Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Lời Phật dạy về cách lắng nghe: Không đơn giản chỉ là vài ba âm thanh quen thuộc

Thứ Sáu, 13/08/2021 10:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Qua lời Phật dạy về cách lắng nghe sau đây giúp ta nhận thức sâu xa hơn về hạnh lắng nghe, chúng sâu sắc và có tác động diệu kỳ tới thân và tâm của mỗi chúng ta.
 

Lời Phật dạy về cách lắng nghe cho A Nan và các đệ tử


Trong kinh Lăng Nghiêm ghi lại cuộc đối thoại của Phật và A Nan khi cảm thấy A Nan đang có sự nghi hoặc về những gì mình thấy, biết. Ngài bảo La Hầu La đánh tiếng chuông, rồi bảo :
 
- A Nan! Ông có nghe không?
 
- Có nghe. Ông A Nan và đại chúng đồng thưa.
 
Chuông hết kêu, không còn tiếng, Phật lại hỏi rằng:
 
- Nay ông có nghe chăng?
 
- Không nghe. Bạch Thế Tôn.
 
La Hầu La lại đánh một tiếng chuông nữa, Phật lại hỏi rằng:
 
- Ông có nghe chăng A Nan?
 
- Có nghe. Bạch Thế Tôn.
 
Phật hỏi:
 
- Thế nào thì ông có nghe? Còn thế nào thì ông không nghe?
 
Ông A Nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng:
 
- Có tiếng chuông kêu thì chúng tôi được nghe, hồi lâu tiếng dứt, âm vang không còn thì không còn nghe nữa.
Đức Phật lại bảo ông La Hầu La đánh chuông rồi hỏi tiếp:
 
- Theo ông hiện nay có tiếng không?
 
- Có tiếng. Bạch Thế Tôn!
 
Hồi lâu, tiếng chuông dứt bặt, Phật lại hỏi:
 
- Hiện giờ có tiếng không?
 
- Không tiếng, Bạch Thế Tôn!
 
Phật bảo:
 
- Thế nào ông gọi là có tiếng. Còn thế nào thì ông gọi là không tiếng?
 
Ông A Nan và đại chúng đồng thưa:
 
- Có đánh chuông, tiếng chuông ngân vang thì gọi là có tiếng, giây lâu tiếng hết, âm vang không còn thì gọi là không tiếng.
 
Phật bảo:
 
- Ông A Nan và đại chúng rằng: Sao hôm nay các ông nói lộn xộn điên đảo như thế?
 
Đại chúng và A Nan bạch Phật :
 
- Vì đâu Phật bảo chúng tôi lộn xộn và điên đảo?
 
Lời Phật dạy về cách lắng nghe
 
Bây giờ Phật mới dạy rằng:
 
- Tôi hỏi về cái nghe thì các ông nói là nghe! Tôi hỏi về tiếng thì các ông cũng nói là tiếng! Chỉ có cái nghe và tiếng mà các ông trả lời không nhất định, còn không phải lộn xộn điên đảo là gì?
 
- A Nan! Biết có, biết không là do có tiếng hay không có tiếng. Có tiếng thì nghe động, không tiếng là nghe tĩnh, chứ không phải không tiếng, tánh nghe không còn. Nếu tánh nghe không còn thì lấy cái gì để biết là không tiếng?
 
- A Nan! Cái tiếng đối với tánh nghe tự có sinh có diệt, nhưng không phải vì sự sinh hay diệt của tiếng mà tánh nghe của ông tùy có tùy không. Ông còn lộn lạo lầm cái tiếng mà cho là cái nghe, thảo nào chẳng mê mờ cái viên thường mà cho là đoạn diệt. Ông không nên lầm tưởng rời các thứ động, tĩnh, tối, sáng, thông, bít là cái nghe…không còn. Ông nên hiểu rằng: Tánh nghe không những “thường hằng” trong khi thức mà nó “thường hằng” cả trong lúc ông ngủ say sưa!

- Chúng sinh từ vô thỉ đến nay, theo sự lôi cuốn của sắc, thanh theo vọng niệm mà lưu chuyển, không hồi quang phản chiếu cái bản tánh thanh tịnh diệu thường, bỏ sót mất tánh thường chỉ buông xuôi theo dòng sinh diệt. Do vậy đời đời sống trong tạp nhiễm mà phải luân chuyển khổ đau. Nếu biết rời bỏ những cái sinh diệt, giữ lại tánh chân thường sáng suốt nhiệm mầu thì lục căn, lục trần, lục thức tiêu vong tại chỗ. Bởi vì trần là cái tướng của vọng tưởng và cấu là vọng tình phân biệt của con người. Xa lìa hai thứ trần cấu thì pháp nhãn của ông tức thì trong sáng. Cái nhận thức của ông bấy giờ là nhận thức của con người Vô Thượng Chánh Biến Tri Giác đồng với chư Phật mười phương ba đời vậy.
 
Tuy A Nan đã biết các sự mê lầm dựa theo lời Phật dạy, nhưng chính ông chưa trực nhận được cái mê lầm nầy. Để giải mối nghi ngờ của ông A Nan, bây giờ Phật bảo tôn giả La Hầu La đánh chuông.

Chính ông A Nan và đại chúng đã lầm lẫn cái nghe với cái tiếng tức là không phân biệt rõ ràng cái gì là “căn tánh” và cái gì là “trần cảnh”. Dựa theo A Nan là khi không nghe tiếng thì gọi là không nghe, nhưng nếu suy nghĩ kỷ lại thì nếu thật không nghe thì làm sao biết được tiếng chuông đã dứt.
 

Áp dụng hạnh lắng nghe của Quán Thế Âm vào đời sống


Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn dạy 6 căn là nhân của luân hồi sinh tử và 6 căn cũng là nhân của giải thoát. Sau khi Phật bảo 25 vị Thánh trình bày chỗ tu chứng của mình xong rồi, Phật dạy Bồ tát Văn Thù chọn lựa căn viên thông để tu. Cuối cùng Bồ tát chọn lựa “nhĩ căn” là viên thông hơn hết các pháp tu khác. Đây là lối tu: “Phản văn văn tự tánh” của Bồ tát Quán Thế Âm.
 
Chữ phản ở đây có nghĩa là ngược lại, thay vì từ xưa đến giờ chúng ta chạy theo âm thanh, có tiếng là có nghe, không tiếng là không nghe, trong khi đó chúng ta cần sáng suốt, biết rằng bản thân nghe tất cả mà không dính mắc vào âm thanh riêng biệt nào.
 
Hầu chết chúng ta chỉ thích nghe người khác tán thán khen ngợi mình và không thích nghe lời trích phê phán mình. Chỉ khi thực sự biết lắng nghe thì ta mới luôn giữ được thái độ bình tĩnh, trong tâm không xao động bất cứ lời nào của người khác. Từ câu chuyện cuộc sống về im lặng để biết trạng thái tĩnh tâm như Bồ Tát không dễ dàng, Người phải có sự thấu hiểu nhân sinh nhất định mới có thể ung dung, tự tại đến vậy.
 
hạnh lắng nghe của Quán Thế Âm
 

1. Phải biết bố thí


Bồ tát có nghĩa là người giác ngộ, nhưng giác ngộ từng phần chưa được viên mãn như Phật. Nhưng vì thấy con người vì tâm tham ái của mình mà luân hồi trong khổ đau không dứt ra được, thế nên động lòng thương xót đi vào đời lấy tứ nhiếp pháp để ban vui cứu khổ theo đúng tâm tư nguyện vọng của chúng sinh. 

Bồ tát sẵn sàng đem tài sản của cải hoặc sức lực của mình bố thí giúp đỡ mỗi khi cần thiết. Nhờ sự giúp đỡ tận tình nên Bồ tát dễ dàng gần gũi và được nhiều người mến thương, do đó dễ nhiếp phục họ bằng bố thí chia sẻ. 

Hầu hết chúng ta không biết bố thí là gì, đó không chỉ là dùng tiền bạc để ban phát nhưng thực ra bố thí chia làm 3 loại chính: Tài thí, Pháp thí, và Vô úy thí, Bồ tát đã áp dụng nhuần nhuyễn những điều này để giúp đỡ chúng sinh.

Ta cũng có thể học hỏi Người để bố thí cho những người xung quanh mình, từ đó cuộc sống của họ sẽ tốt hơn, an vui hơn. Hãy lắng nghe cả niềm đau, nỗi khổ của người thân xung quanh mình, không phải điều gì họ cũng có thể nói ra, bằng sự quan sát, nhạy cảm, ta có thể hiểu được vấn đề mà họ đang gặp phải. Có người chỉ cần một lời khuyên của ta mà có thể thay đổi cả cuộc sống của mình, điều đó thực sự đáng quý hơn ta tưởng.
 

2. Dùng lời hòa nhã thuyết phục


Quán Thế Âm có nghĩa là quán sát xem xét lắng nghe tiếng khổ của tha nhân để tùy duyên cứu độ. Ngài luôn quán chiếu cuộc đời bằng hạnh lắng nghe âm thanh theo nguyên lý, duyên khởi, vô ngã, vị tha, nhờ vậy biết cách giúp chúng ta vượt qua lo lắng sợ hãi, thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau.

Hạnh lắng nghe không chỉ đơn giản là tĩnh lặng nghe người khác nói chuyện, kể lể, ta cũng phải biết đưa ra những chỉ dẫn phù hợp sau khi đã hiểu ra vấn đề của người ta.

Theo Bồ tát phải dùng lời ngon ngọt, hòa nhã dịu dàng, nhỏ nhẹ dễ thương. Vì phàm làm người, tâm lý chung là chỉ đón nhận những gì dễ nghe, lọt tai và muốn chống đối, phản ứng mạnh mẽ lại với nói lời cộc cằn thô lỗ.

Vì thế, để ai đó nghe và làm theo những chỉ dẫn của ta, giúp họ tinh tấn hơn thì chính ta cũng phải biết cách dùng ngôn ngữ phù hợp để thuyết phục người khác. Bằng không, ngược lại sẽ dễ làm họ chán ghét, phiền muộn khổ đau.

Ta chỉ có thể thành công trong việc lắng nghe đó là khi khéo dùng lời nói từ ái hiền hòa, nhưng chân thật, gần gũi, thể hiện sự đồng cảm.
 

3. Làm việc lợi ích cho người

 
Theo lời Phật dạy về cách lắng nghe, không chỉ dừng lại ở việc nghe, chỉ dẫn người ta mà còn ở việc làm cụ thể. Bồ tát thường tích cực làm việc gì đó để lợi ích chúng sinh, chứ không phải nói suông vô ích.

Người thấy chúng sinh tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, nhỏ mọn, chất chứa riêng tư là nhân của đau khổ, nên phát tâm bố thí, giúp đỡ sẻ chia, để diệt trừ tâm địa hẹp hòi sân tham.
 
Bồ tát Quán Thế Âm luôn ban bố niềm vui đến cho mọi người và sẵn sàng giúp cho tất cả chúng sinh vượt qua sợ hãi khổ đau, đang chịu nhiều bất hạnh trong đời. 

Người ta sau khi được giúp mới cảm thấy gần gũi hơn, nhờ vậy họ mới tin tưởng mình, sau đó họ mới biết suy ngẫm hơn để tìm cách thay đổi lối sống, giúp họ hướng thiện, tin sâu luật nhân quả, dứt ác làm lành. 
 

4. Trở thành đồng sự


Bồ tát sau khi thành tựu đạo quả, nguyện dấn thân đi vào đời để làm lợi ích chúng sinh, cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng đóng góp, cùng gánh vác, cùng sẻ chia, cùng chia vui và cùng sớt khổ bình đẳng, với tất cả chúng sinh.

Thực tế, Người phải siêng năng giỏi biết nhiều ngành nghề để cùng làm cùng sống với họ, đã hoá thân thành nhiều thành phần trong xã hội, tùy theo nhân duyên mà Bồ tát cứu độ chúng sinh.
 
Ngài độ sinh dưới nhiều hình thức từ một ông vua hay tể tướng cho đến kẻ bần cùng, chúng sinh cần nhu cầu nào thì Bồ tát ứng hiện theo nhân duyên đó, để cho phù hợp với tâm tư nguyện vọng của mọi người. Hay nói rõ hơn, Bồ tát đi vào đời là tùy bệnh cho thuốc, do đó người thực hành hạnh lắng nghe muốn độ sinh có hiệu quả, phải biết căn cơ và sở thích của từng chúng sinh. 

Bồ tát sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ niềm đau, để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh cho tất cả chúng sinh. Nhờ Bồ tát thấu rõ chân lý cuộc đời nên không thấy mình là kẻ ban ơn, người nhận thí và kẻ thọ ơn, nên bình đẳng kết nối yêu thương, mở rộng tấm lòng không phân biệt người thân hay kẻ thù.

Ta muốn giúp người cũng nên trở thành người đồn sự với họ, cùng làm bạn để hiểu tâm tư, chứ không phải thái độ của kẻ cả mà chỉ dẫn thì chẳng ai chịu lắng nghe ta. Hỗ trợ người khác bằng sự thấu hiểu mới mong họ tự tin chính mình và giúp họ đi theo con đường hướng thượng là luôn chia vui sớt khổ trong thương yêu bình đẳng.
 
Theo lời Phật dạy về cách lắng nghe, muốn thực hiện hạnh lắng nghe được thuần thục, trước tiên phải biết bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự. Chúng ta hãy để cho người khác trút hết nỗi niềm tâm sự và chính ta là người biết lắng nghe. Ta chỉ cần lắng nghe, một cách trân trọng và có hiểu biết, thì nỗi khổ niềm đau của người đó, sẽ được giảm thiểu một phần nào. 

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X