Phật dạy: Bố thí mù quáng là cách tổn hại PHƯỚC BÁO nhanh nhất – Rất nhiều người vẫn phạm phải hàng ngày

Thứ Năm, 27/07/2023 08:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phật dạy chớ nên bố thí mù quáng, bởi những hành động tưởng như tốt đời đẹp đạo đó khi không được thực hiện đúng cách chẳng những không được phước mà còn mang tội, phá hủy công đức cả đời gây dựng.


1. Bố thí là gì?

 
 
Bố thí vốn là một từ Hán Việt, trong tiếng Pali là “caga”, tiếng Phạn là “dana”. Âm Hán Việt hay đọc là “đàn-na”. Vì vậy những người hay làm những việc bố thí thì hay được gọi là những “đàn-na” (thí chủ).
 
Từ này diễn tả ý nghĩa của lòng rộng lượng, sự hào hiệp, sự giúp đỡ, sự cho đi. Bố thí là một trong ba “mảng” quan trọng để làm những việc công đức bao gồm bố thí, giới hạnh và thiền tập.
 
Giải thích theo từng chữ: “bố” tức là đem rải, bày ra; “thí” tức là đem cho, đưa cho người khác. Kết hợp lại ta có thể hiểu được rằng đem những tài sản của mình kiếm được để trao đi và gửi tặng người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Động từ “Bố thí” còn là phương tiện tự thân của chúng ta giúp đỡ người khác an lạc hơn, sống tốt đẹp hơn. Trong đạo Phật đó là một hành động tốt, cần được phát huy và lan tỏa trong cuộc sống của chúng ta.
 
Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường nghe tới câu nói “của cho không bằng cách cho” – và mọi người thường hiểu lầm rằng cách cho bố thí thường hiểu theo nghĩa khinh bỉ, tạm bợ. Nhưng thực chất trong đạo Phật chữ bố thí lại mang một ý nghĩa tốt đẹp.
 
Bố thí là hạnh nguyện đầu tiên và nền tảng để một người bước vào con đường bước vào giác ngộ và tu tập. Bởi lẽ đây là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều thực hiện được một cách dễ dàng.
 
Bố thí là đem cho đi với một tâm thế tốt nhất hướng đến những điều thiện lành với ba hình thức: Tài thí, pháp thí và vô úy thí. Cho đi không chỉ là cho đi về vật chất, của cải lương thực mà còn là sự động viên về tinh thần về hành động.
 
Nhìn chung thì có 3 dạng bố thí mà chúng ta có thể phân loại như sau:
 
- Bố thí hay giúp đỡ cho những người khó khăn, như người nghèo, trẻ mồ côi, người già bị bỏ rơi, người bệnh không ai chăm sóc (tâm thần, tàn tật, mù lòa...), người bị thiên tai, bị đại nạn, bị ruồng bỏ...
 
- Bố thí hay giúp đỡ cho những người  thân, bạn bè, hàng xóm,
 
- Bố thí cho những người đáng kính như ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi, thầy cô. Bố thí hay cúng dường cho những người đáng cúng dường như những bậc chân tu, thánh nhân, Tăng Ni, cư sĩ làm việc công đức...
 

2. Phật dạy chớ nên bố thí mù quáng

 
 
Trong cuộc sống, chúng ta có thể dùng phần dư dả của mình đem cho những người cần giúp đỡ hơn, điều này thật đáng khâm phục, chính vì tình yêu thương này mà thế giới trở nên ấm áp. Tuy nhiên, Đức Phật dạy chúng ta dù là bố thí cũng phải kết hợp với trí tuệ, nếu không rất dễ đi sai hướng, chẳng những không tích được phước mà còn tổn hại phước, bởi cách bố thí vô tội vạ như vậy là mù quáng.
 
Thực tế cho thấy có không ít người vô tình làm ra việc xấu với ý định tốt của bản thân. Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
 
Có một ông lão ngủ dưới gốc cây, bỗng có mấy đứa trẻ con chạy tới, nghịch ngợm ném gạch đá lên người ông. Khi tỉnh dậy, ông lão thấy là một đám trẻ con, không hề giận dữ hay quát nạt, chẳng những không trách mắng mà còn cho mỗi đứa vài đồng tiền, bảo chúng đi mua đồ ăn.
 
Sau một thời gian, có một tên lưu manh cũng đến ngủ dưới gốc cây này, chính những đứa trẻ trước đó đã tiếp tục trò nghịch ngợm, ném đá lên người tên này. Tên lưu manh bị làm phiền nên bật tỉnh dậy, tức giận đánh cho đám trẻ một trận, đánh rất mạnh tay và hung ác.
 
Câu chuyện này khiến chúng ta phải suy nghĩ, lòng tốt của ông lão ban đầu là để tha thứ, nhưng cuối cùng lại phải trả giá bằng mạng sống của người khác, vì những đứa trẻ đó không nhận được "hình phạt" xứng đáng, chúng không những không rút ra được bài học mà còn thấy được lợi nên lần sau vẫn tiếp diễn hành động nghịch ngợm của mình. Có lẽ khi ném đá lần hai, điều bọn chúng nghĩ trong lòng có thể chỉ là xin người đang ngủ này vài đồng xu, không ngờ lại có thể gây ra đại họa.
 
Vì vậy, lòng tốt không phải lúc nào cũng “được thiện báo”. Đức Phật luôn hướng con người tới những điều thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh, nhưng Ngài cũng dạy rằng làm việc thiện phải có trí tuệ, không thể làm một cách mù quáng hay bố thí một cách mù quáng.
 
Cũng giống như một người có tiền muốn gửi tiết kiệm thì phải so sánh mức độ tín nhiệm của các ngân hàng lớn, mức lãi suất, có bảo đảm gì không, v.v., kiểm tra kỹ lưỡng mọi khía cạnh trước khi quyết định.
 
Khi chúng ta dùng tiền bạc để bố thí, hay làm những việc thiện khác, chúng ta cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, đối với một người hay một sự việc, chúng ta phải xem xét nó từ nhiều khía cạnh, chứ không phải là lòng thương hại và lòng bác ái mù quáng. Những hành động vô tri dù có xuất phát từ lòng tốt cũng có khả năng khuyến khích cái ác.
 
Ngày xửa ngày xưa, có một phú ông rất tốt bụng và rộng rãi, ông ta không bao giờ từ chối bất cứ ai đến xin ăn, điều này khiến ông ta trở nên nổi tiếng.
 
Một ngày nọ, một người ăn xin ở vùng khác đã nghĩ sẽ chỉ đến nhà phú ông này để xin ăn thay vì mỗi ngày đi nơi khác, khoa trương hơn là hắn cảm thấy mỗi ngày cứ đi đi lại lại để đến đây quá phiền phức, cho nên mới dựng một túp lều tranh cách nhà phú ông không xa, sinh hoạt ngay ở đó, sống một cuộc sống rất thoải mái và không bị gò bó.
 
Ban đầu phú ông không biết điều này, nhưng sau khi người quản gia nói với ông, ông kiên quyết không bố thí cho anh ta nữa. Bởi vì bố thí như vậy chỉ có thể khuyến khích sự lười biếng của anh ta, nó không có ý nghĩa hay giúp ích gì cho anh ta.
 
Vì vậy, làm từ thiện phải có sự chọn lọc và trí tuệ. Vậy thế nào là lòng từ thiện thực sự? Có tiêu chuẩn nào để đánh giá không?
 
Thực tế, theo giáo lý nhà Phật, bản chất của hành động bố thí đúng cách là "Làm lợi cho người là tốt; làm lợi cho mình là ác."
 
Tiêu chí để đánh giá thiện và ác là ai được lợi trong vấn đề này. Chỉ cần có lợi cho người thì dù đánh chửi cũng tốt. Nếu vì những ham muốn ích kỷ của bản thân, vì lợi ích của bản thân mà coi thường người khác, thì dù có tôn trọng, lễ phép với người khác đến đâu cũng bị coi là ác.
 
Tất nhiên, bố thí cũng vậy, cho người khác được lợi nhiều hơn cho mình, bố thí bao nhiêu cũng là xứng đáng. Đó giống như một bó than củi giữa trời đông lạnh giá, giúp người khác giải tỏa những nhu cầu cấp bách của họ. Ngay cả một đóng góp nhỏ cũng có thể được coi là một lòng tốt lớn.
 
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm việc tốt xuất phát từ lợi ích của người khác. Nhiều người làm việc thiện không phải vì thực sự muốn tốt cho người khác, mà vì muốn trấn an bản thân, mong cầu làm thế có thể gặt hái phước lành, cầu danh lợi, mong tai họa và quả báo không đến với mình. Những suy nghĩ và hành vi như vậy thật lố bịch. Bởi vậy Phật dạy chớ nên bố thí mù quáng.
 
Nếu lời nói và việc làm phù hợp với chuẩn mực đạo đức, hành vi trong sáng, thì sao phải lo “quả báo” và “ma quỷ” gõ cửa? Muốn gặt hái phước lành thì phải thành tâm nghĩ đến người khác, thật sự đem lợi ích cho người khác, không phải làm cho mình, xuất phát từ chính cái “tâm” của chính mình.

Xem thêm: Lợi ích bố thí, cúng dường: Ý nghĩa hơn điều ta vẫn hiểu nhầm
 

3. Những hành động bố thí sai cách

 
Như chúng ta đã biết là bố thí sẽ mang lại phước báo thiện lành tốt đẹp trong hiện tại và mai sau. Tuy nhiên, ngoài việc mong cầu phước báo để có đời sống ổn định, bố thí còn là một phương pháp tu buông xả để chuyển hóa lòng tham lam ích kỷ và hẹp hòi.
 
Bố thí hay cúng dường là hành động làm phước thiện, theo luật nhân quả, nó là điều kiện thiết yếu để ta tiêu trừ đau khổ, chuyển hóa nghèo cùng khốn đốn, không còn sợ nghèo đói và vượt qua nỗi bất an sợ hãi trong cuộc đời. Nó giống như mũi tên chỉ đường, để ta không còn bị lầm đường lạc lối.
 
Theo tuệ giác Thế Tôn, nếu chúng ta bố thí có điều kiện thì gặt được phước báo có giới hạn trong chừng mực nào đó. Nhưng nếu chúng ta bố thí vô tâm, không toan tính, bố thí một cách không có chủ đích là ta đã biết tu phước và tu huệ rồi đó.
 
Chính vì thế, tu tập bố thí muốn đạt được lợi ích lớn và kết quả lớn về hai mặt vật chất lẫn tinh thần thì tâm phải rộng lớn, không mong cầu, bởi chỉ có vô tâm mới đạt được công đức, phước báo vô lượng vô biên mà thôi.
 
Thực tế ở đời có nhiều sự cho đi nhưng không phải trường hợp nào cũng được ngợi khen và có phước đức. Như cho người phương tiện làm ác, cho người sự chết chóc, cho người sự bất an, cho người sự say đắm sắc dục, cho người sự mê tín và lệ thuộc thần linh thì chẳng những không được phước mà còn mang tội.
 
Theo lời Phật dạy, có 5 hành động bố thí sai cách mà bất cứ ai cũng nên tránh phạm phải trong cuộc đời này để không làm tổn hại phước báu của bản thân:
 
- Đem hung khí cho người:
 
Thật rõ ràng, đem hung khí hay vũ khí nói chung cho người thì không được phước. Đặc biệt, đối với người hung hăng, thiếu kiềm chế hay chưa đủ chín chắn mà có được hung khí thì sẽ trở thành mối nguy to cho cả xã hội.
 
- Đem chất độc cho người:
 
Đem chất độc cho người, dù gián tiếp hay trực tiếp cũng tạo ra sự tổn hại. Chỉ riêng việc vì lợi nhuận mà cố tình gây ô nhiễm thực phẩm ngày nay cũng đã gây tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội.
 
Ngoài các chất độc đúng như nghĩa đen của nó, còn có những độc tố về tinh thần, về quan niệm sống, về cách ứng xử đã và đang đầu độc giới trẻ khiến đời sống đạo đức càng thêm xuống cấp.
 
- Đem tai họa cho người:
 
Lòng tốt không được sử dụng đúng cách sẽ rất dễ trở thành tai họa cho người được nhận.
 
Mọi người thường cho rằng giúp đỡ người ăn xin, đó là cách thể hiện tình người trong cuộc sống. Thật ra, với người nghèo khổ, chúng ta có thể giúp họ một vài lần, nhưng không thể nào giúp họ suốt cuộc đời, ngoại trừ những người bại liệt hoặc bệnh tật trầm kha.
 
Bất đắc dĩ lắm, người nghèo khổ mới đi ăn xin, vì họ không có nghề nghiệp chính đáng hoặc quan niệm sai lầm. Có khi ăn xin là một nghề để kiếm sống nhẹ nhàng hơn những nghề khác, mà lại có nhiều tiền. Mà đã gọi là nghề ăn xin thì người ta phải dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thu hút người cho, chính vì vậy mà họ có thể làm tổn thương tấm lòng tốt của nhiều nhà hảo tâm.
 
Nhiều người đã coi ăn xin là một nghề, họ ngồi không mà xin tiền, vì họ cho rằng nghề này dễ kiếm sống và ít mệt nhọc hơn. Có lẽ, đó chỉ là một sự biện hộ cho sự lười biếng của họ mà thôi.
 
- Đem lòng tham dục cho người:
 
Đem mỹ nữ cho người sẽ khiến cho tham ái và phóng dật tăng thêm. Người say đắm sắc dục quá độ khí huyết sẽ suy hao, sức khỏe và trí lực sa sút, bị sắc đẹp mê hoặc nên dễ làm điều phi pháp. 
 
- Đem sự mê tín cho người:
 
Hành động gieo rắc sự mê tín, trầm mê trong những ảo tưởng thần linh cũng được cho là hành động bố thí sai cách. Không ít người lợi dụng tâm lý để tạo dựng các am miếu thờ cúng quỷ thần, việc làm này không có phước. Vì sao?
 
Việc thờ phụng này sẽ khiến cho người ta có khuynh hướng ỷ lại, cầu cạnh quỷ thần ban phúc giáng họa, sa đà vào mê tín dị đoan mà không lo chuyển hóa nghiệp lực của chính mình, không có sự cố gắng làm ăn chân chính.
 

4. Phật dạy bố thí đúng cách

 
 
Bố thí đúng cách theo lời Phật dạy gồm 3 loại chính đó là Tài thí, Pháp thí và Vô uý thí. Mỗi loại sẽ mang những ý nghĩa và đặc điểm riêng biệt.
 

- Bố thí TÀI

 
Chữ tài trong Tài thí (āmisa-dāna)được hiểu đó là tài sản, thiên về vật chất. Do vậy Tài thí chính là việc bố thí về mặt vật chất, tặng trao và chia sẻ tài sản, bao gồm tiền bạc, của cải, vật thực phẩm, y phục, thuốc men, chỗ nghỉ cho Tăng, đúc chuông, chú tượng, xây dựng liêu thất, tịnh xá, trường Phật học, chùa cảnh, bảo tháp và các công tác từ thiện xã hội…
 
Bố thí Tài và được phân thành bố thí nội tài và bố thí ngoại tài:
 
Bố thí nội tài là những tài sản trong thân thể của con người chẳng hạn như mắt, mũi, tay, chân miệng hay thậm chí là cả mạng sống.
 
Bố thí ngoại tài ý chỉ các tài sản và vật chất ở bên ngoài thân thể đó là tiền bạc, các loại thực phẩm, các loại vật dụng cần thiết cho cuộc sống.
 
Bố thí tài vật có tác dụng nhiếp hóa người khác, còn gọi là nhiếp hóa bằng tài vật (āmisa-saṅgāha), tức là giúp đỡ, khuyến khích và hướng dẫn người khác bằng việc tặng trao tài sản.
 
Cụ thể là giúp đỡ và cứu trợ những người đang đối diện với khó khăn, đói nghèo, bệnh tật, tai ương và hoạn nạn. Nhờ vào tấm lòng rộng rãi, bao dung và bi mẫn đó, chúng ta có thể giúp đỡ, khuyến khích và cảm hóa được những người khác.
 

- Bố thí PHÁP

 
Nếu như Tài thí sẽ giúp cho con người giảm bớt đi sự thiếu thốn liên quan tới vấn đề vật chất ở một thời gian nhất định hoặc nhiều nhất là sự cứu giúp cả đời người thì Pháp thí sẽ mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần.
 
Bố thí Pháp (dhamma-dāna) là việc trao và chia sẻ Pháp, có nghĩa rộng lớn như: giảng bài pháp, dạy thiền, truyền bá giáo pháp, tặng kinh sách, in ấn sách, hỗ trợ người khác trong việc tu tập và hành đạo…
 
Bố thí Pháp có tác dụng nhiếp hóa người khác, còn được gọi là nhiếp hóa chúng sinh với sự giúp đỡ của pháp “dhamma-saṅgāha”, có nghĩa là giúp đỡ, khuyến khích và hướng dẫn người khác bằng pháp để tiếp tục phát triển và tiến hóa.
 
Pháp có nhiều cấp độ, nhiều ý nghĩa và nhiều hình thức thể hiện, bao gồm lời nói chân thật, hiền hòa, mềm mỏng… làm người khác cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc.
 
Sự an ủi, khuyến khích và hỗ trợ tinh thần cũng là một hình thức của bố thí Pháp. Tuy nhiên, cao hơn tất cả là việc giảng bài pháp phù hợp với căn cơ và trình độ của người được hướng dẫn, giúp họ tiến hóa và cảm thấy vui vẻ hơn.
 
Đôi khi, chỉ cần sống đạo, sống thiền giản dị, hiền hòa, tươi vui và mát mẻ cũng có thể giúp nhiếp phục người khác, được gọi là thân giáo. Tất cả đều có thể được gọi là nhiếp phục bởi pháp.
 

- Bố thí VÔ ÚY

 
Vô úy thí là hình thức bố thí mà không có sự sợ hãi, bằng cách sử dụng lời nói an ủi và khuyên bảo, giúp người khác vượt qua những nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an trước những khó khăn, tai ương, hoạn nạn và tuyệt vọng.
 
Khi nhỏ con người thường sợ rất nhiều điều như sự ma quỷ, sợ bị ăn đòn roi, sợ bị cha mẹ, người lớn la rầy. Tới khi lớn lên lại sợ cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, sợ không có được công danh, sự nghiệp, sợ không có con cái… Khi về già lại sợ ốm, sợ đau, sợ chết sợ bị con cái ruồng bỏ…
 
Con người sẽ trải qua biết bao nhiêu là nỗi sợ, hết nỗi sợ này lại tới những nỗi sợ khác. Điều này sẽ làm cho cuộc sống của họ đã khổ nay lại càng thêm khổ hơn cũng chỉ do chữ sợ. Vì vậy việc làm cho con người hết đi nỗi sợ đó là một việc làm thiện và đã giúp cho họ bớt đi được rất nhiều điều khổ đau ở trong kiếp sống.
 
Đức Phật có lòng từ bi vô lượng không nỡ nhìn thấy chúng sinh phải khổ sở. Vì vậy phép Vô uý thí cũng từ đó đã xuất hiện. Những người tu hạnh Vô uý thí sẽ sẵn sàng liều mình để cứu giúp cho người khác. Chẳng hạn như nhìn thấy người nào đó sắp chết chìm họ sẵn sàng liều mình nhảy xuống nước để cứu vớt, thấy người trong đám lửa sẵn sàng nhảy vào để cứu họ.
 
Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy rất rõ:
 
“Nếu gặp kẻ hết sức nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm ngọng, kẻ điếc ngây đui mù, gặp những hạng người thân thể không được vẹn toàn như thế, các vị quốc vương, đại thần đó muốn bố thí, nếu có thể đủ tâm từ bi lớn, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị quốc vương, đại thần đó đặng phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật vậy”.
 
Đức Phật xem việc bố thí cho người nghèo túng tật nguyền kia công đức sánh ngang với công đức cúng dường cho một trăm hằng hà sa chư Phật, đủ thấy Đức Phật đề cao hạnh bố thí như thế nào rồi.
 
Ở địa vị cao như các vị quốc vương, đại thần, Đức Phật dạy rõ như thế. Còn với chúng ta, thử xét xem mình đã có đủ tâm từ bi lớn chưa, có lòng vui vẻ tự hạ mình chưa, có tự mình đem cho hay kêu gọi người đem cho chưa, có lời lẽ ôn hoà dịu dàng an ủi người hay chưa?
 
Từ thiện hay bố thí cứ theo đúng những điều Phật dạy thì không sai lệch pháp và được nhiều lợi lạc. Nếu bố thí với tâm chấp thủ thì được phước báo hữu lậu. Nếu bố thí với tâm vô cầu, vô chấp thì được phước báo vô lậu.
 
Hạnh bố thí cứ cho đi với thiện tâm thì sẽ tái sinh và vào cõi phúc lành khiến chúng ta ít đau khổ trong những kiếp sống sau này. Bố thí đúng mực sẽ thành duyên, tạo điều kiện phát triển giới đạo đức, tâm ta sẽ sinh thiện bớt đi đau khổ, chấm dứt mọi muộn phiền.
 
Chúng ta cần phải giữ được tâm của mình luôn hướng tới những người được bố thí. Tốt nhất đừng nên đặt mình ở thế ngạo mạn, không kính, bố thí mà nhờ người người làm hoặc quăng những vật đó, không hề nghĩ tới những kết quả tốt đẹp thì cũng sẽ không thành được phước lành.
 
Người biết làm việc thiện, thích bố thí, thích cúng dường từ thiện sẽ có được phước báu, tài sản đầy đủ, thần sắc xinh đẹp và diện mạo đoan trang. Tính cách theo đó cũng dễ chịu, chư thiên cũng sẽ hoan hỷ và tiếng lành đồn xa, người người ngưỡng mộ.
 
Thế gian vô thường có rất nhiều điều xung quanh chúng ta cần phải cân nhắc, phải giao tâm tốt đẹp đúng nơi đúng chỗ để xây dựng phước báu cho mình. Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về lời Phật dạy chớ nên bố thí mù quáng là gì?
 
Thực hiện đúng hạnh bố thí để đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, đem đến nhiều hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn tức là bạn đã tự gieo trồng phước báu cho bản thân ở kiếp này và nhiều kiếp sau.