Ta chỉ cần bình yên, an trú ở hiện tại
Một trong những điều cần giữ nhất nơi trái tim mình đó là sự bình yên.
Khi bình yên ta thấy thời gian như chậm lại, đủ để ta cảm nhận hết sự màu nhiệm của thế giới quanh mình. Ta chỉ muốn được an trú, ở yên trong giây phút này và ở dây, mà không cần phải thêm bất cứ điều gì nữa mới an lòng.
Nâng chén trà trên tay, ta biết đây là tặng phẩm của đất trời, và trách nhiệm của người đón nhận chỉ đơn giản là thưởng thức nó, không để cho ý niệm lộn xộn nào chen vào phá hỏng cơ duyên đặc biệt này. Tách trà làm bằng gì cũng được, kiểu nào cũng được, miễn là đựng được trà và giữ nguyên vị trà để thưởng thức, phải không?
Tiếc cho ta bấy lâu nay cứ mải lo sắm sửa đủ kiểu tách trà với hy vọng sẽ làm cho trà ngon hơn, trong khi khả năng thưởng thức trà thì đã đông cạn, xáo mòn. Tách trà chất đống để làm gì mà không uống nổi một tách chứ?
Khi bình yên, ta thấy không gian như lớn rộng ra đủ để ta có thể đi tới bất cứ nơi nào ta muốn mà không bị chướng ngại, không có đối thủ để phải lẩn tránh, không có kẻ đáng phải trừng phạt hay loại trừ, ai cũng đáng thương và cần được thương yêu, ai cũng là nạn nhân của xã hội quay cuồng và sự mê muội trong chính họ, ai cũng cần được khai sáng và có một con đường đẹp để bước đi.
Trải nghiệm từng bước chân chậm rãi trên con đường yên ả, ta thấy lòng mình vui lạ. Có gì đó ấm áp và an toàn như được về nhà. Không cần phải đối phó hay trình diễn nữa, không phải lo lắng chuyện gì sắp xảy ra nữa. Cứ có mặt ở đây, đôi chân tỉnh thức này sẽ đưa ta ra khỏi không gian nhỏ hẹp của những đòi hỏi, muộn phiền. Cứ đi, đi để mà đi chứ không cần tới. Chỉ cần được đi, được buông xuống, được nhẹ nhõm cõi lòng. Chỉ cần thế thôi mà ta đã lận đận mấy chục năm trời tìm kiếm.
Hãy bước đi, vì ngày mai biết có còn giở chân lên được nữa không. Đừng để mấy mươi năm còn lại chỉ là khoảng thời gian u ám của ăn năn.
Khi bình yên, ta thấy cái tôi như bé lại đủ để ta đối mặt và thừa nhận những yếu kém và tổn thất bên trong, đủ để ta thứ tha cho những lỡ lầm vụng dại của chính mình, đủ để ta nhận ra mình không thể sống khi sớm mai thức giấc không còn ai thân quen trên cuộc đời này, đủ để ta kịp tạ ơn những người đã đi qua cuộc đời mình và cho mình biết bao điều khôn lớn, dẫu có khi là ngọt bùi có khi là đắng cay.
Khi thở vào thở ra trong ý thức, ta biết đây không phải là hơi thở của ta, chỉ là không khí, chỉ là sự vay mượn. Đất trời lúc nào cũng tử tế, đón nhận ta, nuôi dưỡng ta, còn ta thì chưa làm gì ra hồn ra vía để đền đáp lại. Thôi thì hãy cứ thở, hãy cứ sống sâu sắc và trọn vẹn trong giây phút này trước đi đã, tự tạo bình yên được rồi thì không còn lo sợ lạc mất những ý nguyện thơm tho giữa dòng đời.
Ta đã phá vỡ phút giây yên bình của người khác
Trong các khóa thiền Vipasssana, thiền sinh buộc phải im lặng tuyệt đối để tách ly bớt ngoại cảnh, mạnh dạn quay vào bên trong. Quy luật này được tuân thủ rất nghiêm ngặt, nếu ai lỡ buông ra một hai câu vô tình rồi dừng lại thì thôi, nhưng nếu chủ ý bắt chuyện thì sẽ bị mời ra khỏi khóa thiền ngay lập tức.
Làm như vậy là dể bảo vệ cho sự thực tập chung của tập thể. Bởi vì chỉ một câu buông ra là đã khiến bên kia động tâm rồi, huống khi có những câu nói có tính chất khơi gợi quá khứ, tương lai, hay phiền não cho kẻ khác.
Đối với một người thực tập vững vàng thì không vấn đề, nhưng với một người đang trầy trật tập tành an trú, đang mất cân bằng khá nặng, thì có được giây phút bình yên là điều hết sức quý giá, có thể phải mất cả giờ đồng hồ hành thiền mới tìm lại được.
Giây phút bình yên là điều hết sức quý giá, vậy thử hỏi, trước giờ ta có ý thức tránh gây ra động niệm hay sự phá vỡ sự bình yên của những người khác không, nhất là những người sống và là việc bên cạnh ta?
Họ chưa có cơ thể an trú trong khi khóa thiền đang diễn ra, còn khi trở về với đời sống vốn có quá nhiều áp lực và phiền toái thì họ vẫn loay hoay mãi với cái tâm còn nhiều vọng động của mình. Nhìn như không có chuyện gì xảy ra nhưng sự thật là họ đang vật vã với phiền não. Nhất là những lúc đang ở trong tâm bão hay vừa sau một cơn bão, họ rất cần sự nâng đỡ. Họ cần một cánh tay đưa tới để chia sớt những mất mát tổn thương, hoặc chỉ cần sự có mặt với năng lượng bình yên thôi cũng đủ.
“Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài/ Sau cơn bão qua im lặng mặt người/ Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay.” (Tôi đang lắng nghe – Trịnh Công Sơn).
Nhưng nhiều lúc không tỉnh thức, không những ta không nghe được tiếng kêu than của những người thân yêu để kịp thời giúp đỡ, mà ta còn góp phần làm cho mặt hồ của họ dậy sóng vì những cú ném bất chợt và đầy tính sát thương của ta.
Họ rất thương ta nhưng cũng rất ngán ta. Họ ngán những cái nhìn nảy lửa, ngán những câu hỏi bâng quơ đầy ẩn ý, ngán những câu trả lời “móc họng”, ngán kiểu cười châm chọc cho thỏa thích, ngán kiểu “thương mới nói” sắc mùi chỉ trích, ngán những lời buộc tội vô căn cứ, ngán những cơn giận như điên vì những chuyện không đâu, ngán luôn lúc “vì quá yêu nên mới hờn ghen”, ngán kiểu quan tâm bất thường như mưa nắng…
Thử đặt camera quay trọn bộ cách ta đối xử với người thân của mình, sẽ thấy ân tình cũng nhiều mà “tội lỗi” cũng không ít. Đành rằng có những lúc ta phải quăng xuống mặt hồ vài cục đá cho bên kia tỉnh ngộ, nhưng ta phải ý thức rất rõ tình trạng đối phương và phải kiểm soát thật tốt cảm xúc của mình. Vì có khi chính những cú ném lỡ tay của ta sẽ để lại trong lòng họ những vết thương sâu nặng, góp phần đẩy họ vào hố thẳm của khủng hoảng, trầm cảm, tâm thần.
Đã từng có rất nhiều người người bị tổn thương tâm lý nặng nề, rơi vào u uất trầm cảm thậm chí kết liễu đời mình vì không chịu nổi làn sóng lên án, buộc tội quá sức độc địa của cư dân mạng.
Vào Youtube mà xem “văn hóa ném đá” của người trẻ bây giờ, y như thời ăn lông ở lỗ. Chắc chắn họ cũng có những bế tắc, bất mãn, uất ức, khổ đau mà không biết cách tháo gỡ hay không được ai giúp đỡ, Vì một người có bình yên và hạnh phúc thì không không bao giờ gây tổn thương chứ nói gì bức hại trí não người khác.
Uy lực đích thực
Có những lúc ra phải lên giọng thép thì bên kia mới chịu dừng lại những hành động thiếu hiểu biết, không dễ thương và thậm chí nguy hại của họ. Tại vì nói nhỏ nhẹ họ không chịu nghe mà khuyên lơn hoài cũng lờn mặt.
Tâm tính con người đôi khi rất kỳ cục, hễ mình dễ thương hay nhường nhịn là họ cứ lấn tới. Nên phải hét một tiếng nảy lửa, đập bàn cái rầm, trợn mắt trừng trừng, gầm gừ như hổ sắp vồ mồi, buông vài câu hăm he, dõng dạc tuyên bố là sẽ bất hợp tác hay loại trừ, im lặng cả tuần và không nhìn mặt,… thì bên kia mới ngán và chịu lùi lại.
Thực ra, không ai thích đón nhận cảm giác khó chịu cả, ngay cả khi họ biết họ sai trái, nhưng nếu ta bất ngờ đưa tới cảm giác quá khó chịu mà tâm lý họ đang bất ổn, chưa đủ sức đón nhận, thì họ cũng sẽ phản ứng lại. Thậm chí là họ sẽ phản đòn, bây giờ không làm được thì lúc khác, trước mặt không được thì sau lưng, không dám làm gì hết thì nuôi hận hoặc giữ sự hiềm khích mãi trong lòng, tệ nữa thì để nó thành vết thương rồi hóa ra thành kiến sâu nặng.
Có một sự thật mà chúng ta ít biết là có rất nhiều đứa trẻ bị tổn thương tâm lý sâu nặng do cha mẹ quá nghiêm khắc tới mức đánh đập như cơm bữa, trừng phạt như tù nhân, hoặc đối xử phân biệt… Những đứa bé ấy lớn lên như một người bị khuyết tật tinh thần, hành xử không còn bình thường: dễ cảm xúc, dễ tổn thương, dễ phản ứng kịch liệt, thậm chí là ác cảm hay bạo động với những ai động chạm tới mình. Vết thương này lây lan qua tới những người gần gũi, thân yêu với họ và nhất là con cái của họ về sau, dù chủ nhân không hề muốn.
Thiền sư Lâm Tế (787-867) nói: “Địa thượng thần thông”, phép màu đi trên mặt đất. Phép màu không nhất thiết là phải bay lên mây, chui xuống đất hay ngồi trên than hồng, mà đi trên mặt đất cũng là một loại phép màu. Dĩ nhiên phải đi đúng cách thì mới thể hiện được phép màu.
Đó là chú tâm vào bước chân để mỗi bước chân đem ta trở lại về với thực tại, an trú, buông xả được những lo toan muộn phiền. Ta thấy có loại thuốc hay phép thuật nào làm được điều này không? Có nhà bác học hay nhà lãnh đạo tài ba nào tự nhiên mà có được khả năng này không? Đó là những thứ uy lực rất đặc biệt, nhiều người mong muốn có được, chẳng phải là phép màu là gì.
Trong khi người khác nổi giận thì tìm ngay kẻ gây chiến để nện cho một trận ra hồn, ít nhất là phun một mớ chất độc cho bõ tức, còn ta, lặng lẽ quay vào bên trong để chăm sóc cơn giận của mình, để không buông ra lời nói hay hành động nào đáng tiếc hay làm tổn thương người khác. Đó là uy lực thứ thiệt.
Khi đã hiểu giây phút bình yên là điều hết sức quý giá, thì ngay bây giờ ta hãy bước ra ngoài trời tản bộ hay ít nhất là ngồi yên xuống với tách trà cho tĩnh tâm, sau đó dành ra vài phút để nhìn lại thái độ thể hiện uy quyền của mình trước giờ, nhất là đối với người thân.
Để thực tập sâu sắc và hiệu quả hơn, ta hãy viết cho chính mình một lá thư, tự phản tỉnh bằng năng lực lực tỉnh thức. Lá thư này sẽ được đọc đi đọc lại nhiều lần, tốt nhất là sau những buổi ngồi thiền hay ngồi chơi trong yên lặng. Nó sẽ giúp ta tỉnh ngộ rất nhiều. Ngoài ra, trong quá trình thực tập quan sát tâm, mỗi khi phát hiện ra thứ “uy quyền không chính hiệu” thì cứ mỉm cười chào nó, rồi buông nó xuống ngay lập tức, và đó cũng chính là lúc để “uy quyền chính hiệu” ra đời.
Kate Nguyễn (Theo Thầy Minh Niệm)