Cảnh chen chúc ở Tam Chúc: Cẩn thận lại mất lộc chứ mơ tưởng gì tới tăng thêm phước lộc!

Thứ Hai, 22/03/2021 10:15 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Việc nhiều người quan tâm tới tâm linh là đáng mừng nhưng chen chúc nơi chùa chiền, vứt rác bừa bãi là một hình ảnh vô cùng xấu xí mà chúng ta phải tìm cách thay đổi tình hình này càng sớm càng tốt.
  
 

Chen chúc nơi chùa chiền là chuyện vui hay chuyện buồn 

 
Hiện tượng chen nhau đi lễ ở chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vừa qua gây ra sự thu hút đặc biệt tới người dân trong cả nước.

Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam đã chứng kiến cảnh ùn tắc, dòng người người đông đúc, chen lấn nhau như ong vỡ tổ vào ngày 14/3 vừa qua vì lượng khách tăng đột biến, do bị quá tải nghiêm trọng khi lượng du khách đổ về quá nhiều ở cùng thời điểm. 

Khoảng 70.000 du khách đã đến địa điểm này trong 2 ngày cuối tuần, riêng ngày 14/3 có tới khoảng 50.000 người đã về Tam Chúc chiêm bái, du lịch.

Đại diện của Ban trụ trì chùa Tam Chúc chia sẻ trên báo chí: từ Tết Tân Sửu đến nay, số lượng khách đến rải rác từ vài ngàn, cao điểm là 2 vạn khách vào ngày mùng 4. Nhưng ngày 14/3, lượng du khách tăng đột biến, dồn dập vào thời điểm ban trưa.

Có thể nói chuyện vui khi nhìn thấy những con số này đó là nó phản ánh ngành kinh doanh du lịch tâm lịch của Việt Nam đang ở thời kỳ thịnh vượng. Con số càng lớn càng thể hiện là người dân đã quan tâm nhiều hơn về lĩnh lực tâm linh và cũng có nghĩa là kinh tế ngày càng phát triển, đời sống tinh thần sẽ ngày càng được chú trọng hơn.

Không thể phủ nhận sự thật là người Việt lại trọng tín ngưỡng, và đó là lý do người ta rất có lợi khi khai thác ngành du lịch tâm linh này với những “hòm công đức” để thể hiện “lòng thành” của người ghé thăm chùa.
 
 
Thế nhưng mặt trái của nó không phải là ít, việc nhiều người quan tâm đến những ngôi chùa như Tam Chúc còn là sản phẩm của truyền thông. Khi nghe quảng cáo và các thông tin về những cái nhất của chùa Tam Chúc Hà Nam với những cái nhất nghe rất kêu đã khơi gợi sự tò mò mọi người tới đây.

Điều này lại xuất phát từ tâm lý đám đông chứ không hoàn toàn kính ngưỡng tâm linh. Nhất là giữa lúc tình trạng dịch bệnh diễn biến khó lường thì việc mở cửa chùa đón hàng vạn người đến chiêm bái thế này thì thật nguy hiểm. Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc, cho biết các biện pháp phòng dịch đã không được đảm bảo tuyệt đối trong ngày 14/3
 
Đó là chưa kể đến tình trạng khu vực chùa chính không có quán bán đồ ăn, thức uống nên người dân thường tự mang đồ ở nhà đi. Sau khi dùng bữa, nhiều du khách vứt rác thải ngổn ngang quanh chùa

Theo ông Lê Đức Trung - người phát ngôn Bộ VH,TT&DL, chùa Tam Chúc chỉ là điển hình mà thôi vì rất nhiều hiện tượng tương tự còn có thể xảy ra ở Chùa Hương hay Yên Tử cũng như một số ngôi chùa khác. Nghĩa là nhu cầu đi chùa chiền của chúng ta rất lớn.
  
Tình trạng này không phải chỉ ở một chùa mà còn lặp lại ở nhiều ngôi chùa khác nhau, lặp lại qua năm này tới năm khác là điều đáng lo ngại. Chúng ta nhất định nên có biện pháp phù hợp, tức thời hơn để hạn chế tối thiểu tình trạng này vì chùa chiền không thể là nơi xô bồ, càng không nên xem là điểm đến du lịch đơn thuần.

Hơn hết, đó còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân. Mọi người cần có đủ nhận thức để tôn trọng những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, tránh việc “kinh doanh tâm linh” trở thành ngành nghề kinh doanh mới nổi, thu hút hầu hết những người tò mò, theo tâm lý đám đông đến xem có cái gì vui hay không.
 

Nghèo nàn về kiến thức tâm linh

 

Đừng chỉ đến chùa để du Xuân


Chúng ta cần phải đối mặt với sự thật đáng buồn mà ít ai thừa nhận đó là dường như người Việt đang thiếu chỗ chơi, thiếu chỗ du Xuân nên đi lễ chùa theo phong trào vì họ cứ "ới" nhau đi chùa, chiền, miếu, mạo chứ không mấy ai thực sự tìm hiểu về chùa để hiểu giá trị cốt lõi của nó.

Thực ra việc đến chùa chiền, đền đình, phủ cũng là do nhận thức tùy tâm của mỗi người, không nhất thiết phải đến tận nơi, nhất là trong thời gian dịch bệnh. Nếu chẳng may việc chen nhau ở chùa là tác nhân lây lan bệnh tật thì lúc này ai giúp mình đây?

Chính mình còn chưa giúp nổi mình thì Thần hay Phật nào có thể cứu giúp được? Vậy nên các sư thầy đã căn dặn những ai không thể tới chùa trong mùa Covid: "Trước hết, mình cứ làm tốt cho xã hội, sống tốt cũng là cách tu tốt rồi".

Nếu có suy nghĩ đi chơi, du Xuân có thể lựa chọn nhiều địa điểm khác nhau, còn khi đã tới lễ chùa thì đó nhất định là vì mục đích để thanh tịnh tam hồn, có mục tiêu sống hướng thiện,... chứ đừng đến để cầu nguyện cho vui theo tâm lý đám đông.
 
Hoặc để cầu chuyện cho một năm may mắn thì không phải cứ đến chùa mới thực hiện được. Đại đức Thích Chánh Thuần từng khẳng định, cầu nguyện không phải là bản chất của Phật giáo. Bản chất của Phật giáo chính là nhân - quả. Vì thế, không phải cứ cố đến chùa mới là cầu khán hay xin thần Phật mới được giúp đỡ còn ai ở nhà thì không được giúp.
 
 

Tu thân, tu tâm trước khi nghĩ tới xin ai giúp


Tu tâm mình mới là thực tu, còn việc bản thân chưa tu nhưng lại thích đi chùa cầu khấn chỉ là mang tính hình thức. Nhất là khi "bơi" trong đám đông ấy thì làm thế nào ta có thể tĩnh tâm hay vãn cảnh chùa được cơ chứ.

Thêm nữa hình ảnh chen chúc, xô đẩy nhau, ăn uống xong vứt rác bừa bãi khắp nơi.... nếu Thần Phật nhìn thấy còn bị trách phạt không chừng.

Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người, trong điều kiện bình thường mới không thể cấm người dân đi chùa lễ Phật. Cửa chùa cũng không thể không mở để đón khách thập phương vào.

Nhưng nếu muốn quan tâm đến tâm linh, chúng ta phải đi từ gốc rễ để hiểu, tránh bị chê là "nghèo nàn kiến thức tâm linh" nhưng vẫn tỏ ra rằng mình là người hiểu biết, rằng chăm lên chùa, chăm cầu khấn, lễ bãi khắp nơi.
 
Cuối cùng, mục đích tâm linh cũng là để chúng ta tự tìm cách cải thiện bản thân mình, sống tốt hơn lên mỗi ngày chứ không phải là để nhờ dựa vào một thế lực thần kỳ nào đó. Vì thế, dành chút thời gian để trang bị kiến thức cũng là một cách để "tu", "sửa" tư duy, lối nghĩ, hành động của chính mình trước hết, chỉ cần chừng đó thôi là ta cũng đã góp phần cho xã hội này tốt đẹp mà không cần nhờ tới thần Phật nào giúp đỡ.