Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Đức Phật tu bao nhiêu kiếp mới thành Phật? Câu trả lời khiến chúng ta ngỡ ngàng

Thứ Hai, 18/03/2024 16:54 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ai chẳng muốn nhanh chóng được giải thoát, nếu không có kết quả sớm hay rõ ràng nhiều người còn bỏ ngang việc tu tập. Thế nhưng biết Đức Phật tu bao nhiêu kiếp mới thành Phật chúng ta sẽ càng bình tâm hơn để soi xét về hành trình của bản thân.
 
 

1. Đức Phật đã trải qua bao nhiêu kiếp mới thành đạo?

 
Kinh sách kể lại, một lần nọ khi Đức Phật ở thành Xá Vệ (Sàvatthi), nhiều vị tăng đến ngồi bên cạnh, hỏi ngài rằng:

- Bạch Đức Thế Tôn, Người đã đi qua bao nhiêu kiếp sống?
 
Nghe xong Đức Phật không đưa ra con số cụ thể, Ngài chỉ cho biết những kiếp sống mà mỗi người trải qua đều nhiều đến không thể đếm hết.
 
- Này các Tỳ Kheo, ta đã trải qua rất nhiều kiếp sống, không biết bao nhiêu những kiếp đã đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, hay một vài trăm ngàn kiếp.
 
Các vị Tỳ kheo tiếp tục hỏi:

- Bạch Đức Thế Tôn, Người có thể cho một ví dụ cụ thể để hiểu hơn được không? 
 
- Này các Tỳ kheo, ví dụ như ở đây có bốn vị đệ tử, mỗi người đều sống đến một trăm năm. Cứ mỗi ngày họ nhớ đến trăm ngàn kiếp mà họ đã từng đi qua, đã vượt qua. Thật không dễ gì để có thể đếm chúng được là một vài kiếp, một vài trăm kiếp, một vài ngàn kiếp, một vài trăm ngàn kiếp.

Đức Phật nhắc lại để nhấn mạnh rằng số kiếp mà mỗi người đã đi qua nhiều đến nỗi "đủ để các ông nhàm chán, đủ để các ông từ bỏ, đủ để các ông giải thoát đối với tất cả các hành".

Duc Phat tu bao nhieu kiep moi thanh Phat
 
 
Vậy nên luân hồi vẫn diễn ra đều đặn, không ngơi nghỉ như bánh xe quay tròn hết kiếp sống này tới kiếp sống khác. Cứ trải qua một kiếp chúng ta lại được sẽ tái sinh sang một kiếp khác, tùy nghiệp của mình đưa đẩy mà rơi vào một trong 6 đường luân hồi: Cõi trời, cõi người, cõi a tu la, súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục

Về các kiếp sống quá khứ của Đức Phật, các bài giảng của Ngài nhiều lần cho thấy, bản thân Đức Phật cũng từng là cái cây, cũng từng mang thân động vật, từng làm điều xấu ác, từng làm vô vàn việc thiện. Hành trình của Ngài đã đi qua cũng giống như chính chúng ta đang phải trải qua vậy.

Nhưng nhìn chung, chính những kiếp sinh ở cõi người, ngài mang tâm bồ tát, lập đại nguyện tìm con đường cứu khổ chúng sinh nên cuối cùng mới thành Phật. Các vị Bồ tát ở kiếp sống cuối cùng cuối cùng trước khi thành Phật đều sinh ở cõi người. Kiếp cuối cùng của đức Phật là thái tử Tất Đạt Đa của vương quốc Thích Ca. 

Không những thế, Phật không phải là người duy nhất thành đạo, trước Đức Thế Tôn cũng đã có rất nhiều vị Phật khác thành đạo. Trong Kinh Phật chủng tính, Đức Phật giảng giải cho Tôn giả Xá Lợi Phất và các môn đồ rằng: tính từ cách đây 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất (Kalpa) đến nay, đã có 28 Đức Phật toàn giác ra đời giáo hóa chúng sinh.

Còn chính Đức Phật trải qua vô số kiếp nhưng quan trọng nhất là đã tạo các pháp hạnh Ba la mật trong ba thời kỳ:
 
- Thời kỳ Ngài có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, suốt 7 A tăng kỳ.
 
- Thời kỳ Ngài phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng sinh biết ý nguyện của Đức Bồ Tát, suốt 9 A tăng kỳ.
 
- Thời kỳ Ngài được 24 Đức Phật thọ ký xác định thời gian còn lại, Đức Bồ Tát chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức Phật Gotama.

Bắt đầu từ Đức Phật Dīpaṅkara đầu tiên cho đến Đức Phật Kassapa thứ 24 cuối cùng, trải qua suốt 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Bà la mật, cho đến Đức Bồ Tát kiếp cuối cùng của Ngài đó là kiếp Thái tử Siddhattha. 
 

2. Chẳng có ai dễ dàng giải thoát trong vòng 100 kiếp


Tìm hiểu Đức Phật tu bao nhiêu kiếp mới thành Phật và câu trả lời trên đây đã cho chúng ta thấy rằng không có việc giải thoát một cách dễ dàng trong một kiếp hay 100 kiếp. Lấy con số 100 làm cái mốc cũng là để chúng ta dễ hình dung rằng ngay kiếp hiện tại hay vài chục kiếp tới chúng ta vẫn phải kiên nhẫn tu tập dù thế nào đi chăng nữa.

Thế nên những câu chuyện về ai đó chứng quả A la hán nhanh chóng đó chỉ là thành quả cuối cùng, câu chuyện kể về kiếp sống làm người cuối cùng của họ chứ không phản ánh cả hành trình vị đó đã trải qua những gì. Thế nên chúng ta đừng lầm tưởng rằng họ có kết quả chỉ trong một kiếp mà ngộ nhận cho rằng mọi việc diễn ra cực kỳ dễ dàng.

Thực tế là ngay cả mối duyên của Đức Phật và thập đại đệ tử của Đức Phật cũng trải qua vô lượng kiếp về trước, cho tới khi Ngài thành đạo mới có thể trợ duyên để học trò của Ngài học được những gì mà Ngài từng thấy biết, tự mình tìm hiểu và chứng đạo.

Xác định đúng tinh thần cũng là để chúng ta tập trung thực hành chánh pháp không ngơi nghỉ, đừng vì kỳ vọng bản thân sớm giải thoát mà lại dễ bị "hái trái non", nghe rằng ai đó muốn giúp đỡ để quá trình này diễn ra nhanh chóng thì liền bị dẫn dụ và lợi dụng.

Ngày nay, có thể mục đích tối thượng của Phật tử đó là cố gắng thực hành theo lời Phật dạy để được giải thoát. Tuy nhiên, mức độ dài ngắn về thời gian của mỗi người khác nhau, nhìn chung đây là một quá trình khó khăn, nhiều chướng ngại mà không phải ai cũng đạt được.

Ngay cả một mong muốn tốt đẹp như việc cần biết kiếp trước mình đã tu tới đâu để tiếp tục tu tập cũng không dễ dàng gì. Chỉ những người tu hành đạt thánh quả A La Hán mới vượt ra khỏi vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi và biết được về tiền kiếp của mình cũng như các chúng sinh khác.

Giai thoat khong de dang
 

Mỗi chúng ta đều ngụp lặn trong luân hồi sinh tử dường như không có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Không ai biết mình từ đâu đến, từng là ai trong kiếp trước và sau này sẽ đi đâu, sẽ đầu thai thành cái gì... Thế nên bánh xe luân hồi cứ thế lăn tròn mà ít ai nhận thức ra để thoát mình ra khỏi vòng xoay đó, thậm chí biết cách thoát ra nhưng quá trình đó cũng không dễ dàng gì.

May mắn được cơ hội làm người được xem là có trí tuệ hơn các kiếp sống khác thì ta cũng bị dẫn dắt theo những nghiệp báo mình từng tạo ra. Không những thế nghiệp cũ chưa trả xong đã tạo nghiệp mới chất chồng. Chúng ta tái sinh làm người lại quên hết ký ức cũ, có thể kiếp trước ta giữ giới, ăn đồ chay tịnh nhưng kiếp này ta lại ăn thịt, lại làm điều xấu ác, cứ thế trôi lăn trong luân hồi không thoát ra được. 

Chúng ta còn tham, sân, si thì vẫn còn mãi chìm đắm trong vòng luân hồi, chưa thể giải thoát. Nhưng chưa nói tới giải thoát gì cho xa xôi, ngay cả việc bản thân trong hiện tại mà biết cách giảm nhẹ những tham, sân, si trong mình cũng đã có thể giúp cho cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn, tâm được bình yên hơn.

Chăm chỉ làm việc thiện, xa lánh việc ác thì dù vẫn chưa thể ra khỏi vòng luân hồi nhưng chúng sinh sẽ được sinh vào cõi tốt đẹp, nhận nhiều quả ngọt trong cuộc sống và bản thân sự hiện diện của họ cũng giúp "tốt đời đẹp đạo", gieo duyên lành cho những người xung quanh.

3. Làm người là có điều kiện dễ nhất để thành Phật


Trong lục đạo luân hồi bao gồm: Trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, thì cõi người hội tụ điều kiện để dễ thành Phật nhất. Sở hữu được thân người là đáng quý mà hầu hết chúng ta không biết.

Đức Phật dạy rằng thân con người rất quý và rất khó tạo được trong kiếp luân hồi. Nó là phương tiện tốt nhất giúp chúng ta tu hành, đạt quả vị Toàn giác. Trong khi các loài khác không thành Phật được, vì chúng không có đủ ngũ uẩn thân như loài người. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta phá được cái khổ của thân tứ đại, phá được ngũ uẩn sẽ ra khỏi sinh tử luân hồi.

Cõi Trời là những người đã thành tựu tốt 10 thiện nghiệp, sau khi chấm dứt thân người, họ được sanh lên cõi Trời Dục, Sắc, Vô sắc và được hưởng sự sung sướng hơn cõi người rất nhiều; nhưng sau khi hưởng hết phước báo, họ cũng bị đọa xuống các cảnh giới khác thấp hơn tùy theo nghiệp lực của mình dẫn dắt.
 
Và trên ba cõi ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đều cực kỳ khó tiếp cận Phật pháp.

Cảnh giới A-tu -la là nơi mà người có nhiều phước báo ở nhân gian, nhưng vì còn nhiều sân hận, nên sau khi chết, họ tái sanh vào cõi này. Vì những kẻ này còn nhiều phước nên còn chút tự mãn về bản thân nên không chịu học hỏi, vì thế việc tiếp cận với Phật giáo là điều cực kỳ hiếm có.

Nhưng riêng về con người lại có khổ đau và hạnh phúc song hành, thế nhưng phần lớn họ mang tính bi quan, vì cảm thấy con người bị chà đạp, thấp kém, khổ đau... nên họ mới mong muốn đi tìm giải thoát và có cơ may tìm được đến với Phật giáo.

Nhìn ở dạng vật chất, Đức Phật nói con người hoàn toàn có thể phát huy khả năng đến đỉnh cao, tạo dựng được cuộc sống tốt đẹp theo ý mình vì con người là tối linh, có trí khôn vượt hơn các loài khác; nếu không thông minh, chắc chắn con người không phát triển đời sống lên đỉnh cao được, mà muôn đời vẫn sống như con ong, con kiến mà thôi.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X