Tìm hồn văn hóa Việt trong những chiếc bánh Trung Thu độc lạ

Thứ Tư, 30/08/2017 10:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Theo phong tục của người Việt nói riêng và cư dân phương Đông nói chung, tết Trung Thu – Rằm tháng 8 có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, không thể thiếu những chiếc bánh trung thu vừa thơm ngon vừa đẹp mắt, chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa ẩm thực riêng của mỗi dân tộc.

 Tìm hồn văn hóa Việt trong những chiếc bánh Trung Thu độc lạ

1. Tết Trung Thu – Tết của tình thân

 
Nhắc tới những dịp lễ quan trọng của người phương Đông, không thể quên tết Trung Thu. Được tổ chức vào Rằm tháng 8 hàng năm – thời điểm được coi là mặt trăng đẹp nhất, sáng nhất, rực rỡ nhất cũng là thời điểm thu hoạch xong mùa màng, có thể nghỉ ngơi và vui chơi.
 
Trong lễ này, người Việt có truyền thống cúng tổ tiên và phá cỗ trông trăng, rước đèn lồng.

Mâm cơm cúng gia tiên không thể thiếu chiếc bánh trung thu được làm tỉ mỉ, khéo léo và những mâm cỗ trông trăng cũng thể thiếu hương vị ngọt ngào của loại bánh mỗi năm chỉ xuất hiện một lần này. Ngoài bánh trung thu còn có những thức quà không thể thiếu khác.

 
Xưa người Việt sẽ tổ chức hát trống quân trong dịp tết Trung Thu, trai gái hát đối đáp với nhau những bài thơ lục bát biến thể lưu truyền trong dân gian, vừa để làm vui không khí, vừa để kín đáo chọn người bạn đời ưng ý cho mình. Người lớn thưởng thức vẻ đẹp của trăng tròn tháng 8, ăn bánh uống trà còn riêng trẻ nhỏ sẽ có lễ rước đèn lồng, phá cỗ trông trăng.
 
Ngày nay, tục hát trống quân không còn xuất hiện nhiều nhưng tục phá cỗ trông trăng, ăn bánh ngắm trăng thì vẫn vẹn nguyên như xưa. Tết Trung Thu là dịp để những người thân trong gia đình, từ người lớn tới trẻ nhỏ được quây quần, gặp gỡ, cùng nhau trò chuyện và thưởng thức hương vị của những thức quà mùa thu. 
 
Phong tục này mang ý nghĩa nhân văn, gắn kết tình thân, gắn kết gia đình, thể hiện truyền thống trọng đạo nghĩa và trọng tình của người phương Đông. Đồng thời, đối với cư dân nông nghiệp – cư dân tôn thờ mặt trăng thì ngày lễ này còn là dịp tế bái Nguyệt thần, bày tỏ lòng biết ơn đối với thần linh và cầu cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu. 
 
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, ý nghĩa bái vọng thần linh đã ít nhiều bị phai mờ, thay vào đó người Việt chuyển sang cúng tổ tiên, thể hiện sự kết nối giữa những người đã khuất và hậu thế. Riêng ý nghĩa gắn kết gia đình thì dù qua bao nhiêu biến động thời cuộc vẫn vẹn nguyên giá trị.
 
Mỗi dịp Trung Thu, không kể người già trẻ nhỏ đều háo hức chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm để có một tối trông trăng rước đèn phá cỗ cùng những người thân yêu. Bởi thế, tết Trung Thu không chỉ là tết của trẻ nhỏ mà còn là tết của tình thân, của những giá trị bền vững giữa cuộc đời. Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung Thu sẽ tiếp tục được lưu giữ và phát huy ngay cả khi thời gian trôi chảy, dòng đời hối hả. 
 

2. Bánh trung thu – kết nối truyền thống và hiện đại


 
Cùng với những thay đổi của lịch sử, cùng với điều đã mất đi và những điều còn được giữ gìn của ngày lễ cổ truyền, chiếc bánh trung thu – biểu tượng ẩm thực nổi bật nhất của ngày Rằm tháng 8 cũng đã có rất nhiều đổi thay. Không chỉ có những kiểu dáng bánh truyền thống, những hương vị thân quen mà rất nhiều hương vị mới mẻ với phong cách thể hiện tươi mới xuất hiện.
 
Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa phương Đông và phương Tây cho thấy giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Giá trị cốt lõi của dân tộc hòa chung với không khí sôi động của thời cuộc ngay trong từng chiếc bánh nhỏ xinh.
 
Cùng xem một số hình ảnh bánh trung thu độc đáo dưới đây nhé.

 
Bánh trung thu với nhiều màu sắc, hương vị, hình dáng bắt mắt.

 
Cầu kì, tinh tế với những mẫu bánh trang trí hoa văn mang đậm không khí Trung Thu.

 
Hình thức, khuôn mẫu bánh truyền thống nhưng được biến tấu về màu sắc và hương vị.

 
Những mẫu bánh trang trí đẹp mắt và dễ thương như thế này rất thu hút thị hiếu của khách hàng, nhất là các em nhỏ.


Thái Vân