(Lichngaytot.com) Là phong tục đẹp mỗi khi Tết đến xuân về nhưng nếu làm không đúng, làm mà không hiểu văn hóa thì cẩn thận hái lộc đầu năm rước vong vào nhà. Cùng Lịch Ngày Tốt tìm hiểu về vấn đề này để có cái nhìn đúng đắn, hành xử đúng mực, bảo tồn và gìn giữ nét đẹp truyền thống.
1. Phong tục hái lộc đầu xuân năm mới
Theo phong tục của người Việt, trong khoảnh khắc giao thừa từ năm cũ chuyển sang năm mới hoặc vào mùng 1 Tết sẽ tới đình chùa gần nhà lễ bái và hái về cành lộc. Cành lộc mới nhú tươi tắn, mới mẻ tượng trưng cho khởi đầu, cho những điều tốt lành, mang theo hi vọng về năm mới với may mắn mới, thành công mới.
Cành lộc được hái ở chùa chiền – nơi tâm linh linh thiêng đối với người Việt nên ai ai cũng mong rằng cây cối trong đình chùa được các bậc Thần Phật ứng nghiệm và phù hộ, mang về nhà sẽ là rước phúc rước lộc về, luôn được các đáng siêu nhiên che chở bảo vệ. Và nhờ đó mà năm mới tốt hơn năm cũ, hanh thông tấn tới hơn những ngày tháng đã qua.
Hái lộc đầu năm là phong tục đẹp, tràn đầy lạc quan tích cực và chứa đựng văn hóa tâm linh. Mỗi người khi mang về nhà một nhành lộc mới vào ngày đầu năm mới sẽ cảm thấy phấn chấn, hứng khởi hơn, sẵn sàng tâm thế mới cho một năm dài. Và ẩn trong đó là là niềm tin, tín ngưỡng của người Việt, lòng luôn hướng tới những thế lực thần linh, không chỉ là tìm điểm tựa về tinh thần mà còn như một “quan tòa vô hình” ngăn ngừa việc xấu việc ác và hướng tới điều thiện.
2. Hái lộc đầu năm rước vong vào nhà?
Vốn là phong tục đẹp nhưng chính lòng tham, sự thiếu hiểu biết của con người khiến hành động này trở nên xấu xí, phản văn hóa và để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Sai lầm trong nhận thức cũng như hành vi của không ít người khiến thế hệ sau hiểu sai và làm sai, ảnh hưởng tới sự tiếp nối và trao truyền văn hóa truyền thống.
Thứ nhất, những người cho rằng cành lộc càng to thì càng nhiều may mắn tốt lành là hoàn toàn mù mờ về phong tục, nổi lên lòng tham chứ không hiểu gì về ý nghĩa thật của tục này. Cành lộc đầu năm là cành mới nhú, tượng trưng cho sự khởi đầu mới, là hình ảnh biểu tượng chứ không quan trọng to nhỏ. Cành to hay nhỏ không ảnh hưởng gì tới phúc lộc mang về, càng không đại diện cho việc năm tới sẽ thành công đến đâu.
Thế nên những người cố gắng ngắt cành càng to càng tốt, thậm chí mang cả dao tới chặt cành về nhà chỉ là vì lòng tham, muốn có thật nhiều chứ không phải vì hiểu phong tục. Vốn là những hành vi mang tính biểu tượng, đại diện cho cuộc sống của một cộng đồng, nếu phong tục bị hiểu sai, hiểu lầm thì giá trị của cộng đồng đó cũng xuống dốc theo.
Thứ hai, chính người Việt cũng tin rằng cây cối ở những nơi linh thiêng sẽ có những năng lượng đặc biệt trú ngụ, không chỉ thần linh mà cả ma quỷ. Vong hồn những người chưa siêu thoát được sẽ ẩn nấp ở những cây to cây lâu năm, mà thường ở đình chùa sẽ có nhiều vong hồn hơn những nơi khác do là địa điểm tập trung tâm linh.
Vì thế, cây càng lớn thì xác suất có vong trú càng cao, ngắt cành to, chặt cành lớn thì phúc lộc tài lộc đau chưa thấy nhưng có thể sẽ rước theo những linh hồn vất vưởng về nhà. Hái lộc đầu năm rước vong vào nhà đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo và nhắc nhở để cảnh tỉnh những ai đã và đang hành động mùa quáng.
Thứ ba, đình chùa là nới linh thiêng, vì hái lộc mà chen lấn xô đẩy, trèo lên cây, phá hoại cảnh quan thì là điều hoàn toàn không nên. Bởi Phật tại tâm, xin thần phật ban may ban phước cho mình và gia đình nhưng lại hành xử xô bồ ở nơi chốn tâm linh, không biết điều hay lẽ phải, đi ngược lại lời dạy của Phật và không tuân thủ nguyên tắc tôn kính đấng siêu nhiên thì chắc chắn không thể thu được kết quả tốt đẹp.
Phong tục hay tín ngưỡng đều xuất phát từ chính con người, do con người hành động. Phong tục đẹp hay xấu, tín ngưỡng tốt hay dở đều phụ thuộc vào nhận thức và hành vi của mỗi người. Thế nên, hái lộc đầu xuân có thực sự tốt, thực sự mang ý nghĩa văn hóa và có giá trị hay không là do cách hành xử hiểu biết, nhìn nhận vấn đề chính xác.
Hi vọng rằng mỗi mùa xuân mới là mỗi mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, tốt tươi phát triển và người Việt sẽ ý thức hơn về những điều mình làm, trở nên văn minh khi ứng xử với văn hóa và giữ gìn được những giá trị tốt đẹp của phong tục để nhiều thế hệ sau được biết tới.
Tin cùng chuyên mục: