Có người tu để cầu về
Cực Lạc, có người tu để hộ niệm cho thân nhân, có người tu để cho tiêu nghiệp, có người tu để phát sanh trí huệ... Vậy đâu mới là mục đích tu tập thực sự?
Chữ Tu đi kèm với chữ sửa. Tu là sửa đổi. Sửa đây là sửa cái Tánh, kiểm cái Ý, giữ cái Tâm cho bình. Tu như vậy mới không tạo nghiệp. Không tạo nghiệp có nghĩa là chặt đứt đi cái vòng sanh tử.
Nên nhớ rằng vòng sanh tử được tiếp nối liên tục, từng vòng xoáy chồng lên nhau và mỗi vòng xoáy là một nghiệp lực. Nếu chúng sanh đó cố gắng làm cho nghiệp lực không phát sanh ra, thì điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là không gắn thêm một điểm nhỏ vào trong vòng sanh tử.
Nếu không gắn thêm một điểm nhỏ thì tất nhiên rằng vòng sanh tử đó so với cái kiếp mình đang ở đây phải mất một lỗ hổng. Khi đó, rất khó nối các nghiệp lại với nhau.
Tham khảo:
Phương pháp niệm Phật để nhất tâm bất loạn, vãn sanh về Cực Lạc
Và thực tế, nếu mình không tạo thêm nghiệp thì không nối lại. Do đó mà mình sẽ không tạo một nghiệp, hai nghiệp, ba nghiệp và nhiều nghiệp nữa chứ không phải chỉ một nghiệp mà thôi. Vì thế, vòng sanh tử bị đứt quãng.
Vòng sanh tử không còn liền mạch nữa sẽ không còn giữ được tính chất
luân hồi. Do đó, mục đích tu tập là cắt cho đứt vòng sanh tử! Vì vòng sanh tử mang cái tính chất luân hồi, có sanh có tử, có tử có sanh, có sanh có tử, có tử có sanh, liên tục, liên tục.
Bạn hãy thử vẽ một vòng tròn trên trang giấy trắng và trên vòng tròn đó liên tục viết chữ sanh tử sanh tử sanh tử sanh tử thì sẽ thấy rằng nó không bao giờ chấm dứt? Mầm của sanh sẽ cho ra cái quả là tử, cái quả của tử rớt xuống sẽ tạo cái mầm của sanh, rồi mầm của sanh sẽ tạo cái quả của tử, quả của tử rớt xuống sẽ thành cái mầm của sanh... Cho nên người quyết tâm tu tập phải đặt cho mình một câu hỏi: "Tôi phải làm gì trên đường tu tập?"
Câu trả lời có ba phần, thiếu đi một phần là chữ Tu không hoàn hảo được.
Thứ nhất: Giữ Tâm Bình, tâm không loạn động.
Thứ hai: Giữ cho Ý của mình không phát khởi.
Thứ ba: Sửa đổi Tánh của mình để biến tánh xấu thành tánh tốt!
Khi đã làm đầy đủ hết ba phần này thì mình mới thật sự là Tu. Vì có làm đủ ba phần này thì mới có thể đi đến một kết quả là không Tạo Nghiệp.
Trong việc giữ tâm bình - Phải làm như thế nào để cho tâm của mình bình?
Ý không phát khởi - Phải làm như thế nào để cho ý không phát khởi?
Làm cho Tánh của mình chuyển lại từ xấu thành tốt - Phải làm như thế nào để chuyển hóa tánh xấu thành tánh tốt?
Chu toàn hết ba điểm này, người tu tập chân chính đã đạt được mục đích tu tập là cắt đứt vòng sanh tử. Một khi đã chặt đứt được vòng sanh tử là bước chân ra khỏi
tái sinh và luân hồi lục đạo.
Vì thế, phải luôn luôn tâm niệm rằng mục đích của việc tu tập không phải là để thoát ly cảnh khổ hay mưu cầu một lời khấn nguyện thành tựu nào đó ở hiện tại. Nếu mục đích của việc tu tập chỉ có thế, thì khi mình thoát ra khỏi cảnh khổ rồi, hoặc lời cầu xin của mình đã đạt được rồi, thì mình sẽ ngưng việc tu tập hay sao?
Việc tu tập cũng không phải là vì bất cứ một người nào hay vì một lý do nhân sinh nào cả. Chúng ta mang ơn Phật chỉ đường cho mình tu, chớ không phải vì Phật mà tu.
Trong việc tu tập, học hỏi giáo lý, thọ Bát quan trai giới, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, trì chú… đều là phương tiện nhằm thể hiện Phật chất trong cuộc sống. Nhiều người không hiểu, cứ ngỡ ngồi thiền yên lặng cả ngày vô lý quá. Nhưng họ không ngờ chính đó là nhắm thẳng gốc để trị. Trị gốc được rồi thì sẽ dứt nhân, quả theo đó cũng không còn.
Khi ngồi Thiền, tất cả những nghĩ suy lăng xăng, lộn xộn lặng xuống hết. Chưa lặng thì điều phục lâu dần nó sẽ lặng. Nó lặng rồi thì nhân tạo nghiệp không còn, nhân tạo nghiệp không còn thì quả luân hồi sinh tử chấm dứt, gọi là giải thoát sinh tử. Cho nên nói đạo Phật là đạo giải thoát.
Giải thoát là dứt hết những mầm tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác, dẫn đi trong sinh tử. Phật dạy phải dừng những suy nghĩ đó lại thì cái chân thật hiện ra. Đó là mặt thật xưa nay của mình.