Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tiết khí Hàn Lộ đánh dấu thu chuyển sang đông tác động ra sao đến cuộc sống con người?

Thứ Năm, 06/10/2016 10:43 (GMT+07)
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Theo tử vi khoa học, tiết khí Hàn Lộ nằm thứ 17 trong 24 tiết khí hàng năm, bắt đầu từ ngày 8 hoặc 9 tháng 10 đến ngày 23 hoặc 24 tháng 11. Bắt đầu từ đây, không khí trở nên lạnh lẽo, nhiệt độ thấp, chuyển sang mùa đông.


1. Tiết khí Hàn Lộ là gì?

 
Hàn Lộ là tiết khí thứ 17 trong 24 tiết khí trong năm, nằm sau tiết Thu Phân. Vào ngày bắt đầu Hàn Lộ, Mặt Trời nằm ở kinh tuyến 195 độ.
 
Đây cũng là một trong 7 tiết khí biểu thị cho sự liên quan đến mưa, nước gồm Vũ Thủy, Cốc Vũ, Bạch Lộ, Hàn Lộ, Sương Giáng, Tiểu Tuyết, Đại Tuyết.
 
Theo chiết tự, “Hàn” giá lạnh, tê buốt; “Lộ” nghĩa là những lớp sương phủ, giọt móc đọng lại trên cành cây, kẽ đá. Như vậy Hàn Lộ có nghĩa là sương mù lạnh lẽo, buốt giá.
 
Trong thời gian diễn ra tiết khí này, bán cầu Bắc nhận được lượng nhiệt rất ít vì vậy khí hậu bắt đầu chuyển lạnh, sương đọng nhiều, kết trắng trên mặt đất, hàn khí thịnh vượng.
 
Nếu như Bạch Lộ là tiết khí chuyển từ nóng bức sang mát mẻ, khí nóng chưa hoàn toàn tiêu tán thì Hàn Lộ lại là tiết khí chuyển từ mát sang lạnh. Dân gian có câu "Hàn Lộ Hàn Lộ, khắp nơi lạnh lộ" chính là vì như vậy.
 
Tiết khí Hàn Lộ
 


2. Tiết Hàn Lộ diễn ra vào lúc nào?

 
Theo lịch tiết khí, tiết Hàn Lộ được tính bắt đầu từ ngày 8-9/10 (sau tiết Thu Phân) và kết thúc vào ngày 23-24/10 dương lịch hàng năm (trước khi tiết Sương Giáng bắt đầu). 
 
Lúc này, Mặt Trời sẽ di chuyển nhiều về phía Nam trong khoảng thời gian chuyển về tiết khí Thu Phân sang Hàn Lộ. 
 

3. Đặc điểm của tiết Hàn Lộ

 

- Đặc điểm thời tiết, khí hậu:

 
Trong thời gian diễn ra tiết khí Hàn Lộ, Mặt Trời rời xích đạo, đi từ vĩ tuyến 5°57′ Nam đến vĩ tuyến 11°32′ Nam, lúc này ở Bắc bán cầu, biên độ Mặt Trời từ lớn biến thành nhỏ, mặt đất tiếp thu nhiệt lượng ít hơn hẳn so với mùa hè, nhiệt độ giảm xuống, khí hậu dùng từ lạnh giá để miêu tả.
 
Hàn Lộ là một trong những tiết khí tiêu biểu phản ánh quá trình nhiệt độ hạ thấp, ngoài ra còn có tiết Bạch Lộ và Sương Giáng. Tiết khí này diễn ra biểu thị tiết trời đã vào cuối mùa Thu, có thể nhận thấy rõ âm thịnh dương suy, hàn nổi lên nhiệt thoái lui, ban ngày ánh nắng Mặt trời nhu hòa.
 
Tiết Hàn Lộ, Mặt Trời càng ngày càng dịch chuyển về phía Nam. Tuy xa Mặt Trời, lượng nhiệt độ, ánh sáng không còn nhiều nhưng do trong suốt thời kỳ mùa xuân, mùa hạ nửa cầu Bắc tích lũy một lượng nhiệt độ, hơi ẩm khá cao nên vì thế nhiệt độ chưa lạnh đột ngột mà có sự giảm xuống từ từ, vì lượng nhiệt độ tích lũy của nửa cầu Bắc sẽ tỏa dần để cân bằng nhiệt độ với môi trường, khí quyển.
 
Khối không khí lục địa từ cao áp Siberi hoạt động ngày một mạnh mẽ và dần dần chiếm ưu thế ở nửa cầu Bắc, khối không khí đại dương suy yếu dần rồi nhường toàn bộ vị trí nửa cầu Bắc cho khối không khí lục địa.
 
Khi những đợt gió của khối không khí này hoạt động, thổi qua nhiều khu vực và vùng lãnh thổ, tính chất khô, lạnh của nó khiến mặt đất tỏa nhiệt độ vì tính chất khô hanh khiến quá trình bốc hơi nước ở mặt đất tăng lên.
 
Chính vì lẽ đó nên xuất hiện nhiều những hạt móc, lớp sương mù lạnh lẽo. Đó chính là những giọt nước tinh khiết được bốc lên từ mặt đất, bề mặt của các loài thực vật, ao hồ, sông suối...
 
Bước vào tiết Hàn Lộ, mùa mưa kết thúc, khí trời thường là ngày ấm đêm lạnh, bầu trời trong trẻo, cảnh tượng cuối thu hết sức đẹp đẽ và lãng mạn. Bởi khí trời dần lạnh, cây cối hoa cỏ sắp héo tàn, người xưa gọi đây là thời điểm “từ thanh”, tức là giã biệt cây cỏ. 
 

- Hoạt động sinh giới:

 
Trong tiết Hàn Lộ, nhiều loài thực vật đã trụi lá, chúng hạn chế tối đa hoạt động, hiện tượng quang hợp suy yếu, hầu như không còn, chúng chỉ sử dụng nguồn chất dinh dưỡng, nước, muối khoáng tiềm ẩn trong thân để duy trì sự sống cho đến mùa xuân.
 
Các bào tử, hạt cây sau khi được phát tán ra khu vực lân cận này đã yên vị, chúng lặng lẽ đợi chờ sau tiết Vũ Thủy mùa xuân năm tới sẽ nảy mầm và phát triển thành cây non.
 
Các loài động vật xuất hiện ở nửa cầu Bắc hết sức nghèo nàn. Nhiều loài đã đi trú đông về phương Nam tránh rét. Những loài không di cư thường tìm cho mình những nơi trú ẩn rất an toàn, đó là các hang sâu, hốc đá...
 
Nhiều loài do tích lũy mỡ nên chúng có thể không ăn uống trong suốt mùa đông, tính từ thời điểm tiết Hàn Lộ trở đi. Một số loài khác như chuột, sóc... chúng dự trữ sẵn nguồn thức ăn, nên chúng sử dụng dần dần, tiết kiệm hết mức có thể.
 
Ngành chăn nuôi cần phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng dịch, tiêm vắc xin, khử khuẩn, tiêu độc cho hệ thống chuồng trại của mình, nếu không gia súc, gia cầm bị bệnh và chết hàng loạt rất cao.
 
TIết khí Hàn Lộ thu chuyển sang đông
 
 

4. Ý nghĩa tiết khí Hàn Lộ theo ngũ hành, phong thủy

 
Thời điểm bắt đầu tiết Hàn Lộ thì theo âm lịch là bước sang tháng 9 âm. Tháng 9 âm lịch thuộc hành Thổ, địa chi Tuất.
 
Theo Kinh Dịch, tháng 9 âm lịch thuộc quẻ Bác. Quẻ Bác có đặc điểm đó là một hào dương trên cùng, dưới có năm hào âm tượng của dương khí tiêu mòn, nhiệt độ lạnh lẽo, ánh sáng yếu ớt, các loài sinh vật trốn tránh đi nơi khác hoạt động hoặc ẩn náu hết, âm khí cực thịnh nên vạn vật tiêu điều, sự sống ngưng trệ, yếu ớt.
 
Quẻ Bác còn có đặc điểm là quái Cấn (Núi – sơn) ở trên, quái Khôn (Địa – đất) ở dưới. Trên núi dưới đất, trong thực tế hệ thống núi đồi luôn bị tác động của ngoại lực mưa gió, phong hóa, xâm thực, xói mòn, rửa trôi, xâm hại.
 
Nên quẻ Bác có nghĩa là bóc mòn, xâm hại. Trong tượng quẻ khí dương tiêu biến, khí âm cực thịnh, cuộc chiến đấu giữa hai thế lực thiếu sự cân bằng. Thực tế cuộc sống của các loài sinh vật và cuộc sống con người cũng vậy.
 
Đồng thời, tháng Tuất thuộc hành Thổ, bởi vậy là Hàn Lộ chính là kho Hỏa, những người sinh vào thời điểm này thì có tư chất ôn hòa và điềm tĩnh, khoan dung, nhiệt tình, có tính cẩn thận rất cao. Cách hành xử khiêm nhường, từ tốn, chân thành, tác phong chắc chắn.
 
Họ có quan điểm, lập trường cứng rắn. Tất nhiên là cũng chính bởi vậy họ cũng là người thường hay bảo thủ với ý kiến của mình. Đôi khi đó là sự chắc chắn, đôi khi đó có thể lại là cố chấp ý kiến cá nhân, rất dễ dẫn đến sai lầm.
 
Xét về nguyên lý ngũ hành Hỏa sinh Thổ thì những người có mệnh Thổmệnh Hỏa sau khi bước vào tiết khí này thường gặp may mắn, cát lợi, năng lượng dồi dào. Sức khỏe của họ ổn định, tâm lý vững vàng, từng bước đạt được những thành công trong sự nghiệp và tài vận hanh thông, mọi mặt đều trở nên thuận lợi hơn.
 
Ngược lại, những người nào tương khắc với mệnh lý Hỏa, Thổ thì lại kém may hơn. Đặc biệt đối với mệnh Thủy thì rất có thể gặp phải nhiều điều xui xẻo, sức khỏe có chiều hướng giảm sút, cảm thấy mệt mỏi, tâm lý bảo thủ, chủ quan, tài vận và công danh trì trệ, đình đốn.
 
Vậy cho nên hãy hạn chế những quyết định lớn, cố gắng duy trì ổn định mọi thứ để chờ đợi cho tới tận tiết Lập Xuân. Lúc đó những điều may mắn sẽ đến với bạn.
 

5. Ảnh hưởng của tiết Hàn Lộ đối với sức khỏe con người

 

Tiết Hàn Lộ ảnh hưởng tới sức khỏe con người
 
- Đề phòng bệnh hô hấp:

 
Trong tiết Hàn Lộ, do đặc điểm ánh sáng yếu, nhiệt độ thấp, sương lạnh giá tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn gây bệnh hô hấp phát triển, vì thế cần giữ gìn sức khỏe, mặc ấm, không phơi quần áo về đêm ngoài trời.
 

- Tăng cường thực phẩm tính ôn:

 
Nên hạn chế các sản phẩm có tính lạnh như nước đá, kem... Tăng cường các thực phẩm tính ôn như mật ong, các loại gia vị có tính cay nóng, luyện tập thể thao đều đặn đẩy mạnh quá trình tiết mồ hôi, giải độc cơ thể...
 

- Hạn chế ra ngoài ban đêm:

 
Khi Hàn Lộ tới thì ánh sáng sẽ không còn nhiều, nhiệt độ lại thấp và có rất nhiều sương lạnh. Điều này khiến cho sức khỏe cơ thể của con người bị giảm sút.
 
Vì vậy mà nếu như không cần thiết thì đừng nên ra ngoài khi đêm xuống hoặc trời có nhiều sương. Ngoài ra thì hãy chú ý tới việc giữ ấm tốt hơn cho cơ thể.
 

6. Thực phẩm tốt cho sức khỏe trong tiết khí Hàn Lộ

 
Khai vận phong thủy trong tiết Hàn Lộ bằng cách dưỡng sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe là điều nên làm. Khi tình trạng sức khỏe tốt, vận khí của mỗi người đều có xu hướng tăng và tốt đẹp hơn.
 
Chính vì thế, trong tiết Hàn Lộ cần đặc biệt chú trọng tới vấn đề dưỡng sinh cơ thể, nhất là dưỡng sinh bằng thực phẩm. Bởi chế độ dinh dưỡng quyết định tới 70-80% sức khỏe của mỗi người.
 

- Thực phẩm tư âm nhuận phổi:

 
Tiết trời Thu trong tiết Hàn Lộ có ngũ hành Kim vượng. Trong Đông y, phổi thuộc hành Kim, phổi khí và Kim khí tương ứng, vì thế đây là bộ phận cần được chú trọng bảo vệ và dưỡng sinh trong cơ thể.
 
Do đó, trong tiết khí này, nên chọn những thực phẩm tư âm nhuận phổi như lê, táo, chuối, thịt bò, cá, tôm…, hạn chế thực phẩm cay nóng như ớt, gừng, tỏi, đồng thời nên uống nhiều nước để cơ thể không bị thiếu hụt, da dẻ không bị bong tróc.
 

- Nên uống thêm rượu hoa cúc:


Rượu hoa cúc
 
Tiết Hàn Lộ rơi vào thời điểm tết Trùng Dương hay tết Trùng Cửu 9/9 âm lịch, cũng là mùa hoa cúc nở rộ. Trong tết này người ta sử dụng một số loại thực phẩm tính ấm, uống rượu hoa cúc (còn gọi là rượu trường thọ), vui chơi thưởng ngoạn để tiêu trừ độc khí, thanh lọc cơ thể, mát gan, giải độc.
 
Đồng thời, đây cũng là tập tục truyền thống trong Tết Trùng Cửu. 
 
Sở dĩ người xưa hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn và tránh sự xâm nhiễm khí lạnh bằng rượu bởi rượu là đồ uống có tính Hỏa, ngâm cùng hoa cúc có tác dụng lợi thận, bình ổn gan mật, mắt sáng, tinh thần vui vẻ, kiện não, tăng cường trí nhớ...
 

7. Tập tục dân gian trong tiết Hàn Lộ

 
Giống như những tiết khí khác, để nghênh đón Hàn Lộ đến, dân gian cũng tạo thành nhiều tập tục, như ăn bánh hoa, lên núi cao, ăn hạt vừng, ngắm lá phong…
 

- Ngắm lá phong:

 
Ngắm lá phong trong tiết Hàn Lộ
 
Vào thời điểm này, rất nhiều địa phương đều có tập tục ngắm lá phong. Thi nhân đời Đường Đỗ Mục nói về tập tục này trong bài “Sơn hành” như sau:
 
“Đình xa tọa ái phong lâm vãn,
 Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa.”
 
Dịch thơ:
 
“Dừng xe, chiều ngắm rừng phong thẳm,
 Lá đỏ hơn hoa giữa tháng hai.”
 
Đến Hương Sơn ngắm lá đỏ vào tiết Hàn Lộ từ lâu đã trở thành thói quen của người dân Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi sang tiết Hàn Lộ, nhiệt độ liên tục hạ xuống thúc lá phong đỏ lên, rừng Hương Sơn nhuộm một màu đỏ, lá đỏ khắp núi như ráng chiều rực rỡ, như thơ như họa.
 

- Lên núi cao:

 
Xét thuộc tính ngũ hành thì mùa Thu thuộc hành Kim. Trời thu vạn vật xơ xác, dương khí trong cơ thể xuất ra nhiều hơn thu vào, lỗ chân lông dần dần khép kín, ảnh hưởng đến chức năng của phế, người dễ dàng âu sầu.
 
Tục ngữ nói: “Lên cao giải nỗi sầu mùa Thu”, ý nói mọi người có thể nhờ vào việc lên núi cao để dứt bỏ phiền não, thông qua việc tiếp xúc với thiên nhiên để giảm bớt áp lực, thả lỏng cơ thể.
 
Cho nên vào cuối Thu không khí trong lành sảng khái, trời cao mây nhạt, lên cao trông về phía xa mà hô to vài tiếng sẽ trút được trọc khí trong ngực, rất có lợi cho việc ức chế cảm xúc âu sầu.
 

- Ngắm hoa cúc:

 
Mỗi mùa có loài hoa đặc trưng khác nhau, tháng 9 âm lịch đến tiết Hàn Lộ được gọi là tháng hoa cúc, là mùa hoa cúc đua nở.
 
Khác với đại đa số loài hoa nở vào mùa Xuân, Hạ, hoa cúc là hoa trái mùa, sương càng lạnh càng dày thì hoa cúc càng nở ra xinh đẹp hơn.
 
Vào tiết Hàn Lộ, khắp nơi đều có thể thấy được bóng dáng hoa cúc. Vì thời điểm này gần Tết Trùng dương nên một số nơi có tập tục uống trà hoa cúc, do đó Tết Trùng dương còn được gọi là ngày Tiết hoa cúc.
 
Sách cổ ghi lại: “Ngày 9 tháng 9, hái hoa cúc và phục linh, nhựa thông, cửu phục, giúp người không già“. Lên cao núi, ngắm hoa cúc cũng trở thành thú vui tao nhã trong tiết này.
 
Vào tiết Hàn Lộ, người xưa còn lấy nước giếng để ngâm làm thuốc viên hoặc rượu thuốc tẩm bổ ngũ tạng.
 

- Ăn hạt vừng:

 
Ăn vừng đen tiết Hàn Lộ
 
Hàn Lộ đến, thời tiết mát mẻ chuyển sang rét lạnh. Lúc này mọi người nên dưỡng âm phòng táo, nhuận phổi ích vị, do đó ẩm thực điều dưỡng cuối Thu nên tư âm nhuận táo (phế). Thế là dân gian có tập tục “Hàn Lộ ăn hạt vừng”.
 
Hai cuốn “Thần Nông bản thảo kinh” và “Bản thảo cương mục” đều có đánh giá rất cao về hạt vừng: có tác dụng bổ ngũ tạng, ích khí lực, mạnh gân cốt, làm đầy não tủy…
 
Còn theo Đông y, hạt vừng có vị ngọt, tính hàn không độc, chất trơn; vào các kinh can, thận, phế và tỳ, có công hiệu giải độc, tiêu nhiệt kết bên trong, sát trùng… Hạt vừng là thực liệu có ứng dụng rất rộng, nhiều người có thể ăn được.
 
Hạt vừng có hai loại, vừng đen và vừng trắng. Vừng đen bổ dưỡng và có nhiều dược tính hơn vừng trắng.
 
Trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đã viết: Ăn vừng đen 100 ngày thì khỏi hết các bệnh kinh niên, ăn 1 năm thì da thịt tươi nhuận và bụng không thấy đói, ăn 2 năm thì tóc đang bạc sẽ đen lại như trước, ăn 3 năm thì răng đã rụng lại mọc thêm răng mới.
 
Do đó, ăn hạt vừng trong tiết khí Hàn Lộ rất tốt cho sức khỏe.
 

8. Phương pháp dưỡng sinh trong tiết khí Hàn Lộ

 
Dưỡng sinh tiết Hàn Lộ
 
Trong mùa Thu khô cằn, đặc biệt là vào tiết Hàn Lộ, mọi người có thể nhận thấy rõ âm thịnh dương suy, hàn khí gia tăng nhiệt khí giảm xuống. Do đó điểm trọng yếu trong phương pháp dưỡng sinh mùa này là dưỡng âm phòng táo, nhuận phổi ích vị.
 

- Chú ý cân bằng âm dương:

 
Hàn Lộ là thời điểm bắt đầu mùa đông, âm dương chuyển biến, dương khí dần lui nhường chỗ cho âm khí, hoạt động sinh lý của thân thể cũng cần thích ứng với sự biến hóa tự nhiên này.
 
Dưỡng sinh trong tiết Hàn Lộ lấy cân bằng âm dương làm chủ, đúng theo nguyên tắc “xuân hạ nuôi dương, thu đông dưỡng âm”. 
 
Vì thế, bước vào Hàn Lộ, hãy thu dương khí trong thân thể lại, nuôi dưỡng âm tinh, bảo vệ và thông phổi. Tăng cường ăn vừng, gạo nếp, gạo tẻ, mật ong, sữa, cá, tôm, thịt vịt, thịt bò… Hạn chế đồ ăn cay nóng như tiêu, gừng, hành, tỏi…
 
Bởi vì khi Hàn Lộ đến, khí hậu từ nóng chuyển sang lạnh, vạn vật dần dần điêu tàn. Trong giới tự nhiên, khí âm dương bắt đầu thay đổi, dương khí từ từ giảm đi, âm khí dần dần tăng lên, sinh lý hoạt động của cơ thể con người cũng phải thích ứng với biến hóa của thiên nhiên, để bảo đảm âm dương trong cơ thể hòa hợp.
 

- Chú ý dưỡng âm phòng táo:

 
Đến tiết Hàn Lộ, mưa ít dần, thời tiết khô cằn, mà táo tà dễ phạm phế, thương vị nhất. Khoảng thời gian này, mồ hôi bốc hơi khá nhanh, cho nên thường xuất hiện triệu chứng khô miệng khô họng, ho khan ít đờm, thậm chí sẽ bị rụng lông tóc, táo bón.
 
Mùa Thu thuộc hành Kim, mà phế cũng thuộc hành Kim, do đó phế tương ứng với Thu, cho nên trọng điểm dưỡng sinh là dưỡng âm phòng táo, nhuận phổi ích vị.
 

- Ẩm thực lấy “chua, ngọt, trơn” làm chủ:

 
Trong Hàn Lộ, ẩm thực lấy “chua, ngọt, trơn” làm chủ, ít ăn món cay, ấm, giải nhiệt.
 
Đông y cho rằng, vị chua và ngọt trong ngũ vị có thể hóa âm sinh tân. Mùa thu khí hậu khô căn thích hợp thường xuyên ăn thực phẩm chua, ngọt, trơn, như lê, mật ong, mía, sữa bò, nấm tuyết, hoa bách hợp, hạt sen, hạt óc chó, đậu phộng, vừng đen… để dưỡng âm, sinh tân, nhuận táo, giảm bớt triệu chứng kiền táo cơ thể.
 
Đồng thời tăng cường ăn gà, vịt, thịt bò, gan heo, cá, tôm, khoai từ… để nâng cao thể chất.
 
Không ăn hoặc ăn ít thực phẩm cay nóng, như ớt, gừng, hành tây, tỏi. Vì món ăn cay nóng dễ tổn thương tinh hoa phần âm trong cơ thể người, mà lại dễ phát hỏa.
 

- Bổ sung nước cho cơ thể:

 
Ban ngày uống một ít nước muối, buổi tối uống một ít nước mật ong. Đây là phương pháp bổ sung nước tốt nhất cho cơ thể, đồng thời là cách dưỡng sinh mùa Thu, chống lại thức ăn gây già yếu, lại có thể phòng ngừa Thu táo dẫn đến táo bón, có tác dụng nhuận phế, dưỡng phế.
 

- Điều dưỡng tinh thần:

 
Đến tiết Hàn Lộ, gió bắt đầu thổi rụng lá, cảnh tượng đìu hiu cuối Thu dễ khiến con người sinh ra cảm giác thê lương mà tổn thương tình cảm, ý chí.
 
Trung y cho rằng tình cảm con người có thể ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, mà sầu tương quan với phế.
 
Vì vậy, cảm xúc u sầu, chán chường vào tiết Thu dễ dàng ảnh hưởng đến chức năng của phế. Hơn nữa cỏ khô lá rụng, cây cối điêu tàn dễ dàng khiến người ta, đặc biệt là người già xúc cảnh sinh tình, khơi lên nỗi lòng thê lương, u buồn và sầu bi thương cảm.
 
Tình cảm và ý chí một khi bị ảnh hưởng sẽ dễ xuất hiện cảm xúc bất thường như tinh thần sa sút, ủ rủ, tham ăn, không phấn chấn… tiếp theo ảnh hưởng cuộc sống bình thường và công việc.
 
Lúc này, nên thường xuyên đi đến những nơi tràn đầy ánh nắng Mặt Trời, phơi nắng hưởng thụ sự ấm áp, hoặc mời bạn tốt cùng đi leo núi, ngồi trên ghế đá hay bãi cỏ nói chuyện phiếm với bạn bè, hay thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng, những việc này đều có thể từ từ hâm nóng tình cảm và nâng cao ý chí, thả lỏng thể xác và tinh thần, trợ giúp bồi dưỡng tâm tính lạc quan rộng lượng.
 
Đi bộ, leo núi… là những hoạt động ngoài trời nên tiến hành trong tiết khí Hàn Lộ. Bởi nó không những giúp nâng cao sức khỏe, cụ thể là tuần hoàn máu tốt, nâng cao sức đề kháng, mà còn dưỡng tâm dưỡng tính, tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao vận khí, cải thiện vận trình theo hướng tích cực và tốt đẹp hơn.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X