Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cõi cực lạc có thực hay không?

Chủ Nhật, 22/10/2017 18:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cõi cực lạc là nơi ai cũng mơ về nhưng không phải ai cũng đạt được mong muốn đó nếu không hội tụ đủ TÍN, HẠNH và NGUYỆN.
 
Việc phải làm gì để được Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc là vấn đề trọng đại nhất của bất kỳ một người Phật tử tu xuất gia hay tại gia nào. Có thể nói họ đang dành toàn bộ trí tuệ công sức cho công việc này. Vậy cõi Cực lạc là thế nào mà các Ngài khuyên ta tu về cõi ấy?
 

Cõi cực lạc như thế nào?

 
Cực lạc là nơi hoàn toàn an vui không còn chịu mọi sự khổ. Mọi sự hưởng thụ trên thế gian không thể sánh bằng thế giới Cực Lạc ở Tây Phương.

Trong kinh A Di Đà, có cho biết rằng: Từ đây trải qua 10 muôn ức cõi Phật, thuộc về hướng Tây có một thế giới tên là Cực lạc. Cõi đó có Đức Phật A Di Đà, hiện nay đang thuyết pháp. 
 
Cảnh trí ở đây vô cung đẹp đẽ, làm toàn bằng bảy thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Khắp nơi đều có ao báu, trong ao chứa một thứ nước có 8 công đức, mọc đầy sen quí, mùi vị thơm tho, sắc màu rực rỡ. Trên bờ có cây báu sấp thành bảy, có bảy lớp lan can, bao phủ bởi bảy lớp lưới kết bằng diệu trân châu chiếu ra ánh sáng.
 
Ngoài ra, còn có đường sá, lầu các cung điện, đồ gì cũng làm bằng bảy báu cả. Chung quanh cung điện có cả trăm thứ hoa lá kỳ tú, khi gió động thì phát ra những tiếng nhạc pháp, có nhiều thứ chim, tiếng hát hòa nhã, diễn thành hưng pháp vi diệu.

Nhà mà chúng ta cho là đẹp và sang trọng nhất, đối với người cõi Tây phương Cực Lạc họ không màng đến, bởi vì nhà cửa của họ ở là thất bảo cung điện, sàn nhà toàn bằng lưu ly (cẩm thạch), đường đi trải bằng vàng, thức ăn chỉ cần nghĩ đến liền hiện ra, đồ vật mọi thứ đều do tâm nghĩ tưởng mà hiện hình.
 
Trong cảnh trí thanh tịnh trang nghiêm ấy, con người đều từ trong hoa sen sanh ra, hình thể khinh thành, không còn ô trược, lại hằng làm bạn với các bực thượng thiện, cho nên tâm không thối chuyển, một mực tu hành cho đến ngày quả mãn công thành.
 
Coi cuc lac co thuc hay khong
 

Cõi cực lạc có thực hay không?

 
Đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc có thực hay không là chủ đề gây ra không ít tranh cãi trong đó Việt Nam có 80% người theo tông Tịnh Độ tin rằng có cõi Cực lạc. Vãng sanh Cực Lạc có nhiều ý nghĩa:
 
1. Cực Lạc là cõi Tâm Linh, vãng sanh là đi về Cõi Tâm Linh
 
Có thể nói rằng, đạo Phật là đạo Tâm, cho nên cõi lý tưởng của nhà Phật tạm gọi là cõi Tâm. Cõi Tâm không có địa chỉ, chỗ đến (không phương sở), không tên gọi, không thể đo đạc, ước lượng được, chỉ cảm nhận mà thôi…

Mà tâm rộng lớn như hư không, bao trùm cả pháp giới và nói nhỏ  thì nhỏ hơn hạt cải. Muôn sự không ngoài tâm. Điều này dường như khó hiểu đối với những người duy lý, những người tìm hiểu mọi sự qua suy luận, bằng cứ cụ thể, xác đáng.

Đó gọi là “không thể nghĩ và bàn”, nghĩa là vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả. Hình như cái gì gọi là Tâm Linh thì ta không thể sử dụng bất cứ phương tiện thế gian nào để nắm bắt, ngoại trừ cái trực cảm của mình và Cơ Duyên của mỗi người. 
 
2. Vãng sanh Cực Lạc theo tông Tịnh Độ
 
Trong lời tựa bản dịch cuốn Hai thời công phu ngài Trí Quang thượng nhân viết:
 
“Người tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ thì hoặc sinh Cực Lạc rồi trở lại hoá độ ta bà trước hết, hoặc sinh Cực Lạc ngay nơi ta bà mà hóa độ trước, mặt nào cái nguyện sinh Cực Lạc cũng là vì thế giới ta bà này, nên tôn giả A nan đã nói, “ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”.
 
Như vậy, vãng sanh Cực Lạc luôn luôn có hai ý nghĩa: chứng ngộ và giải thoát.  Bởi vì đó là cốt lõi của đạo Phật, cho nên vãng sanh tức là: một, chứng ngộ và giải thoát ngay lúc lâm chung, gọi là lâm chung vãng sanh, hai, chứng ngộ và giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, gọi là hiện tiền vãng sanh.
 
a) Lâm chung vãng sanh: Chứng ngộ và giải thoát ngay khi lâm chung, nghĩa là:
 
Vãng sanh nghĩa là từ bỏ thân xác phàm phu nghiệp báo này, để tái sanh trong cảnh giới an lành của Cực lạc Tây phương. Mà Cực lạc Tây phương  là nơi an trú của Phật với những thuộc tính Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ, Đại Giải Thoát, Đại Nguyện Lực… 
 
Cho nên cõi ấy là nơi tập kết của các tâm hồn thao thức, có chí rộng lớn, cường liệt, nhiệt thành, để cùng nhau tu tập dưới sự hướng dẫn và hộ trì của Phật. 
 
Hơn nữa, Cực lạc Tây phương mãi mãi còn là một thao trường vĩ đại để chúng ta rèn luyện bồ đề tâm, bồ đề nguyện trước khi bước vào con đường độ sanh vô cùng dài xa và khó nhọc.
 
An lạc tập, ngài Đạo Xước ghi: “Hiện nay là đời có năm thứ trược ác, con đường tu tập của các bậc thông tuệ, giới đức (thánh đạo môn) thì nghĩa lý sâu xa, khó thực hành, không hợp thời cơ, chỉ có Tịnh độ môn (con đường  tu tập bằng  Đức Tin) là đạo lý quan trọng mà mọi người có thể cùng vào. 
 
Với lòng đại từ bi, Đức Phật khuyên chúng sanh nên cầu sinh Tịnh độ: dù cho một đời tạo ác, nhưng lúc lâm chung mà định ý, chuyên tâm, mười niệm liên tục tiếp nối nhau mà xưng danh hiệu Phật, thì tất cả chướng nạn được tiêu trừ, nhất định được vãng sanh. Đây thuộc về tha lực dị hành đạo”.
 
b) Hiện tiền vãng sanh
 
Nghĩa là chứng ngộ và giải thoát ngay khi còn sinh hoạt với tư cách một người bình thường. Khi còn đang mang xác thân nghiệp báo của con người mà đã giải thoát và chứng ngộ rồi, mặc dù thân còn ở đây nhưng tâm đã ở Cực Lạc. 
 
Theo giáo sư Suzuki, trong tác phẩm Thiền luận, thì vãng sanh là cải biến tâm linh, chuyển hóa tâm thức. Trong thế gian hỗn loạn và dơ bẩn này, từ thân  tâm cho đến môi trường sinh hoạt, không có cái gì là chẳng bị nhiễm ô. 
 
Mục tiêu chân chính của đạo Phật vẫn là giúp chúng ta cải biến tâm thức của mình, vì khi tâm thức được chuyển hóa thì mọi sự sẽ được chuyển hóa ngay lập tức, và hành giả sẽ đạt Tam-muội (Sâmadhi) ngay trong đời sống. 
 
Đối với những người đầy đủ cơ duyên, thì họ có thể vãng sanh ngay trong đời sống  hàng ngày, tuy báo thân vẫn còn quanh quẩn trong thế gian này nhưng tâm thức đã là người Tịnh độ. 
 
Lam the nao de van sanh ve Tay phuong Cuc lac
 

Làm thế nào để vãn sanh về Tây phương Cực lạc 


Khi lâm chung, muốn được Phật tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc thì phải một lòng tha thiết trì niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh về Tây phương Cực Lạc. Thực hành đúng Tín, Hạnh, Nguyện như Phật đã chỉ dạy. 
 
1. TÍN: là đỉnh cao của lòng tin. Lòng tin thì có thể lúc này tin mà lúc khác chưa chắc đã tin. Còn Tín là lòng tin sâu chắc không bao giờ thay đổi. Như câu: "Sông kia có thể cạn, núi kia có thể mòn mà lòng tin này không bao giờ thay đổi" thì đó là tín. 
 
Ta tin đây là tin vào lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni là có thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, nơi đó không có nơi đâu trang nghiêm, thanh tịnh và đẹp đẽ bằng. 
 
Tin vào 48 lời nguyện hàm linh của Phật A-Di-Đà, Ngài luôn luôn từ bi, sẵn lòng giang tay tiếp dẫn những ai một lòng trì niệm danh hiệu của Ngài, một lòng cầu vãng sinh về đây, luôn biết sám hối các tội lỗi đã gây ra từ vô thỉ đến nay, ra sức làm công đức lành, phát tâm Bồ Đề, hoằng pháp độ sinh.

Năm tiểu kiếp đã qua, đã có không biết bao nhiêu là Bồ-Tát, Thanh-Văn, Duyên Giác, Trời, Người... được Phật tiếp dẫn về đó tu hành thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật. 
 
Ta tin ngay bản thân chúng ta đều có Phật tính sáng suốt, đủ trí tuệ, làm có vô lượng công đức, nhân duyên để được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc. 
 
Tin vào nếu chúng ta một lòng làm đúng như lời Phật dạy, y giáo lời Phật dạy trong Kinh điển thì chúng ta sẽ được dự phần vào một trong chín phẩm sen vàng nơi Tây phương Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà. 
 
2. HẠNH: Tức là biến niềm tin ấy phải biến thành hành động cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm, trong ngoài phải tương ứng, mồm niệm Phật và tâm cũng niệm Phật. Phải luôn phấn đấu giữ gìn ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý đều thanh tịnh, ngày đêm tinh tấn niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A-Di-Đà Phật không rời và coi tất cả công danh, địa vị, tiền của, sắc đẹp... chỉ là hư ảo để không sa vào tham, sân, si.
 
Hạnh tức là phải giữ giới luật mà quan trọng đó là giữ gìn năm giới căn bản: Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm, không uống rượu, không nói dối.
 
Còn niệm Phật thì phải chí thành, tha thiết, rõ ràng thì mới có cảm ứng đạo giao để cảm động tới Phật mà khi lâm chung được Phật tới tiếp dẫn về Tây phương. 
 
Còn niệm giả thì đến vỡ cổ họng cũng không bao giờ được Phật chứng. Vậy thế nào là Niệm giả: Những ai đến chùa mồm niệm Phật tụng Kinh mà không giữ gìn giới luật, làm việc buông lung thì đó là niệm giả và như vậy không thể được Phật chứng giám, làm sao có được cảm ứng đạo giao với Phật? Tu hành như vậy thì chỉ uổng công vô ích như là đem thóc mà vãi vào không gian hay trên sỏi đá sao mong có lúa mọc mà thu hoạch? 
 
3. NGUYỆN: Nguyện là nguyện làm Phật để hóa độ chúng sinh vì thế mà phát sinh tâm nguyện cầu vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Đó là lời nguyện chân chính. 
 
Tình trạng ngày nay, có nhiều người muốn khi lâm chung được Phật đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc nhưng bản thân mình chỉ ngồi đó mà niệm, chẳng làm việc công đức, chẳng phát tâm Đại thừa, tham gia các lễ hội đi hoằngpháp lợi sinh, để chuyển bánh xe luân của Phật làm lợi sinh.

Như vậy tâm tiểu thừa này sao hợp với bản nguyện của Phật A Di Đà là hóa độ cứu vớt chúng sinh ở khắp mười phương, thì khi lâm chung sao có thể được Phật đến tiếp dẫn Tây phương Cực Lạc? 

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X