Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Phật dạy 7 pháp đoạn trừ phiền não, chấm dứt khổ đau, sống an lạc mỗi ngày

Thứ Năm, 25/07/2024 09:17 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc cảm thấy khó chịu, bực dọc, tâm bất an, ăn không ngon ngủ không yên do có nhiều phiền não. Đức Phật cho rằng, phiền não chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, tội lỗi và sa đọa. Đó là lý do Ngài đã để lại cho hậu thế 7 pháp đoạn trừ phiền não, chấm dứt mọi khổ đau.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Vì sao phải đoạn trừ phiền não?

 
Phat day 7 phap doan tru phien nao
 
Phiền não là điều không ai muốn có nhưng cũng không thể tránh khỏi giữa cuộc sống xô bồ này. Nó khiến con người ta chìm trong những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, bực dọc, bất an.
 
Bởi thế nên theo lời Phật dạy, phiền não chính là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, tội lỗi và sa đọa. Tâm an lạc thì không có phiền não, cũng như có ánh sáng sẽ không còn bóng tối.
 
Vậy, muốn có được an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải biết cách đoạn trừ, tức tiêu diệt phiền não, không để nó ngự trị trong lòng. Nhưng nói thì dễ hơn làm, bởi đó là việc không dễ dàng gì, vì phiền não có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và dẫn dắt chúng ta tạo nghiệp sinh tử luân hồi từ đời này sang đời khác.
 
Để đối trị với vô lượng phiền não, đức Phật đã dạy cho chúng ta vô lượng pháp môn. Phiền não được ví như bệnh, còn pháp môn được ví như thuốc để chữa lành bệnh. Bệnh nào thuốc nấy, cũng như tùy từng loại phiền não mà chúng ta thực tập phương pháp thích hợp để đoạn trừ.
 
Trong kinh Trung Bộ, bài kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”, đức Phật đã dạy chúng ta bảy pháp đoạn trừ phiền não, tức 7 phương pháp tiêu diệt mọi tâm ma nhũng nhiễu chúng ta.
 
Đó là: dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt và dùng tu tập để đoạn trừ phiền não. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cụ thể hơn về các phương pháp này.
 

2. Phật dạy 7 pháp đoạn trừ phiền não

 
7 phap doan tru phien nao
 

2.1 Đoạn trừ phiền não bằng cách tri kiến

 
Tri kiến là sự thấy biết, sự nhìn rõ. Chúng ta phải nhìn rõ khi nào thì phiền não khởi lên và thấy được nó bắt nguồn từ đâu. Biết được nguyên nhân thì chúng ta mới có thể hóa giải phiền não.
 
Thí dụ, nếu người thân trong gia đình qua đời, lẽ thường ta sẽ rất đau khổ. Vậy chúng ta phải ứng dụng Phật pháp như thế nào để hóa giải phiền não trong lúc này?
 
Đức Phật dạy, những gì hữu hình đều hữu hoại, có sinh phải có diệt, có hợp phải có tan. Xét lại thân của chúng ta, vốn là thứ vật chất giả tạm, do tứ đại nương nhau hợp thành nên một ngày nào đó sẽ phải tan hoại theo quy luật vô thường: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là điều hiển nhiên và không thể tránh khỏi.
 
Chúng ta có mặt trên cuộc đời đều mang chung một án tử, chỉ khác là khi ra “pháp trường” kẻ trước người sau. Trước đây, chúng ta đau khổ, than khóc. Bây giờ, chúng ta hiểu rằng, khóc như vậy chỉ thêm sầu bi mà thôi, có khóc bao nhiêu thì người mất cũng đã ra đi, không thể sống lại được. Hiểu được như thế là chúng ta đang dùng Phật pháp để đoạn trừ phiền não và hóa giải những nỗi khổ của mình.
 
Như vậy, khi có sự thấy biết đúng đắn, chúng ta sẽ hóa giải được phiền não, đau khổ. Đó là pháp thứ nhất “dùng tri kiến để đoạn trừ phiền não” mà đức Phật đã dạy chúng ta.

Xem thêm: 4 kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy
 

2.2 Đoạn trừ phiền não bằng cách phòng hộ

 
“Phòng” có nghĩa là giữ gìn, ngăn ngừa. “Hộ” có nghĩa là bảo vệ, che chở. Để ngăn nước tràn vào ruộng làm lúa bị ngập úng, chúng ta đắp bờ đê. Để ngăn gà, heo vào phá vườn rau, chúng ta làm hàng rào. Để ngăn kẻ trộm vào lấy cắp tài sản, chúng ta đóng cửa thật chặt và khóa tủ thật kỹ. Đó gọi là phòng hộ.
 
Tương tự như vậy, để ngăn sáu tên giặc: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm nhiễu loạn tâm, mỗi chúng ta phải phòng hộ sáu cửa: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
 
Đức Phật dạy rằng, ví như một tòa thành có sáu cánh cửa, mỗi cửa có một ông lính gác, nếu có một ông lính ngủ gật, không canh giữ được thì quân giặc sẽ đột nhập vào bên trong và phá nát tòa thành đó. Cũng vậy, nếu không chính niệm tỉnh giác, phòng hộ sáu căn thì “giặc sáu trần” sẽ đột nhập vào trong tâm thức, phá hoại thiện căn của chúng ta và làm phát sinh phiền não.
 
Phòng hộ không có nghĩa là nhắm mắt không nhìn, bịt tai không nghe, ngậm miệng không nói,… mà là lúc nào cũng chính niệm, tỉnh giác. Chúng ta phòng hộ sáu căn bằng cách nhận biết niệm nào khởi, niệm nào diệt, niệm nào chính, niệm nào tà.
 
Từ đó, chúng ta sẽ ngăn chặn và hóa giải được phiền não. Như vậy, phương pháp thứ hai đức Phật dạy cho chúng ta để đoạn trừ phiền não chính là phòng hộ.
 

2.3 Đoạn trừ phiền não bằng cách thọ dụng

 
Phương pháp thứ ba nhằm diệt trừ mọi phiền não và đau khổ là thọ dụng, nghĩa là chấp nhận những phương tiện từ bên ngoài để làm cho hoặc thân thể, hoặc tình huống của ta dễ chịu hơn. Thí dụ như khi trời nóng thì dùng quạt, lạnh thì sưởi; khi đau ốm thì dùng thuốc men...
 
Đạo Phật không chủ trương khổ hạnh vì thân thể khó chịu thì làm gì có tâm an tịnh cho được. Như vậy, Phật tử không tự ái mà hành xác; ngược lại, Phật tử phải săn sóc thân tứ đại, chứ không vì tự ái, vì ngã mạn cống cao mà hành xác.
 
Ngược lại, Phật tử phải săn sóc thân tứ đại này cho đàng hoàng, cho nó khỏe mạnh để dễ tiến tu. Săn sóc đàng hoàng chứ không chiều chuộng thái quá.
 
Qua các thí dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng, tùy từng hoàn cảnh mà đức Phật dạy các phương pháp khác nhau để đoạn trừ phiền não. Không phải loại phiền não nào chúng ta cũng diệt trừ bằng cách đối trị, nhiều khi phải thọ dụng, phải thuận theo từng loại phiền não mới có thể giải quyết được.
 

2.4 Đoạn trừ phiền não bằng cách kham nhẫn

 
Phật dạy phương pháp thứ tư là kham nhẫn, nghĩa là chịu đựng. Phương pháp này giúp chúng ta tăng khả năng chịu đựng, cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để đoạn trừ phiền não, tiến bộ hơn trên con đường tu tập.
 
Có những phiền não phải được sự kham nhẫn mới đoạn trừ. Nhẫn những cái đáng nhẫn và nhẫn những cái không đáng nhẫn. Những xuyên tạc, phỉ báng, ganh tị, hiềm khích, buồn giận... nếu chúng ta coi chúng là phiền não thì chúng sẽ trở thành phiền não; ví bằng ta xem chúng như nước chảy qua cầu hoặc gió thoảng mây bay thì tự nhiên chúng sẽ bị dòng nước hoặc luồng gió cuốn đi mất, thế thôi.
 
Kham nhẫn trước những tác động của ngoại cảnh đã khó, nhưng để có thể kham nhẫn trước những ham muốn của nội tâm còn khó khăn hơn. Trước bất kỳ phiền não nào, nếu biết chịu đựng, nhất định sẽ có ngày chúng ta vượt qua nó.
 
Lúc mới bắt đầu tu, mỗi khi ngồi tụng kinh, niệm Phật, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì bình thường mình không ngồi yên lâu, nay phải ngồi tới một tiếng. Nếu không biết kham nhẫn, chúng ta sẽ than mệt, than đau, thế là bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng nếu lúc đó chúng ta tự nhủ với bản thân: “Thôi kệ, đau một chút cũng ráng”, thì sau một thời gian, chắc chắn chúng ta sẽ tiến bộ.
 
Như vậy, ngược với pháp thứ ba là thọ dụng để đoạn trừ phiền não, ở pháp thứ tư này, đức Phật lại dạy chúng ta phải đoạn trừ phiền não bằng kham nhẫn. Giống như cây tre, muốn uốn được phải hơ qua lửa cho mềm dẻo; chúng ta muốn tiến bộ trên đường tu thì phải kham nhẫn để vượt qua những khó khăn, thử thách và đoạn trừ các phiền não trong tâm.

Doan tru phien nao
 

2.5 Đoạn trừ phiền não bằng cách tránh né

 
Phương pháp thứ năm là tránh né. Tránh né nghĩa là không đối diện, không tiếp xúc, gần gũi với người, sự vật hoặc sự việc nào đó.
 
Đức Phật dạy rằng có những phiền não có thể đoạn trừ do tránh né. Phật đã dạy hễ phiền não đến là phải diệt; ví bằng chưa đến, ta nên tránh, chứ không nên chui đầu vào rọ. Ông bà ta vẫn thường nói: "tránh voi không xấu mặt nào" cơ mà, thế thì tại sao nếu tránh được phiền não ta lại không tránh?
 
Tránh né còn có nghĩa là không đọc, không nghe, không nếm, không tiếp xúc, không nghĩ ngợi những chuyện tà vạy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó lòng tránh né mọi thứ; tuy nhiên, phải cố mà biết mình đang nghe gì, thấy gì, hoặc nghĩ gì... Phải biết lúc nào nên dừng lại để khỏi dấn thân đi sâu vào phiền não.
 
Và nhất là chúng ta nên tránh xa những người không phải thiện tri thức. Thời đức Phật còn tại thế, Đề-bà-đạt-đa là anh em bà con và cũng là đệ tử của đức Phật. Về sau, vì muốn lên làm giáo chủ nên Đề-bà-đạt-đa đã tìm mọi cách để hại đức Phật. Ông ta đến xúi thái tử A-xà-thế giết vua Tần-bà-sa-la để cướp ngôi, còn ông ta sẽ giết đức Phật để lên làm giáo chủ.
 
Thái tử A-xà-thế đã nghe lời Đề-bà-đạt-đa, nhẫn tâm giết chết vua cha và sau khi tỉnh ngộ đã ân hận rất nhiều. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nếu gần người xấu ác trước sau gì mình cũng sẽ có hành động xấu ác, tự chuốc lấy phiền não cho mình.
 
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh né những người hay sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, vì gần gũi những người này sẽ đem đến cho quý vị rất nhiều phiền não.
 
Tóm lại, tránh né không có nghĩa là trốn chạy, mà là tự mình làm chủ lấy mình; làm chủ lấy thân, khẩu và ý của mình. Tự mình làm chủ lấy mình trong bất cứ tình huống nào, ấy là sự tránh né tuyệt vời nhất.
 
Như vậy, ở đời có những sự nguy hại, phiền não không thể đối trị bằng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, mà phải biết tránh né. Đó cũng là một phương pháp hữu hiệu mà đức Phật dạy chúng ta để ngăn phiền não phát sinh.
 

2.6 Đoạn trừ phiền não bằng cách trừ diệt

 
Pháp thứ sáu là diệt trừ. Nghĩa là khi phiền não khởi lên, chúng ta phải lập tức đoạn diệt, không để nó dây dưa và phát triển.
 
Có những loại phiền não mà chúng ta phải đối đầu và diệt trừ ngay. Thí dụ như dục vọng, hoặc tham, sân, si vừa nổi lên là chúng ta phải nhận diện và diệt trừ ngay, chứ không thể nào tránh né hoặc chần chừ, vì những thứ này luôn rình rập chờ vật ngả ta.
 
Ví như một vết dầu khi mới rớt xuống hồ nước, nếu chúng ta kịp thời vớt lên thì sẽ hạn chế vết dầu loang ra, còn không thì chắc chắn mặt hồ sẽ bị vết dầu này làm cho loang lổ. Cũng như thế, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải lập tức đoạn diệt, không nên để nó kéo dài và nhân rộng.
 
Hay như trong gia đình, khi hai vợ chồng bất hòa với nhau, dù là những mối bất hòa nhỏ, nếu không hòa giải sớm sẽ ngày càng buồn phiền, bế tắc, cuối cùng có thể dẫn đến ý nghĩ muốn ly hôn để giải thoát cho nhau. Còn nếu mâu thuẫn được dập tắt ngay lúc mới khởi lên thì sẽ tránh được nhiều hậu quả khôn lường.
 
Phật tử phải quyết tâm đoạn diệt cho bằng được những tham, sân, si ngay từ trong tư tưởng, không cho chúng phát sinh thành hành động. Có được như vậy thì phiền não không cách gì xâm nhập vào ta được.
 
Cho nên, đức Phật dạy, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải trừ diệt ngay, không để nó kéo dài và phát triển. Nếu chúng ta nuôi dưỡng phiền não chắc chắn sẽ gây khổ đau cho mình và cho người.
 

2.7 Đoạn trừ phiền não bằng cách tu tập

 
Phương pháp cuối cùng trong 7 pháp đoạn trừ phiền não mà Đức Phật dạy chúng ta là tu tập. Tu tập có nghĩa là liên tục duy trì chánh niệm, không cống cao ngã mạn, lúc nào cũng buông bỏ, luôn tự thắp đuốc lên mà đi.
 
Đức Phật đã dạy cho chúng ta vô lượng pháp môn để tu tập, phải tùy theo căn cơ, trình độ của mình mà chọn pháp môn thích hợp để thực hành. Khi thực hành thuần thục rồi thì phiền não sẽ không còn cơ hội để phát triển nữa. Đó gọi là do tu tập mà đoạn trừ được phiền não.
 
Người tu tập nên luôn cẩn trọng với kinh điển; kinh điển chỉ là tấm bản đồ chỉ đường, tu tập mới thật sự là đi. Phải đi như các Đức Như Lai, phải là một kẻ độc hành, chứ không ai đi dùm ai được, ngay cả Phật. Hãy thầm thầm mà tu tập thì sự định tỉnh sẽ từ từ đến, sự sáng suốt sẽ đến một cách thầm lặng mà chắc chắn, phiền não sẽ tự dưng tan rã.
 
Chẳng hạn, về pháp môn niệm Phật. Niệm Phật là lúc nào cũng nghĩ nhớ đến Phật, không nhớ gì khác nữa. Tâm làm chủ các pháp, tạo ra mọi hạnh phúc và khổ đau. Chúng ta thường nhớ Phật, niệm Phật thì tâm sẽ luôn tỉnh giác và tham, sân, si bớt dần.
 
Hằng ngày, chúng ta niệm Phật là đang luyện cho tâm được thanh tịnh. Từ đó thân và khẩu cũng thanh tịnh, tránh xa được các ác pháp. Khi ấy, chúng ta sẽ không còn phiền não, bởi trong tâm có Phật thì không có Ma, cũng như có sáng thì không có tối.
 
Đừng sợ phải độc hành, hoặc giả sống một mình. Hãy tập làm người biết sống một mình như lời Phật dạy. Đừng sợ sự buông bỏ vì buông bỏ có thể ta mất đi tiền tài vật chất, nhưng bù lại ta sẽ được sự giác ngộ rốt ráo.
 
Đừng sợ không ai biết ta khi ta không cống cao ngã mạn. Ngược lại, khi ta không tự mãn kiêu căng, người người sẽ đến với ta, do đó mà ta học hỏi được nhiều hơn và con đường đi đến giác ngộ và giải thoát của ta sẽ nhanh hơn.
 
Như vậy, nếu thường xuyên niệm Phật thì chúng ta sẽ đoạn trừ và chuyển hóa được phiền não, giúp cho thân tâm của mình luôn được an lạc. Đó là một thí dụ do tu tập đoạn trừ được phiền não.
 
Tóm lại, đức Phật đã dạy chúng ta bảy pháp để đoạn trừ phiền não, đó là dùng tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt, và tu tập. Sau khi biết được bảy pháp này, khi phiền não khởi lên, chúng ta phải suy nghĩ xem nên ứng dụng phương pháp nào để hóa giải và đoạn trừ.
 
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo” Tâm của chúng ta là chủ. Nếu tâm thanh tịnh thì lời nói và việc làm cũng sẽ thanh tịnh. Nếu tâm ô uế thì lời nói và việc làm cũng sẽ ô uế.
 
Chúng ta phải nắm chắc điều này để chọn cho mình những phương pháp hóa giải phù hợp và đúng đắn. Khi đó, chắc chắn chúng ta sẽ đoạn trừ được phiền não, tránh gây tạo ác nghiệp, đạt đến an vui và hạnh phúc ở hiện tại cũng như tương lai.
 
Tóm lại, Phật đã dạy rõ ràng như vậy đó, muốn nghe hay không nghe còn tùy ở từng nhân duyên và căn cơ của chúng sanh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu khó bình tâm mà suy nghĩ, lắng nghe và tu tập một chút thì các động tác của ta từ thân, khẩu và ý đều không do tham, sân, si tác động; do đó mà ta sẽ thoát khỏi phiền não và cuộc sống ta sẽ an nhiên tự tại vô cùng.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X