Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Ma Ha Ca Diếp là ai mà Đức Phật cũng nể phục vì giữ hạnh "Đầu đà" tới cuối đời?

Thứ Sáu, 12/01/2024 10:54 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ma Ha Ca Diếp là ai mà cho đến khi viên tịch ở tuổi 120 nhưng Ngài chưa một giây phút nào lơ là việc tu tập vì sợ chút phóng túng của mình sẽ lây nhiễm cho các đệ tử khác?
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
Ma Ha Ca Diep la ai
 

1. Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia


Ma Ha Ca Diếp hay còn gọi là Đại Ca Diếp sinh ra trong một gia đình dòng dõi Bà La Môn cao quý giàu có tại thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà. Mẹ hạ sinh Ngài khi đang du ngoạn tại vườn thượng uyển, dưới gốc cây Tất Bát La. 

Khi cậu bé vừa chào đời đã xuất hiện một tấm y tuyệt đẹp để bọc lấy thân Ngài. Mẹ tin rằng cậu bé có phúc nên chư Thiên cúng dường và đây chính là phước. Trước điềm lành này cùng việc hạ sinh dưới gốc cây Tất Bát La nên cha mẹ đặt tên cho Ngài là Tất Bát La Da Na (Thọ Hạ Sinh).

Lúc mới sinh, Ma Ha Ca Diếp đã rất khôi ngô, tuấn tú, phong thái đẹp như tượng vàng, trên thế gian chưa có đứa trẻ nào có hình tướng đẹp đến vậy.
 
Đại Ca Diếp không chỉ có phước tướng đẹp đẽ mà còn rất thông minh. Chỉ mới 8 tuổi đã thông thuộc văn học, toán thuật, thi họa, âm nhạc, thiên văn, tướng số, còn đoán trước thời vận trong mỗi ngày đêm có bao nhiêu điềm tốt xấu.

Cậu bé còn biết tất cả các loại tiếng: Tiếng đất chuyển động, tiếng sét, tiếng kêu của loài cầm thú,... các phép tế đàn 4 mùa, thấu hiểu thánh điển Vệ Đà.

Dường như cậu đã thấu tỏ mọi sự trong thế gian, có trí tuệ, tài lý luận đanh thép, nhạy bén, khôn ngoan. Thế nhưng càng lớn cậu càng không thích giao lưu với chúng bạn, chỉ thích ở riêng một mình. 

Thầy tướng xem tướng Ngài nói: "Đứa bé này đời trước có phước đức thù thắng, lẽ ưng xuất gia". Cha mẹ ngài nghe vậy lại càng lo lắng, nhất quyết phải cưới vợ đẹp cho Ngài không còn muốn xuất gia.
 
Khi bước sang tuổi 22 - tuổi phù hợp để cưới vợ, mặc cho cha mẹ hết lời khuyên bảo nhưng Ngài từ chối vì chỉ muốn tu phạm hạnh, không ham thích cuộc sống vợ chồng nơi thế tục. Nhưng từ chối bố mẹ mãi không được, Ngài đành tự mình khắc tượng một người phụ nữ hình sắc như tượng vàng Diêm Phù Đàn để làm khó bằng việc yêu cầu rằng, nếu tìm được cô gái đúng hình tướng này thì mới chịu lấy vợ.
 
Điều lạ là cuối cùng cha mẹ Ngài cũng tìm được một cô gái tên Bạt Đà La với đúng hình tượng Ngài đề ra. Thế nên hai người cuối cùng tiến hành hôn lễ. 
 
Sau khi hỏi chuyện thì biết rằng Bạt Đà La cũng có chí nguyện tu phạm hạnh, không thích ngũ dục. Nhưng vì để làm yên lòng cha mẹ nên họ sống chung phòng nhưng cả hai vẫn không hề động tâm.

Đêm đến, nếu Ngài nằm ngủ thì nàng Bạt Đà La đứng dậy đi kinh hành và ngược lại nếu nàng Bạt Đà La nằm ngủ thì Ngài lại đứng dậy đi kinh hành. 
 
Mãi 12 năm sau, khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, chứng kiến cảnh khổ não chúng sinh, hai vợ chồng Ngài quyết định xả tục xuất gia tu hành phạm hạnh. Ma Ha Ca Diếp rời gia đình đi tìm thầy học đạo, hứa sẽ trở về hướng dẫn Diệu Hiền khi tìm được minh sư.

Ngài xuất gia được một năm, một tối nọ nằm mơ có một vị đầu tóc bạc bảo: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ra đời, hiện ở tịnh xá Trúc Lâm, ông nên đến đó để xin dạy pháp môn tu giải thoát. Ngài vui mừng đến nơi để đảnh lễ, quỳ gối xin được làm đệ tử của Đức Phật.
 
- Bạch Đức Thế Tôn, con là đệ tử Thanh văn của Ngài. Cúi xin Thế Tôn làm thầy con, con là đệ tử Thanh văn của Thế Tôn.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo:

- Lành thanh, này tỳ kheo Ma Ha Ca Diếp, đến đây, Như Lai nhờ người cạo râu tóc cho ông.

Khi Ngài được những vị tăng trong đoàn cạo râu tóc xong, Đức Phật cho ngài thọ giới tỳ kheo và mặc y cà sa.

Sau khi trở thành đệ tử Phật, Ngài ngày đêm tinh tấn thực hành hạnh đầu đà và không lâu sau chứng đắc quả A La Hán, với danh Đệ nhất Đầu đà.
 
Thời điểm đó, khi Đức Phật đã cho phép phụ nữ xuất gia, nhớ lại lời hứa với Bạt Đà La, Ngài đã nhập định, dùng thiên nhãn thì thấy rằng nang đang xuất gia tu học với ngoại đạo. Vì thế nên Ngài liền tìm phương tiện giáo hóa để nàng quay về quy y Đức Phật.

Nhờ tinh tấn thực hành Pháp mà Bạt Đà La cũng đắc quả A La Hán trong thời gian ngắn, trở thành tỳ kheo Ni có Túc mạng thông bậc nhất bên ni chúng.
 

2. Sự tích về Ma Ha Ca Diếp


Tôn giả Đại Ca Diếp là một trong thập đại đệ tử của Đức Phật, ông luôn muốn đem phước điền đến cho chúng sinh nhưng Ngài có lập luận riêng rằng không khất thực cho nhà giàu, chỉ khất thực những nhà nghèo vì họ mới là người thiếu phước báu nhất.

Suốt cuộc đời của Ngài có rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc tế độ cho người nghèo khó, trước khi đi khất thực, Ngài thường nhập định xem: “Ta nên gieo phước cho người nghèo nào”.
 
Sự tích được nhiều người kể nhiều nhất về Ma Ha Ca Diếp đó là khi Ngài đã cứu độ cho một bà lão ăn xin, vô cùng nghèo khổ.
 
Có lần, khi tôn giả Đại Ca Diếp đang trên đường vào thành Vương Xá, Ngài vô tình quan sát thấy một bà lão đang co ro tại hang phân dơ bẩn bên cạnh một đống rác.

Bà đau ốm, gầy còm chỉ có mảnh cót tre nhỏ để che thân và đang rất đói. Nhờ nhập định, Ngài Ma Ha Ca Diếp biết được rằng bà lão vì nhiều kiếp không biết tạo phước nên phải chịu nghèo khổ như thế này.

Không những thế, Ngài cũng biết rằng bà lão cũng không sống được lâu nữa, thế nên nếu Ngài không giúp ngay thì bà mãi mãi không có cơ hội tạo phước.
 
Đúng lúc này thì một người đầy tớ của trưởng giả mang nước cơm đi đổ, mặc cho mùi hôi thối bốc lên nhưng vì quá đói nên bà vẫn cố gắng xin phần nước cơm ấy. Bà chỉ có 2 mảnh bát đã nứt làm đôi mang đi hứng đầy nước đầy mùi hôi ấy.

Quan sát thấy mọi chuyện, Đại Ca Diếp bước lại gần, sau đó Ngài từ tốn đưa bình bát về phía bà lão để xin đồ ăn.
 
- Hãy cho tôi một ít thức ăn sẽ được phước lớn.

Bà lão bất ngờ vì tự nhận mình là người nghèo nhất, không có gì bố thí cho tôn giả và hỏi xin xem Ngài có phép gì giúp bà hết bệnh và hết nghèo đói chăng.

Ngài Ca Diếp bảo:

- Tôi là một Tỳ kheo đang theo học đạo lý với Phật Thích Ca và đang tu khổ hạnh nên cũng đi xin như bà, nhưng lại đi bán giàu mua nghèo, bà hãy bán nghèo cho tôi để tạo nhiều phước báu giàu sang phú quý.
 
Bà lão ngần ngại hỏi:
 
- Tôn giả có vui lòng nhận ít nước cơm hôi này không?
 
- Lành thay! Lành thay!
 
Bà lão thành tâm dâng cúng dường nước cơm hôi vào bình bát của Ngài. Ngài nhận sự cúng dường rồi chú nguyện cho bà lão được phước báo an lành. Ngài đã uống hết bát nước cơm và thị hiện thần thông ngay trước mặt bà lão.
 
Ngài lại hỏi:
 
- Bà có ước nguyện gì không? Làm người giàu có ở thế gian, hay làm Chuyển luân thánh vương, hay Tứ thiên vương, Đế Thích… tất sẽ được như điều mong muốn.
 
- Con nguyện đem một chút phước nhỏ này mà được sanh thiên.
 
Trong ngày ấy, bà lão cũng qua đời, được sanh về cõi trời Đao lợi thứ hai, oai đức rực rỡ, chấn động trời đất. 

3. Vì sao Ma Ha Ca Diếp là Đầu đà đệ nhất

Ma Ha Ca Diep Dau Da De Nhat
 
 
Biết Ma Ha Ca Diếp là ai ta đã biết rằng năm Ngài hơn 30 tuổi đã vào rừng tìm đạo thì cũng là lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề. Vốn thích tu hạnh "Đầu đà" sau khi gặp Phật, Ma Ha Ca Diếp tiếp tục thực hành pháp tu phạm hạnh.

Hạnh "Đầu đà" có năng lực tịnh hóa tâm hồn, nhưng khi tu theo hạnh này cần giữ đủ 10 điều:
  • Chỉ ở những nơi hoang vắng
  • Sinh hoạt bằng phép trì bình
  • Thường ở tại một nơi
  • Ngày ăn chỉ một bữa
  • Khất thực không phân biệt giàu nghèo
  • Tài sản gồm có 3 y (áo), một bình bát
  • Tư duy dưới gốc cây
  • Thường ngồi giữa đồng trống
  • Mặc áo phấn tảo
  • Sống tại các bãi tha ma 
Trong 10 điều kiện trên, Ma Ha Ca Diếp thực hành kiên định 9 điều, chỉ duy nhất Ngài không muốn khất thực tới những nhà giàu có vì họ đã thừa phước. Ngài chỉ tập trung xin bố thí ở người nghèo vì họ thiếu phước đức, Ngài tin rằng mình cần đem phước điền cho người nghèo để họ có cơ hội gieo trồng.

Tâm nguyện muốn giữ hạnh Đầu đà, lúc nào Ma Ha Ca Diếp cũng ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc cây, quán xương trắng ở bãi tha ma chẳng quản nắng mưa, sương gió... cho đến không ông râu tóc bạc phơ, thân thể gầy guộc vẫn không bao giờ chểnh mảng.
 
Thấy Ma Ha Ca Diếp đạo cao đức trọng, Phật và giáo đoàn đều vị nể. 
 
Thực hành phạm hạnh đầu đà là trực tiếp củng cố giáo đoàn, gián tiếp lợi lạc chúng sinh, củng cố tăng đoàn là điều kiện thừa kế Đức Phật.

Phật dạy rằng:

- Này các Tỳ kheo! Đại Ca Diếp luôn luôn lo ngại cho tiền đồ chính pháp. Thiên ma ngoại đạo hay thế lực cường quyền không thể phá hoại chính pháp, nội tình lộn xộn, Tăng đoàn hủ hóa thiếu phạm hạnh là điều kiện chính làm cho chính pháp tiêu diệt, "Trùng trong sư tử ăn thịt sư tử."

Vì thế nếu Tăng đoàn được củng cố, giới đức trang nghiêm, nội tình ổn định hòa hợp tất yếu chính pháp được trường tồn. Để củng cố Tăng đoàn, sinh hoạt phải nghiêm túc, giới luật phải được tôn trọng giữ gìn, giới luật còn thì đạo ta còn. Người có thể chủ trì thừa kế chính pháp của ta phải là Ma Ha Ca Diếp. 

Hạnh Đầu đà được Ma Ha Ca Diếp giữ cho đến hơi thở cuối cùng, không ai lay chuyển được, cho nên Đức Thế Tôn đã tôn xưng Ngài là bậc “Đầu đà đệ nhất”.
 

4. Tiền kiếp của Ma Ha Ca Diếp


Được biết thân hình của tôn giả Ma Ha Ca Diếp luôn sáng rực hào quang, át hết các thứ ánh sáng khác và dường như hào quang đó có khả năng hút trọn mọi nguồn sáng khác, thế nên Ngài còn được tôn xưng là "Ẩm Quang thị" - người uống ánh sáng.
 
Thuở xa xưa, sau thời đức Phật Tỳ Bà Thi nhập diệt, có một ngôi chùa đổ nát cùng một pho tượng Phật phết vàng. Lâu ngày trên mặt pho tượng bị hỏng dần do chịu tác động của nắng mưa vùi dập.

Lúc ấy có một cô gái nghèo trông thấy cảnh chùa tang thương như vậy nên động lòng, lập nguyện xây chùa và giát vàng tượng Phật. Cô gái bèn đi các nơi xin cơm hóa duyên để lấy tiền mua vàng.

Trải qua mười năm hóa duyên như vậy, khi đủ số tiền có thể xây được chùa và trang nghiêm tượng Phật, cô đi kiếm một ông thợ có nghề làm vàng, để nhờ ông ta giát vàng tượng Phật.

Người thợ cảm nhận được sự hảo tâm của nàng và từ đó sẵn sàng bỏ công sức trang nghiêm tượng Phật mà không đòi tiền công phí nữa.

Khi công việc hoàn thành, người thợ vàng cầu hôn với nàng rồi cả hai phát nguyện đời đời kết nghĩa vợ chồng, cùng rủ nhau tu, quy y tam bảo xuất gia liễu đạo.
 
Trong câu chuyện trên, người thợ vàng năm xưa chính là Tôn giả Đại Ca Diếp, cô gái là vợ của Ngài ở kiếp này, tuy sống trong cảnh nghèo nàn mà biết phát tâm trang nghiêm tượng Phật, cho nên về sau, 91 kiếp say cả hai vợ chồng có thân hình một màu vàng sáng.
 
Sau, sanh cõi Phạm Thiên, hết phước cõi Phạm Thiên chết, sanh về cõi này trong nhà Bà Là Môn giàu có hiện tại.  
 

5. Ngài Ma Ha Ca Diếp viên tịch


Ma Ha Ca Diep vien tich
 
Khi Ngài đã già yếu, Đức Phật nhiều lần khuyên:

- Ca Diếp tuổi đã già, nên ở một chỗ nhận những thức cúng dường của thí chủ, chớ đi khất thực nhọc nhằn.
 
Ngài bạch Phật:

- Con tuy già yếu, song không dám ở một chỗ thọ sự cúng dường của thí chủ. Vì sợ e sau này, các Tỳ Kheo đời sau sẽ nói: "Đệ tử lớn của Phật trước kia vẫn ở một chỗ thọ sự cúng dường", rồi họ sanh phóng túng.
 
Lúc Phật Niết Bàn trong rừng Sa-la, thì Ngài đang ở núi Kỳ Xà Quật. Nghe tin Phật qua đời, Ngài và 500 đệ tử vội vã trở về nhưng tới nơi Đức Phật đã vào kim quan, ngài buồn bã. Thầy trò đi nhiễu kim quan ba vòng, rồi đảnh lễ Phật. Khi ấy, hai bàn chân Phật duỗi ra ngoài kim quan để an ủi ngài. Ngài vuốt ve hai bàn chân Phật.
 
Sau khi thiêu thân Phật xong, ngài tuyên bố với chúng Tỳ Kheo:

- Xá lợi của Phật giao cho trời, người xây tháp thờ làm ruộng phước, còn trách nhiệm Tỳ Kheo chúng ta phải lo kết tập kinh điển để lưu lại đời sau.
 
Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 7 ngày, Ma Ha Ca Diếp liền triệu tập hội nghị kết tập kinh điển trong suốt 3 tháng. Đại chúng nhất trí đề cử Ma Ha Ca Diếp làm chủ tọa.

Với lòng quy kính Đức Thế Tôn và mong nguyện hoằng truyền giáo Pháp, sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Đại Ca Diếp đã mở đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất.

Nhờ đó, lời dạy của Đức Phật được kết tập thành hệ thống và được chính thức lưu truyền dưới các hình thức truyền tụng, ghi chép thành kinh văn trên lá, giấy… cho đến ngày nay.
 
Khoảng hai hoặc ba mươi năm sau đó, cảm thấy cơ thể đã già yếu, mệt mỏi vì đã trên trăm tuổi, Ma Ha Ca Diếp quyết định nhập Niết Bàn.

Ma Ha Ca Diếp tìm đến nơi A Nan đang du hóa để phú chúc pháp tạng, yêu cầu A Nan tiếp nối sứ mạng thừa kế truyền bá chính pháp, rồi đến 8 tháp thờ Xá Lợi phật để lễ lạy cúng dường, Ngài nói:

- Khi Như Lai sắp vào Niết Bàn có dặn ta đem Chánh pháp nhãn tạng giao phó cho ông. Nay ta sắp ẩn, đúng lúc giao phó cho ông, ông phải khéo gìn giữ chớ để đoạn dứt.

Ngài nhớ lời Phật dặn giữ gìn y bát của Phật đợi đến Phật Di-lặc ra đời sẽ trao lại, nên dự bị vào núi Kê Túc nhập định. Sau đó, Ngài đi từ giã vua A Xà Thế và những người thân thuộc, rồi vào núi Kê Túc trải tòa cỏ ngồi an nhiên nhập định.

Vào năm 496 Tây Lịch,  Ma Ha Ca Diếp mang theo y bát của Phật đến núi Kê Túc, ngồi nhập định và nhập Niết Bàn, khi ấy Ngài 120 tuổi.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X