Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Top 10 khoản nên "đầu tư" dài hạn không tốn tiền cho con trước 10 tuổi

Thứ Hai, 12/06/2023 17:13 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cha mẹ nên xem xét những điều quan trọng cha mẹ nên dạy con trước 10 tuổi để đầu tư vào tương lai của con mình đúng hướng.

Quan niệm xưa cũ là cố gắng làm lụng vất vả nhằm có gia tài để lại cho con cháu nhưng cuối cùng thì thứ tốt nhất để lại cho con đó là những thứ không liên quan quá nhiều tiền bạc. Sau đây là những điều quan trọng cha mẹ nên dạy con trước 10 tuổi để chuẩn bị cho chúng một tương lai vững vàng.

Những điều này sẽ hỗ trợ và đảm bảo các con có những kỹ năng cần thiết để hoạt động và phát triển trong tương lai, giúp chúng sẵn sàng cho việc đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.

1.  Dạy con yêu thương chính mình

 
Có thể bạn không biết những người tiêu cực, nói dối, chê bai cuộc đời bất hạnh của mình,... cũng chỉ vì họ chối bỏ bản thân, không yêu thương chính mình. Những người này nếu may mắn thành công trong sự nghiệp thì cũng không bao giờ có được hạnh phúc đích thực.

Thế nên vấn đề cảm xúc đôi khi còn quan trọng hơn cả vấn đề tri thức. Trong khi đó, hầu hết chúng ta chỉ tập trung "đầu tư" cho con về kiến thức, bỏ nhiều tiền mong con học thêm thật nhiều để con giỏi giang, được điểm cao.

Hướng dẫn con đúng hướng về mặt cảm xúc mới là điều quan trọng, từ đó giúp con biết yêu thương lấy chính mình ngay từ khi còn nhỏ thì lớn lên chúng mới tự tin, lạc quan, mạnh mẽ và quyết đoán.
 
Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên nói yêu con, khen ngợi con mỗi khi con làm việc tốt. Những đứa trẻ rất nhạy cảm với lời khen ngợi: con đặc biệt, con đáng quý… 

Điều này sẽ giúp con xây dựng sự tự tin, lòng can đảm và những cảm xúc tích cực về bản thân sẽ theo con suốt cuộc đời. Và chỉ khi con biết yêu thương chính mình thì con mới có có thể trao đi yêu thương đúng cách. 

dieu quan trong cha me nen day con truoc 10 tuoi

Top những điều quan trọng cha mẹ nên dạy con trước 10 tuổi

2. Biết đặt câu hỏi để khai thác sâu vấn đề


Phương thức học tập hiện nay của chúng ta vẫn còn rất thụ động, không tạo cơ hội để cho các con có thể tự đặt câu hỏi với những gì đang diễn ra xung quanh mình. Vì thế, ở nhà bố mẹ nên chú ý việc này bằng cách thường xuyên gợi ý các câu hỏi: "Tại sao lại như thế?", "Tại sao ta nên làm như vậy?"... để kích thích trẻ chủ động suy nghĩ.

Ngay khi có một sự việc nào đó diễn ra hay là khi cùng con đi ra đường hãy khuyến khích con đặt câu hỏi về các tình huống và giúp trẻ nhanh chóng tiếp thu và hứng thú tìm hiểu với mọi thứ.

Không nên vì con hay hỏi mà gạt đi hoặc tảng lờ không muốn trả lời chúng. Với những câu hỏi khó, bố mẹ không có câu trả lời thì thẳng thắn thừa nhận bố mẹ không biết và cùng con tìm hiểu thêm. Hãy trở thành bạn đồng hành để cùng con phát triển tư duy chủ động và bắt nhịp tốt với môi trường xung quanh.

3. Dạy con biết nói KHÔNG 

  
Bên cạnh nói cảm ơn, xin lỗi thì nói KHÔNG cũng rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Cha mẹ cần cảnh báo con những nguy hiểm đang rình rập nếu chấp nhận đề nghị từ người lạ khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ.

Ví dụ như người lớn hay yêu cầu trẻ ôm hay thơm má, nhưng nếu con không thích thì có thể nói KHÔNG. Nếu để con tiếp xúc với người khác ngay cả khi chúng không muốn, trẻ nguy cơ không biết mình có quyền từ chối khi bị lạm dụng. 

Dạy trẻ cách nói KHÔNG là một trong những điều quan trọng cha mẹ nên dạy con trước 10 tuổi. Có như thế, con mới có thể thể hiện được mong muốn, nhu cầu bản thân. Tuy nhiên, cha mẹ cần dạy con từ chối người khác một cách lịch sự, tế nhị, không khiến cả hai bên rơi vào tình cảnh xấu hổ.
 

4. Chấp nhận những sai lầm của trẻ

 
Học từ sai lầm là hành trình suốt đời của mỗi người, thế nên vai trò của bố mẹ đó là hướng dẫn con đối diện và học hỏi từ nó thay vì chỉ trích hay chê bai mỗi khi con phạm lỗi.
 
Thay vì trách phạt hay cảm thấy tồi tệ mỗi khi con mắc lỗi thì chỉ cho con thấy sai lầm của chúng xuất phát từ đâu, lý do tại sao không nên làm như vậy và rút ra bài học cho mình. 

Đừng cho rằng trẻ quá nhỏ không biết gì nên để mặc chúng trong khi đó trẻ rất cần sự hướng dẫn cụ thể của người lớn. Trẻ từ 3 tuổi được xem là đủ lớn để suy luận, hiểu đâu là điều mình không được làm.
 

5. Dạy con có trách nhiệm với tiền bạc


Kỹ năng tài chính là một kỹ năng mềm rất quan trọng trong cuộc sống nhưng hầu hết chúng ta đều lo lắng và cố gắng tránh né điều này với các con. Thế nhưng nếu bọn trẻ không được bố mẹ trang bị một số kiến thức cơ bản về tài chính, khi được thả lỏng trong thế giới thực, chúng sẽ dễ có quyết định sai lầm về tiền bạc do không được tập dượt từ trước.

Tùy độ tuổi mà mức độ nói về tiền bạc khác nhau và đừng quên cho trẻ một khoản tiền để chi tiêu khi con học lớp 3 đến lớp 5, bên cạnh đó tạo cho con thói quen về việc tiết kiệm. Hãy coi đây là một khoản đầu tư dài hạn cho con và các thế hệ tương lai.

Điều này vừa giúp con làm quen với chi tiêu một cách lành mạnh, vừa giúp con biết quý trọng sức lao động của bản thân mình.

Con có thể phạm sai lầm khi vừa cho tiền đã tiêu hết sạch nhưng đó là trải nghiệm cần thiết để chúng biết rằng những sai lầm dù nhỏ cũng phải lãnh hậu quả. 

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhất là tiền bạc ngay từ nhỏ quan trọng nhưng lại bị các bậc phụ huynh bỏ quên. Khi hiểu rõ giá trị của đồng tiền từ sớm thì khi lớn lên chúng sẽ ý thức hơn trong việc chi tiêu. 

Dạy con biết cách tự lập: Có nên cho con biết sớm về chuyện tiền bạc của gia đình?
Để con trở thành thiên tài là điều gì đó quá xa xôi, nhưng việc dạy con biết cách tự lập là việc thiết thực, nên làm, do đó các bậc phụ huynh nhất định không 

6. Dạy con giá trị lao động bằng cách làm việc nhà


Từ việc dọn đồ chơi gọn gàng, mang đồ ra máy giặt, lau dọn bàn sau khi ăn, dọn giường,... là những công việc đơn giản hàng ngày, nằm trong khả năng của trẻ đều cần bố mẹ hướng dẫn và để con tự làm.

Thông qua các công việc tay chân này sẽ giúp trẻ thấu hiểu các bài học cuộc sống. Điều quan trọng là bố mẹ thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen để chúng hứng thú hơn với việc này.

Ví dụ như việc bé tự giác soạn quần áo, sách vở, sắp xếp chăn gối khi thức dậy... Hãy dành một lời khen để động viên cũng như khuyến khích bé tiếp tục duy trì thói quen tốt ấy. 
 
Nếu có thể, bố mẹ cân nhắc để con tham gia vào các dự án và nỗ lực của cộng đồng địa phương nhằm bảo vệ môi trường.
 
Bằng cách đó, con sẽ học được rằng đó là trách nhiệm rộng lớn hơn. 
 

7. Tạo thói quen đọc sách


Lợi ích của đọc sách khá rõ ràng mà đọc sách đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tất cả chúng ta vì thế nếu có thể tạo cho con niềm hứng thú với sách từ sớm là rất quan trọng.

Khi chúng ta tạo cho con niềm yêu thích với sách thì con sẽ chủ động hơn với thói quen này - thói quen của người thành công.

Ngoài đọc sách ra, hãy cố gắng thiết lập cho con những thói quen tốt khác như ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và năng động. Điều đó có nghĩa là giúp con tránh xa các thiết bị công nghệ để dành thời gian cho hoạt động khác bổ ích hơn mỗi ngày.

8. Giải thích khi ngăn con không làm việc gì


Thói quen theo bản năng của chúng ta khi không muốn con làm việc gì thì chỉ ra lệnh: "Không được lại gần đó", "Không được chạy", "Không được ăn món đó"... 

Thay vì cấm đoán trẻ hết việc này đến việc khác, bạn nên giải thích lý do trẻ không nên làm vậy. Thay vì nói “Đừng chạy nhanh" thì nên nói "Đi chậm lại vì mẹ không muốn con ngã đau". Hoặc thay vì “Đừng chạm vào thứ đó” hãy nói “Chạm vào đó con sẽ bị thương, rất đau”.
 
Lần sau, bố mẹ lưu ý giải thích cho con hiểu tại sao việc đó lại không đúng, tại sao con không nên làm như vậy... để con hiểu vấn đề mà lưu ý, nếu không chúng chỉ cảm thấy khó chịu vì bị cấm đoán, không nhận được lời giải thích.  
 
Bo me nen ton trong cam xuc cua con
 

9. Để ý tới thứ con học thay vì điểm số 

 
Áp lực học hành và điểm số khiến không ít đứa trẻ đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu chỉ tập trung vào điểm số thì chúng càng dễ trở nên gian dối bằng việc quay cóp, chép bài… Thế nên bố mẹ đừng đặt thêm kỳ vọng lên đôi vai bé nhỏ của chúng bằng các mức điểm cao. 

Thực tế trong cuộc sống của bố mẹ thì không phải ai điểm cao lúc đi học cũng là người thành công. Những bậc phụ huynh vì thế nên ghi nhận quá trình nỗ lực của trẻ để khen ngợi hay động viên con. 

Bố mẹ nên hỏi con học được gì mỗi ngày đến trường thay vì chăm chăm xem điểm của con và tìm cách trách mắng khi không đạt được kỳ vọng của mình.

10. Dạy con lắng nghe bản năng

 
Nếu con cảm thấy lo lắng, sợ hãi điều gì thay vì chê bai thì nên tôn trọng cảm xúc này của chúng. Việc này hỗ trợ con lắng nghe bản năng, để chúng nhanh chóng nhận diện có điều gì bất ổn, hay không an toàn để tìm cách bảo vệ mình.

Với vai trò là người bố, người mẹ hãy dạy trẻ cách tin tưởng bản năng của mình và khích lệ rằng điều đó là hoàn toàn bình thường.

Nhất là khi con trai của bạn khóc, không nên nói là: "Con trai không được khóc" hay "Khóc là yếu đuối". Con dù là giới tính nào cũng có quyền được thể hiện cảm xúc của mình, hãy cho con cơ hội để cảm thấy buồn chán, sống thực với cảm xúc. Đây cũng là một cách chắc chắn để khiến não hoạt động tích cực và khơi nguồn sáng tạo.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X