Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

22 điều hiểu nhầm, hiểu sai về đạo Phật mà ai cũng mắc phải

Thứ Ba, 14/07/2020 15:48 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đức Phật không có thật, Ngài sẽ ban phát tài lộc, đạo Phật chỉ dành cho người già, cầu sao giải hạn, xin xăm bói quẻ, xem ngày giờ tốt xấu là của Phật giáo... là những hiểu lầm về đạo Phật thường gặp.
  

1. Đức Phật là không có thật

 
Hiểu đúng: Đức Phật là người trần mắt thịt

Nhiều người tưởng rằng Đức Phật là thần thánh nào đó không có thật nhưng thực tế, Đức Phật là người trần mắt thịt. Đây là hiểu lầm về đạo Phật tiêu biểu nhất.

Ngài sinh vào khoảng năm 624 trước công nguyên, tên thật là Tất-Đạt-Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, là thái tử của vương quốc Thích Ca do cha Ngài làm quốc vương.

Lãnh thổ của quốc gia Thích Ca hiện nay thuộc về khu vực giáp ranh Nepal và Ấn Độ.
 
Ngài rời khỏi gia đình đi tìm con đường thoát khỏi đau khổ thế gian, sau đó Ngài lại hướng dẫn lại cho mọi người con đường đó mà thôi.

Việc thờ phượng Đức Phật là do người đời sau bày vẽ ra, thậm chí mọi người còn mải thờ Phật mà quên mất việc chính là thực hành con đường hạnh phúc mà Phật đã chỉ dạy. Đức Phật Thích Ca sống thọ đến 80 tuổi, nơi sinh, nơi mất và nơi ở của Phật Thích Ca hiện nay đều được các nhà khoa học tìm ra với các chứng tích lịch sử.
 
Phật là một quả vị, hay có thể nói là một danh hiệu dành cho các vị giác ngộ tuyệt đối, vì vậy nên có nhiều vị được gọi là Phật. Có vị tồn tại trong lịch sử như Phật Thích Ca, có vị được biết đến chỉ trong kinh điển như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc... và chưa ai gặp ngoài đời cả.   
 
hieu lam ve dao Phat
 

2. Đạo Phật là tôn giáo


Hiểu đúng: Đạo Phật không phải là tôn giáo.

Mặc dù đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì thế giới quan đạo Phật không có một Đấng tạo hóa tối cao hoá sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác.


3. Đạo Phật là tín ngưỡng để mọi người cầu xin điều dung tục đời thường 


Hiểu đúng: Đạo Phật không phải là tín ngưỡng

Đạo Phật có những sinh hoạt tín ngưỡng nhưng đạo Phật không phải là tín ngưỡng để mọi người đến van vái, cầu xin những ước mơ dung tục của đời thường.


4. Đạo Phật là triết học


Hiểu đúng: Đạo Phật không phải là 1 bộ môn triết học

Đạo Phật có một hệ thống tư tưởng được rút ra từ Kinh, Luật và Abhidhamma, được gọi là “như thực, như thị thuyết” chứ không phải là một bộ môn triết học “chia” rồi “chẻ”, “phán” rồi “đoán” như của Tây phương.


5. Đạo Phật là triết luận


Hiểu đúng: Đạo Phật là đạo như chân, như thực, không có triết có luận
 
Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực.

Đạo Phật là đạo như chân, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.


6. Đạo Phật chỉ là hoạt động từ thiện xã hội


Hiểu đúng: Đạo Phật không coi từ thiện xã hội là tất cả
 
Đạo Phật có những sinh hoạt từ thiện xã hội nhưng Phật giáo nguyên thủy không coi từ thiện xã hội là tất cả, để hy sinh cuộc đời đầu tròn, áo vuông một cách uổng phí.

Đạo Phật còn có những sinh hoạt cao cả hơn: Đó là giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, tu tập thiền định và thiền tuệ nữa. Từ thiện xã hội thì ai cũng làm được, thậm chí người ta còn làm tốt hơn cả Phật giáo, ví dụ như tỷ phú doanh nhân người Mỹ Bill Gates của đạo Công giáo.
 
Còn giáo dục, văn hoá, nghệ thuật của đạo Phật là nền tảng Mỹ Học (nội hàm các giá trị nhân văn, nhân bản) mà không một tôn giáo, một chủ nghĩa, một học thuyết nào trên thế gian có thể so sánh được. Và đây mới là sự phụng hiến cao đẹp của đạo Phật cho thế gian.

Thêm vào đó, nếu không có tu tập thiền định và thiền tuệ thì mọi hình thái sinh hoạt của đạo Phật, xem ra không phải là của đạo Phật!


7. Đạo Phật là tâm linh


Hiểu đúng: Đạo Phật không có kiểu tâm linh mê tín dị đoan.

Ngày nay, người ta tràn lan lễ hội, tràn lan mọi loại điện thờ với những hình thức mê tín, dị đoan, sa đọa văn hoá… mà ở đâu cũng rêu rao các giá trị tâm linh. Đạo Phật không hề có các kiểu tâm linh như vậy.

Thuật ngữ tâm linh này được du nhập từ đâu đó ở Trung Quốc. Hơn nữa, chúng ta không hề tìm ra nguồn Phật học Pāḷi hay Sanskrit có từ nào tương thích với chữ “linh” này cả.


8. Phật là khái niệm thần thánh


Cần hiểu đúng: Phật là âm của chữ Buddha, nghĩa là người Giác ngộ.

Vậy chúng ta nên tạm thời bỏ quên “khái niệm Phật” đầy màu sắc thần thánh từ lâu đã mọc rễ trong tâm thức mà trở về nghĩa gốc là bậc Giác ngộ.

Vậy, có người Giác ngộ do nghe pháp từ bậc Chính Đẳng Giác, được gọi là Thanh Văn Giác. Có người Giác ngộ do tự mình tu tập vào thời không có đức Chính Đẳng Giác, được gọi là Độc Giác.

Có vị Giác ngộ do trọn vẹn 30 Ba la mật, trọn vẹn minh và hạnh nên gọi là Chính Đẳng Giác. Không có vị Giác ngộ (Phật) nào ngoài ba loại Giác ngộ trên.
 

9. Đạo Phật có định mệnh


Cần hiểu đúng: Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh.

Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui – chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà La Môn giáo.

Đâu là sự khác nhau giữa NGHIỆP BÁO và SỐ PHẬN
Không phải ai cũng nhận ra sự khác nhau giữa NGHIỆP BÁO và SỐ PHẬN vì có lúc chúng ta đổ tại số, có lúc lại tỏ ra lo sợ vì nghiệp báo.


10. Đạo Phật là huyền bí, bí mật


Cần hiểu đúng: Giáo pháp của đức Phật không có cái gì được gọi là huyền bí, bí mật cả.


Đức Phật luôn tuyên bố là: “Như Lai thuyết pháp với bàn tay mở ra”; có nghĩa là ngài không có pháp nào bí mật để giấu kín cả!
 

11. Mục tiêu của đạo Phật là vãng sanh Cực Lạc

 
Hiểu đúng: Đạo Phật có hỷ lạc trong các tầng thiền, có hạnh phúc khi ly thoát sân hận, phiền não thế gian, chứ không nói 1 nơi cực lạc phóng đại.

Mục tiêu của đạo Phật không phải là cõi thiên đường hay cõi Cực lạc mà là giúp chúng ta thoát ra được những đau khổ, phiền muộn ở hiện tại để tìm ra hạnh phúc đích thực.

Tất nhiên đó là một công trình vĩ đại trải qua thời gian vô cùng lâu dài, chứ không thể trong một kiếp người vài chục năm đã đạt được ngay. Ngay cả Đức Phật cũng phải trải qua nhiều kiếp sống thực hành liên tiếp chứ chưa nói đến người bình thường.
 
Chính vì vậy, trong đạo Phật có một số vị chủ trương hướng dẫn cho Phật tử thực hiện từng bước một. Bước đầu một người có thể tu tập để được tái sinh vào kiếp sau tại một nơi hạnh phúc hơn (như cõi Cực Lạc chẳng hạn), sau đó tại nơi ấy họ sẽ tiếp tục tiến bộ để được thoát khổ hoàn toàn.
 
Tuy nhiên cũng có những vị không cần thông qua con đường ấy mà tập trung thực hành ngay tại đời sống con người cũng đạt được kết quả giác ngộ. Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều đệ tử của Đức Phật (đều là người có thật) và các vị xuất gia sau thời Phật đạt được giác ngộ ngay khi đang sống ở cõi người.
 
Vì vậy, có thể nói vãng sanh Cực Lạc là một mục tiêu cao quý trong đạo Phật nhưng chưa phải là kết quả cuối cùng mà Phật muốn con người đạt được.
 

12. Đức Phật sẽ ban phát tài lộc

 
Cần hiểu đúng: Đạo Phật dạy, muốn có quả lành cần gieo nhân tốt. Không có Thần Phật nào ban phát tài lộc cả.

Nhiều người cúng lễ Phật hoặc bày mâm cao cỗ đầy với mong ước Đức Phật sẽ mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm hiểu lầm về đạo Phật.

Đức Phật chỉ là người đi trước và truyền lại cho chúng ta kinh nghiệm để thực hành, sống thoát khổ chứ không phải là Thần thánh, có quyền năng ban phát tài lộc. Muốn được hạnh phúc, cách tốt nhất là nghiên cứu con đường Phật đi để thực hiện theo chứ không phải thờ cúng để xin việc này việc kia.
 
Nên nhớ rằng Phật dạy muốn có quả ngọt lành thì gieo nhân hạt thơm tho. Điều này có nghĩa là, phước lành của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không phải do Phật ban phước mà chính từ những nhân mà chúng ta gieo ở đời, họa hay phước sẽ từ đó mà ra vậy.
 
Duc Phat la co that, la nguoi tran mat thit
 
 

13. Đạo Phật có bao hàm xin xăm, bói quẻ, cầu sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu?
 

Cần hiểu đúng: Những học thuật này không có trong đạo Phật.

Những hình thức này không phải của đạo Phật. Trong kinh tụng Pāli có đoạn: Giờ nào (chúng ta) thực hành thân, khẩu, ý trong sạch, giờ đó được gọi là vận mệnh tốt, là giờ tốt, là khắc tốt, là canh tốt... Ngày đó gọi là có nghiệp thân phát đạt, nghiệp khẩu phát đạt, nghiệp ý phát đạt.

Và nguyện vọng theo đó được gọi là nguyện vọng phát đạt. Người tạo nghiệp thân, nghiệp khẩu, nghiệp ý phát đạt như thế rồi sẽ được những lợi ích phát đạt.
 

14. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật

 
Cần hiểu đúng: Niệm Phật chú trọng ở nội tâm chứ không phải hình thức.

Tụng kinh, niệm Phật là phương pháp tu hành phổ biến nhưng dù thuộc lòng mà chẳng tìm hiểu nghĩa thì cũng không có tác dụng gì. Bên cạnh đó, việc liên tục đọc “Nam mô Ai Di Đà Phật” cũng được coi là một công đức, điều này khiến giới trẻ cảm thấy hồ nghi và không hứng thú với đạo Phật.
 
Thực ra, chữ “niệm” ở đây có nghĩa là nhớ, giống như trong chữ tưởng niệm, hoài niệm.

Niệm Phật hay thường xuyên nhớ đến Phật là phương pháp hiệu quả giúp tâm trí chúng ta bình an và sáng suốt. Ngoài ra, mỗi lần niệm mang lại cho ta sự tập trung, gạt bớt những vọng tưởng.

Do vậy, niệm Phật thực ra chú trọng ở nội tâm chứ không phải ở hình thức như nhiều người vẫn nghĩ.
 

15. Xuất gia theo Đạo Phật đều phải ăn chay

 
Cần hiểu đúng: Đạo Phật chỉ cấm người tu tập sát sinh, việc ăn chay còn tùy vào hoàn cảnh.

Đây là một trong những hiểu lầm về đạo Phật mà nhiều người mắc phải nhất. Ăn chay chỉ là một việc làm được khuyến khích chứ không phải là một loại quy định cấm kỵ trong đạo Phật, khi còn sống, Đức Phật cũng ăn mặn chứ không ăn chay.
 
Trong đạo Phật chỉ cấm người tu hành sát sinh hại vật, còn việc ăn chay nếu có điều kiện thuận lợi thì mới thực hiện. Thời xa xưa, người dân chưa quen ăn chay nên có khi cúng cho các vị tăng cả thịt cá, các thầy ăn đồ ấy không coi là phạm giới. Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, Phật tử chuẩn bị được đồ chay cho chùa chiền nên các nhà sư mới có thể ăn chay liên tục được.
 
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi ốm bệnh, các nhà sư cũng cần ăn mặn để có sức khỏe chứ không thể miễn cưỡng ăn chay.
 
Cho rằng các nhà sư ăn thịt cá là phạm giới nghiêm trọng là hậu quả của việc phim ảnh Trung Quốc nói về đời sống trong các chùa rất hay khai thác vấn đề này khiến nhiều người hiểu lầm.

Đây là một trong nhiều ám ảnh của những người bước đầu tìm hiểu về Phật giáo. Họ không cưỡng lại được ham muốn ăn mặn của mình và cảm thấy ăn chay khi đi tu thật sự là một điều kinh khủng. Tuy nhiên, Phật giáo không bắt buộc con người ta ăn chay. Ăn được là tốt, nhưng nếu không ăn chay được thì nên hạn chế sát sinh.
 
Khi chưa có điều kiện ăn chay, Phật đi khất thực và ăn những gì được cho, đôi khi vẫn ăn mặn vì dân chúng cho đồ mặn và đó không phải là điều tội lỗi. Ăn chay nhưng không hành thiện, ăn chay nhưng vẫn giữ những sân hận trong lòng, đối đãi với người trên bằng sự bất kính, đối đãi với người dưới bằng sự thị uy khinh miệt, thì đó cũng không bằng ăn mặn mà nhân từ hiền hậu, sống thiện tâm hiền lành. 
 
Cu theo Phat la phai an chay
 
 

16. Giáo lý quan trọng nhất là các bộ kinh

 
Cần hiểu đúng: Giáo lý nhà Phật quan trọng nhất là người tu tập được giác ngộ chân chính.

Nhiều người nói đến đạo Phật là khoe ngay mình đã đọc thuộc bao nhiêu bộ kinh, đã tu qua những phẩm nào, nhưng đó không phải điều cốt yếu mà Phật chỉ dạy.
 
Giáo lý quan trọng nhất trong đạo Phật cũng chính là những giáo lý cơ bản nhất mà Đức Phật luôn nhắc đến trong mọi trường hợp, đó là luật nhân quả và Tứ Diệu Đế.
 
Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.

17. Đạo Phật có siêu độ, siêu thoát? 


Cần hiểu đúng: Không có siêu độ, siêu thoát mà chỉ là gia hộ, gia lực mà thôi.

Không có bài kinh nào, không có uy lực của bất kỳ ông sư, ông thầy nào có thể tụng kinh siêu độ, siêu thoát cho hương linh, vong linh, chân linh cả.

Thời Phật tại thế, nếu có đến nơi người mất, chư tăng chỉ đọc những bài kệ vô thường, khổ và vô ngã để thức tỉnh người sống và hiện nay các nước Phật giáo còn duy trì.
 
Có thể có hai trường hợp:
 
- Nếu vừa chết lâm sàng thì thần thức người chết vẫn còn. Vậy có thể đọc kinh, mở băng kinh, chuông mõ, hương trầm... để “thần thức người chết” hướng về điều lành... để thần thức tự tạo “cận tử nghiệp” tốt cho mình.
 
- Nếu thần thức đã lìa khỏi thân rồi – thì họ đã tái sanh vào cõi khác rồi, ngay tức khắc. Khi ấy thì gia đình làm phước để chư tăng tụng kinh hồi hướng phước ấy cho người đã mất.
 
Cả hai trường hợp trên đều không hề mang ý nghĩa siêu độ, siêu thoát mà chỉ có ý nghĩa gia hộ, gia niệm, gia lực mà thôi. Tu dựa vào tha lực cũng tương tự như vậy, nhưng cuối cùng cũng phải tự lực: “Tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình là hòn đảo của chính mình”.

Chư thiên chỉ có khả năng hoan hỷ phước và báo truyền thông tin ấy cho người quá vãng mà thôi. Họ không có uy lực ban phước lành cho ai cả.


18. Đạo Phật có hồn, vía, phách


Cần hiểu đúng: Đạo Phật không có vía, hồn, phách nào cả.

Vía, hồn, phách là quan niệm của nhân gian. Ví dụ, ba hồn bảy vía. Ví dụ, nam thất, nữ cửu – nam bảy vía, nữ chín vía. Nếu là nam thất, nữ cửu thì nó trùng với nam 7 khiếu, nữ 9 khiếu.

Vía là phần hồn. Không có cái hồn, cái linh hồn tự tồn tại nếu không có chỗ nương gá. Vía không độc lập được. Như danh – phần tâm, sắc – phần thân – luôn nương tựa vào nhau. Chỉ có năng lực thiền định mới tạm thời tách lìa danh ra khỏi sắc, như Cõi trời Vô tưởng của tứ thiền.

Tuy nhiên, cõi trời Vô tưởng hữu tình này không phải là không có danh tâm mà chúng ở dạng tiềm miên. Còn các Cõi trời Vô sắc thì sắc không phải là không có, chúng cũng ở dạng tiềm miên.

Thật đáng phàn nàn, Phật và Bồ tát đều có “vía” cả! Và cũng thật là “đau khổ” khi trong lễ an vị Phật, người ta còn hô “Thần nhập tượng” nữa chứ!
 

19. Đạo Phật chỉ dành cho người già

 
Cần hiểu đúng: Đạo Phật không phân biệt già trẻ, trai gái.

Phật giáo là chỗ dựa về tinh thần cho tất cả những ai đang muốn đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Dù đang còn trẻ hay tuổi đã xế chiều thì Phật giáo cũng đều mang đến cho bạn những kiến thức, những bài học, những kinh nghiệm và triết lý sống đơn giản nhưng ý nghĩa.

Đạo Phật cung cấp nhiều tri thức khoa học, tâm lý, đạo đức bổ ích cho cuộc sống và công việc của chúng ta và nhất định sẽ giúp ích được càng nhiều nếu bạn tìm hiểu càng sớm. 
 
Đừng chờ đợi đến khi không còn sức lực và mọi chuyện đều đã trôi qua rồi mới khám phá cách sống đúng, như vậy thì quả là điều đáng tiếc cho tuổi trẻ.  
 

20. Đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn?

 
Cần hiểu đúng: Đây chỉ là con số tượng trưng, không có ý thần thánh hóa.

Đạo Phật có nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp uẩn (dhammakhandha) chứ không nói đến 8 vạn 4 ngàn pháp môn (dhammadvāra).

Uẩn (khandha) ngoài nghĩa che lấp, che mờ và nghĩa chồng lên, chồng chất, còn có nghĩa là nhóm, liên kết, tập hợp ví như Giới uẩn (nhóm giới), Định uẩn (nhóm định), Tuệ uẩn (nhóm tuệ). Do từ uẩn (khandha) lại dịch lệch ra môn - cửa (dvāra), pháp môn nên ai cũng tưởng là có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, tu theo pháp môn nào cũng được! Ai là người có thể đếm đủ 8 vạn, 4 ngàn cửa pháp này?

8 vạn 4 ngàn chỉ là con số tượng trưng, có nghĩa là nhiều lắm, đếm không kể xiết theo truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng Ấn Độ cổ. Ví dụ 84 ngàn lỗ chân lông, 84 ngàn vi trùng trong một bát nước, 84 ngàn phiền não, 84 ngàn cách tu...


21. Đạo Phật là bỏ khổ, tìm lạc


Cần hiểu đúng: Tu Phật không phải là bỏ khổ tìm lạc.

Xin lưu ý cho rằng, Khổ và Lạc ở đây chính là căn bản của phiền não. Đạo Phật không hướng tới điều này.


22. Tu Phật là để đạt được cái gì đó


Cần hiểu đúng: Đạo Phật là vô ngã

Có nhiều người nghĩ rằng, tu là để được cái gì đó. Xin thưa, được cái gì là sở đắc. Ai sở đắc? Chính là bản ngã sở đắc. Đạo Phật là vô ngã. Hãy xin đọc lại kinh Vô Ngã Tướng.

(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

X