Thảm án Bình Phước và lời cảnh tỉnh về lòng tham của con người

Thứ Hai, 21/12/2015 09:16 (GMT+07)

Vụ thảm án Bình Phước được xét xử tuần vừa qua lại một lần nữa khiến dư luận sôi sục. Và thêm một lần nữa, tội ác và lòng tham của con người được mang ra bàn luận. Giữa cuộc sống bộn bề, dường như nhiều người đã quên đi lời Phật dạy từ bỏ lòng tham.

Lịch ngày tốt gửi đến quý độc giả kho: Danh ngôn cuộc sống, những lời hay ý đẹp đáng suy ngẫm

Cách đây 6 tháng, cả nước rúng động khi hay tin gia đình 6 người bị chết thảm dưới tay kẻ thủ ác. Vụ án trở thành tâm điểm chú ý bởi tính chất tàn độc và dã man. Và càng đáng lưu ý hơn, khi hung thủ chính là người yêu của cô con gái trong gia đình. Dù vì tình hay vì tiền thì lòng tham của một con người đã khiến cả một gia đình bỏ mạng, khiến một đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi phải mồ côi, khiến hai thanh niên đầy sức trẻ phải vướng vào vòng lao lý.
Không cần bàn thêm về độ hiểm ác của hung thủ trong vụ án, không cần tranh luận thêm về bản án tử hình dành cho đối tượng là xứng đáng hay quá nặng, chúng ta chỉ bàn tới lòng tham của con người qua thảm án Bình Phước. Khi lòng tham trỗi dậy, dường như lý trí, nhân tính và tình người đều phải lùi lại một bước.
Nhu cầu của con người về vật chất, về nâng cao cuộc sống là hoàn toàn tự nhiên và chính đáng. Nhưng muốn ăn mà không muốn làm, muốn hưởng thụ mà không chịu lao động, muốn chiếm của người khác thành cái của mình thì không còn là nhu cầu nữa mà đã trở thành dục vọng, lòng tham. Nếu ai cũng biết chế ngự lòng tham, làm việc siêng năng để đạt được thứ mình muốn, nếu ai cũng hiểu rằng, chỉ có lao động chân chính mới tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, thì chắc chắn rằng những vụ án đau lòng như ở Bình Phước sẽ không bao giờ có cơ hội xảy ra.
Muốn biết bản chất cuộc đời, hãy nghe lời Phật dạy
Đức Phật bàn về bản chất cuộc đời chỉ bằng 3 luận đề, ngắn gọn, súc tích và sâu sắc.
Phật dạy từ bỏ lòng tham rằng: “Người biết đủ dù nằm trên đất cũng thấy an lạc, con người không biết đủ dù được ở thiên đường cũng không vừa ý”. Vậy mới nói, tội ác không bắt nguồn từ con người, tội ác khởi đầu từ dục vọng. Trong kinh Đại Khố Uấn, Đức Phật đã chỉ rõ chiến tranh, xung đột hay các tệ nạn xã hội khác của con người xảy ra là do lòng tham dục. Lòng tham càng lớn thì ý niệm càng mạnh, hành động càng nghiệt ngã. Đó là động cơ, là bàn đạp và là cội rễ của mọi thói hư tật xấu, mọi tội ác trên đời.
Người ta trộm cướp, đánh nhau, giết người, chiến tranh, buôn ma túy, tham nhũng,… đều bởi lòng tham, lòng tham vật chất, lòng tham quyền lực, lòng tham danh vọng. Tham, sân, si là nguồn gốc mọi phiền não của con người nên Phật chỉ đường thoát khổ, chỉ có cách buông bỏ, kiềm chế dục vọng.
Những ham muốn chỉ đẩy con người khỏi giới hạn an toàn, lấn sâu vào tội lỗi. Tham ăn, tham uống, tham tiền, tham bạc, tham hưởng thụ, sẽ giết chết bản ngã thiện lương, thay bằng con người toan tính. Chỉ nghĩ tới lòng tham thì sẽ thành nô lệ cho nó.
Bằng lòng với thứ mình đang có, thanh nhàn với nếp sống giản dị và cố gắng nhiều hơn cho tương lai. Muốn sống hạnh phúc hơn, tự bản thân ta phải biết buông bỏ. Sống lành mạnh, thanh thản, trân trọng từng giây từng phút, sống để yêu thương, lấy nhu cầu làm mục tiêu, lấy phấn đấu làm lẽ sống.
Vụ thảm án Bình Phước một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội về lối sống vật chất, chạy đua theo giá trị đồng tiền mà bỏ quên tất cả. Và cũng là lời nhắc nhở tới những người làm cha làm mẹ, những nhà giáo dục trong việc vun đắp tâm hồn, sự nhân văn cho trẻ. Trước khi trở thành một công dân, một người thành đạt hay bất cứ ai, hãy dạy cho trẻ trở thành một con người, một con người văn minh, với lòng nhân ái và sự tử tế.
Theo Blogphatgiao


Xem Clip Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời con người