(Lichngaytot.com) Lịch Vạn niên qua các thời kỳ lịch sử biến động, thăng trầm ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về vấn đề này.
Với một nước nông nghiệp như Việt Nam, lịch có vai trò vô cùng quan trọng. Dùng để ghi chép, tính toán thời gian theo cách thuận tiện nhất, Lịch giúp con người sống có nề nếp, phục vụ các lễ nghi tôn giáo, cũng như phục vụ các mục đích lịch sử và khoa học khác nhau.
Trải qua những biến động thăng trầm cùng Lịch sử chính trị Việt Nam, Lịch vạn niên cũng có sự cải biến, thay đổi không ngừng.
Tuy nhiên, hiện nay tư liệu về lịch Việt Nam còn lại rất ít nguyên nhân một phần do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chiến tranh liên miên tàn phá, một phần do lịch pháp không được chú trọng phát triển trong thời phong kiến.
Điều này gây trở ngại cho việc tìm hiểu về lịch Việt Nam trong quá khứ và đó cũng là lý do khiến các nghiên cứu về lịch ở nước ta rất hiếm hoi.
1. Lịch Việt cổ
Lịch Việt cổ là loại lịch có nguồn gốc tại Trung Quốc. Các hệ thống âm lịch đều được tính dựa trên những nguyên tắc cơ bản giống nhau: tháng âm lịch bắt đầu vào ngày Sóc; tháng Nhuận đặt vào tháng không có Trung khí.
Trong lịch sử, có nhiều giai đoạn người Việt sử dụng lịch của Trung Quốc nhưng cũng có nhiều thời kỳ chúng ta tự tính âm lịch cho mình dùng.
Tuy dựa vào các nguyên tắc chung nhưng vì cách áp dụng nguyên tắc khi tính lịch có thể khác nhau (chẳng hạn, xác định Sóc và Trung khí dựa trên chuyển động thực hay chuyển động trung bình; hoặc tính lịch theo các múi giờ khác nhau) nên âm lịch Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt.
Ngoài ra, cũng có những bằng cớ chứng tỏ là từ lâu trước thời kỳ Bắc thuộc cư dân nước Văn Lang đã sử dụng một thứ lịch riêng.
Chẳng hạn các tư liệu về lịch của dân tộc Mường và nhứng điều được miêu tả trong Đại Nam thống nhất chí: “Thổ dân ở huyện Bất Bạt và Mỹ Lương, hàng năm lấy tháng 11 làm đầu năm, hàng tháng lấy ngày 2 làm đầu tháng, gọi là ngày lui tháng tiến, lại gọi là ngày nội, dùng trong dân gian, còn ngày quan lịch, thì gọi là ngày ngoại, chỉ dùng khi có việc quan”.
Do các nguồn tư liệu lịch sử khôn còn nhiều nên rất khó để xác định nước ta đã có Lịch từ thòi cổ đại hay chưa nhưng việc ảnh hưởng từ Lịch Trung Quốc là điều chắc chắn có thể khẳng định.
2. Các nhân vật nổi tiếng trong lịch pháp và một số cuốn lịch cổ tiêu biểu
Các nhân vật nổi tiếng trong lịch pháp thời xưa có Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán vào cuối thời Trần (1325-1390) và Trần Hữu Thận (1754-1831), Nguyễn Hữu Hồ (1783-1844) ở thời Nguyễn …
Trần Nguyên Đán - cháu tằng tôn Trần Quang Khải - ngoại tổ Nguyễn Trãi, là người thông hiểu thiên văn, lịch pháp và đã viết cuốn sách "Bách thế Thông kỷ" nổi tiếng. Tiếc rằng, đến nay cuốn sách này đã không còn.
Liên quan đến nguồn sử liệu còn có các cuốn lịch cổ đáng chú ý sau:
"Khâm định vạn niên thư" in lịch từ năm 1544 đến năm 1903, trong đó các năm từ 1850 trở đi là lịch dự soạn cho thời gian tới.
"Bách Trúng kinh" in lịch thời Lê Trung Hưng ( Lê - Trịnh) từ năm 1624 đến năm 1785.
"Lịch đại niên kỷ bách trúng kinh" in lịch từ năm 1740 đến năm 1883.
Ngoài ra còn một số cuốn Bách trúng kinh khác thấy ở Hà nội năm 1944, sách này chép lịch từ năm 1624 đến năm 1799 nhưng nay không còn.
Xem thêm: Nguồn gốc, cơ sở hình thành lịch vạn niên - Hé lộ những điều không phải ai cũng biết
Xem thêm: Nguồn gốc, cơ sở hình thành lịch vạn niên - Hé lộ những điều không phải ai cũng biết
3. Lịch vạn niên qua các thời kỳ lịch sử
3.1. Thời Bắc thuộc
Trong 1000 năm Bắc thuộc, lịch dùng chính thức ở nước ta là lịch Trung Quốc. Việt sử ở thời kỳ này được ghi chép rất sơ sài gây khó khăn cho việc khảo cứu.
3.2. Thời phong kiến
Trong thời kỳ đầu của nền độc lập từ đời Đinh (969) đến hết thời Lý Thái Tông (1054), nước ta vẫn tiếp tục sử dụng lịch nhà Tống, như lịch Ung Thiên hoặc lịch Sùng Thiên.
Từ đời Lý Thánh tông lên ngôi cuối năm 1054, nhiều ghi chép lịch sử cho thấy nước ta đã bắt đầu tự soạn lịch riêng.
Các đời Lý và Trần từ 1080 đến năm 1399: Ban đầu nước ta dùng lịch được soạn theo phép lịch đời Tống , sau chuyển sang sử dụng lịch Thụ Thời (sau đổi thành Hiệp kỷ).
Năm 1401, nhà Hồ đổi lịch Hiệp kỷ sang lịch Thuận thiên.
Năm 1407 nhà Hồ bị mất, nhà Minh đô hộ nước ta và dùng lịch Đại Thống
Năm 1428, nước ta được giải phóng, triều Lê tiếp tục sử dụng phép lịch Đại thống cho đến năm 1812.
3.3. Thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Mỹ
Từ năm 1813 đến năm 1945: Nhà Nguyễn dùng phép lịch thời Hiến (giống như nhà Thanh) và gọi là lịch Hiệp Kỷ.
Sau khi Pháp cai trị nước ta, họ cũng lập các bảng đối chiếu Lịch Dương với Lịch âm Dương lấy từ Trung Quốc, trong khi nhà Nguyễn vẫn soạn và ban lịch của mình ở Trung Kỳ.
Việc chuyển sang dùng phép lịch thời Hiến là do công của Nguyễn Hữu Thuận, khi đi sứ sang Trung Quốc đã mang về bộ sách có tên là Lịch tượng khảo thành và dâng lên vua Gia Long, sau đó, vua sai Khâm Thiên Giám dựa vào đó để soạn lịch mới.
Từ năm 1946 đến năm 1967: Việt Nam không biên soạn Lịch âm Dương mà các nhà xuất bản dịch từ lịch Trung Quốc sang.
3.4. Từ năm 1968 đến nay
Vào năm 1967, Nha khí tượng công bố Lịch âm Dương Việt Nam soạn theo múi giờ 7 cho các năm từ 1968 đến năm 2000 (khác Trung Quốc soạn theo múi giờ 8).
Để thống nhất việc tính giờ và tính lịch dùng trong các cơ quan nhà nước và giao dịch dân sự trong xã hội, ngày 8-8-1967 Chính phủ đã ra quyết định giờ chính thức của nước ta là múi giờ thứ 7.
Bên cạnh Dương lịch (lịch Gregorius) được dùng trong các cơ quan với nhân dân, Âm lịch vẫn dùng để tính năm tết dân tộc, một số ngày kỷ niệm lịch sử và lễ tết cổ truyền.
4. Những thay đổi về giờ pháp định trong thế kỷ XX ở Việt Nam
Mặc dù hầu hết đát liền nước ta nằm dọc theo múi giờ 7, nhưng trong thế kỷ XX, giờ pháp định của nước ta đã bị nhiều lần thay đổi theo ý định của chính quyền thực dân.
Sự biến động chính trị đã khiến cho giờ pháp định trong cả nước hay từng miền bị thay đổi tới 10 lần.
Dưới đây là các mốc thay đổi giờ pháp định trong 100 năm qua ở nước ta kể từ khi hình thành khái niệm này:
Ngày 1/7/1906
Khi xây dựng xong Đài thiên văn Phủ Liễn, Chính quyền Đông dương ra Nghị định ngày 9/6/1906 (Công báo Đông Dương ngày 18/6/1906) ấn định giờ pháp định cho tất cả các nước Đông Dương theo kinh tuyến đi qua Phủ Liễn (104°17’17” đông Paris) kể từ 0 giờ ngày 1/7/1906.
Ngày 1/5/1911
Sau khi nước Pháp ký Hiệp ước quốc tế về múi giờ, theo nghị định ngày 6/4/1911 (Công báo Đông Dương ngày 13/4/1911) quy định giờ mới lấy theo múi giờ 7 (tính từ kinh tuyến đi qua Greenwich) cho tất cả các nước Đông Dương bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/5/1911.
Ngày 1/1/1943
Chính phủ Pháp ra nghị định ngày 23/12/1942 (Công báo Đông Dương ngày 30/12/1942) liên kết Đông Dương vào múi giờ 8 và do vậy đồng hồ được vặn nahnh lên 60 phút vào lúc 23 giờ ngày 31/12/1942.
Ngày 14/3/1945
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp và buộc các nước Đông Dương theo múi giờ của Tokyo (Nhật Bản) tức là múi giờ 9 nên giờ chính thức lại được vặn nhanh lên 1 giờ vào 23 giờ ngày 14/3/1945.
Ngày 2/9/1945
Sau khi cách mạng tháng Tám, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố lấy múi giờ 7 làm giờ chính thức.
Ngày 1/4/1947
Theo nghị định ngày 28/3/1947 của chính quyền thực dân (Công báo Đông Dương ngày 14/10/1947), trong các vùng bị tạm chiếm ở Việt Nam, ở Lào và Campuchia giờ chính thức là múi giờ 8 kể từ ngày 1/4/1947, còn trong các vùng giải phóng vẫn giữ múi giờ 7.
Sau Hiệp định giơnevơ, các vùng giải phóng ở miền Bắc cũng theo múi giờ 7 (Hà nội từ 10/1954 và Hải phòng cuối tháng 5/1955); riêng Lào trở lại múi giờ 7 vào ngày 15/4/1955.
Ngày 1/7/1955
Miền Nam Việt Nam trở lại múi giờ 7 từ 0 giờ ngày 1/7/1955.
Ngày 1/1/1960
Chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 362-TTP ngày 30/12/1959 quy định giờ chính thức của Nam Việt Nam là múi giờ 8, đồng hồ phải vặn nhanh lên 1 giờ kể từ 23 giờ đêm ngày 31/12/1959 (tức 0 giờ ngày 1/1/1960).
Ngày 31/12/1967
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Quyết đinh 121/CP ngày 8/8/1967 khẳng định giờ chính thức của nước ta là múi giờ 7 kể từ 0 giờ ngày 1/1/1968.
Ngày 13/6/1975
Sau khi miền nam được hoàn toàn giải phóng, chính phủ cách mạng Lâm thời đã ra quyết định chính thức trở lại múi giờ 7 và giờ Sài Gòn được vặn chậm lại 1 giờ.
Kể từ đó đến nay, nước ta theo múi giờ số 7.
Những thay đổi về múi giờ cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình biên soạn Lịch Vạn niên ở Việt Nam.
Tào Mạt (TH)
Những thay đổi về múi giờ cũng ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình biên soạn Lịch Vạn niên ở Việt Nam.
Tào Mạt (TH)