- 1. Quỷ hỏi: "Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?"
- 2. Quỷ hỏi: “Làm sao vượt qua trùng dương?”
- 3. Quỷ hỏi: "Làm cách nào chế ngự phiền não?"
- 4. Quỷ hỏi: “Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?”
- 5. Quỷ hỏi: “Làm sao mưu tìm sự nghiệp?”
- 6. Quỷ hỏi: “Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khăng khít?”
- 7. Quỷ lại hỏi: “Từ thế gian này tới thế gian khác, làm sao tránh khỏi phiền não?”
Chúng ta đã quá quen thuộc với những cuộc đối đáp của Đức Phật và các đệ tử của mình nhưng đặc biệt, cuộc đối thoại của quỷ và Phật sau đây còn mang giá trị sâu sắc ở một góc nhìn khác khiến chúng ta có cơ hội nhìn lại "con quỷ" trong tâm mình và có niềm tin rằng điều gì cũng có thể thay đổi:
1. Quỷ hỏi: "Sống thế nào gọi là cao thượng nhất?"
Đức Phật trả lời: “Sống với trí tuệ gọi là cao thượng nhất”.
Vì sao sống trí tuệ được xem là cao thượng? Vì chỉ khi có trí tuệ ta mới biết chọn được lối sống cho mình mà không bị cuộc đời hay bất cứ ai dẫn dắt. Ví dụ như những người thường khi có vấn đề thì cố gắng giải thích, phân bua mà họ không biết rằng im lặng cũng là một loại trí tuệ.
Người có trí tuệ mới đủ bao dung cho những thiếu sót của người đời vì họ biết rằng con người ai cũng có thiếu sót và đó là lý do họ hiện diện ở Trái Đất này để học hỏi, hoàn thiện bản thân mình, chính sự hiểu biết đó đã giúp họ trở thành người cao thượng.
2. Quỷ hỏi: “Làm sao vượt qua trùng dương?”
Đức Phật trả lời: “Nhờ sức kiên trì vượt trùng dương.”
Trùng dương được tạm hiểu là biển cả, biển lớn và với hình ảnh mệnh mông, vô định này chúng ta đã cảm thấy e sợ khi nhắc tới. Hầu hết chúng ta sợ hãi và tìm cách lùi bước vì sợ rằng mình chẳng thể vượt biển.
Trùng dương cũng có thể được xem là khó khăn, trở ngại, thách thức đang bày ra trước mắt chúng ta khiến chúng ta có cảm giác như mình chấp nhận chịu thua. Thế nhưng cách để vượt qua tất cả đó là chỉ bằng sự siêng năng, kiên trì từng bước một mà thôi.
Đây thực sự là bí quyết sống thành công mà dù bạn là ai cũng cần phải biết được. Có thể nói, vượt trùng dương, vượt bể khố chỉ khó với ai không có sự kiên nhẫn, kiên chí, kiên cường, kiên quyết mà thôi. Ngược lại, một khi nhất tâm, luôn theo đuổi đến cùng mục tiêu của mình thì bạn nhất định sẽ tìm ra cách thức phù hợp.
Ví dụ như Phật trong quá trình tu luyện bị không ít hàm oan, bị quỷ quấy rầy, trải qua 8 kiếp nạn của Đức Phật không phải ai cũng đủ khả năng vượt qua, thế nhưng Ngài đều lần lượt chấp nhận thử thách, không chút sợ hãi, lòng kiên trì đó là điều mà chúng ta rất đáng học hỏi.
3. Quỷ hỏi: "Làm cách nào chế ngự phiền não?"
Đức Phật đáp trả: “Nhờ tinh tấn chế ngự phiền não”
Phàm là kẻ mang thân xác con người thì làm sao mà ta không thể nghĩ, nói muốn không phiền não là có thể an yên ngay được. Thế nên không phải ai trong chúng ta cũng hiểu đúng về chữ buông mà Phật thường nhắc tới.
Con người ta thường chế ngự phiền não bằng cách "trốn chạy" như uống rượu, đến sàn, bar để nghe nhạc thật to nhằm lấn át các suy nghĩ, đi kể xấu người khác,... Thế nhưng họ không hề biết rằng chỉ có sự tinh tấn mới đủ kéo họ ra khỏi những muộn phiền đang ngự trị sâu trong lòng mình.
Tinh tấn nằm ở chỗ ta đủ thông tuệ để hiểu gốc rễ phiền não, chỉ có như thế mới nhổ hết được tận gốc vấn đề, đó không phải là cố thoái lui cũng chẳng phải cố gắng tiến tới mãi khi làm một việc gì.
Tinh tấn là đủ hiểu nắm cái gì, buông cái gì, việc gì cần đối đầu để năng lực quyết tâm cần mẫn theo đuổi cho tới nơi tới chốn. Ví dụ không phải vì thấy nỗi khổ trong thế gian mà tìm cách vào chùa để trốn tranh, sự thật là người tu hành không có tinh tấn chẳng khác gì kẻ muốn vượt qua biển rộng mà chẳng có thuyền bè.
4. Quỷ hỏi: “Thành đạt trí tuệ bằng cách nào?”
Đức Phật trả lời: “Người kiên trì có niềm tin sáng suốt, thành đạt trí tuệ bằng cách nghe giáo pháp của bậc đại Giác, có khả năng dẫn đến Niết Bàn”
Ta cứ nói mãi về người có trí, có được sự tinh tấn nhưng làm thế nào để có được nó? Ít nhất đó là người có sự tin tưởng vào sự thông tuệ đó và sau đó là nghe "giáo pháp của bậc đại Giác". Điều này có nghĩa là đề cao việc học hỏi, tiếp thu kiến thức từ người đi trước, nhưng cụ thể đó là ai?
Đức Phật không hề nói rằng chỉ cần nghe đọc giáo pháp của Phật mà đó là các bậc đại Giác, tức là những người đủ khả năng Giác ngộ, dẫn dắt chúng ta tới những kiến thức hay ho, có tính khai mở, giúp ta biết đâu là lẽ phải, hạn chế việc làm sai trái, sau đó là thực hành tinh tấn kiên cố, sẽ đạt trí tuệ tối thượng, đó là khả năng dẫn tới giải thoát Niết Bàn trong tương lai.
5. Quỷ hỏi: “Làm sao mưu tìm sự nghiệp?”
Đức Phật đáp: “Người làm công việc chính đáng một cách kiên trì nhẫn nại, sẽ tìm được sự nghiệp”.
Mỗi người sinh ra đều có vai trò nhất định trong cuộc sống này và chính mỗi người cũng phải tìm kiếm vai trò thực tế của mình là gì, trong quá trình đó thì ta đã phải thử thách không ít qua từng việc mình làm, thế nhưng cứ kiên trì nhẫn này, ta sẽ tìm được con đường thành công của riêng mình.
Không có công việc nào là thấp hèn hay cao thượng, miễn là chúng đều đóng góp cho lợi tích của xã hội. Ta chỉ cần sống bằng nghề chân chính lương thiện, không làm cho người và vật đau khổ, đó là làm công việc chính đáng.
6. Quỷ hỏi: “Cái gì làm cho tình bằng hữu trở nên khăng khít?”
Đức Phật dạy: “Đức quảng đại khoan dung làm cho tình bằng hữu trở nên khăng khít”.
Không phải ngẫu nhiên người ta ca ngợi khoan dung độ lượng mang phúc báo suốt đời. Vì cái chân của lòng khoan dung đó là dựa vào trí tuệ, sự thấu hiểu, khi ta biết khoan dung độ lượng là ta biết tha thứ cởi mở, tha thứ cho những mê lầm của người khác.
Con người vốn không hoàn hảo, từ đó ta cư xử với thái độ thấu cảm, rộng lòng đón nhận cái hay cái dở của người, nhờ đó mà giữa bạn bè người thân, tình nghĩa càng ngày càng khăng khít.
7. Quỷ lại hỏi: “Từ thế gian này tới thế gian khác, làm sao tránh khỏi phiền não?”
Đức Phật giảng: “Người Cư sĩ có bốn phẩm hạnh: Chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ không phiền não khi qua đời” là thế nào?
Chật thật nghĩa là không gia dối, không quanh co, lừa gạt, đa mưu không che đậy chẳng nói úp mở, không nói phù phiếm chẳng nói bóng nói gió, không nói hoa hòe hoa sói chẳng nói màu mè, không gièm pha nịnh bợ mà nói một cách ngay thẳng.
Giới đức là giới hạn, ngăn đe ngay thẳng, đức là đạo lý làm người, điều thiện, ơn huệ, Giới đức là những điều hay phải lẽ đúng đạo lý phải theo như: ba điều về thân: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; bốn điều về miệng: không nói dối, không nói hai chiều, không nói thêu dệt, không nói ác; và ba điều về ý: không tham lam, không sân giận, không si mê tà kiến.
Can đảm là ý chí quyết tâm thực hành hai điều trên, can đảm chân thật, can đảm thực hành giới đức đầy đủ.
Bố thí rộng rãi là bố thí không giới hạn, không phân chia phân biệt lúc bố thí, tùy khả năng mà bố thí theo phương thức bình đẳng bố thí. Như vậy người nào có được bốn phẩm hạnh: chân thật, giới đức, can đảm, bố thí rộng rãi, sẽ được sinh cõi Trời vô cùng sung sướng, nên hết buồn phiền là vậy.
Chính cuộc đối thoại của quỷ và Phật giúp Ãlavaka đã hiểu ra nhiều điều, Quỷ tán thán công đức công đức của Phật đi khắp nơi. Nhờ đó, thế giới Ngạ quỷ cũng được học Phật pháp, cũng biết việc thiện ác cho dù chúng từng giết hại người, kể từ lúc được Phật thâu phục giáo hóa rồi, không còn làm việc giết hại người nữa.
(Tổng hợp)