1 và N+1 chỉ có thể chứa 24 hoặc 25 tháng Âm nên nếu giữa hai Đông Chí (thí dụ của năm N-2 và năm N ) có tháng nhuận (13 điểm Sóc) thì giữa hai Đông Chí của năm liền kề như của năm N-2 và năm N-1 hay của năm N và năm N +1 sẽ chỉ có 12 điểm Sóc và không có tháng nhuận. 
 
Nếu giữa hai Đông Chí có 13 điểm Sóc thì dứt khoát sẽ tồn tại 2 điểm Sóc kế tiếp nhau không chứa một trung khí nào vì một năm Xuân Phân chỉ có 12 Trung khí.
 

b. Tóm tắt các bước tính tháng nhuận

 
Xác định các điểm Đông Chí của năm N-1 và năm N (ký hiệu là Đ-1 và Đ)
 
Xác định các điểm Sóc giữa hai điểm Đông Chí trên ký hiệu là S(1), (2)…đến S(12)hoặc S (13), nếu có 13 điểm Sóc thì xác định các điểm có tháng nhuận.
 
Xác định các điểm Trung khí giữa Đ-1 và Đ, không kể Đ-1 và Đ thì luôn có 11 Trung khí tất cả.
 
Nếu có tháng nhuận thì tháng [S(k), S(k+1K] đầu tiên sau điểm Đ-1 không chứa Trung khí là tháng nhuận.
 
Các tháng Âm được đánh số sao cho hai tháng chứa các điểm Đông Chí Đ-1 và Đlà các tháng mang số 11.
 
(Khi nói năm N có tháng nhuận ta cần hiểu câu này chỉ liên quan đến khoảng thời gian từ Đông Chí năm N-1 đến Đông Chí năm N mà không phải tính từ 1 tháng 1 đến 31 tháng 12 năm N vì Điểm Đông Chí thường rơi vào khoảng 21 (hay 22) tháng 12 hàng năm.
 
c. Ví dụ cụ thể để minh họa
 
 Tại sao lịch Trung Quốc có tháng 10 nhuận vào năm 1984 trong khi lịch Việt Nam có 2 tháng nhuận vào năm 1985 và tết Nguyên đán ở hai nước lại lệch nhau 1 tháng?
 
Lý giải: 
 
Có hai điểm Trung khí khác nhau là Đông Chí năm 1984 và Xuân Phân năm 1985. 
 
Điểm Đông Chí năm 1984 xảy ra lức 23 giờ 23’ gìờ Việt Nam ngày 21 tháng 12,  tức 0 giờ 23’ giờ Trung Quốc ngày 22 tháng 12 .
 
Điểm Xuân Phân rơi vào 23 giờ 14’ giờ Việt Nam ngày 20 tháng 3 năm 1985 tức 0 giờ 14’ngày 21 tháng 3 theo giờ Trung Quốc. 
 
Theo giờ Việt Nam, giữa Đông Chí năm 1983 và năm 1984 (từ ngày 22/12/1983 đến ngày 22/12/1984) chỉ có 12 điểm Sóc nên khoảng thời gian này lịch Việt Nam không có tháng nhuận. 
 
Ngược lại, theo giờ Trung Quốc thì từ ngày 22/12/1983 đến ngày 22/12/1984 (khoảng cách giữa hai Đông Chí dài thêm một ngày) có tất cả 13 điểm Sóc (điểm Sóc cuối cùng rơi vào đúng vào ngày Đông Chí 22/12) và tháng Âm từ 23/11 đến 22/12 không chứa Trung khí nào nên là tháng nhuận. 
 
Mặt khác, theo giờ Việt Nam từ Đông Chí ngày 21/12/1984 đến Đông Chí ngày 22/12/1985 có 13 điểm Sóc và tháng Âm bắt đầu từ ngày 21/3 đến ngày 19/4/1985 không chứa Trung khí nào nên tháng Âm này chính là tháng 2 nhuận (nhưng theo giờ Trung Quốc thì tháng này lại chứa một Trung khí là điểm Xuân Phân). 
 
Do sự khác nhau về tháng nhuận nên ngày mồng một Tết Ất Sửu ở Việt Nam rơi vào 21 tháng 1 (1985), còn ở Trung Quốc là ngày 20/2/1985. 
 
Như vậy, trong hai năm 1984, 1985, lịch Việt Nam và Trung Quốc khác nhau từ ngày 23/11/1984 đến ngày 19/4/1985 và giống nhau ở các khoảng thời gian còn lại-về các điểm khí có 3 tiết không trùng nhau, ngoài tiết Đông Chí và Xuân Phân kể còn tiết Bạch lộ (1985) cũng khác biệt nhau một ngày giữa Lịch 2 nước.

Chu Du (TH)

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X