Chuyện đứa bé bị nhốt trong bào thai 60 năm nhắc nhở ta cẩn thận với cái miệng

Thứ Sáu, 17/11/2023 18:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chuyện đứa bé bị nhốt trong bào thai 60 năm khiến chúng ta không nên xem nhẹ chuyện "giữ mồm giữ miệng". Nếu không, chúng sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Chuyện đứa bé bị nhốt trong bào thai 60 năm

 
Thời Đức Thế Tôn còn tại thế, ngụ tại thành Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm. Một gia đình vô cùng giàu có trong vùng xảy ra chuyện kỳ lạ là khi người vợ đến ngày sinh nở nhưng quá ngày quá tháng đã lâu, em bé mãi không chịu ra. Sau một thời gian, bà mẹ lại có thai nữa, em bé thứ 2 chào đời thì em bé trong bụng vẫn nằm nguyên.

Thời gian cứ thế trôi đi, bà mẹ lần lượt hạ sinh đến 10 đứa con mà đứa bé đầu tiên vẫn nằm nguyên trong bụng, không làm cách nào ra nổi. 
 
Khi người mẹ già cả, bệnh tật ập đến, sức khỏe suy yếu, bà dặn mọi người: "Đứa trẻ trung bụng đến nay vẫn còn sống. Nếu lỡ ta qua đời thì cứ mổ bụng lấy ra mà nuôi dưỡng".

Không lâu sau đó, bà qua đời, người thân trong gia đình cho mời vị danh sư tới để lấy một bé trai trong bụng ra. Điều đáng nói là cậu bé tóc đã bạc trắng, lưng còng lom khom.

Cậu bé vừa ra khỏi bụng mẹ nhìn bốn phía, nói với những người quyến thuộc chung quanh rằng:

- Mọi người nên hiểu rằng, ngày trước do tôi chế giễu, nhục mạ chúng tăng nên bị giam trong bào thai suốt 60 năm qua. Vô cùng phiền não nhưng không thể làm gì.
 
Mọi người nghe xong cảm thấy vô cùng thương xót.
 
 
 
Đức Thế Tốn khi nghe xong sự việc mới nói rằng đứa trẻ ấy căn lành đã đủ, có thể hóa độ, liền cùng với đại chúng Tỳ kheo đến nơi nghĩa trang - nơi người ta mổ bụng người mẹ để lấy đứa trẻ ra. Phật hỏi đứa trẻ rằng:

- Ông có phải là Tỳ kheo Trưởng Lão đó chăng?.

Đứa trẻ đáp:

- Thưa phải.

Ngài lặp lại câu hỏi 3 lần và đều nhận được sự đồng tình. Các Tỳ kheo nghe thấy vậy nên thưa hỏi rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chuyện đứa bé bị nhốt trong bào thai 60 năm quả là lạ, không hiểu do những nghiệp gì, mới được ra ngoài, lại có thể cùng Phật đối đáp?
 
Phật bảo chư Tỳ kheo:

- Các ông hãy chú tâm lắng nghe, vì các ông hỏi nên ta nói. Giữa Hiền kiếp này, xứ Ba la nại có Phật xuất thế hiệu là Ca diếp. Khi ấy, chư Tỳ kheo tăng cùng nhau vào hạ an cư, cử ra một vị tuổi tác đã cao làm thầy Duy na để đảm đương mọi việc.
 
Hết thời kỳ hạ an cư, làm lễ tự tứ, chỉ cho những người đã chứng quả được tham gia. Trong chúng hội khi ấy chỉ có mỗi thầy Duy na là chưa chứng quả nên không vào dự lễ, sinh tâm buồn rầu, oán trách, nói rằng:

- Chỉ riêng một mình ta quán xuyến mọi việc cho các người được yên ổn mà tu tập. Nay lại phản phúc, chẳng cho ta dự lễ tự tứ.
 
Không chỉ có thế, trong lúc giận giữ, ông đóng kín cửa phòng của mình lại mà phát lời nguyền rằng:

- Lũ các ông rồi đây sẽ phải ở mãi trong chỗ tối tăm, cũng như ta ngày nay ở trong phòng tối này.

Chính lời đó mà khi qua đời rơi vào địa ngục, đến khi mãn hạn tái sinh cõi người thì vào trong bào thai.
 
Người thân của đứa bé sau đó mang nó về nuôi dưỡng, khi lớn lên cho xuất gia tu học. Nhờ chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A la hán.
 
Các Tỳ kheo thấy việc lạ liền thưa hỏi rằng:

- Thưa Thế Tôn! Vị Tỳ kheo này trước tạo được nhân lành gì dễ dàng được đắc quả như vậy:
 
Phật đáp lời:

- Do ngày trước cúng dường tăng chúng, lại giữ chức Duy na mà phụng sự chư tăng, nên nay được gặp Phật, xuất gia đắc đạo.
 
Các vị Tỳ kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Bài học: Có thể thấy Nhân - Quả báo ứng rõ ràng trong câu chuyện đứa bé bị nhốt trong bào thai 60 năm trên đây. Vì lời thề độc cùng lời phỉ báng của mình mà bị giam trong bào thai. Tuy nhiên, khi ông đủ duyên, chịu khó tu học lại dễ dàng đắc quả A la hán cùng trong một đời nhờ công đức mà ông đã làm được từ kiếp trước.

2. Chớ nên phỉ báng bất cứ ai

 
Không phải chỉ có lời phỉ báng bậc chân tu mới chịu tội mà bất cứ lời nào không hay nói về người khác cũng được xem là Khẩu nghiệp mà chúng ta cần phải tránh xa.

Thời nay, có ba hạng người rất “đáng thương” và chúng ta cần phải giúp đỡ.
  • Thứ nhất là người không biết đạo Phật nhưng lại phỉ báng Phật giáo và những người theo Phật.
  • Thứ hai là người thường tu hành nên ngạo mạn, thường khinh thị người ít tu hành, thường hay tự cho mình là hiền lương, chánh đạo. Còn người khác là xấu ác, tà đạo.
  • Thứ ba là người tự cho mình tu hành chứng đắc, biết đủ thần thông đạo lực, được công năng đặc biệt, được trí huệ, sắp thành Phật rồi, được Phật thọ ký, là sứ giả của bề trên, tự cho mình có đủ năng lực cứu độ chúng sanh… 
Lời Phật dạy về khẩu nghiệp, kiểu người thứ nhất do không biết giữ miệng nên đốt cháy phước đức của mình 
 
Không ít người chỉ vì nhìn thấy một số kẻ mạo danh Đạo Phật làm càn mà họ tìm cách tránh xa Đạo Phật vì sợ rằng đó là mê tin. Họ không thể giác ngộ được chân lý của đức Phật. Đáng thương hơn cả, khi họ cho rằng Phật giáo là những người theo Phật là những kẻ cuồng tín.

Họ phủ nhận những bậc chân tu, phỉ báng pháp Phật mà không biết rằng mình đang mắc tội lớn phỉ báng Phật pháp thuộc về “Ngũ vô gián tội”, nghĩa là năm tội bị đọa vào địa ngục A – tỳ, thuộc Vô gián địa ngục.
 
Thậm chí phỉ báng pháp Phật là ý nghiệp. Ý tưởng không thuận theo pháp của Phật, không y giáo phụng hành, đây thuộc về tâm cuồng ngạo, dẫn đến tội bất kính, bất kính thuộc về thân nghiệp. Từ một điều sơ suất là lời nói thôi mà ba nghiệp thân, khẩu, ý đều phạm phải.

Thực ra trong cuộc sống này, không chỉ không nên phỉ báng Phật Pháp mà còn là không nên chê trách, chế giễu bất cứ ai. Hãy nghĩ tới cảnh ai đó chê bai, chỉ trích ta thì ta cảm thấy khó chịu tới nhường nào, vậy nên đừng làm điều mình không muốn với người khác.

Việc đúng - sai không bao giờ rõ ràng vì một nửa sự thật không bao giờ là sự thật, thế nên khôn ngoan nhất là giữ thái độ trung lập trong mọi việc.
 
Khuyên rằng, phải tự thương lấy tương lai của mình, phải cố tránh những bước chân đi thẳng vào cảnh đọa lạc mà bị khổ đau, chịu tối tăm nhiều kiếp. Đừng nên để cái tội này trở nên quá lớn vì sự vô minh của chính mình.
 
Nếu lỡ phạm sai lầm hãy mau mau sám hối. Thành tâm sám hối, kiệt lòng sám hối chắc rằng vẫn còn kịp để chuộc tội.