Ca Chiên Diên là ai mà khiến những kẻ cứng đầu nhất cũng tâm phục khẩu phục?

Thứ Ba, 26/03/2024 10:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy cùng tìm hiểu Ca Chiên Diên là ai mà bất cứ lời giải thích nào của Ngài cũng vô cùng dễ hiểu và gần gũi, có thể làm thay đổi cả những kẻ bướng bỉnh và cứng đầu nhất?
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia

 
Tôn Giả Ca Chiên Diên tên thật là Na La Đà là con thứ hai của một vị quốc sư giàu có nước A Bàn Đề (Avanti), thuộc miền Nam Ấn Độ. Gia đình Ngài thuộc một trong những dòng dõi lâu đời và khả kính nhất của hàng Bà la môn nhưng cha mẹ của Ngài đều là người tốt bụng, là những người vô cùng nhân đức. 

Cậu bé chào đời cực kỳ đặc biệt với thân hình có màu da vàng óng nên được đặt tên là Kañcana (nghĩa là màu vàng kim). Ca Chiên Diên chỉ là họ của Ngài nhưng vì sau này danh tiếng lẫy lừng nên họ dùng họ để gọi tên Ngài. 

Là con của một giáo sĩ Bà la môn của triều đình, khi lớn lên Ca Chiên Diên được học kinh Vệ Đà - cuốn kinh thiêng liêng nhất của Bà la môn giáo. Khi thân phụ qua đời, Ngài cũng đã kế nghiệp, trở thành giáo sĩ triều đình.

Anh trai của Ngài học hành giỏi giang, sau khi không ngừng học hỏi các kiến thức khắp nơi đã mở đàn tràng ở nhà để thuyết giáo cho mọi người. Tôn giả Ca Chiên Diên cũng bắt chước anh mở đàn tràng đối diện, dù cậu không được học hành gì nhiều nhưng lại được mọi người đến nghe nhiều hơn.

Thấy em làm mất mặt mình trước đám đông, người anh thưa với cha để mong cha trừng phạt, thế nhưng Ca Chiên Diên quỳ lạy và bày tỏ:
 
- Xin cha lượng xét vì học vấn ai cũng có quyền nghiên cứu và diễn giảng. Anh được đi du học nước ngoài, còn con ở nhà nghiên cứu, nên con muốn biết khả năng nghiên cứu của mình tới đâu chớ không có ý hơn thua. Xin cha đừng bận tâm.
 
Người cha không biết nên phân xử thế nào nên đành gửi Ca Chiên Diên đi học đạo ở người cậu ruột tên Tiên A Tư Đà ở núi Tân Đà, gần thành Ưu Thiền Na Di thuộc về phương Nam.
 
Tiên A Tư Đà chính là vị tiên nhân thần thông bác học của Ấn độ lúc bấy giờ, Ngài chính là người biết Đức Thế Tôn đản sanh làm Thái Tử tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Thế nhưng Ngài cũng biết rằng khi Đức Phật đắc đạo thì bản thân quá già, không thể lãnh hội được, thế nên nguyện dạy đệ tử theo Phật học đạo.
 
Tiên A Tư Đà vô cùng yêu mến đứa cháu hiếu học nên truyền dạy lại những gì mình biết cho cháu và chẳng bao lâu Ca Chiên Diên đạt được cả tứ thiền và năm món thần thông, lúc này cậu cũng không muốn trở về nhà nữa.
 
Tiên A Tư Đà biết Ca Chiên Diên không bị tình thương gia đình ràng buộc nên khuyên cháu mình cần phải gặp minh sư để học hỏi thêm vì bản thân không đủ cho cháu cầu học. Ông nhắc cháu của mình đợi sau khi Đức Thế Tôn thành đạo thì theo học với Ngài.
 
Tuy nhiên, khi cậu của mình qua đời, Ca Chiên Diên tự phát huy học vấn và tài năng nhưng thấy bản thân được trọng vọng nên từ đó tự cho mình đã đắc đạo, rất xứng đáng cho người đời tôn kính, nên không cần mong đợi Đức Phật xuất thế làm gì.

Một thời gian sau, trong thành có người vô tình đào bới được một tấm bia đá trên mặt khắc một lối chữ mà chẳng ai biết là thứ chữ gì. Họ tin rằng ai đọc được tấm bia có bài kệ trên đó chắc chắn là một bậc đại giác. Nhà vua yêu cầu đại thần nếu như không tìm được ai hiểu được bài kệ trong 7 ngày sẽ bị cách chức.
 
Ca Chiên Diên vốn được học nhiều loại chữ khác nhau qua Tiên A Tư Đà nên ông nhận đọc bài kệ trên, biết rằng trên đó có ghi nội dung: 
 
Ai là vua trong các vị vua? 
Ai là thánh trong các bậc thánh? 
Thế nào là người ngu? 
Thế nào là bậc trí? 
Làm sao để lìa phiền não? 
Làm sao để đạt được Niết Bàn? 
Ai là kẻ chìm trong biển sanh tử? 
Ai là người tiêu diêu nơi cõi nước giải thoát?
 
Tuy nhiên Ca Chiên Diên chỉ đọc được chứ không hiểu ý nghĩa, không giải đáp được. Do đó, nhà vua lại treo giải thưởng để yêu cầu các học giả trong thiên hạ đến khai thông vấn đề.
 
Ca Chiên Diên nhờ những người tài giỏi nhất vùng cũng không ích gì, lúc này mới nhớ ra Đức Phật mà thầy mình từng nói đến và cuối cùng đã tới bái kiến Đức Phật. Lúc này, Ca Chiên Diên mới biết lời nói của cậu mình quả không sai. Khi nghe nguyện vọng của Ca Chiên Diên, Đức Phật Đức Phật đã giải đáp những câu kệ trên:
 
Vua trong các vua là vua cõi trời thứ sáu. 
Thánh trong các thánh là Đức Phật đại giác. 
Bị vô minh ô nhiễm gọi là kẻ ngu. 
Hay diệt hết phiền não là bậc trí. 
Tu đạo, trừ tham, sân, si tức là lìa tội lỗi. 
Hoàn thành giới, định, tuệ là chứng Niết Bàn. 
Người chấp trước nơi ngã pháp chìm trong biển sanh tử.
 
Ca Chiên Diên nghe Phật đáp xong thì mỗi câu mỗi lời đều thâm nhập vào trong tâm. Ngài chậm rãi tụng lại bài kệ của Phật và hướng về phía Thế Tôn đảnh lễ để tỏ lòng tôn kính của mình.
 
Ca Chiên Diên cáo từ Đức Phật trở về thuật lại cho nhà vua nghe và sau đó tuyên bố với các tín đồ của mình là từ đây Ngài sẽ quy y và làm đệ tử Phật.
 
Với tư chất thông minh sẵn có, lại được dịp nghe lời vàng ngọc của Đức Thế Tôn, nên chẳng bao lâu Ngài được khai ngộ và chứng quả trong tăng đoàn. 
 

2. Sự tích về Ca Chiên Diên giúp bán cái nghèo

 
Có rất nhiều câu chuyện hay và thú vị về tôn giả Ca Chiên Diên trong quá trình Ngài đem chánh pháp ra soi sáng cho chúng sinh, nhưng một trong những câu chuyện thú vị nhất đó là khi Ngài chỉ cho người ta cách bán cái nghèo.

Chuyện kể về cuộc gặp gỡ của tôn giả Ca Chiên Diên với một cô gái khi Ngài đang trên đường trở về Xá Vệ sau chuyến hoằng pháp tại nước A Bàn Đề. Tôn giả lúc này vô tình gặp một phụ nữ trong tay cầm một bình nước và đang ngồi khóc thảm thiết. Thấy cô gái dường như đang muốn nhảy xuống sông, tôn giả mới hỏi: 
 
- Này cô! Chuyện gì khiến cô muốn tự tử đến vậy?
 
Cô gái thấy có người càng khóc lớn:
 
- Chuyện không liên quan tới ông mà chắc ông cũng không giúp được gì đâu.
 
Lúc này tôn giả từ tốn đáp lời:
 
- Này cô! Cứ nói cho tôi nghe, nếu không giúp được vật chất tôi có thể giúp cho cô phương pháp giải quyết.
 
Cô gái lúc này mới trút bầu tâm sự:
 
- Đời thật là bất công vì người giàu thì càng giàu thêm, dư ăn dư xài, ngược lại người nghèo ngày càng xơ xác, vất vả đủ đường cũng không đủ ăn. Cái khó lại bó cái khôn, không có cách nào. Tôi sinh ra trong một gia đình nô lệ khốn cùng, từ khi chào đời đến nay không lúc nào mà cái khổ không đeo đẳng. Vì thế đến nay tôi không còn sức chịu đựng, chỉ muốn đi tìm cái chết may ra mới hết khổ.
 
Cô gái nói xong cũng toan muốn nhảy xuống sông, lúc này tôn giả Ca Chiên Diên vội kéo cô ta lại và từ bi giảng giải:
 
- Này cô! Thế gian này thiếu gì người nghèo, đâu phải chỉ mình cô. Hơn nữa, đâu phải cứ nghèo là bất hạnh, là khổ sở. Còn kẻ giàu đâu ai đảm bảo họ mãi hạnh phúc? Hãy xem mấy người phú hộ lắm của nhiều tiền kia, mỗi ngày cứ bị tham dục, sân hận và si mê quấy rối khổ sở. Càng giàu thì họ càng muốn giàu thêm, hễ giàu lại càng dễ làm nhiều điều bất thiện, đó là chưa kể hại người để lợi cho mình, giết hại cầm thú để nhậu nhẹt ăn chơi và đối xử tàn nhẫn đối với người nghèo khổ. Tất cả những điều bất thiện sẽ khiến họ bị đọa họ vào ba đường khổ: ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục thì cái khổ của họ kiếp sau so với cái khổ của cô ngày nay có sá gì mà cô khóc than.
 
Nghe xong những lời này nhưng cô vẫn không thấy được an ủi nên liền đáp trả: 
 
- Ông là sa môn, ông không cần đến tình đời, còn tôi đâu có được. Ông phải biết tôi là đầy tớ cho một nhà phú hộ. Suốt đời làm kẻ tôi đòi, cơm áo không đủ, chẳng có tự do mà gặp chủ nhân hắc ám, tham lam hung dữ, chẳng có chút xíu từ tâm. Chúng tôi làm công chuyện nhà hễ sai một chút là lãnh đòn, nghe chửi. Muốn sống không yên mà muốn chết cũng chẳng được. Nghĩ đến nỗi cùng cực đó đều do kiếp nghèo mà ra, thế nên muốn không buồn khổ cũng không được. 
 
Tôn giả Ca Chiên Diên lúc này mới an ủi:
 
- Cô à! Tuy như vậy, cô cũng đừng bi quan. Tôi sẽ chỉ cho cô một cách phát tài và thoát khỏi nghèo khổ.
 
Cô ta quẹt nước mắt khi có vẻ như mình sắp có hi vọng mới:
 
- Cách gì vậy ông?
 
Tôn giả giải thích:
 
- Cách rất đơn giản, cô có thể đem bán cái nghèo của mình đi cho người khác là được. 
 
Cô gái cười mỉa mai:
 
- Cái nghèo này thì bán cho ai. Chắc ông nói đùa. Có ai mà chịu mua cái nghèo bao giờ?
 
Ca Chiên Diên trả lời:
 
- Bán cho tôi, tôi sẽ mua cái nghèo của cô.
 
Cô gái thắc mắc hỏi thêm:
 
- Bần cùng có thể bán được mà cũng là ông mua, nhưng ở đời này biết cách bán nó ra sao?
 
Tôn giả khai thị tiếp:
 
- Cô hãy bố thí. Giàu nghèo đều là do nhân duyên, người nghèo sở dĩ nghèo hoài là vì đời trước không chịu bố thí và tu phước. Người giàu sở dĩ giàu sang sung sướng là vì đời trước họ đã bố thí và tu phước. Vì vậy bố thí, tu phước là cách bán nghèo mua giàu tốt nhất.
 
Nghe xong cô có vẻ hiểu ra một chút nhưng vẫn tỏ ra đau khổ: 
 
- Vậy bố thí sẽ giúp tôi mua giàu nhưng hiện tôi nghèo quá mức không có chút gì cả, ngay cả cái bình nước trong tay con cũng là của gia chủ. Họ giữ của còn hơn con giữ mạng sống thì Ngài bảo con bố thí cái gì bây giờ?
 
Ca Chiên Diên đưa bình bát ra và nói cho cô gái:
 
- Bố thí không cần phải là tiền bạc. Thấy người khác bố thí mà mình phát tâm vui vẻ là được. Cô hãy múc nước đổ đầy bát cho tôi, đó là cô đã bố thí rồi!
 
Cô gái lúc này mới hiểu được ý nghĩa của sự bố thí, cô liền đổ nước đầy bình cho Ca Chiên Diên. Về sau nhờ công đức cúng nước cho tôn giả nên kiếp sau cô được sanh lên cõi trời Đạo Lợi. 
 
 

3. Vì sao Ca Chiên Diên là Đệ nhất nghị luận?

 
Trên bước đường hoằng dương Chánh Pháp đi khắp nơi sẽ có những người tìm cách chống đối và một trong những chướng ngại lớn nhất chính là sự cố chấp của chúng sinh.
 
Những kẻ cứng đầu có lý trí bị che mờ vì những chấp ngã, vô minh, thành kiến, những niềm tin mù quáng, sự kiêu căng tự phụ… Để bảo vệ nó, họ sẽ đưa ra rất nhiều lý lẽ ngụy biện, những lập luận gài bẫy, những thắc mắc vô cùng kỳ lạ khiến ánh sáng chân lý khó có thể tìm được lối vào.

Thế nên khi tìm hiểu Ca Chiên Diên là ai, chúng ta càng nể phục khi Ngài là vị tôn giả rất giỏi về thuyết pháp, bất luận ai có thắc mắc gì hay muốn giảng về đạo lý gì, tôn giả đều có rất nhiều lý lẽ để luận giải.

Kinh điển tuy hay nhưng không phải ai cũng hiểu, khi đó chúng ta cần một người giải thích đơn giản, gần gũi. Thế nên người thuyết pháp vô cùng quan trọng. Bởi thế để trở thành một người thuyết pháp giỏi ngoài am tường nội điển, tối thiểu các tăng sĩ cần rèn luyện, biết thêm ngôn ngữ và có kiến thức phổ thông.

Thời Phật còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử, Ngài Ca Chiên Diên không những chỉ thông hiểu những tư tưởng triết học đương thời, am tường giáo pháp của Đức Phật, mà còn có tài luận nghị khiến ai vấn nạn cũng đều thán phục. Vậy nên Đức Phật và Thánh chúng phong tặng cho Ngài là bậc Luận Nghị Đệ Nhất.
 
Tôn giả Đại Ca Chiên Diên chỉ dùng những ngôn từ hết sức bình dị, những câu nói giản đơn nhưng hàm chứa uy lực lớn lao, phá tan bức tường thành trong tâm hồn của chúng sinh, giúp họ thấy được sự nhiệm màu trong giáo Pháp.
 
Trong những cuộc đối đáp, lập luận sắc bén và sự khéo léo của ngôn từ sẽ giúp chân lý được sáng tỏ. Đối trước những vấn nạn hóc búa, những thắc mắc kỳ lạ, những lập luận gài bẫy, Tôn giả đã thuyết phục, giải bày dẫn dắt cực kỳ hấp dẫn mà không ai có thể không hài lòng.

Nhờ vậy mà những bài Pháp thiêng liêng không chỉ trên lý thuyết nữa, mà đã sống động như trong cuộc sống đời thường vậy.

Tôn giả Ca Chiên Diên nhận được phẩm vị cao quý bậc Luận Nghị Đệ Nhất này phần chính là do tám bài pháp trong Đại Tạng Nikāya: ba bài trong Majjhima (Trung Bộ Kinh), ba bài trong Saṁyutta (Tương Ưng Bộ Kinh), và hai bài trong Aṅguttara (Tăng Chi Bộ Kinh). Ngoài ra, Nikāya còn có một số bài pháp của Mahākaccāna không dựa trên lời dạy vắn tắt của Đức Phật.

Các bài giảng của Ca Chiên Diên hữu hiệu hoàn toàn nhờ phần nội dung hơn là nhờ vào văn từ bóng bảy, và do không khi nào phí phạm ngôn từ cho nên đi thẳng được vào cốt lõi của Giáo Pháp. Về phương pháp phân tích, ngài Ca Chiên Diên tường bắt đầu bài pháp bằng một lời dạy vắn tắt của Đức Phật. 

Ngoài các pháp thoại diễn giải sâu rộng những lời dạy ngắn gọn của Đức Phật, tôn giả Ca Chiên Diên còn nhiều lần thuyết giảng Giáo Pháp, với tuệ quán của chính mình, cho thính chúng tỳ khưu nhằm hóa giải thắc mắc hoài nghi về đạo pháp của chư vị.
 

4. Tiền kiếp của Ca Chiên Diên


Cũng giống như thập đại đệ tử của Đức Phật, Ca Chiên Diên cũng có mối duyên với Đức Thế Tôn qua rất nhiều kiếp khác nhau, lòng tôn kính Phật của Ngài luôn được vun bồi qua bao kiếp tái sanh.
 
Ca Chiên Diên từng có lời phát nguyện đầu tiên của ngài muốn thành một đại đệ tử của Đức Phật đã được thực hiện cách đây cả trăm ngàn đại kiếp, vào thời Đức Phật Padumuttara.
 
Thời đó, Ca Chiên Diên được tái sanh vào một gia đình giàu có, có lần khi đến viếng tu viện, ông nghe thấy Đức Phật khen ngợi một vị Tỳ kheo là vị đệ tử bậc nhất về biệt tài giải thích các lời dạy vắn tắt của Ngài. 

Ca Chiên Diên trong kiếp đó vô cùng thán phục và kính ngưỡng vị Tỳ kheo này và ước muốn được thành tựu danh vị tương tự trong thời Đức Phật tương lai.

Ông mời Phật và chư tăng đến nhà cúng dường trai tăng trong một tuần, và thốt lời phát nguyện trên. Đức Phật Padumuttara tiên đoán rằng ước nguyện của ông sẽ thành tựu vào thời Đức Phật Gotama.
 
Tuy nhiên, trong Tiểu Bộ Kinh ghi lại một giai thoại khác về việc này. Vào thời Đức Phật Padumuttara, có đạo sĩ ẩn tu tên Ca Chiên Diên ở trong dãy Hy mã lạp sơn. Một lần nọ khi đang sử dụng thần thông phi hành trong không trung, ông nhìn thấy Đức Phật đang giảng Giáo Pháp cho đại chúng.

Ông bay xuống tới gần để nghe thuyết pháp, và được nghe Ngài khen ngợi một vị tỳ khưu là vị đệ tử bậc nhất về biệt tài giảng giải các lời dạy ngắn gọn của Tôn Sư. Lúc ấy vị đạo sĩ quay về Hy mã lạp sơn, hái và kết một bó hoa tươi, rồi lập tức phi hành trở lại nơi Đức Phật thuyết pháp để dâng cúng Ngài.

Lúc này ông đã phát nguyện được trở thành vị đệ tử tối thắng dưới thời Đức Phật tương lai. Đức Phật Padumuttara tiên đoán rằng ước nguyện của ông sẽ thành tựu vào thời Đức Phật Gotama.
 
Trong những thi kệ của Ca Chiên Diên, ngài kể rằng do phước báu cúng dường đến Đức Phật quá khứ trên mà không khi nào đọa sanh vào khổ cảnh, chỉ tái sanh vào cõi Trời hay cõi Người, và luôn được sanh trưởng trong các dòng dõi cao quý trong xã hội.
 
Vào thời Đức Phật Kassapa, Ca Chiên Diên đủ duyên tái sanh vào một gia đình ở Benares. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ca Chiên Diên cũng đã cúng dường một viên gạch bằng vàng để xây tháp Đức Phật với lời nguyện: "Bất cứ lúc nào tôi tái sanh, mong cho thân hình tôi luôn có nước da vàng óng của vàng ròng", đó là lý do khi Ngài tái sanh vào thời Đức Phật Gotama, thân hình tỏa màu vàng tươi đẹp khiến ai cũng ngưỡng mộ. 
 

5. Ngài Ca Chiên Diên những ngày cuối đời

 
Có thể nói, ngoài những câu chuyện kể về những lần thuyết pháp của Ngài cho đại chúng thì những chi tiết về đời sống thường nhật và sinh hoạt của tôn giả Ca Chiên Diên rất hiếm khi tìm được trong kinh điển cũng như các chú giải.

Nhưng thông tin chủ yếu về Ca Chiên Diên đó là vai trò thuyết giảng Giáo Pháp, đặc biệt là những bài luận giải chi tiết cho các lời dạy ngắn gọn của Đức Bổn Sư. Từ các bài giảng giải này, ta biết được trú xứ chính của ngài sau khi thọ giới tỳ khưu là Avantī.

Ngài thường sống ẩn dật nơi vắng lặng, chỉ khi nào cần hướng dẫn môn đệ pháp học hay pháp hành tôn giả Ca Chiên Diên mới xuất hiện. Thỉnh thoảng ngài đến trú xứ của Bổn Sư để viếng thăm hay cùng theo Thầy du hành hoằng pháp.

Có ba bài kinh trong Trung Bộ Kinh kể về vai trò luận giải Giáo Pháp của Ca Chiên Diên, xảy ra ở ba nơi khác nhau – Kapilavatthu, Rājagaha, và Sāvatthi.

Chi tiết về thời gian và hoàn cảnh tôn giả Ca Chiên Diên nhập diệt không được ghi trong kinh điển. Nhưng vào đoạn cuối Madhura Sutta, ngài có tuyên bố là Đức Phật đã nhập Niết Bàn.

Hơn nữa, sau khi Đức Phật qua đời, các đệ tử mới kết tập kinh điển và có sự đóng góp của Ngài. Điều này chứng tỏ là ngài qua đời sau khi Đức Phật nhập diệt.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: