Phật dạy cách kiềm chế cơn giận: Chỉ cần nhẩm 3 câu này để giữ tâm bình tĩnh, tiêu trừ rất nhiều ÁC NGHIỆP

Thứ Năm, 25/05/2023 08:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đức Phật luôn khuyên chúng ta không nên nóng giận bởi cơn giận chính là liều thuốc độc giết chết bản thân mình. Cùng xem lời Phật dạy cách kiềm chế cơn giận ra sao để luôn làm chủ được cảm xúc, bình yên vui sống mỗi ngày, và cũng là tiêu trừ được rất nhiều ác nghiệp của bản thân.
 

1. Vì sao đức Phật khuyên nên hạn chế nóng giận?

 
 
Tức giận là một cơ chế phản xạ của con người khi đứng trước một sự việc không như ý. Tuy nhiên việc tức giận quá mức sẽ dẫn đến ức chế tinh thần, khi không kiểm soát được ắt sẽ bộc phát gây ra những hành động sai trái.
 
Trong giáo lý nhà Phật, nóng giận luôn là một hành vi không bao giờ được khuyến khích, dầu rằng bộc lộ cử chỉ phẫn nộ nhiều khi có thể làm dịu bớt sự bực bội trong lòng, nhưng chung quy nóng giận sẽ đem lại phiền não cho người giận cũng như cho người bị giận.
 
Đức Phật luôn khuyên mọi người chúng ta không nên nóng giận cho dù có lý do chính đáng hay không chính đáng, hợp lý hay không hợp lý. Chỉ biết rằng khi nóng giận, tâm con người chắc chắn không đủ để kiểm soát hành vi và ngôn ngữ. Phật nói: “Hãy từ bỏ nóng giận thì phiền não sẽ không đến với các người”.
 
Hỉ, nộ, ái, ố là những cung bậc cảm xúc ai rồi cũng sẽ phải trải qua trong đời. Tất nhiên, khi đứng trước những bực dọc, muộn phiền, con người ta sẽ rất khó nở một nụ cười mãn nguyện.
 
Là những người bình thường ăn ngũ cốc, trạng thái tinh thần của chúng ta chắc chắn bị ảnh hưởng bởi tình cảm và ham muốn. Được bộc lộ cảm xúc là nhu cầu chính đáng của tất cả chúng ta, nhưng cũng nên có sự tiết chế. Nhất là khi trong số rất nhiều cảm xúc, thứ khiến con người tổn thương nhất là sự tức giận.
 
Tức giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời. Nó là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp là: “Tham, Sân, Si”. Trong kinh thường gọi ba thứ này là “Tam độc”, là nguyên nhân khiến con người tạo nghiệp bất thiện để rồi trôi lăn mãi trong luân hồi sanh tử.
 
Mục tiêu chính yếu của giáo lý Đạo Phật là “Diệt trừ phiền não và mọi khổ đau” nên Phật đã lưu ý đến việc khuyên chúng sinh từ bỏ nóng giận, vì đó là nguyên do tạo ra phiền não.
 
Không giận hờn là giữ được bình tĩnh trước những cảnh trái ý nghịch lòng. Giận hờn là tính xấu tai hại chẳng khác ngọn lửa tàn bạo, đốt cháy cả người giận lẫn những người chung quanh.
 
Kinh Hoa Nghiêm có câu:

Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai.
Kinh Hoa Nghiêm

Nghĩa là: Một ý niệm giận hờn nổi lên thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra.
 
Hay câu khác như: “Nhất sân chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, tức là: Lửa giận hờn một khi đã phát ra, có thể đốt cháy và làm tiêu tan muôn mẫu núi rừng công đức.
 
Khổng giáo cũng nói “Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bá nhật chi ưu”, nghĩa là: Dằn được cơn giận trong một lúc thì khỏi ưu phiền cả trăm ngày.
 
Bao nhiêu phiền não xảy đến đều do ta chẳng biết dằn cơn giận mà ra. Phật khuyên ta nên lấy lòng từ bi và tính ôn hoà để thắng phẫn nộ. Đồng thời ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên thốt ra những lời nặng nề thô lỗ làm đau lòng người khác.
 
Lời Phật dạy rằng, ta nên bày tỏ nỗi khổ của ta một cách rất chân tình và thật thà với người mà ta đang giận, có như thế mới có cách giải quyết vấn đề.
 
Điều khó nhất là diệt trừ phẫn nộ ngay từ trong tâm. Khi tâm ta không còn nghĩ đến giận hờn thì tự nhiên cơn phẫn nộ sẽ không bộc phát. Và khi tập được tính không giận hờn thì ta có được đức tính nhẫn nhục cao quý. Ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà người phàm tục cho là đáng giận, trong những lúc họ tranh giành phải trái hơn thua với nhau.
 
Cơn giận chính là liều thuốc độc giết chết chính bản thân mình. Đó là lý do Đức Phật luôn khuyên chúng sanh cần học cách kiềm chế và bỏ qua cơn nóng giận.
 

2. Phật dạy cách kiềm chế cơn giận

 
Ngày xưa, Tôn giả Ananda hỏi Đức Phật, tại sao trên thế gian có người học Pháp mà bị bất hạnh? Đức Phật trả lời một trong những nguyên nhân là họ sân hận và thường nổi nóng, nói xấu người khác.
 
Trong “Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán” có nói rằng tổn hại do sân hận gây ra còn hơn cả một cơn bão bất ngờ, dù có là Phật Như Lai cũng không thể cứu giúp được.
 
Phật dạy cách kiềm chế cơn giận vốn rất đơn giản, hay nhẩm 3 câu này trong tâm, cơn giận của bạn sẽ nguôi ngoai ngay lập tức.
 

Câu đầu tiên: “Giận là tự hành hạ mình”.

 
 
Người xưa có quan niệm rằng “giận dữ hại thân”, và khoa học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi con người tức giận, các chức năng cơ thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
 
Khi chúng ta tức giận, nhất là khi tranh cãi với người khác, bạn có thể sẽ cảm thấy đau ở xương sườn, nhiều người khi cảm xúc bộc phát quá mạnh mẽ thậm chí sẽ cảm thấy khó thở và phổi như sắp “nổ tung” khi cơn giận ập đến.
 
Về mặt sinh lý, tức giận khiến tim đập nhanh hơn, mặt nóng, đỏ hơn, các cơ căng lên, cơ thể có xu hướng co quắp, rất dễ rất đến co rút, hoặc nhồi máu cơ tim, tai biến hoặc đột quỵ. Trên thực tế, đây là những lời cảnh báo của cơ thể tới bạn, nhắc nhở bạn không nên nóng giận.
 
Về mặt tâm lý, tức giận khiến bạn có thể bị trầm cảm, tự ti, mất tự trọng, tâm hồn bị chính mình làm tổn thương, có thể dẫn đến việc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, thậm chí là cả ma túy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình và cả xã hội
 
Đạo Phật cho rằng, giận dữ không mang đến lợi ích gì, vì nó gây ra nhiều khó khăn trong đời này và tạo nghiệp bất thiện để rồi kéo theo kết quả khổ đau trong những kiếp sau.
 
Giận cũng làm tâm trí mù mờ, lú lẫn, khiến chúng ta không thể nhận thức một cách thấu đáo các pháp ngay trong thực tại, vì vậy mà không thể đạt được giải thoát và giác ngộ.
 
Tại sao có những người rất dễ nổi nóng trong khi những người khác lại không? Phải chăng vì nghiệp quá khứ của họ quyết định như vậy và chúng ta không thể can thiệp gì?
 
Khi nghiệp trổ quả, người ta có khuynh hướng làm lại những việc giống như những gì mình đã gieo. Kết quả này của nghiệp có thể hiện hành khi con người nghiêng về những suy nghĩ bất thiện hay bộc lộ cơn giận thông qua việc làm tổn thương người khác bằng hành động hay lời nói.
 
Có nhiều người tự ngụy biện rằng mình sinh ra đã nóng tính nên thường thể hiện cảm xúc giận dữ là điều bình thường. Nhưng Đức Phật đã dạy các phương pháp để chuyển hóa cơn giận và tịnh hóa những nghiệp xấu ác do cơn giận gây ra. Vì vậy, không có lý do gì để nói rằng bạn sinh ra đã như thế và chẳng thể thay đổi gì được.
 
Cơn giận cũng gián tiếp hoặc trực tiếp làm rạn nứt, đổ vỡ một mối quan hệ dày công gây dựng, vun đắp bằng cả chân thành. Người phải chịu sự tức giận, có thể bị tổn thương tâm hồn, hoặc có thể coi bạn là kẻ thù, sẵn sàng tranh đấu, lập ra những kế hoạch báo thù. Hiển nhiên, lúc này không chỉ người tức giận, mà ngay cả người bị nhận những cảm xúc tiêu cực đó cũng có khả năng phải bị đẩy gần hơn đến ranh giới của tâm hồn ma quỷ, La Sát.
 
Trong lúc bị tức giận chi phối, con người thường không kiểm soát được bản thân mình, dẫn đến những hành động nóng vội, sai lầm, khiến bản thân phải ân hận, đau khổ, thậm chí là phải dằn vặt đến hết cuộc đời, và có tác động tiêu cực đến cuộc sống của những người xung quanh.
 
Đức Phật đã dạy, trong tâm hồn con người luôn tồn tại song song nhiều hạt giống đang chực chờ nảy nở, sinh sôi: hạt giống tức giận, hạt giống tham lam, hạt giống từ bi, hạt giống hòa nhã, hạt giống hỷ xả, hạt giống hòa ái, nhã nhặn…
 
Người nào có hạt giống tức giận nhiều hơn, sẽ trở thành một người hay tức tối, bực dọc, giận hờn, và ngược lại. Hạt giống nào thường xuyên được tưới tắm, nuôi dưỡng ắt sẽ sinh sôi, nảy nở tốt hơn, hạt giống nào không được chăm bón sẽ yếu dần đi.

Đọc thêm: Lời Phật dạy về lời nói khi nóng giận để tránh tiêu tan phú quý
 

Câu thứ hai: “Người khôn không giận”

 
 
Điều tiếp theo Phật dạy cách kiềm chế cơn giận là hãy luôn nhẩm trong đầu câu nói “người không không nóng giận”.
 
Đức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều đau khổ. Từ vô thỉ vô thủy, chúng sinh trong sáu cõi đều bị vô minh ngăn trở, tâm mê mờ, nhận giả là thật. Vì vậy, tất cả mọi người và mọi vật, cũng như chúng ta, đều là những người bình thường bị “che mắt”. Nổi giận chẳng không những không giải quyết được bất bình mà còn trở thành một trở ngại mới.
 
Trong cuộc sống, chuyện tốt không phải lúc nào cũng đến với bạn và không phải chuyện tốt gì cũng suôn sẻ. Vậy nên, khi mọi chuyện không được như ý, bạn phải học cách kiềm chế cảm xúc của mình, đừng tức giận, than vãn, bạn có thể buồn nhưng chỉ được một chút thôi.
 
Napoleon từng nói: Một người có thể kiểm soát cảm xúc của mình vĩ đại hơn một anh hùng chiến thắng một thành phố. Mọi người đều sẽ trải qua mọi bất hạnh và thử thách trong cuộc sống, hoặc là bạn bị thất bại nhất thời làm cho gục ngã, hoặc là bạn đối mặt với nó một cách tích cực rồi vượt qua nó.
 
Chỉ khi có đủ tập trung và sức bền trong cuộc sống, đối mặt với những khó khăn, vất vả từ thế giới bên ngoài, không ngừng tích lũy năng lượng tích cực, nâng cao năng lực và rèn luyện sở trường của bản thân thì con người mới có thể vững như cây tùng cây bách, có thể chống chọi với bão tố của cuộc đời.
 
Cây tùng và cây bách đứng hiên ngang trên đỉnh núi và khi cơn bão đang quét qua, hai loài cây này uốn cong thân mình theo gió để không bị gió làm gãy.
 
Cuộc sống áp lực khiến chúng ta đôi lúc sẽ rơi vào trạng thái cáu giận hay bực tức và khi đó ta thường ít khi suy nghĩ thấu đáo về những quyết định hay hành động tiếp theo của mình nên dễ mắc sai lầm, dẫn đến những hành vi tổn thương cho người khác và cho chính bản thân mình.
 
Người trưởng thành nên biết có một loại khôn ngoan gọi là không tức giận. Cuộc sống này thiên biến vạn hóa, hoàn cảnh luôn thay đổi, một người khôn ngoan chân chính có thể giữ bình tĩnh khi xảy ra sự việc, không tức giận, không suy nghĩ, buông bỏ, không hỗn loạn, không vướng mắc, duy trì tâm thái bình yên có thể thoát ra khỏi mây mù và bước tiếp.
 
Cổ nhân xưa đã dạy: “Lời giận trong lòng không nói ra cũng chẳng phải do khiếp sợ, mà là người biết suy trước nghĩ sau, tâm điềm ý đạm”. Chỉ những người khôn ngoan, hiểu chuyện mới xử lý cơn tức giận của mình bằng những cách này.
 
Không ai giăng buồm trong cơn bão, người khôn ngoan hiểu rằng khi tức giận càng phải giữ mồm giữ miệng. Một lời nói ra không thể rút lại, lời khi tức giận như hòn đá nặng quăng vào người khác vừa khiến người khác tổn thương, vừa làm hại chính bản thân mình nên càng cần phải suy xét cẩn thận.
 
Những gì bạn không muốn nghe thì cũng đừng dành để nói cho người khác. Tu dưỡng đạo đức bắt nguồn từ tu khẩu. Tâm sáng ắt sẽ biết nghĩ tới cảm nhận của người khác mà lựa lời hay. Người có sự tu dưỡng may mắn ắt sẽ tự tìm đến.
 

Câu thứ ba: “Tám gió thổi chẳng động/Ngồi vững tòa sen vàng”

 
 
Câu nói “Tám gió thổi chẳng động/Ngồi vững tòa sen vàng” vốn bắt nguồn từ giai thoại thú vị giữa đại thi hào Tô Đông Pha và và ngài Phật Ấn sống vào khoảng thời Tống, cuối thế kỷ 11.
 
Ông Tô Đông Pha là một thi sĩ danh tiếng, không chỉ là một nhà thơ mà còn là nhà nghiên cứu Phật học rất uyên bác. Ông rất tự hào về văn sĩ, thư sĩ và cả hiểu biết Phật học của mình. Ông giao thiệp với thiền sư Phật Ấn. Hai người rất thân thiết và thường trao đổi Phật học với nhau.
 
Vào một ngày kia ông qua thăm ngài Phật Ấn, vì Phật sự nên ngài Phật Ấn không có ở chùa. Ông chờ đợi rất lâu nên làm bài thơ:
 
“Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong suy bất động
Đoạn tỏa tử kim liên.”
 
Tạm dịch là:
 
“Cúi đầu đảnh lễ Pháp vương,
Mười phương tỏa sáng hào quang.
Tám gió thổi, tâm không động,
Ngồi nghiêm trên đóa sen vàng.”
 
Bát phong có nghĩa là tám ngọn gió, thổi rất mạnh làm cho cuộc sống con người bị xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống, nếu con người không bị tám ngọn gió này làm dao động thì cuộc sống rất bình thường.
 
Tám ngọn gió này gồm: 1-Lợi (lợi lộc), 2-Suy (hao tổn), 3-Hủy (chê bai chỉ trích), 4-Dự (gián tiếp khen ngợi người), 5-Xưng (trực tiếp ca tụng người), 6-Cơ (dựng sự việc giả để nói xấu người), 7-Khổ (gặp chướng duyên nghịch cảnh, thân tâm bị bức bách, khổ não), 8-Lạc (gặp được duyên tốt, thuận cảnh, thân tâm vui vẻ, hân hoan).
 
Con người thường dao động, thể hiện cảm xúc vui buồn rõ rệt trước những hoàn cảnh thuận nghịch của cuộc sống. Khi được lợi (lợi) thì vui mừng, hớn hở ngược lại khi bị mất mát, tổn hại (suy) thì buồn bã, tiếc nuối. Khi bị chê bai, chỉ trích (hủy) cảm thấy rất khó chịu nhưng khi được khen ngợi (dự) thì vui thích, hài lòng.
 
Khi được mọi người xưng tán, tung hô (xưng) thì hả hê, ngất ngây hạnh phúc ngược lại khi bị chế giễu, vu khống (cơ) thì hậm hực, bức xúc không yên. Khi những điều không như ý ập đến (khổ) thì đau khổ, thở than và ngược lại khi mọi việc đều thuận lợi như ý (lạc) thì mừng rỡ, vui vẻ.
 
Cuộc sống của con người chẳng mấy khi được bình an, vì luôn bị tám ngọn gió này chi phối. Do vậy, muốn thiết lập hạnh phúc và an vui trong đời sống chúng ta phải giữ vững tâm ý khi tiếp xúc, đối diện với tám ngọn gió này.
 
Theo kinh Phật, ngày xưa có một người Bà-la-môn, hôm ấy tâm tình không tốt nên đến chỗ Đức Phật ở, chỉ vào mũi Đức Phật mà nói những lời tục tĩu. Khi ông ta đã bình tĩnh lại một chút, Đức Phật hỏi ông ta: “Nếu ông cho người khác một vật gì đó mà người kia không nhận, thì vật ấy có còn là của ông không?”
 
Người Bà-la-môn nói: “Dĩ nhiên là còn!” Đức Phật nói tiếp: “Vậy thì tôi không chấp nhận sự xúc phạm của ông.” Bấy giờ người này mới cảm thấy xấu hổ không thôi.
 
Điều khó nhất là diệt từ hận thù từ trong tâm, khi không còn nghĩ đến tức giận, tự khắc cơn nóng giận sẽ nguội dần. Ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà người phàm tục cho là đáng giận, trong những lúc họ tranh giành phải trái hơn thua với nhau.
 
Hãy luôn nhớ rằng, dứt bỏ được nóng giận, hơn thua, cuộc đời sẽ tự nhiên thanh thản và dễ chịu hơn rất nhiều.