(Lichngaytot.com) Nhiều người nghe thuyết giảng về Phật pháp chắc hẳn đã từng nghe tới khái niệm Lục hòa hay tu pháp Lục hòa, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ Lục hòa là gì, cách tu ra sao để được hưởng nhiều phước báu nhất. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
1. Lục hòa là gì?
“Lục” là sáu, “hòa” là hòa hợp, hòa thuận. Hiểu đơn giản, Lục hòa là 6 sự hòa hợp, sáu nhân duyên đem đến hạnh phúc, giải thoát cho người thực hành.
Trong giáo lý nhà Phật, Lục hòa là 6 phương pháp thể hiện nhân cách sống một con người có đạo đức, đem lại sự hòa thuận, yêu thương, đùm bọc giúp đỡ và chia sẻ cho nhau, từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến mọi việc làm trong cuộc sống.
“Hòa” ở đây mang mục đích cao đẹp, lợi ích cho mình và người khác, chứ không phải thụ động nhu nhược, cũng không phải dùng thủ đoạn để âm thầm giành phần hơn về mình.
Vốn dĩ hòa thuận là yếu tố quan trọng hơn hết trong mọi công việc, mọi tổ chức đoàn thể. Một gia đình biết sống hòa thuận thì gia đình có hạnh phúc, đất nước hòa thì nước nhà được bền vững và lâu dài, mọi người biết sống hòa hợp thì thế giới sẽ không còn chiến tranh binh đao, loạn lạc.
Thế cho nên, chúng ta biết áp dụng tinh thần Lục hòa vào trong đời sống hằng ngày, thì con người biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Chính vì sự quan trọng của nếp sống hòa thuận trong đời sống gia đình và xã hội, đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên đã chỉ dạy cho mọi người biết pháp Lục hòa kính.
2. Lục hòa gồm những gì?
Nội dung của Lục hòa gồm 6 điều như sau:
- Thân hòa đồng trú: Cùng nhau ở dưới một mái nhà.
- Khẩu hòa vô tranh: Lời nói hòa hợp không cãi cọ nhau.
- Ý hòa đồng duyệt: Mọi ý kiến phải được đồng thuận vui vẻ trước khi thực hiện.
- Giới hòa đồng tu: Cùng nhau gìn giữ giới luật để tu học.
- Kiến hòa đồng giải: Biết chia sẻ cho nhau cùng hiểu khi khám phá ra điều mới lạ.
- Lợi hòa đồng quân: Của cải chung cùng cân chia cho nhau.
2.1 Thân hòa đồng trú
“Thân hòa đồng trú” tức là cùng nhau tu tập trong một đạo tràng, tại một ngôi chùa. Nghĩa là thân chúng ta thân cận, gần với nhau; “đồng trú” là ở một nơi, một chỗ.
Trong phạm vi của một tổ chức, hôm sớm có nhau “mỗi người mỗi xứ mỗi nơi, bước vào cửa Phật như con một nhà”. Trong cộng đồng xã hội, vận dụng tốt câu “tứ hải giai huynh đệ” để lập nghiệp, sinh sống.
Chúng ta cùng tu học và làm phận sự, giúp đỡ, chiếu cố lẫn nhau. Khi có công việc thì cùng nhau họp bàn, khi tu tập thì cùng nghe Pháp, bàn luận về Pháp, sách tấn nhau thực hành đúng với giới của người Phật tử tại gia. Tất cả mọi việc đều làm cùng nhau, chứ không có một nhóm riêng biệt nào cả.
Khi đã sống chung đụng hằng ngày như thế, thì phải hòa thuận với nhau, không dùng sức mạnh, võ lực để lấn hiếp, đánh đập nhau. Nếu là anh em, vợ chồng, con cái trong một gia đình, thì phải trên thuận dưới hòa, anh ra anh, em ra em, chồng ra chồng, vợ ra vợ, chứ không được lộn xộn vô trật tự, hiếp đáp, sát phạt nhau.
Nếu là những Phật tử, cùng ở với nhau học tập dưới một mái chùa, thì tuy là không phải ruột thịt, nhưng cũng là những người con chung của đức Phật, cùng một lý tưởng mục đích, thì cũng phải lấy cái hòa khí làm đầu, không được chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô, mạnh ai nấy được.
Nếu là đồng bào, cùng chung sống trong một quốc gia xã hội, thì phải lấy sự đoàn kết làm đầu, không được gây cảnh nồi da xáo thịt, chia năm xẻ bảy, làm thành giặc chòm, giặc xóm; sát phạt nhau, chém giết nhau.
Tóm lại, đã cùng chung sống với nhau trong một địa vị, một giới hạn, một hoàn cảnh, thì bao giờ cũng phải hòa hảo với nhau.
Xem thêm: 10 hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày theo lời Phật dạy cần tránh
Xem thêm: 10 hành vi tiêu hao âm đức mỗi ngày theo lời Phật dạy cần tránh
2.2 Khẩu hòa vô tranh
“Khẩu hòa vô tranh” tức là chúng ta giữ gìn lời nói của mình, nói những lời hòa nhã để không dẫn đến sự tranh đấu, cãi cọ.
Trong khi giao tiếp, chúng ta nên nói lời ái ngữ, đúng nhân quả để khuyên bảo, động viên, sách tấn nhau cùng làm việc thiện, dứt trừ làm ác,... chia sẻ và giúp đỡ nhau để được thành tựu công đức.
Muốn thân không đánh đập nhau, không đối chọi nhau, khi ở bên cạnh nhau, thì lời nói phải giữ gìn cho được ôn hòa nhã nhặn; trong mọi trường hợp, nhất thiết không được rầy rà, cãi cọ nhau.
Có người thân hòa mà khẩu không hòa, ăn thua nhau từng câu nói, tìm cách mỉa mai, châm chọc nhau, hạch hỏi nhau từng tiếng một, cuối cùng sanh ra ẩu đả nhau.
Trong một gia đình, cũng vì một lời nói không hòa, mà nhiều khi anh em xa lìa nhau, vợ chồng ly tán nhau, cha con không thấy mặt nhau, trở thành những kẻ xa lạ, thù hằn nhau.
Trong xã hội, cũng vì một lời nói không hòa, mà nhiều khi quốc gia phải lâm nạn chiến tranh, nhân loại phải bị đẩy vào lò sát sanh thảm khốc.
Bởi thế, nên thân thể hòa chưa phải là đủ, mà Phật dạy phải hòa cả miệng nữa. Nghĩa là người Phật tử phải nói lời dịu dàng, hòa nhã với nhau, nhất thiết không được cãi lẫy, gây gỗ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ, thì tuyệt đối phải dùng lời nói ôn tồn, hòa nhã mà bàn luận.
2.3 Ý hòa đồng duyệt
“Ý hòa đồng duyệt” nghĩa là tất cả mọi việc chúng ta làm thì đều bình đẳng. Chúng ta cùng họp bàn, đóng góp ý kiến, tôn trọng ý kiến của nhau nếu tư tưởng, ý kiến đó là đúng. Còn nếu không thì cùng nhau bàn bạc cho ra lẽ và vui vẻ chấp nhận, đi đến thống nhất.
Muốn được tâm ý hòa hiệp phải thực tu hạnh hỷ xả, nghĩa là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lỗi lầm của người khác.
Duy thức học có nói: Ý là hệ trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng và thân. Kể công thì nó đứng đầu, mà kết tội, nó cũng đứng trước (công vi thủ, tội vi khôi).
Bởi thế cho nên, trong một gia đình, một đoàn thể, mỗi người cần giữ gìn ý tứ, tâm địa của mình. Nếu ý tưởng hiền hòa, vui vẻ thì thân và lời nói dễ giữ được hòa khí. Trái lại nếu ý tứ bất hòa, thường trái ngược nhau, ganh ghét nhau, thì thân và khẩu khó mà giữ cho được hòa hảo.
Dù có cố gắng bao nhiêu, để thân và khẩu được hòa khí, hay vì sợ một uy quyền gì trên, mà phải ăn ở hòa thuận với nhau, thì sự hòa thuận này cũng chẳng khác gì một lớp sơn đẹp đẽ, tô lên một tấm gỗ đã mục.
Một khi sự xung đột bên trong đã đến một mức độ không thể chứa đựng được nữa, tất nó sẽ nổ tung ra trong lời nói hay trong những cái đấm đá; cũng như tấm gỗ khi đã mục quá rồi thì thế nào lớp sơn bên ngoài cũng rạn nứt, đổ bể.
Đức Phật đã thấu rõ như thế, nên Ngài dạy phải có tâm ý vui vẻ hòa hiệp trong khi chung sống với nhau.
2.4 Giới hòa đồng tu
“Giới hòa đồng tu” tức là chúng ta cùng tu tập với những người giữ Ngũ giới của người Phật tử tại gia và tu 8 giới Bát Quan Trai. Chúng ta lấy giới là cơ sở để sách tấn nhau, nhận lỗi và chỉ lỗi cho nhau để cùng tiến bộ.
Trong đạo Phật, mỗi Phật tử, tùy theo địa vị cấp bậc tu hành của mình, mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật. Người tại gia thì thọ Ngũ Giới; người xuất gia thì thọ 10 giới nếu là Sa Di, thọ 250 giới nếu là Tỳ kheo, thọ 348 giới nếu là Tỳ kheo Ni…
Khi Phật tử hội họp lại, hay khi cùng chung sống để tu học, mỗi ngày tùy theo cấp bậc của mình mà giữ giới. Đã cùng một cấp bực với nhau, thì tất phải thọ giới và giữ giới như nhau, chứ không được lộn xộn, giữ giới này, bỏ giới kia, giữ giới kia, bỏ giới nọ, mỗi người mỗi thứ. Nếu có sự vô kỷ luật này thì lẽ tất nhiên tổ chức ấy sẽ tan rã.
Vì thế, đức Phật dạy: khi Phật tử đã chung sống với nhau, thì triệt để phải cùng nhau tu những giới luật như nhau, giữ đúng những giới luật của cấp bực mình.
Nói rộng ra, trong một trường học, một gia đình Phật tử, một hội chẳng hạn, bao giờ cũng lấy kỷ luật làm đầu.
Nói tóm lại, trong một đoàn thể, đạo hay đời, nếu không cùng nhau gìn giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc, thì chúng ta không bao giờ sống chung với nhau được. Vậy Phật tử, muốn hòa hợp cùng nhau để tu tập, thì mỗi người cần phải gìn giữ giới luật như nhau.
2.5 Kiến hòa đồng giải
“Kiến hòa đồng giải” nghĩa là kiến giải có được về chân lý hay lý đạo đã thông hiểu thì chia sẻ cùng mọi người để cùng nhau tu tập.
Khi ta khám phá ra được một điều gì mới lạ, hay có một ý kiến gì hay ho, nếu ta không giải bày cho người chung quanh, thì không những ta là một kẻ ích kỷ, mà còn tạo ra một sự tắc nghẽn giữa sự thông cảm với những người khác. Lòng ích kỷ và sự tắc nghẽn ấy là mối dây của sự chia rẽ, bất hòa, xung đột. Trước một vấn đề, mỗi người sẽ nghĩ, sẽ thấy mỗi cách, và do đó, sẽ gây nghi ngờ, hoang mang trong đoàn thể, vì phần đông không biết tin vào ai.
Người Phật tử nghe pháp, đọc Kinh, Luật, Luận mỗi người có cách ngộ riêng. Đừng chấp chặt với cái ngộ của chính mình. Trong kho tàng giáo pháp của Đức Phật có vô số điều vi diệu, cao siêu…. Cho nên việc giải bày ý kiến của mình cho bạn cùng tu là điều hết sức cần thiết.
Cùng học hành sống chung với nhau, mỗi người cần chia sẻ điều hiểu biết của mình cho người khác, đặc biệt cùng nhau khuyên bảo thực hành tu tập để thể nhập cái ngộ của mình. Như thế sự tu học mới đạt kết quả viên mãn.
2.6 Lợi hòa đồng quân
“Lợi hòa đồng quân” nghĩa là phải biết chăm sóc, yêu thương nhau như người một nhà, có lợi lộc cùng chia nhau cân bằng.
Trong cuộc sống, chúng ta cùng yêu thương, quan tâm tới đời sống của nhau; động viên, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, hoạn nạn, khi vui, khi buồn.
Chia đều các tặng phẩm, phân đều tài vật của cải tập thể (không dùng sử dụng chung) cho mỗi thành viên, có chiếu cố người đau yếu bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn hơn. Không ai được chiếm làm của riêng hay giành phần nhiều về mình, ở đây không có chỗ cho tính ích kỹ, bè phái, hám lợi.
Trong khi sống chung, nếu có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang…thì phải đem quân phân tất cả, nghĩa là chia cho đều nhau, không vì tình riêng, kẻ ít người nhiều, kẻ tốt người xấu, nhưng phải lấy công bằng làm trọng. Giữ được như thế, thì dù ở chung nghìn người cũng vẫn hòa vui. Trái lại, nếu vì tính tư, ý riêng tham tài tham lợi thì dù chỉ có vài ba người chung sống với nhau, cũng không thể hòa được.
Trong xã hội sở dĩ có sự xung đột dữ dội, phân chia giai cấp, cũng do vì thiếu sự “Lợi hòa đồng quân” cả. Người giàu thì giàu quá, kẻ nghèo thì nghèo xơ. Do đó, không thể có hòa bình được: người vô sản xung đột với kẻ hữu sản, nước nghèo đói sanh sự với nước phú cường.
Với một tinh thần bình đẳng lợi tha, từ bi cứu khổ, với một trí huệ soi thấu rõ sự vô thường, giả tạm của cuộc đời, Đức Phật đã dạy: “Có tài lợi, nên tùy phận chia sớt cho nhau”, hay triệt để hơn nữa: “Lợi hòa đồng quân”. Chúng ta đã là Phật tử, phải nên cố gắng thực hành cho được lời dạy ấy.
3. Lợi ích khi tu tập pháp Lục hòa
3.1 Lợi ích với tập thể
Muốn hòa thì mỗi người đều phải học cách sống, thực tập Lục hòa: tôn trọng nhau, biết trên dưới, biết nhường nhịn nhau. Cho nên, một tập thể giữ được sự hòa hợp, đoàn kết đó thì sẽ có sức mạnh và dẫn mọi người đến thành công được.
3.2 Lợi ích cho mỗi cá nhân
Người tu tập, thực hành pháp Lục hòa sẽ được công đức Lục hòa. Công đức Lục hòa được sinh ra từ các duyên sau: có hội chúng, hội chúng tu tâm tôn trọng, bình đẳng, tu trí vô ngã.
Các Phật tử có chính kiến, khi tu trì giới, tu các phận sự cùng nhau, mà nói lời ái ngữ, họp bàn bình đẳng, tôn trọng, yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ cho nhau tiến tu, thì sẽ sinh ra công đức Lục hòa.
Cụ thể, công đức Lục hòa mang lại lợi ích đặc biệt cho người thực hành, bao gồm:
- Được chư Thiên, thiện Thần, hộ Pháp bảo hộ
Hồi hướng công đức Lục hòa, chúng ta bớt được những người ác hại mình và người thân. Bởi chúng ta đã có công đức Lục hòa - yêu thương, giúp đỡ, chăm lo cho mọi người trong nhân quả; hòa hợp, nâng đỡ lẫn nhau thì tất yếu chúng ta sẽ không phải chịu đau khổ.
Người biết tu tập Lục hòa có phước rất lớn; đi đâu chư Thiên, thiện Thần, Hộ pháp, Long Thần cũng phải ủng hộ và bảo vệ. Đi đâu cũng có Hộ Pháp, Long Thần người ta bảo vệ. Đó là dòng nhân quả.
Chúng ta tu tập Lục hòa là lấy đức hòa hợp, hòa hợp có giới, có chánh kiến; tôn trọng, ái kính nhau; biết bảo ban, thương yêu nhau, nâng đỡ nhau tu hành thì chư Thiên ái kính, hoan hỷ.
Bạn có biết: Trạng thái tu tập cao nhất của Phật giáo chỉ là 8 CHỮ này
Bạn có biết: Trạng thái tu tập cao nhất của Phật giáo chỉ là 8 CHỮ này
- Có được trí tuệ Phật, thành Phật
Pháp Lục hòa là Pháp của Phật, Pháp của Phật là trí tuệ Phật. Chúng ta nương vào trí tuệ Phật để thành công đức Lục hòa thì công đức đó sinh ra trí tuệ cho chúng ta.
Từ trí tuệ sinh ra đó, chúng ta thâm nhập được vào trí tuệ của Phật. Từ đó, chúng ta lại biết cách thực hành công đức Lục hòa để sinh ra trí tuệ cho chúng ta. Cứ như vậy, chúng ta đạt được đỉnh cao cuối cùng là có được trí tuệ Phật, thành Phật.
- Tiêu trừ ác nghiệp bất hòa trong các mối quan hệ
Người thực hành pháp Lục hòa tịnh nghiêm sẽ tiêu trừ được các ác nghiệp, ác quả từ sự bất hòa và tà kiến chúng ta đã từng gây ra.
Ví dụ: Chúng ta bất hòa, không ưa ai đó và khởi tâm ác hại họ, đến bây giờ đủ duyên phải chịu quả báo. Nhưng do hiện tại chúng ta có thực hành Lục hòa tịnh nghiêm thì quả báo đó sẽ được tiêu đi.
Nếu như chúng ta có sự bất hòa nào đó trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, làng xóm, xã hội,... thì chúng ta hồi hướng công đức Lục hòa cho tất cả các duyên của mình được tốt đẹp lên, với điều kiện phải thật sự tinh nghiêm trong việc tu tập Lục hòa thì mới được linh ứng.
- Được mọi người tôn trọng
Thực hành pháp Lục hòa, thực tập tâm tôn trọng (ý hòa đồng duyệt) sẽ phát sinh ra công đức khiến chúng ta được con cái, gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp,... tôn trọng.
Chúng ta lấy công đức Lục hòa hồi hướng thì sẽ có được nhân duyên tốt lành khởi sinh khiến chúng ta được người khác tôn trọng, cung kính.
Còn nếu chúng ta không có sự tôn trọng thì chúng ta không ý hòa được với ai. Ví dụ chúng ta dùng quyền hạn, sức mạnh để áp chế người khác gây mất ý hòa thì nhân quả sẽ bị người khác coi thường, khinh chê.
Bởi chúng ta tôn trọng người khác thì mình cũng sẽ được tôn trọng. Vậy nên các cụ mới có câu “có đức thì Quỷ Thần trọng”, việc xin phép đó chính là đạo đức tôn trọng.
Còn nếu chúng ta không có sự tôn trọng người khác thì sẽ không có được ý hòa với bất cứ ai. Ví dụ chúng ta dùng quyền hạn, sức mạnh để áp chế người khác thì nhân quả là sẽ không ai cung kính mình, bị người khác coi thường, khinh chê.
Vì vậy, chúng ta cần tu tập Lục hòa và hồi hướng công đức phát sinh cho ác nghiệp của mình phải chịu sự bất hòa, coi thường, khinh chê,... Từ đó, có được nhân duyên tốt lành khiến chúng ta được người khác tôn trọng, cung kính.
- Gia đình êm ấm, không bị ly tán
Tu Lục hòa giúp chúng ta được tiêu trừ các nghiệp ly tán, đỡ phải chịu khổ quả gia đình, con cái chia lìa. Chúng ta có vợ chồng, con cái mà phải ly hôn hay gia đình bất hòa với nhau thì đau khổ vô cùng, đi đến đâu cũng gặp phải chướng ngại, mệt mỏi.
Cho nên, tu pháp Lục hòa đem lại cho chúng ta và gia đình phước báu hòa bình, giảm trừ được các nhân duyên bị người khác ganh ghét, ác hại.
Lục hòa dựa trên căn bản là cùng nhau tu sửa giới đức và thành tựu chính kiến, làm tất cả mọi việc để thành tựu được đức và chánh kiến giải thoát cho mình. Cho nên, ở đâu có Lục hòa thì ở đó có hạnh phúc. Gia đình có Lục hòa thì gia đình có hạnh phúc.
Khi chúng ta tu Lục hòa, sống yêu thương, giúp đỡ, chăm lo cho mọi người trong nhân quả, hòa hợp với nhau, nâng đỡ nhau thì mình và người thân cũng sẽ bớt gặp những sự ác hại.
- Tăng trưởng trí tuệ
Pháp Lục hòa là Pháp của Phật, Pháp của Phật là trí tuệ Phật. Cho nên chúng ta thực hành trí tuệ Phật thì sẽ sinh ra trí tuệ cho chúng ta và thành tựu công đức cho mình.
Có trí tuệ và công đức rồi, chúng ta lại quán Pháp - tức là tiếp tục học hiểu lời Phật dạy, thâm nhập vào trí tuệ Phật, biết cách tiếp tục thực hành các công đức Lục hòa và công đức Lục hòa ấy lại sinh trí tuệ cho chúng ta.
Cứ như vậy, trí tuệ chúng ta sẽ tăng trưởng, chúng ta mới có thể đạt đến đỉnh cao cuối cùng là có được trí tuệ Phật, thành Phật.
- Trở thành con người đạo đức
Nếu chúng ta thực hành đúng Lục hòa đều trở thành con người có đạo đức vì bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ và mọi hành hành động trong giới - nền tảng đạo đức.
Cho nên, chúng ta tuân thủ pháp Lục hòa sẽ trở thành người có trí biết quan sát rộng rãi, phân tích rộng rãi một vấn đề.
Từ đó, trong cuộc sống, chúng ta không tự mình nhận định và làm oan ai đó, không nhìn vấn đề một cách thiển cận mà biết quan sát, tư duy, biết thấu đáo rồi chuyển hóa vấn đề theo hướng tích cực. Và chúng ta cũng được hưởng nguồn tâm mát mẻ do trí tuệ đã điều phục được tâm mình.
- Không còn giành giật đấu tranh
Trong thời vật chất sung mãn này, sự giành giật tranh chấp, đấu tranh của chúng sinh rất nhiều. Nếu chúng ta biết sống Lục hòa thì không còn đấu tranh giành giật.
Với 6 điều dạy trên đây của Đức Phật, nếu chúng ta thực hiện một cách triệt để thì trong gia đình, cha mẹ vợ chồng, anh em, đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được hùng cường thịnh trị, thế giới được hòa bình an lạc.
Riêng về trong giới Phật tử chúng ta, nếu áp dụng đúng đắn pháp “Lục hòa”, thì sự tu học của chúng ta mau được tiến bộ, con đường giải thoát được gần hơn, và cảnh giới Cực lạc không phải chỉ là một ước vọng.
Vậy xin khuyên các Phật tử mỗi người sau khi học hiểu rõ Lục hòa, phải thật hành cho được và khuyên mọi người thật hành theo, để cùng hưởng hạnh phúc chung.