Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Phật dạy: 4 kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn và bế tắc, ngụp lặn trong khổ não - Hy vọng không có bạn!

Thứ Sáu, 13/08/2021 14:07 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bốn kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy dưới đây luôn tự rước lấy đau khổ vào người, khiến cả thân lẫn tâm đều mỏi mệt, không lúc nào được an yên thư thái. Cuộc sống vốn đơn giản nhưng họ lại luôn tự khiến mọi việc trở nên rắc rối. Xem ngay đó là những người như thế nào để không vô tình trở thành kiểu người đó.

Thường ngày, ta vẫn hay nghe người xung quanh và chính bản thân than thở những câu như "cuộc sống khó khăn quá", "sống thật mệt mỏi". Đúng là trong cuộc sống, nhất là ở tuổi trưởng thành trở đi, những gánh nặng của xã hội và gia đình dồn lên thân, thật là mỏi mệt.
 
Tuy nhiên, nếu chỉ mệt mỏi về thể chất, sẽ có thể phục hồi sau khi nghỉ ngơi. Còn điều mệt mỏi lớn nhất trong cuộc đời, không gì khác chính là mệt mỏi ở trong tâm.
 
Chỉ tiếc rằng đa phần những nỗi muộn phiền đó lại do bản thân chúng ta tự chuốc lấy, ta tự khiến cuộc đời từ đơn giản trở nên phức tạp, cũng bởi cái tâm không thuần khiết của chúng ta.
 
Đức Phật dạy rằng: 

comment leftĐạo không nằm trên bầu trời, đạo nằm trong tim.
Lời Phật dạy
comment right

Và chỉ có người nào nhận thức được về mình thì người đó mới thức tỉnh. Một người sống quá mệt mỏi có thể không phải gánh quá nhiều nặng nề trong cuộc sống nhưng họ cũng không biết cách sống sao cho dễ dàng.
 
Đức Phật nói: "Mặc dù chúng ta không thể thay đổi thế giới xung quanh mình nhưng chúng ta phải thay đổi bản thân và đối mặt với tất cả điều này bằng lòng từ bi và trí tuệ”.
 
Khi cuộc đời xuất hiện những nỗi muộn phiền khiến ta đau đầu nhức óc, nếu không có tâm giác ngộ, cũng giống như 4 kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy sau đây, tâm trí của họ bị thế giới bên ngoài tác động và tùy ý xoay chuyển, sống một cuộc đời đau khổ và mệt mỏi nhất, chẳng phút nào được an yên.

 
Kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy
 

1. Kiểu người tham ngũ dục, không thể buông bỏ

 
Theo giáo lý nhà Phật, ngũ dục tức chỉ năm sự ham muốn, là năm thứ dục lạc của trần cảnh nên cũng gọi là Ngũ tiềm, bao gồm:
 
- Sắc dục: ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt, hay người nữ thích người nam hoặc ngược lại.
- Thanh dục: ham muốn tiếng hay, lời nói ngọt ngào, êm tai. 
- Hương dục: ham muốn mùi thơm ngào ngạt, hay mùi hương của người nữ hoặc người nam. 
- Vị dục: ham muốn đồ ăn, thức uống ngon ngọt, bổ dưỡng để phục vụ cho cái thân giả tạm. 
- Xúc dục: ham muốn sự đụng chạm mềm dịu của người nữ để thỏa mãn dục vọng.
 
Ngũ dục còn có năm thứ sau:
 
- Tài dục: ham muốn tiền bạc, vàng ngọc thật nhiều như cái bình không đáy. 
- Sắc dục: ham sắc đẹp, mỹ miều, kiêu sa, nghiêng nước nghiêng thành. 
- Danh dục: ham muốn địa vị cao sang, tiếng tốt, ông này bà nọ… 
- Thực dục: ham muốn thức ăn ngon và ăn thật nhiều cao lương mỹ vị để thỏa mãn cho cái thân này. 
- Thùy dục: ham muốn ngủ nghỉ thật nhiều.
 
Ngũ dục cũng còn được gọi là "ngũ độc tiễn" tức năm mũi tên độc hại. Ngũ dục là năm món dục của chúng sanh, từ súc sanh đến người và chư thiên.
 
Nếu ta không kiểm soát tốt Ngũ căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thức) để cho say đắm ngũ dục thì thất lạc thiện căn, sa vào nẻo ác và đọa lạc.
 
Tham đắm ngũ dục sẽ bị trói buộc bởi năm thứ độc hại của ham muốn, khiến con người lầm đường lạc lối, tạo ra ác nghiệp, quả báo nhiều kiếp.
 
Như trong kinh Di Giáo, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải kiềm chế ngũ căn, chẳng để buông lung theo ngũ dục. Thí như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho chúng vào lúa mạ của người khác.
 
Nếu thả lỏng ngũ căn, chẳng những chạy theo ngũ dục không bờ mé, không thể kiềm chế được, mà còn gây hại rất nặng, cũng như ngựa chứng, chẳng dùng dây cương chế ngự thì chính nó sẽ đưa người ta vào hầm hố”.
 
Tự ngẫm lại, sở dĩ chúng ta cảm thấy chán nản cuộc sống, thấy đau khổ phiền muộn, là vì chúng ta quá tham lam chuyện thế gian. Dù miệng nói nhìn thấu và buông bỏ, nhưng trong lòng lại tham lam đủ thứ.
 
Nếu tham lam một phần, trái tim sẽ mệt mỏi một phần; nếu tham lam trăm phần, trái tim sẽ mệt mỏi trăm phần.
 
Trái tim có nhiều khoảng trống như vậy, chất đầy ngũ dục và lục trần của thế gian, làm sao có thể không mệt mỏi được.
 
Có người nói rằng con người không thể sống nếu thiếu cơm áo gạo tiền, nếu dễ dàng từ bỏ những nhu cầu đó thì sống làm sao?
 
Trên thực tế, những gì Phật giáo dạy là sự "buông bỏ" cứ không phải là từ bỏ; không tham lam không có nghĩa là không nỗ lực và chăm chỉ.
 
Buông bỏ ở đây không phải về vật chất, bạc tiền mà là cái tâm sầu não, phiền muộn. Nếu bạn không thể buông bỏ được chúng, những loại nghi tâm ấy dần dần sẽ đầu độc tâm hồn bạn, khiến bạn chẳng có ngày nào yên bình.
 
Tiền bạc hay của cải vật chất là phương tiện để nuôi sống chúng ta tồn tại, nhưng nó do ta làm ra chính vì vậy khi ăn uống, ta phải quan niệm ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Rồi kế đến là ngủ nghỉ nó cũng là nhu cầu cần thiết, nếu chúng ta chỉ đam mê ham làm giàu để hưởng thụ dục lạc về sắc đẹp thì sức khỏe sẽ bị tàn phá nhanh chóng và tuổi thọ suy giảm.
 
Đức Phật khuyến khích mọi người hãy nên giảm bớt ham muốn quá đáng, tham cầu trong khả năng của mình, biết tiết độ trong mọi nhu cầu để có sự an lạc thảnh thơi, mà không bị những lo lắng, thất vọng, sợ hãi…làm mình phiền não khổ đau.
 
Sự buông bỏ thực sự là được và mất để tùy duyên. Gieo "nhân" tốt thì không lo gặt "quả" xấu.
 
Nếu như con người biết buông xả trong đời sống hiện tại, buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù chấp nhặt; đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những “tham – sân – si” trong cuộc sống thường nhật thì sẽ tự tìm thấy cho mình niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.
 
Bởi khi biết buông bỏ thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến để rồi nhìn thấy niềm vui xung quanh ta.
 
Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua mà không chấp. Nếu ai có làm điều gì xúc phạm cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ một vài phút hoặc một vài giờ, cùng lắm qua một đêm rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.
 
Tham lam là một liều thuốc độc, và dục vọng là con dao hai lưỡi; có một cuộc sống ổn định rồi vẫn muốn theo đuổi sự thoải mái; có cuộc sống thoải mái rồi lại muốn hưởng thụ những vật chất xa hoa…
 
Nếu dục vọng không có điểm dừng thì con người vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy đủ, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và cũng không bao giờ tìm kiếm được niềm vui. Hãy trân trọng những gì bạn đang có, bạn sẽ thấy rằng bản thân mình là người giàu có nhất trên cõi đời này.

Kiểu người tự chuốc lấy muộn phiền
 

2. Kiểu người luôn muốn nhiều hơn nữa, không bao giờ biết đủ

 
Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng:

comment leftNgười nào ham muốn nhiều hơn, tìm kiếm lợi ích nhiều hơn, kẻ đó đau khổ cũng nhiều hơn.
Kinh Hoa Nghiêm
comment right
 
Đức Phật nói rằng những người có nhiều dục niệm, luôn ham muốn lợi ích, cũng sẽ đau khổ nhiều hơn người bình thường.
 
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng, đôi khi để có được thứ gì đó, chúng ta có thể phải từ bỏ nhiều hơn.
 
Theo Phật giáo, lòng ham muốn (bao gồm tham lam, tham ái, tham dục, dục vọng) là phiền não căn bản tồn tại trong tất cả mọi người.
 
Tham ái và vô minh chính là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau. Vì lòng tham vốn vô hạn, dục vọng không có điểm dừng nên Phật giáo dạy người phát huy tỉnh thức để chuyển hóa, giảm thiểu và buông xả bớt ham muốn nhằm thiết lập bình an, lợi mình và ích người.
 
Xả ly toàn bộ ham muốn vị kỷ chính là bậc Thánh A-la-hán, hoàn toàn giải thoát sinh tử, khổ đau.
 
Vì bản chất của con người là tham - ái - dục nên xả bỏ ham muốn hoàn toàn (ly tham, đoạn tham) là ước vọng, là cứu cánh, còn sống trong đời thường giảm thiểu ham muốn đã là quý hóa lắm rồi.
 
Nói cụ thể, mục tiêu của người Phật tử là buông xả bớt ham muốn, không bo bo vị kỷ, sống san sẻ vị tha để mình và người đều lợi ích, an vui. Nên phải xác định ly tham là mục tiêu sau cùng, bớt tham là mục tiêu quan trọng hiện tại.
 
Lòng ham muốn của con người thì vô cùng, phân loại thì có tham ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), đắm lục trần (đối tượng của sáu giác quan: sắc- cảnh đẹp, thanh- tiếng hay, hương- mùi thơm, vị- ngon ngọt, xúc- êm ái, pháp- những đối tượng của tâm ý).
 
Dĩ nhiên khó có thể đạt được những tham muốn này, thường thì được cái này lại mất cái kia, dù sao thỏa mãn các tham muốn vẫn là hạnh phúc của thế thường. Thực tiễn đời sống phải có ngũ dục (không có là nguy), phải có đời sống dễ chịu (lục trần, ngoại cảnh không chướng nghịch) nhưng quá tham đắm lại là điều không tốt, nhiều mong cầu sẽ phiền não khổ đau.
 
Vì vậy, cách tốt nhất để bớt phiền muộn là phải biết đủ.
 
Nếu chúng ta tự biết đủ thì tự khắc sẽ tạm đủ, còn nếu ai chưa biết đủ thì cứ mải miết đi tìm. Đối với nhu cầu và khát vọng của con người thì cuộc sống này dường như chẳng bao giờ có sự bão hòa, đầy đủ. Thiếu, chưa đủ, cần phải tìm kiếm thêm... là đặc điểm cố hữu của con người. Để rồi cứ mãi chạy theo dục vọng tham lam, chẳng khi nào hài lòng. Phiền não chính là sinh ra từ đó chứ đâu!
 
Ở một mức độ nào đó, danh lợi quả thực có thể khiến con người ta hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu cứ mải chạy theo những thứ vật chất phù phiếm sẽ chỉ khiến con người cảm thấy khổ sở mà thôi. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay.
 
Chính vì thế, cổ nhân có câu: “Thấy đủ thường vui!” Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng chắc chắn là bản thân họ sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
 
Lời Phật dạy: 

comment leftBiết đủ thường vui, người không biết đủ, dù ở thiên đường cũng thấy khổ.
Lời Phật dạy
comment right
 
Cuộc đời con người khi giàu sang, lúc nghèo hèn cũng giống như đất có đồi núi trập trùng, hay đồng ruộng bằng phẳng, chẳng bao giờ giống nhau.
 
Chúng ta luôn cảm thấy không thỏa mãn là bởi vì có một sự xung đột giữa một bên là sự ham muốn ích kỷ và bên kia là quy luật vô thường. Chỉ cần chúng ta biết đủ và bằng lòng với hiện tại, chúng ta sẽ có được trạng thái an lạc.
 
Hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vả, khổ sở nhiều. Đó là quy luật.
 
Thực ra, để nâng cao phẩm chất cuộc sống không đơn thuần chỉ đầy đủ về vật chất mà quan trọng hơn là sung mãn, thoải mái về tinh thần. Nội tâm an lạc, thảnh thơi thì dẫu không dư dả nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ. Ngược lại, nhà cao cửa rộng, vật chất đầy đủ mà tâm bị tham ái, giận hờn, si mê dằn vặt, quấy nhiễu thì vẫn khổ đau như thường.
 
Do đó, người khôn ngoan thì không chỉ quần quật kiếm sống, cặm cụi làm giàu mà phải biết dành thời gian tu dưỡng, trau dồi đạo đức, chuyển hóa nội tâm, thăng hoa tuệ giác. Chính tuệ giác, hay nói cách khác là nhận thức đúng đắn về con người và cuộc đời sẽ giúp cho chúng ta buông xả, nhẹ nhàng, sống thảnh thơi và giải thoát.

Phật dạy buông xả phiền não
 

3. Kiểu người luôn đắm chìm trong quá khứ, không dứt ra được

 
Trong cuộc sống này có rất nhiều việc xảy ra không đúng như ý muốn của chúng ta. Lúc đó chúng ta có than vãn, buồn phiền cũng không giải quyết được gì mà còn khiến bản thân thêm mệt mỏi hơn.
 
Bởi thế Phật dạy, chuyện gì đã qua hãy cứ để cho nó qua. Bởi càng lưu luyến thì càng khổ đau hơn mà thôi.
 
Cuộc sống vốn đầy rẫy những ẩn số, nhưng điều duy nhất chúng ta có thể chắc chắn là điều gì đã xảy ra trong quá khứ.
 
Đức Phật dạy:

comment leftQuá khứ đã đi qua – Tương lai thì chưa tới – Chỉ phút giây hiện tại – Là giây phút nhiệm mầu.
Lời Phật dạy
comment right

Quá khứ là những chuyện đã xảy ra mà ta không thể thay đổi được.
 
Sống tiếc nuối quá khứ sẽ làm hiện tại bị buông lơi và giây phút mầu nhiệm của hiện tại không được nhận biết.
 
Tương lai chưa bao giờ tới nên không biết trước chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Sống lo lắng vì tương lai sẽ đánh mất hiện tại, phút giây thực sự mình đang sống.
 
Buông bỏ quá khứ không có nghĩa chối bỏ quá khứ mà học những kinh nghiệm quý báu trong quá khứ nhằm xây dựng hiện tại.
 
Quá khứ có thể vẻ vang hay khổ đau nhưng đó đều là những bài học. Điều gì vẻ vang thì phát huy trong hiện tại. Điều gì khổ đau thì không chìm đắm, tìm cách chuyển hóa trong hiện tại.
 
Định nghiệp, tức những nghiệp ta đã gieo trồng trong quá khứ, là chuyện đã qua, tất cả đều chỉ có thể trở thành hồi ức sẽ không thể thay đổi.
 
Không cần biết nó đẹp đẽ hay đau khổ, chỉ cần buông bỏ và không ham mê đắm chìm trong đó thì mới có thể có một khởi đầu mới.
 
Con người nếu cứ mải miết sống trong những tiếc nuối: luyến tiếc sự ưu việt của bản thân trong quá khứ, luyến tiếc những sự việc không tới nơi tới chốn đã từng làm, luyến tiếc những hư vinh, những tiếng vỗ tay đắc thắng… thì cả đời sẽ dằn vặt không yên.
 
Người ta rất dễ bị quá khứ đeo đuổi, nhất là khi nhìn lại những ngày tươi đẹp từng có. Ta luyến tiếc kỷ niệm dù kỷ niệm chỉ còn như sương khói, luyến tiếc những điều chưa thể làm dù chẳng còn cơ hội. Ta luyến tiếc danh tiếng, những tiếng vỗ tay đắc thắng dù nó chỉ là thứ hư vinh.
 
Người xưa cũng dạy rằng, một người kiên định thì vô cảm, chẳng dễ dàng bị chi phối. Còn người sống quá mẫn cảm thì dễ chịu ảnh hưởng từ ngoại cảnh, không có chính kiến của riêng minh. Có rất nhiều người chỉ vì đau đáu chuyện cũ mà không được sống yên ổn, tâm can lúc nào lo lắng. Sinh lực trong mỗi chúng ta đều có hạn, so với việc vương vấn hối hận thì hãy cứ tập trung sống tốt ở hiện tại.
 
Người càng thành công thì càng giỏi nhẫn nhịn những chuyện nhỏ. Chuyện gì nhịn được sẽ nhìn, nhường được cứ nhường, không phải họ bất tài vô cùng mà chỉ là họ biết cuộc sống này nên dành cho những điều tốt đẹp mà thôi.
 
Đối với những kỷ niệm trong chuyện tình cảm, buông bỏ quá khứ theo lời Phật dạy không có nghĩa là từ bỏ mà là để tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta phải biết chấp nhận và quên đi vài người vì họ không thuộc về thế giới tương lai của chúng ta.
 
Theo lời Phật dạy, vui vẻ không phải là một loại tính cách mà là năng lực trí tuệ, muốn giải quyết mọi buồn phiền thì phải quên đi buồn phiền. Không loạn trong tâm, không kẹt trong tình, không sợ tương lai, không nghĩ quá khứ.
 
Mỗi người bạn gặp trong cuộc đời này đều là sự an bài của nhân duyên, người gây cho bạn biết bao đau khổ có thể là người từ kiếp trước tới báo oán, trả hết nợ tự khắc sẽ rời đi, nếu trong lòng cứ giữ mãi oán hận thì biết bao nhiêu vòng luân hồi mới kết thúc.
 
Chỉ có tha thứ mới mở ra lối đi cho chính mình, gieo thiện căn gặt thiện lành, nhẹ nhàng buông bỏ tương lai ắt sẽ gặp lành. Rồi mối nhân duyên tốt trong đời sẽ tới thôi, cớ gì ta lại tự làm khổ thân tâm mình như vậy.
 
Khắc cốt ghi tâm lời Phật dạy, phải quên đi quá khứ, tin vào hiện tại, sống cho hiện tại một cách trọn vẹn thì dù hạnh phúc có nhỏ bé, đơn sơ cũng thật nhiều ý nghĩa.

Phật dạy buông bỏ quá khứ
 

4. Kiểu người ngu dốt mù quáng, không tin nhân quả

 
Đau khổ lớn nhất trong cuộc đời là vì sự ngu dốt và thiếu hiểu biết, chúng ta tốn quá nhiều sức lực để leo lên những đỉnh cao mà ta tự đặt ra, sẵn sàng tìm mọi cách để đạt được mục đích, thậm chí dùng cả thủ đoạn và coi khinh nhân quả.
 
Phật dạy rằng, người ngu si, vì thiếu hiểu biết, nên đã biến “tự ngã”, biến sự ngu dốt của mình thành ra kẻ thù gây đau khổ cho chính mình.
 
Nhân quả rất đa dạng và phức tạp, sự diễn biến từ nhân đến quả còn tùy thuộc vào các duyên, nhân quả có thể báo ứng liền tức khắc như chúng ta đang đói, chỉ cần ăn vào một thứ gì đó thì được no và kết quả của nó cũng có thể xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Nhân quả ở đời vốn rất chính xác và rõ ràng, gieo nhân nào thì gặt quả ấy.
 
Do nhận thức đúng về nhân quả nên người con Phật luôn thận trọng trong mỗi việc làm, lời nói và suy nghĩ của chính mình. Chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát trong hiện tại, ta sẽ dễ dàng nhận ra quả báo trước mắt của những việc làm tốt hay xấu.
 
Theo luật nhân quả, thành công hay thất bại đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Nếu chúng ta muốn có được nhiều kết quả tốt đẹp thì phải biết gieo nhân thiện ích giúp người cứu vật.
 
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo tốt đẹp, còn làm các điều xấu xa tội lỗi bị quả báo khổ đau. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo tương xứng khác nhau.

Phật dạy kiểu người tự chuốc phiền não
 
Lời Phật dạy về luật nhân quả rằng, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Nhưng những kẻ ngu dốt mù quáng, coi khinh nhân quả lại tham lam giành giật "quả tốt" dù trước đó đã gieo nhân bất thiện.
 
Vì lòng tham mà chúng ta có thể tìm đủ mọi cách để lường gạt người khác, là nhân dẫn đến tù tội và nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau.
 
Sống ở đời, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù khôn hay dại, dù tốt hay xấu, ai ai cũng muốn được sống sung sướng hạnh phúc. Quả thì ai cũng muốn được tốt đẹp nhưng mà nhân thì chúng ta không chịu gieo. Hoặc đã gieo nhân ác mà cứ muốn quả lành trái ngọt, thật là vô lý.
 
Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc mãi mà không thấy, chỉ thấy toàn phiền muộn khổ đau. Khổ quá chúng ta bèn tìm đến các chùa, tìm người cầu chỉ dạy. Ðạo Phật dạy gì cho chúng ta? Trước tiên dạy luật nhân quả, để chúng ta biết làm lành hưởng phước tốt đẹp và tránh xa nhân xấu ác làm tổn hại người khác, vì gieo nhân nào thì gặt quả nấy.
 
Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Nếu chúng ta không tin nhân quả, ta sẽ sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ biết tham lam ích kỷ để làm tổn thương người khác.
 
Đức Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều đau khổ, mục đích không phải là để con người cam chịu số phận, mà phải biết rằng đau khổ là do "quả" gây ra, loại bỏ nguyên nhân của đau khổ, buông bỏ những dục niệm tham lam gây ra phiền não của thế gian, ắt sẽ đạt được hạnh phúc.
 
Bốn nguyên nhân trên khiến 4 kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy không thể có một cuộc sống an yên. Hy vọng mọi người có thể hiểu và tin về nhân quả, để tâm ghi nhớ để tự răn mình và tự hoàn thiện bản thân.

Tin cùng chuyên mục

X