Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Lời Phật dạy: 7 tài sản vừa quý vừa bền hơn cả của cải, châu báu mà bạn đang nắm giữ

Thứ Năm, 27/04/2023 13:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những tài sản cần có theo lời dạy của Đức Phật không hề xa lạ với chúng ta nhưng lại quan trọng hơn những gì ta từng nghĩ tới.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

    

1. Những tài sản cần có theo lời dạy của Đức Phật

 
Trong kinh Tăng chi bộ III có ghi lại rằng thời Đức Thế Tôn ở Sàvatthi, khu vườn ông Anàthapindika. Một vị đại thần của vua tên là Ugga sau khi đản lễ đã tâm sự với Đức Phật rằng ông rất ngưỡng mộ sự giàu có, đại phú của Migàra Rohaneyyo.
 
Thế Tôn hỏi lại Ugga xem mức độ giàu có của Migàra Rohaneyyo tới mức nào và tài sản nhiều đến mức nào?
 
Ugga thành thật cho biết gia đình đó có đến trăm trăm ngàn vàng, đó là còn chưa kể tới bạc. Lúc này Đức Thế Tôn mới nói:
 
- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch.
 
Này Ugga, có bảy tài sản không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. 

Bảy tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua quan, trộm cướp, những kẻ thừa tự không khả ái hay thù địch chi phối. Đây được xem là tài sản của bậc Thánh. 
 
Tai san theo loi Phat day

7 loại tài sản cần có theo lời dạy của Đức Phật

Bài học:
 
Đối với người trên thế gian, tài sản bao gồm là tiền bạc, nhà cửa, bất động sản,... là những thứ mà con người luôn hướng đến, luôn mong cầu để sở hữu và thụ hưởng. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của tiền bạc, vàng bạc, châu báu,... vì chúng vừa đảm bảo cuộc sống và phần nào cho thấy năng lực của một người một gia đình và cả một đất nước...
 
Những ai sở hữu nhiều tài sản vật chất được xem là người có nhiều phước báo. Tuy nhiên, chúng không bền vững, dễ bị mất đi do lũ lụt, hỏa hoạn, nhà nước tịch thu, trộm cắp, con cái hư hỏng và sự phá hoại của các thế lực thù địch. Thế nên Đức Phật dạy rằng: “Tiền bạc, của cải là tài sản của năm nhà: lửa, nước, vua quan, trộm cướp, vợ con phá tán­”.

Vì vậy, Thế Tôn giới thiệu một phương thức tích lũy tài sản khác, bền vững, tuyệt đối ổn định. Ai có đủ 7 tài sản đó mới là bậc đại phú, kẻ giàu có nhất trong thế gian, kể cả cõi trời.

Cho nên tài sản theo quan niệm thông thường của chúng ta chỉ được xem là phương tiện giúp con người đáp ứng các nhu cầu về vật chất để có một đời sống ổn định, giúp ta thực hiện những tâm nguyện, chí hướng cao cả để làm đẹp cuộc đời. Thế nhưng việc chạy theo những giá trị vật chất một cách thái quá, xem nhẹ những giá trị tinh thần khiến loài người trở nên bất ổn hơn mà thôi.
  

2. Giải thích 7 loại tài sản đáng giá nhất cuộc đời


Ngoài việc tạo dựng tài sản thế gian hợp pháp, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ đó là nỗ lực tạo dựng và tích lũy bảy loại tài sản Đức Phật kể trên.

2.1 Tín tài


Tín tài tức là có tín ngưỡng tâm linh giúp dẫn dắt một người đi theo chánh đạo. Đó là tài sản có được nhờ niềm tin đúng đắn. Kinh Hoa nghiêm dạy: “Niềm tin (tín) là mẹ sinh ra các công đức”.

Ví dụ như những người có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài. Có thể ngoài kia có vô số các loại tu thiền với các tên gọi khác nhau nhưng chỉ cần tập trung vào giá trị tốt đẹp mà Đạo Phật mang lại mới là quan trọng nhất, không quan trọng là mình đang theo thầy tu hay chùa nào.

Một người có niềm tin vào Phật thì mới cố gắng theo gương của Ngài. Một người tin nhân quả thì mới tập trung làm việc thiện, điều lành. Người buôn bán tin việc làm ăn sẽ thành công thì mới bỏ tiền ra đầu tư. Một người tin rằng mình nỗ lực sẽ được đền đáp thì họ mới cố gắng… Như vậy, nhờ những niềm tin chân chính mà chúng ta tạo được nhiều phước đức và công đức.

Lời Phật dạy: Trên đời có 4 thứ này khó trường tồn, ôm lấy chúng là rước họa vào thân!
Đức Phật chỉ ra những thứ không thể trường tồn trên đời này, dù là bậc thần thánh hay ai đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi quy luật này.

2.2 Giới tài


Giới tài nghĩa là người đó biết rời xa 5 giới: sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, say sưa.

Chỉ cần dừng hết tất cả những giới này thì tiền bạc ở thế gian của người đó lập tức gia tăng.

Năm giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát, mà còn đem lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội.

Năm giới chính là năm thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chặn cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi con đường giải thoát.

2.3 Tàm tài


Người biết xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài; điều này có nghĩa ta ý thức được tác hại do chúng gây ra. Khi nhận ra được những điều này, ta cảm thấy hổ thẹn với lòng mình, về những sai lầm của bản thân.

Trong Kinh có ghi: "Hổ thẹn ví như móc sắt có thể ngăn dứt được sự phi pháp của người. Thế nên thường phải biết hổ thẹn, không được quên bỏ. Nếu xa lìa hổ thẹn thì mất các công đức. Người có hổ thẹn thì có các thiện pháp. Người không biết hổ thẹn so với loài cầm thú không khác chút nào vậy”.

2.4 Quý tài


May mắn hay tai họa cũng từ thân, miệng, ý mà ra. Thế nên khi có quý tài thì ta biết sợ hãi những quả xấu gây ra, ta sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện.

Như thế mới có mong muốn tìm cách kiểm soát bản thân, tránh phạm những lỗi lầm đó. Thế nên, chỉ qua quá trình tu dưỡng thì một người mới có được quý tài và khi đó chắc chắn cuộc sống của họ rất an vui, được nhiều người yêu mến, mọi sự nhờ thế mà trở nên thuận lợi hơn. 

2.5 Văn tài


Văn tài là những tài sản đến từ kiến thức, khả năng đọc hiểu, tìm tòi những thông tin giá trị. Những ai nghe nhiều, suy nghĩ, nghiền ngẫm, áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể để hiểu vấn đề,....

Nhờ việc bản thân đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, mới được gọi là văn tài.

2.6 Thí tài 


Thí tài đó là việc biết bố thí cúng dường - việc này tưởng là mang lợi cho người khác nhưng lại cho thấy ta đã có thể từ bỏ xan tham, ưa thích xả ly.

Từ bỏ xan tham có nghĩa là không tham đắm ngũ dục - những thứ dễ khiến con người sa đọa vào tội lỗi, gieo tạo nhiều ác nghiệp và cuối cùng chuốc lấy khổ đau rồi cứ trở đi trở lại trong kiếp này cho tới kiếp khác.

Kinh Tứ thập nhị chương từng ghi: “Thấy người bố thí, vui vẻ giúp họ thì được phước rất lớn”. Nhờ biết cúng dường, bố thí, làm lợi ích cho chúng sinh mà được sinh ra trong hoàn cảnh tốt, mang thân phận cao sang quyền quý. 

2.7 Tuệ tài


Tuệ tài tức là có trí tuệ, không bị vô minh che mờ lý trí, từ đó mà đoạn trừ được mọi khổ đau trong đời.

Kinh Bát đại nhân giác nói về văn và tuệ tài: “Bồ tát thường nhớ học rộng nghe nhiều, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, đều vì niềm vui lớn”, hay “An vui với cái nghèo mà giữ đạo, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp”.
 

3. Lợi ích của 7 tài sản quý giá nhất đời người

Duc Phat cho biet dau moi la tai san
 
Tại sao Đức Phật nói có được bảy thứ tài sản đó là có tất cả mọi thứ tài sản khác trên đời? Lợi ích của 7 tài sản trên chắc chắn không thể nghĩ bàn, thế nhưng chúng tôi tạm nêu ra 3 lợi ích có thể thấy được khi sở hữu những loại tài sản trên như sau:
 

3.1 Hết buồn, hết khổ


Một người có đủ tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ thì thấy tài sản mà người đời đang khao khát ngoài kia có cũng được mà không có cũng không sao vì chúng đều phù du, tạm bợ.

Trong khi đó, những thứ họ đang sở hữu lại trường tồn, bền vững, mang lại cho họ khí chất thực sự, ung dung giữa đời mà không phải ai cũng có được.

Khi không còn bị hoàn cảnh tác động, họ hết buồn, hết khổ, không bị đời sống vật chất làm bận tâm. Cũng như lời kinh Bát đại nhân giác nói: “Muốn ít, vô vi thì thân tâm được tự tại”.
 
Hay trong kinh Di giáo có từng ghi lại rằng: Người biết đủ tuy nằm dưới đất cũng thấy an vui; người không biết đủ tuy ở thiên đường cũng không vừa ý. Người biết đủ tuy nghèo mà giàu; người không biết đủ tuy giàu mà nghèo.
 

3.2 Mang lại giá trị đạo đức


Tài sản cần có theo lời dạy của Đức Phật nếu chúng ta may mắn sở hữu đủ thì ta không tạo tác các nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau, biết chọn lựa pháp lành để tạo, chọn lựa những nhân duyên tốt đưa đến an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, đời này và đời sau.

Ví dụ một người sở hữu thí tài sẽ luôn làm chủ tâm mình, hạn chế và đi dần đến diệt trừ tất cả mọi sự tham muốn thấp hèn, sống điều độ, siêng năng hành trì thiện pháp để tâm luôn được an tịnh.

Một người có giới tài lại biết ăn nói thu phục lòng người (tàm tài, quý tài) sẽ thường hướng đến những điều tốt đẹp, mang lại năng lượng tích cực cho bản thân và những người xung quanh, khuyến khích những người khác làm điều tốt, điều lành. 
 

3.3 Từ tài sản trên có thể tạo ra tiền bạc


Những tài sản trên tưởng chừng chỉ liên quan tới tinh thần nhưng thực tế từ đó lại có thể tạo ra tài sản vật chất cực kỳ bền vững. Vì theo nhân quả, những nhân tốt đẹp trên sẽ lại mang tới hoa thơm, quả ngọt mà không phải ai dễ mà có được.

Vậy nên ai có đủ bảy loại tài sản này được xem là người giàu có, đúng với những gì Đức Phật từng nói: “Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ”.
 
Nhìn chung, tài sản trên thế gian chỉ mới là một khía cạnh nhỏ, điều quan trọng hơn là cố gắng có được 7 tài sản tín, giới, tàm, quý, văn, thí và tuệ. Chúng không chỉ là thứ tài sản làm giàu, làm đẹp cho những con người có tâm cao thượng, mà đó còn là thứ tài sản giúp con người vươn tới phẩm vị Thánh hiền.

Đây là bảy thứ tài sản tồn tại mãi mãi, trừ khi ta hủy hoại nó khi chúng ta không còn niềm tin, sống không có đạo đức, không biết xấu hổ, hổ thẹn khi làm điều lỗi lầm, không còn tinh tấn học hỏi, sống tham lam ích kỷ,...

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X