(Lichngaytot.com) Quả báo đến khi nào, không ai có câu trả lời cụ thể. Nhưng chắc chắn tất cả những việc ta làm đều sẽ tạo thành nhân quả khác nhau, làm việc xấu việc ác thì quả báo nhất định sẽ xuất hiện, chẳng qua là có người thì quả báo đến sớm hơn, còn có người thì quả báo đến sau mà thôi.
1. Nhân quả báo ứng có thật sự tồn tại?
Theo thiên lý thiện ác hữu báo, người hành ác hành ác vô độ sẽ có ngày gặp quả báo, chuốc lấy những khổ đau mà mình đã gây ra cho người khác.
Người xưa răn dạy: “Hãy tích nhiều đức hơn, để đời sau được tốt hơn“. Bởi khi mất đức có khi đi ăn xin cũng không ai bố thí, phúc phận bị tiêu hao. Thậm chí phải chịu cực hình nơi địa ngục, chuyển sinh làm người vẫn chưa hết nhân quả báo ứng.
Thế gian hỗn độn, con người trong vô minh có khi tạo nghiệp không hay biết, có những việc nhỏ tưởng chừng như vô hại, nhưng đôi khi sẽ để lại hậu quả không ngờ đến, thiện ác tất có báo ứng. Nhưng có thật sự là nhân quả báo ứng có thật trên đời này?
Ngày nay, có câu nói chúng ta thường nghe thấy: “Người tốt không sống lâu, người xấu sống ngàn năm”. Câu nói dường như đang biểu thị sự bất lực với cuộc đời và sự nghi ngờ về thiên lý thiện ác hữu báo của cổ nhân.
Thấy những người xấu làm điều ác nhưng vì quyền thế mà họ có thế thoát khỏi sự nghiêm trị của pháp luật, những người có tinh thần trọng nghĩa lại bất lực và chỉ có thể thốt ra câu nói “thiện ác hữu báo” trên để an ủi bản thân.
Vì đã có nhiều câu chuyện thực tế khiến người ta lực bất tòng tâm khi chứng kiến hành vi ác nhân của người khác nhưng báo ứng không tới nên cho dù tin vào thiên lý nhân quả báo ứng thì lâu ngày khó tránh khỏi trong tâm có chút nghi ngờ.
Luật nhân quả chính là một quy luật tự nhiên của vũ trụ, được hoạt động để giữ gìn trật tự. Nếu như không có luật nhân quả thì trật tự của con người sẽ bị đảo lộn, khiến cho muôn vật trên các hành tinh bị tiêu diệt.
Hiện nay, luật nhân quả không phải do con người hay một đấng tạo hóa nào tạo nên mà nó được sinh ra và vận hành theo cơ chế của vạn vật tự nhiên được tạo thành.
Thiện ác không phải là không báo, chỉ là chưa đến lúc. Tất cả những gì mà chúng ta có được, chúng ta trải qua là kết quả từ quá trình, từ hành động mà chúng ta tích lũy ở kiếp trước, hay còn gọi là nghiệp báo. Bởi vì nghiệp khi đã được gieo thì dù trăm năm hay ngàn kiếp cũng không thể mất đi được. Luật nhân quả chính là quy luật tự nhiên của trời đất, vô cùng công bằng, không hề thiên vị với bất kỳ ai.
2. Quả báo đến khi nào?
Có câu: “Thắng thua vô định, quả báo phân minh”.
Thắng thua trên đời là điều khó đoán, và không ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ luôn bất khả chiến bại. Nhưng “quả báo” nhất định sẽ xuất hiện và công bằng với mỗi hành vi tốt – xấu của con người. Chẳng qua là có người thì quả báo đến sớm hơn, còn có người thì quả báo đến sau mà thôi.
Không phải không có quả báo, chẳng qua thời cơ chưa tới mà thôi. “Hiện báo” hay nói chính xác là hiện thế báo, là có báo ứng ở hiện tại. “Sinh báo” chính là chỉ việc kiếp này làm thì kiếp sau mới có báo. Còn cái gọi là “hậu báo” là nói kiếp này làm đủ loại nghiệp, không bị hiện thế báo, cũng không bị sinh báo, mà họ phải qua nhiều kiếp nữa mới bị báo.
Sống trên đời thiện ác hữu báo, khác nhau là sớm hay muộn. Quả báo tới sớm thì có khi chưa đầy một năm đã nếm trải, nhưng quả báo tới muộn thì có khi tới tuổi xế chiều mới phải nhận lấy.
Vậy tại sao nghiệp chướng của những kẻ xấu kẻ ác không linh ứng ngay? Có phải là để trì hoãn nó cho đến sau này? Có thể là do họ làm ác chưa đủ, có thể là do ông trời muốn họ phải chịu quả báo lớn hơn nữa. Nhưng một điều chắc chắn là quả báo đến muộn không chỉ ảnh hưởng tới đời mình mà còn ứng nghiệm lên cả đời con cháu về sau.
Có người nói rằng quả báo của một người thường sẽ dần dần xuất hiện trong 10 năm cuộc đời ở độ tuổi từ 50 đến 60.
Ở tuổi 50, trạng thái của con người sẽ rất khác nhau. Một số người sẽ cảm thấy bồn chồn, một số người sẽ cảm thấy cảm xúc lạc lõng, số khác lại cảm thấy nhẹ nhõm và sảng khoái.
Những người bồn chồn hoặc là đã từng làm điều xấu và cảm thấy "sợ hãi" khi về già. Còn một người luôn mang vẻ tươi tỉnh, hoặc đã giữ được cái tâm trong sáng gần như cả đời và chưa làm điều gì xấu, thì khi về già sẽ tự nhiên an yên tĩnh tại.
Đối với người bình thường, thứ họ mong muốn trong cuộc đời này không phải là cái gọi là tiền tài danh vọng, mà là sự bình yên trong tâm hồn. Tới lúc nhắm mắt xuôi tay, những thứ như tiền tài danh vọng đó vốn không thể mang đi theo, giàu có đến đâu cũng chẳng là gì.
Có những người mong muốn làm giàu đến mức mù quáng, sẵn sàng làm ăn bất chính, mỗi năm cứ dịp đầu năm mới đều lên chùa thắp nén nhang cầu khấn, mong thần phật phù hộ cho mình. Nói một cách thực tế hơn, việc “cầu trời khấn Phật” này chính là tự dối mình. Vì vốn dĩ nếu ông ta làm ăn chân chính, có lương tâm, không bóc lột nhân viên, càng không lừa dối khách hàng thì đâu cần phải cầu trời khấn Phật?
Quả báo, chắc chắn cuối cùng sẽ đến trong tuổi già của con người. Cần phải ghi nhớ điều này để tự răn dạy bản thân biết kính sợ, làm người lương thiện và trong sạch, năng hành thiện tích đức, như vậy mới có thể an phận cả đời.