(Lichngaytot.com) Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm được gọi là Tết Đoan Ngọ. Vậy chính xác thì Tết Đoan Ngọ 2018 rơi vào ngày nào dương lịch, hãy tìm hiểu cùng Lịch ngày tốt nhé.
Tết Đoan Ngọ 2018 là ngày nào dương lịch và âm lịch?
Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm được xem là ngày Tết Đoan Ngọ, hay Tết Đoan Dương. Đây là ngày Tết truyền thống ở 1 số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc… Ngày Tết này đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa dân gian phương Đông, được người dân tín ngưỡng và có những phong tục tập quán liên quan đến ngày Tết này.
Đoan nghĩa là mở đầu, còn Ngọ là giờ Ngọ, từ 11h sáng đến 1h chiều, Đoan Ngọ là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, gần trời đất nhất, trùng với ngày Hạ chí. Theo triết lý y học phương Đông thì đây là ngày dương khí trong trời đất cũng như trong cơ thể con người lên cực vượng.
Tết Đoan Ngọ 2018 rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm Mậu Tuất, tức ngày 18/6 dương lịch năm 2018. Các bạn hãy nhớ ngày Tết Đoan Ngọ 2018 diễn ra vào ngày nào để sắm biện lễ cúng cho phù hợp nhất, cũng nhớ làm 6 điều tích vận phúc trong ngày Tết Đoan Ngọ nhé.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Người Việt Nam thường gọi Tết Đoan Ngọ với 1 cái tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ. Đây được coi là ngày phát động toàn dân bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài côn trùng gây hại cho cây trồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ.
Tích xưa kể lại, năm nọ, khi vụ mùa xong xuôi, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa nhưng ai ngờ, sâu bọ năm ấy sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt, bao nhiêu trái cây, thực phẩm, hoa màu đã thu hoạch rồi cũng bị sâu bọ ăn hết.
Mọi người đang đau đầu chưa tìm ra cách tiêu diệt lũ sâu bọ đáng ghét đó thì có 1 ông lão từ xa đi đến tự xưng là Đôi Truân mới mách cho cách như sau. Mỗi nhà lập 1 đàn cúng đơn giản gồm bánh gio, trái cây rồi ra trước nhà mình vận động thể dục thể thao. Mọi người bán tín bán nghi nhưng vẫn làm theo, kì lạ thay, chỉ 1 lúc sau, sâu bọ lũ lượt lăn ra chết hết cả.
Ông dặn mọi người rằng ngày này hàng năm là lúc sâu bọ cực kì hung hăng, nhớ là năm nào cũng phải làm đúng như lời ông dặn thì tất không phải lo phiền. Dân làng biết ơn vô cùng, định cảm tạ thì thấy ông lão đã biến mất.
Kể từ đó, người ta gọi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là Tết diệt sâu bọ, cũng có người gọi là Tết Đoan Ngọ, vì lễ cúng thường được thực hiện vào giờ Ngọ trong ngày.
Ngoài ra thì trong văn hóa dân gian Việt Nam, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Từ xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao: “Tháng 5 ngày Tết Đoan Dương, Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang."
Còn ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ Việt Na, người dân gọi ngày này trong năm là ngày Vía Bà, tức Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ phụng trên núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh.
Riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp thì chẳng biết tự bao giờ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn được gọi với cái tên là ngày “nước quay”. Sở dĩ có tên gọi này là vì hàng năm cứ đến ngày này thì nước ở thượng nguồn đổ về sông Cửu Long, khiến cho nước sông mang màu đỏ đục, chở nặng phù sa, và điều đặc biệt hơn là tạo thành nhiều xoáy nước. Ngày này cũng được coi là ngày bắt đầu của mùa lũ trong năm, dân chúng nhắc nhở nhau nhanh chóng thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà cửa, tránh thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Tết Đoan Ngọ 2018 lại sắp đến, bạn đã biết mình phải chuẩn bị gì cho lễ cúng Tết Đoan Ngọ hay chưa?
An An