Phật hướng dẫn 7 Pháp được an lạc thực hành được thì hết buồn khổ

Thứ Ba, 27/06/2023 17:37 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Biết được 7 Pháp được an lạc sau đây và áp dụng vào cuộc sống bạn sẽ tìm được cả niềm vui, niềm tin trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Đức Phật nói về 7 Pháp được an lạc

 

Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Thiện pháp, số 1 có ghi lại lời dạy của Thế Tôn đó là có “bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận”. 
 
Chuyện kể lại rằng một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo rằng:
 
Nếu có Tỳ Kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là:
  • Biết pháp
  • Biết nghĩa
  • Biết thời
  • Biết tiết độ
  • Biết mình
  • Biết chúng hội
  • Biết người.
Sau đó Người giải thích về 7 pháp này:

1. Tỳ Kheo biết pháp: Tỳ Kheo biết chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tha, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sanh xứ, quảng giải, vị tằng hữu và thuyết nghĩa. Ấy là Tỳ Kheo biết pháp.

2. Tỳ Kheo biết nghĩa? Nghĩa là Tỳ Kheo biết nghĩa của giáo thuyết này hay giáo thuyết kia, biết điều này có nghĩa như thế kia, biết điều kia có nghĩa như thế này. Đó là Tỳ Kheo biết nghĩa. 

3. Tỳ Kheo biết thời? Đó là Tỳ Kheo biết thời nào nên tu phương pháp thấp, thời nào nên tu phương pháp cao, thời nào nên tu phương pháp xả. 

4. Tỳ Kheo biết tiết độ? Đó là Tỳ Kheo biết tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí. 
 
5. Tỳ Kheo biết mình? Tỳ Kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc.
 
6. Tỳ Kheo biết chúng hội? Tỳ Kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là Phạm chí, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng hội Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy. Ấy là Tỳ Kheo biết chúng hội. 
 
7. Vị Tỳ Kheo biết người? Tỳ Kheo tự biết rõ người có sự yếu kém, sở trường nào.
 

2. Lý giải chi tiết về 7 Pháp được an lạc

 
 

2.1 Biết pháp 

 
Biết pháp tức là biết thể loại của mười hai bộ kinh hay còn gọi là “thập nhị bộ chân kinh” - tập hợp những lời Phật dạy một cách đầy đủ nhất.
  • Chánh kinh,
  • Ca vịnh,
  • Ký thuyết,
  • Kệ tha,
  • Nhân duyên,
  • Soạn lục,
  • Bản khởi,
  • Thử thuyết,
  • Sanh xứ,
  • Quảng giải,
  • Vị tằng hữu,
  • Thuyết nghĩa.  
Biết pháp ở đây được hiểu là biết tất cả những lời Phật dạy được trình bày, sắp xếp thành 12 loại trên. Vì thế mỗi Tỳ Kheo phải học đủ thì mới mong bình an sâu trong tâm mình. 

Trong Kinh Tăng nhất A-hàm (quyển 50) còn khuyến khích đọc tụng kinh pháp nếu muốn đạt được bổn nguyện, đồng thời chọn ra một kinh để hành trì tu tập thường xuyên.
 
Nhưng đối với người dân bình thường, hầu hết chúng ta không đủ duyên để dành thời gian học và hiểu hết các Pháp như các tăng ni, Phật tử thì cần phải làm gì? Ta hiện vẫn còn mối nhân duyên ràng buộc không có nhiều thì giờ để học và biết hết tất cả Phật pháp, cho nên chỉ cần học và biết pháp mà Đức Phật đã dạy riêng cho người cư sĩ.

Pháp ấy được ghi rõ trong kinh Người áo trắng, là kinh Đức Phật dạy cho cư sĩ Cấp Cô Độc cùng với năm trăm vị cư sĩ khác.

Kinh ghi: “Này thầy Xá-lợi-phất, thầy có biết rằng nếu một vị đệ tử áo trắng đạo hạnh biết hộ trì năm giới pháp và tu tập bốn tâm cao đẹp (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới) thì có thể đạt tới rất dễ dàng và không khó khăn gì khả năng an trú hạnh phúc ngay trong hiện tại, và biết chắc chắn rằng mình sẽ không còn đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh và các nẻo ác khác trong tương lai.

Một người như thế là đã đắc quả Dự lưu, không sợ còn bị rơi vào đường ác, chắc chắn đang đi về nẻo chánh giác. Người ấy chỉ cần qua lại tối đa là bảy lần nữa trong các cõi trời và người là có thể đạt tới biên giới của sự hoàn toàn giải thoát diệt khổ”.
 
Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ cần giữ năm giới: không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và giữ bốn tâm cao đẹp (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới) thì có thể hạnh phúc ngay trong hiện tại và thoát hẳn ba đường khổ và tương lai sẽ đạt được giải thoát hoàn toàn.
 

2.2 Biết nghĩa

 
Biết nghĩa từng là các Tỳ Kheo cần phải hiểu hết các Kinh điển nói gì vì nếu không việc tụng kinh mà không hiểu nghĩa thì không mang lại nhiều lợi ích.

Trong Kinh Tăng nhất A-hàm đã giải thích rằng: “Tuy tụng tập pháp ấy mà không hiểu nghĩa lý, do không quán sát nghĩa lý cũng không thuận theo pháp ấy nên pháp đáng tuân theo lại không tuân theo, pháp không đáng tuân theo lại tuân theo”.

Một Tỳ Kheo do không hiểu ý nghĩa lời Phật dạy nên họ không biết làm gì, thực hành thế nào thì thân họ không an lạc, cũng chẳng thể giúp được người khác. 

Thực tế là ngày nay nhiều người còn lợi dụng Kinh để giảng sai, lợi dụng lòng tin của người khác để truyền đạo. Những đối tượng này mang tội phỉ báng Tam bảo, sẽ bị đọa địa ngục không chừng.

Thế nên các Tỳ Kheo không chỉ biết Kinh mà còn dành thời gian để tìm tòi, hiểu nghĩa, nếu không hiểu thì tìm những cao nhân có kinh nghiệm hơn để nhờ giải thích. 
 
Nhưng đối với người dân bình thường, chúng ta không cần biết hết các kinh và cũng không nhất thiết phải hiểu hết nghĩa của chúng như một thầy Tỳ Kheo. Tuy nhiên, nếu cảm thấy ưa thích, quan tâm thì có thể dành thời gian tìm hiểu vì việc này mang lại nhiều lợi lạc.

Một người bình thường mà có thể hiểu một phần Phật pháp và ứng dụng chúng vào trong cuộc sống hàng ngày cũng đã có thể cải thiện cuộc sống của mình một cách rõ rệt. Không ít người đã ứng dụng trong làm ăn, kinh doanh và tạo nên sự nghiệp một cách chân chính, giúp được cả bản thân và gia đình, thiết lập một đời sống cân bằng, vững chãi và thảnh thơi.
 
Ví dụ như khi nghe lời Phật dạy về vô thường và ứng dụng trong cuộc sống chúng ta có thể bình tâm trước sóng gió của cuộc đời. Nhờ thế mà ta sẽ luôn vững tin, mạnh mẽ vượt qua những cạm bẫy và cũng không có khó khăn nào khuất phục được chúng ta.

Hay khi ta hiểu về nhân quả thì cố gắng làm nhiều việc thiện mỗi ngày để mong có những điều tốt đẹp hơn đến với cuộc sống của mình. 
 

2.3 Biết thời

 
Biết thời là sau khi đã biết pháp và biết nghĩa ở trên thì Tỳ Kheo bắt đầu vận dụng vào sự tu tập hàng ngày. Tùy thuộc vào nghiệp lực, căn cơ, hoàn cảnh của mỗi người, của từng hội chúng mà có pháp tu khác biệt nhau. 

Một Tỳ Kheo biết thời sẽ biết lúc nào nên tu pháp thấp, lúc nào nên tu pháp cao, lúc nào nên tĩnh chỉ; biết lúc nào nên thuyết pháp, lúc nào nên pháp đàm, lúc nào nên tu tập, lúc nào nên thiền định.

Con người tuy bình đẳng nhưng năng lực, khả năng khác nhau thế nên mỗi cá nhân cần tự cho mình một pháp môn tu thích hợp. Nếu không biết thời thì sẽ khó có được thành tựu, dù nỗ lực nhiều nhưng không đạt được kết quả như ý.

Mỗi Phật tử cần học cách để tự sắp xếp thời gian cho thích hợp, làm gì trước, làm gì sau để đạt được hiệu quả cao nhất mà không mệt mỏi. Bên cạnh đó phải có thời gian để tự đánh giá bản thân mình; dành thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời...

Còn đối với người dân bình thường như chúng ta cũng tương tự như thế. Ta học cách để sắp xếp lại cuộc sống, không hoang phí thời gian vào những việc vô ích và có hại cho sức khỏe. Nếu nghe điều gì về lời Phật dạy phù hợp với mình thì có thể tìm hiểu, áp dụng, không cần tham lam ôm đồm, cố gắng tìm hiểu quá nhiều rồi cảm thấy hoang mang.

Dù yêu thích muốn tìm hiểu Đạo Phật nhưng khi ta đang còn có nhiều ràng buộc với cuộc sống đời thường thì không quên làm trọn bộn phận của một người chồng/vợ, con cái, anh, chị em trong nhà. Sắp xếp thêm thời gian để tìm hiểu Đạo Phật ở khía cạnh có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống của mình thì càng tốt. Không nên vội vàng tin theo mà bỏ hết mọi thứ để... đi tu trong khi bản thân chưa đủ duyên.

Ngoài ra, nếu có thể mỗi ngày nên dành khoảng mười lăm phút để ngồi thiền, để niệm Phật, để quán chiếu bản thân mình… thì đã đủ để giúp chúng ta bình an hơn trong tâm hồn, không cần phải kỳ vọng điều gì quá nhiều.
 

2.4 Biết tiết độ

 
 
Phật dạy: “Tỳ Kheo biết tiết độ là tiết độ trong việc ăn, uống, đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, giảm bớt ngủ nghỉ, tu tập chánh trí”.

Biết tiết độ là sự tiết chế, điều độ trong sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, nói, đi đứng, nằm ngồi.

Bậc tu hành dù có các nhu cầu thiết yếu cho sự sống như trên cũng phải thực hiện mọi việc trong chánh niệm tỉnh giác. Thọ dụng nhưng luôn tỉnh giác để chừng mực, vừa đủ, không mong cầu.

Ăn uống đủ sống, ngủ nghỉ đủ khỏe, nói vừa đủ nghe,... Nhờ có tiết độ nên thuận duyên hơn trên con đường tu tập chánh trí.
 
Còn đối với người dân thường như hầu hết chúng ta thì cũng có thể học hỏi bằng cách đảm bảo cho việc ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí, du lịch, mua sắm… đều ở mức vừa phải.

Thực tế là ham chơi nhiều quá thì lười làm việc. Ham công việc quá gây suy nhược cơ thể. Ham ăn quá thì sinh bệnh.... Thế nên tất cả đều cần phải có tiết độ thì mới giữ gìn được sức khỏe, mới đảm bảo được cuộc sống an ổn, vui vẻ, hạnh phúc. 
 

2.5 Biết mình 


Đức Phật chỉ rõ, biết mình đó là: “Tỳ Kheo tự biết mình có mức độ ấy tín, giới, thí, tuệ, biện tài, a-hàm và sở đắc”.

Nghĩa là mỗi Tỳ Kheo có khả năng tự đánh giá bản thân, về năng lực, hiểu rõ sở trường, sở đoản, chuyên môn… trong lĩnh vực nào để dấn thân phụng sự hiệu quả.

Trong những tiêu chuẩn mà Người đã nêu ra có thể thấy là a-hàm và sở đắc rất quan trọng. A-hàm là toàn bộ giáo pháp, là giáo pháp giải thoát tối thượng. Sở đắc là những tầng thiền và các Thánh quả.  

Tức là nhận thức bản thân đã hiểu bao nhiêu kinh, luật, luận, có sở đắc được pháp nào hay không? Rồi phải biết mình có biện tài - có năng khiếu thuyết giảng các lý thuyết kinh kệ hay không. Nếu có khả năng nói cho người khác hiểu về Kinh kệ thì nên phát huy vì việc này có nhiều lợi lạc.

Nếu chưa có hoặc có ít “tín, giới, văn, thí, tuệ, biện, a-hàm và sở đắc” thì cần tu tập để có. Nếu đã có thì tiếp tục làm cho tăng thượng để đạt đến viên mãn.
 
Còn đối với người dân thường như hầu hết chúng ta thì "biết mình" ở đây có nghĩa là có khả năng tự ý thức, tự đánh giá ưu nhược điểm của chính mình. Việc này quan trọng vì chúng ta bớt đi việc lãng phí thời gian cho thứ mình không giỏi. Trong khi đó, ta chỉ cần tập trung vào thứ mình giỏi nhất và rèn luyện đến cùng thì sẽ trở thành tài năng, có sức ảnh hưởng trong việc truyền cảm hứng cho người khác vươn lên trong cuộc sống.
 

2.6 Biết hội chúng

 
Đức Phật giải thích: “Tỳ Kheo biết đây là chúng hội Sát-lợi, đây là chúng Bà-la-môn, đây là chúng hội Cư sĩ, đây là chúng Sa-môn. Ở nơi các chúng hội ấy, ta nên đi như vậy, đứng như vậy, ngồi như vậy, nói như vậy, im lặng như vậy”.
 
Điều này có nghĩa là Phật không chống đối các tôn giáo khác mà thể hiện sự tôn trọng sự khác biệt này. Mỗi Tỳ Kheo cần biết đâu là chúng hội Sát lợi, Bà la môn,... hay các chúng hội khác và mỗi nơi có một đặc điểm, quy tắc, quy củ riêng mà cần phải thực hiện theo. Đó là sự khôn ngoan, thể hiện một tầm nhìn thông suốt trong mọi việc, theo đó Đức Phật nhắc nhở các đệ tử của mình không nên vì bản thân theo Phật mà xem thường, không tuân theo khi xuất hiện ở nơi chúng hội của người ta.

Đây là những cách cực kỳ khéo léo của Đức Phật khi Ngài đi theo con đường trung đạo, giúp lý thuyết của Đạo Phật dễ dàng len lỏi tới bất cứ nền văn hóa nào trên thế giới mà không có một chút đối đầu hay bài trừ nào cả.

Chưa bao giờ Người áp đặt niềm tin của tôn giáo mình lên tín đồ của tôn giáo khác, cũng không đả phá, bôi nhọ hay thực hiện những cử chỉ, lời nói, hành động, nghi thức xúc phạm đến tín ngưỡng của tôn giáo khác.

Ngay cả chúng ta sống trong đời thường cũng vậy, phải nhất định "nhập gia tùy tục", nghĩa là đến một nơi nào thì tuân thủ làm theo quy định, luật lệ, tôn trọng văn hóa ở nơi đó, chớ nên chống đối hay làm càn kẻo rước họa vào thân.

Đây thực sự là kỹ năng sống quan trọng cho tất cả mọi người chứ không riêng gì các Tỳ Kheo. Vì thực tế, nếu chúng ta đến một quốc gia khác nhưng làm điều được cho là phạm pháp ở đất nước họ (được xem là bình thường ở đất nước chúng ta) thì sẽ bị bắt ngay lập tức. Lúc đó thì chẳng còn chút an lạc nào trong lòng mà là tự rước họa vào thân rồi đấy.
 

2.7 Biết người

 
Kinh ghi: “Biết người là biết người hơn kẻ kém, người thắng kẻ liệt, người đáng được khen ngợi, kẻ đáng bị chỉ trích…”.
 
Điều này có nghĩa là các Tỳ Kheo phải hiểu rõ ai là người mình đang đối thoại cùng để biết cách thu phục lòng người.

Mỗi người ta gặp có một cá tính, khả năng, ưu nhược điểm khác nhau, thế nên không thể dùng một bài học để dạy cho tất cả mọi người. Dù là có ý tốt nhưng khuyên không đúng người cũng là vô ích. Thế nên gặp người đáng khen thì khuyến khích họ, kẻ đáng bị khiển trách cần phải nghiêm khắc để răn đe.

Quan trọng của việc biết người đó là hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư tình cảm, trở ngại trong tâm họ, thậm chí cả những thứ sâu xa mà họ không thể giãi bày, tâm sự... Hiểu thấu lòng người mới có thể kịp thời hướng dẫn, giúp họ chuyển hóa.
 
Nhìn chung, khi nói đến kỹ năng nhận biết một người Phật tử có bốn đức tính dự lưu hay không. Bốn đức tính đó là:
  • Thân cận thiện sĩ (gần gũi Tăng Ni),
  • Thính văn Chánh pháp (tức nghe, học giáo lý),
  • Như lý tác ý (chiêm nghiệm, quán chiếu ý nghĩa của pháp), 
  • Pháp tùy pháp hành (ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống).
Nhận biết về một Phật tử như vậy không phải để thiên vị hay so đo với họ mà là để có những phương pháp phù hợp để giúp họ dễ dàng tu tập, làm tăng thượng tâm cho người đã phát tâm và khiến cho người chưa phát tâm được phát tâm tu học.
 
Một người may mắn biết được 7 Pháp được an lạc và cố gắng thực hành sẽ có được cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc trọn vẹn, dễ có cơ hội được giải thoát khỏi những khổ đau, muộn phiền của kiếp người.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: