Mùa là gì, các mùa trong năm Xuân, Hạ, Thu, Đông được tính ra sao?

Thứ Ba, 24/09/2024 09:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mùa là gì? Các mùa trong năm được phân chia như thế nào, chúng có đặc điểm thời tiết khác nhau ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Mùa là gì?

 
Mùa là sự phân chia các khoảng thời gian trong năm, dựa trên sự thay đổi chung nhất theo chu kỳ của thời tiết, sinh thái và số giờ ánh sáng ban ngày trong một khu vực nhất định.
 
 
Các mùa trong năm xuất hiện luân phiên nhau là do độ nghiêng 23.5 của trục Trái Đất so với mặt phẳng quỹ đạo quanh Mặt Trời. Độ nghiêng này khiến lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống các khu vực khác nhau trên Trái Đất thay đổi theo từng thời điểm trong năm. 
 
Trong cùng một khoảng thời gian, khi Bắc bán cầu nghiêng về phía Mặt Trời, nó sẽ nhận được nhiều ánh sáng và nhiệt lượng hơn, dẫn đến mùa hè. Lúc này, Nam bán cầu sẽ chìm trong mùa đông. Sau 6 tháng, khi Trái Đất di chuyển đến phía bên kia của Mặt Trời, tình hình sẽ đảo ngược, Bắc bán cầu là mùa đông và Nam bán cầu là mùa hè.
 
Ngoài ra, khoảng cách thay đổi giữa Trái Đất và Mặt Trời trong quá trình di chuyển cũng góp phần tạo nên sự khác biệt về nhiệt độ giữa các mùa. Tuy nhiên, yếu tố này không quan trọng bằng độ nghiêng của trục Trái Đất.
 

2. Một năm gồm mấy mùa?

 

2.1 Sự phân chia các mùa trong năm trên thế giới


Ở những khu vực khác nhau trên Trái Đất, các mùa cũng được phân chia khác nhau.
  • Trong các khu vực ôn đới và vùng cực nói chung có bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu và đông. 
  • Trong một số khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, người ta có thể chỉ chia thành hai mùa là mùa mưa và mùa khô, chủ yếu là do lượng mưa có sự thay đổi đáng kể hơn so với nhiệt độ. 
  • Trong khi đó, cũng ở vùng nhiệt đới nhưng một số khu vực khác, người ta lại chia thành ba mùa: mùa nóng, mùa mưa và mùa lạnh. 
  • Ở một số khu vực khác trên thế giới, các "mùa" đặc biệt được định nghĩa một cách khá lỏng lẻo dựa theo các sự kiện tự nhiên như mùa bão, mùa lốc xoáy, hay mùa cháy rừng.
 
 

2.2 Các mùa trong năm ở Việt Nam

 
Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến, có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh trong năm, tổng bức xạ lớn, cán cân bức xạ luôn dương và nền nhiệt cao, khí hậu mang đặc trưng chính của khí hậu nhiệt đới.
 
Tuy nhiên, do nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa nên chỉ nửa phần phía Nam là mang tính chất của khí hậu nhiệt đới khá rõ nét, còn nửa phía Bắc có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa và có mùa đông lạnh. 
 
Vì vậy, đối với các tỉnh miền Bắc, thời tiết trong năm có sự thay đổi khá lớn, một năm có thể chia thành 4 mùa là xuân, hạ, thu đông. Đối với các tỉnh miền Nam, khí hậu biến động ít hơn, một năm thường được phân ra 2 mùa là mùa mưa và mùa khô.
 
Xét theo yếu tố lượng mưa, có thể phân khu vực miền núi mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; khu vực ven biển mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4.
 
Còn nếu phân chia các mùa theo các hiện tượng thiên tai thì có thể phân thành mùa mưa lũ từ tháng 8 đến tháng 11 và mùa mưa ít từ tháng 12 đến tháng 7.
 

3. Cách tính 4 mùa trong năm

 

3.1 Mùa thiên văn

 
Mùa thiên văn được tính theo chuyển động biểu kiến của Mặt Trời và được tính chung cho cả bán cầu, mỗi năm có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Lưu ý, cách phân chia này phù hợp hơn với vùng ôn đới. 
 
Thời gian các mùa ở bán cầu Bắc được phân chia như sau:
  • Mùa xuân từ 21/3 đến 22/6.
  • Mùa hạ từ 22/6 đến 23/9.
  • Mùa thu từ 23/9 đến 22/12.
  • Mùa đông từ 22/12 đến 21/3.
Thời gian các mùa ở bán cầu Nam phân chia như sau:
  • Mùa xuân từ 23/9 đến 22/12 
  • Mùa hạ từ 22/12 đến 21/3 
  • Mùa thu từ 21/3 đến 22/6 
  • Mùa đông từ 22/6 đến 23/9 
 

3.2 Mùa theo tiết khí

 
Tiết khí chính là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Tiết khí được sử dụng trong công tác lập lịch thời xưa ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. 
 
Mỗi mùa theo tiết khí có đặc trưng khí hậu, thời tiết riêng nên thường được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp. Thời điểm bắt đầu các mùa được tính từ ngày bắt đầu các tiết:
  • Mùa xuân bắt đầu từ ngày Lập Xuân 4/2 đến 6/5.
  • Mùa hạ bắt đầu từ ngày Lập Hạ 6/5 đến 8/8.
  • Mùa thu bắt đầu từ ngày Lập Thu 8/8 đến 7/11.
  • Mùa đông bắt đầu từ ngày Lập Đông 7/11 đến 4/2. 
Các mốc thời gian nói trên tùy từng năm có thể lệch 1 ngày. Xem thêm: 24 tiết khí trong năm.
 

3.3 Mùa theo khí tượng

 
Đối với Việt Nam, chính xác hơn là miền Bắc nước ta thì mùa khí tượng thường được tính như sau: 
  • Mùa đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau
  • Mùa xuân từ tháng 3 đến tháng 5
  • Mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8 
  • Mùa thu từ tháng 9 đến tháng 11.
Một số tài liệu còn phân mùa theo tháng dương lịch, cứ 3 tháng tính một mùa. Cụ thể:
  • Mùa xuân từ tháng 1 - 3
  • Mùa hạ từ tháng 4 - 6
  • Mùa thu từ tháng 7 - 9 
  • Mùa đông từ tháng 10 - 12.
Ví dụ, căn cứ vào sự phân chia ở trên thì bây giờ là mùa gì? Tháng 9 dương lịch nên ở miền Bắc nước ta đang là mùa thu.
 

4. Đặc điểm của 4 mùa ở Việt Nam

 

4.1 Mùa xuân

 
 
Mùa xuân nằm ở giữa mùa hè và mùa đông nên không quá nóng như mùa hè nhưng cũng không quá lạnh như mùa đông. Mặc dù nhận được nhiều ánh sáng và lượng nhiệt cao nhưng do lượng nhiệt này có vai trò làm ấm bầu khí quyển nên ta không cảm thấy oi bức mà khá ấm ấp, dễ chịu.
 
Ở thời điểm này, nhiệt độ thường dao động trong khoảng 20 độ, đi kèm với những cơn mưa phùn nhẹ, vạn vật bắt đầu hồi sinh sau những ngày đông giá rét, bắt đầu cho một chu kỳ sinh trưởng mới nên rất lý tưởng cho việc trồng trọt của người nông dân. Nhiều loài động vật cũng thức dậy sau một giấc ngủ dài và chim di cư cũng bắt đầu trở về.
 
Đây cũng là thời gian của nhiều lễ hội mà nổi bật nhất là tết Nguyên đán. Mọi người tất bật chuẩn bị mua sắm đồ dùng đón Tết và sum vầy bên gia đình.

Xem thêm: Điều kiêng kị khi kết hôn vào mùa xuân.
 

4.2 Mùa hạ

 
 
Đây là thời điểm nóng nhất trong năm, thời tiết oi bức, thường có nắng gắt vào ban ngày và có hiện tượng ngày dài đêm ngắn.
 
Cây cối nhận được thời gian chiếu sáng kéo dài cùng với những cơn mưa rào mùa hạ nên sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ. Nhiều loại cây trồng, cây tự nhiên đơm hoa, kết trái. 
 
Theo quan niệm của người làm nông, đây là thời điểm mùa thu hoạch sắp đến, nếu chăm sóc, bảo vệ tốt cho mùa màng thì thường có một vụ mùa bội thu.
 
Tuy nhiên mùa hè nhiệt độ nóng ẩm, mưa nhiều cũng khiến cho các loài sâu bọ, côn trùng, vi sinh hoạt động mạnh, phá hoại hoa màu cây trồng nên cần phải có những biện pháp bảo vệ phù hợp.
 
Thời tiết nóng nực cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người, vì vậy cần bổ sung nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, ăn ít dầu mỡ và chú ý trang phục khi hoạt động ngoài trời để tránh tình trạng say nắng, mất nước… 
 

4.3 Mùa thu

 
 
Bước sang mùa thu, thời tiết không còn oi bức, nóng nực, ngột ngạt như mùa hè nữa, thay vào đó là sự mát mẻ, dễ chịu nhưng cũng không quá lạnh lẽo, rét buốt như mùa đông. Dấu hiệu nhận biết mùa thu dễ nhất là sáng sớm sẽ xuất hiện sương mù nhẹ, buổi tối se se lạnh. 
 
Lúc này, nhiều loài cây cối không hoạt động mạnh nữa mà bắt đầu bước sang giai đoạn nhân rộng nòi giống. Chúng cũng rụng lá và chuẩn bị bước vào thời kì ngủ đông.
 
Nhiều loại cây lương thực, ngũ cốc cũng đã chín vàng, đợi thu hoạch và người nông dân sẽ chính thức bước vào thời kỳ bận rộn của một mùa thu hoạch.
 
Các loài chim bắt đầu di cư, một số loài chuẩn bị cho mùa đông. Với con người, đây là mùa có nhiều loài hoa nở rộ, tiết trời mát mẻ, thích hợp cho những chuyến cắm trại, vãn cảnh, tham gia lễ hội…
 

4.4 Mùa đông

 
 
Đây là thời điểm tiết trời lạnh giá nhất trong năm, ở miền Bắc Việt Nam, nhiệt độ hạ xuống dao động trong khoảng 15 độ, ánh nắng từ Mặt Trời gần như không có, ở vùng cao thường hay xảy ra hiện tượng tuyết, sương muối.
 
Với đặc điểm thời tiết khô khan, lạnh giá, các loài thực vật duy trì sự sống bằng cách hạn chế tối đa sự thoát hơi nước, thậm chí có nhiều loài cây cỏ bị chết khô hoặc úa vàng, chỉ còn phần gốc sót lại. Đây là thời điểm cây cối ủ ấm cho các mầm lộc của mình để sẵn sàng nảy lộc vào mùa xuân.
 
Lúc này, nhiều loài động vật hay côn trùng cũng chìm vào thời kì ngủ đông, các loài chim cũng di cư đến những vùng ấm hơn. Hoạt động của con người cũng có xu hướng giảm, khi ra ngoài cần mặc ấm, che chắn cẩn thận để tránh bị cảm lạnh. 

Xem các bài viết khác: