Trong 12 cái rằm của năm thì ngày rằm tháng giêng mang nhiều ý nghĩa hơn cả. Ngày này được gọi là lễ Thượng Nguyên, rằm tháng 7 là lễ Trung Nguyên và rằm tháng 10 là lễ Hạ Nguyên.
Theo quan niệm của Phật giáo thì ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng trần tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà cho nên số người đi chùa đông hơn. Đây còn là ngày vía thiên quan, người ta đến chùa dâng sao để giải hạn.
Thời xưa, ngày này là tết Thượng Nguyên hay Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị.
Dần dần những buổi họp mặt tương tự vào đêm rằm tháng giêng được các văn nhân thi sĩ tổ chức, không chỉ trong vườn thượng uyển với nghi lễ vua tôi mà ở nhiều nơi, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những vần thơ xướng họa, đối đáp phong phú và sinh động hơn. Tết Nguyên Tiêu là một sinh hoạt tao nhã mang nhiều ý nghĩa.
Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng... nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
Văn nhân thi sĩ, nhất là các cụ cao niên thì thưởng trăng thù tạc với nhau bằng chén trà, chung rượu, bàn cờ. Các cụ ăn uống ít, chỉ ngâm nga bàn tán những câu tâm đắc. Đúng như cái cảnh tuyệt vời thơ mộng của đêm Nguyên Tiêu:
Kỳ cục đả thanh phong giáp trận
Tửu hồ khuynh bạch tuyết hòa bôi
Dịch nghĩa là:
Chén hòa tuyết trắng nghiêng hồ rượu
Trận giáp phong thanh đánh cuộc cờ...
(Theo Nghi lễ thờ cúng của người Việt)