Cúng Rằm Tháng Giêng: Lễ tại gia và lễ ở chùa khác nhau như thế nào?

Thứ Tư, 28/02/2018 10:19 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cúng Rằm Tháng Giêng là nghi thức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, được tổ chức trang trọng với ý nghĩa tốt đẹp. Đây là ngày Rằm đầu tiên của năm mới, lễ có thể tiến hành tại nhà hoặc ở chùa tùy theo điều kiện và mong muốn của từng gia đình. Lịch Ngày Tốt xin đưa ra thông tin cụ thể về từng lễ để bạn đọc tham khảo.


 
Cúng lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng, ngày 15/1 âm lịch hàng năm có vị trí không thể thay thế trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Ngày này tất cả các gia đình đều tiến hành nghi lễ cúng gia tiên, báo cáo kết thúc tháng Tết và chính thức bắt nhịp vào cuộc sống sinh hoạt lao động của năm mới. 
 
Với Phật tử, những gia đình theo đạo Phật, thờ Phật tại gia thì ngày này còn làm lễ cúng Phật cầu bình an, có thể tiến hành tại nhà hoặc ở chùa. Thông thường, nếu có ban thờ Phật tại gia thì gia chủ nên làm lễ cúng tại nhà cùng với cúng gia tiên, ra chùa dâng lễ thêm lại càng tốt. Nếu nhà không có ban thờ Phật thì nên tham dự lễ cúng tại chùa.
 
Ngoài cúng Rằm Tháng Giêng, người Việt có truyền thống dâng sao giải hạn vào ngày 15/1 âm lịch để tránh tai kiếp rủi ro trong năm mới, giúp vận trình của bản thân cùng những người trong gia đình yên ổn thuận lợi. Lễ này thường được tiến hành sau lễ cúng Phật ở các chùa và một số địa điểm tâm linh khác.

Vậy lễ cúng Rằm tháng Giêng tại gia và ở chùa có gì khác biệt? Làm thế nào để phân biệt đúng 2 nghi lễ này?
 

1. Chuẩn bị lễ cúng Rằm tại gia

 
Người Việt trọng lễ nghi, quý truyền thống nên các lễ cúng đều được tiến hành trang trọng, nghiêm cẩn. Nhưng đối với lễ vật và các khâu chuẩn bị thì không hề cầu kì, rất thông dụng. Cúng Rằm đầu năm tại nhà gia chủ cần chuẩn bị mâm cơm cúng và hương đèn, hoa quả, trầu cau, rượu thuốc, vàng mã.

 
Mâm cơm cúng Rằm gồm các món ăn mang hương vị ngày Tết và quen thuộc như bánh chưng, gà luộc, giò chả, canh măng miến, món xào, xôi gấc. Tùy vào khẩu vị của mỗi gia đình mà các món ăn có thể biến tấu đôi chút như về cơ bản sẽ đủ các món bánh, xôi, luộc, xào, canh, mặn. Các món không chỉ đại diện cho ẩm thực dân tộc và còn có ý nghĩa tốt lành viên mãn, gửi gắm hi vọng về năm mới thuận lợi tấn tới.
 
Sau khi dâng lễ lên ban gia tiên, gia chủ lên hương và đọc Văn khấn cúng Rằm tháng Giêng để mời ông bà tổ tiên về nhận lễ. Đợi hương tàn hạ lễ xuống, đốt vàng mã và cả gia đình cùng quây quần thụ lộc, ăn bữa cơm thân mật. 
 
Với gia đình thờ Phật tại gia thì chuẩn bị thêm lễ chay bao gồm hương đèn bánh trôi, trái cây, hoa tươi. Nếu có điều kiện thì làm mâm cỗ chay với các món ăn thanh tịnh, tự nhiên để dâng lên Thần Phật, thể hiện lòng thành kính và cầu xin các vị che chở cho gia trạch an khang. 
 

2. Chuẩn bị lễ cúng Rằm tại chùa

 

Rằm Tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu hay Lễ Thượng Nguyên, đối với Phật giáo là nghi lễ quan trọng thể hiện sự tôn kính chư Phật, cầu bình an thuận hòa cho năm mới. Tất cả các chùa đều tổ chức lễ cúng cho khách thập phương tới tham dự. Những người không thờ Phật tại gia có thể lên chùa làm lễ cộng đồng.

Dành cho bạn Hiểu ý nghĩa rằm tháng giêng trong Phật giáo để cảm thấy an lạc hơn mỗi ngày
 
Lễ vật chuẩn bị cũng rất đơn giản, hoa quả, bánh kẹo, hương đèn và nước sạch. Chủ yếu là lòng thành tâm, hướng thiện; ngoài tham dự chính lễ thì tín chủ nên làm công quả cho chùa, tham gia vào việc thiện nguyện, phóng sinh, học thêm về kinh pháp để tích công đức, tĩnh tâm và thực sự dâng lòng thành lên đức chư Phật. 

 
Hiện nay một số chùa có làm lễ dâng sao giải hạn cho tín chủ thập phương. Đây là nghi lễ mang tính chất tâm linh với mong muốn xua điều rủi đón điều may, tiêu tai giải nạn và vượt qua những khó khăn cản trở trong năm tới. Những người có sao hạn, sao xấu có thể tới chùa tham gia khóa lễ, cầu Phật phù hộ.
 
Khóa lễ chủ yếu mang tính chất giải tỏa tâm lý, giúp mọi người thoải mái vui vẻ hơn. Còn lễ chính ở chùa vẫn hướng mỗi người tới thiện tâm, học Phật để có thái độ sống tích cực lạc quan, đúng đắn chuẩn mực và bao dung với tất cả. Có như vậy thì nạn nào cũng qua, hạn nào cũng không sợ. 
Tâm Lan