Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Bạn đã chuẩn bị những gì cho cái chết - Nghĩ tiêu cực để sống tích cực hơn

Thứ Sáu, 01/12/2017 09:05 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chuẩn bị những gì cho cái chết nghe có vẻ mù quáng nhưng đó là việc vô cùng thiết thực, đó là khi chúng ta hiểu rằng chết không có nghĩa là hết và không còn sợ hãi cái chết nữa.
 
Ta phải chuẩn bị những gì cho cái chết? Thật ra thì chuẩn bị cho cái chết lại có nghĩa là phải tập sống thế nào để tạo ra cho kiếp nhân sinh này được tốt đẹp hơn và để kiếp sau sẽ tái sinh trong những hoàn cảnh hạnh phúc hơn. 
 

Vì sao chúng ta chết


Câu trả lời thật là đơn giản: chỉ vì người ta đã được sinh ra!
 
Chúng sẽ phải chết bởi vì chúng ta là những hiện tượng cấu hợp, tạo ra từ sự kết hợp của nhiều thành phần, sự kết hợp ấy liên hệ đến một số nguyên nhân và điều kiện nào đó.

Trong từng giây phút một, các cấu hợp biến đổi không ngừng, và các biến đổi ấy một lúc nào đó sẽ kết thúc bằng một hiện tượng mà người ta gọi là cái chết. 
 
Chúng ta không thể làm gì khác hơn là phải chết bởi vì chúng ta đã được sinh ra. Như vậy đối với Phật giáo thì sinh đươc định nghĩa như thế nào? Sinh có nghĩa là giây phút xảy ra thụ thai: đó là lúc hai tế bào của cha và của mẹ kết hợp lại và đồng thời thâm nhập vào đó một dòng tiếp nối liên tục tâm thần hay tri thức. Tóm lại thụ thai hay sự sinh xảy ra khi dòng tiếp nối liên tục tâm thần thâm nhập vào sự kết hợp giữa hai tế bào của cha và của mẹ.
 
Đấy là căn bản sơ khởi tạo ra một cá thể. Cái cá thể ấy lại tiếp tục biến dạng, lớn lên và phát triển thêm. Nhờ vào cơ sở vật chất dòng tiếp nối liên tục của tri thức cũng phát triển theo để đảm trách những sinh hoạt ngày càng phức tạp hơn. 
 
Đấy là gì mà người ta gọi là sự sống, nó tương ứng với khoảng thời gian mà dòng tiếp nối liên tục tâm thần còn sử dụng một cơ sở vật chất để chuyển tải nó. Cõi âm theo góc nhìn đạo Phật hoàn toàn theo nghiệp lực của chính chúng ta tạo nên mà thôi, không ai có thể thay đổi.
 
Phai chuan bi nhung gi cho cai chet
 
Tuy nhiên các thành phần vật chất cũng là những cấu hợp, vì thế không những chúng biến đổi trong từng giây phút một mà chúng còn phải gánh chịu hiện tượng già nua và hao mòn. Sau một khoảng thời gian nào đó có thể dài hay ngắn thì các thành phần kết hợp lúc thụ thai sau khi đã phát triển trong suốt cuộc sống sẽ bắt đầu suy thoái. 
 
Các thành phần vật chất suy thoái dần và khả năng chuyển tải dòng tiếp nối liên tục tâm thần của chúng cũng theo đó mà suy giảm đi. Dòng tiếp nối liên tục tâm thần vì thế cũng trở nên "thu hẹp" hơn và mất đi một số tính năng, và các tính năng này cũng sẽ tiếp tục tan biến dần. 
 
Cuối cùng thì đến một lúc nào đó cơ sở vật chất sẽ suy thoái đến độ không còn đủ sức chuyển tải dòng tiếp nối liên tục tâm thần nữa. Dòng tiếp nối tâm thần bắt buộc phải rời bỏ cơ sở vật chất của nó, và chính vào thời điểm ấy thì cái chết sẽ đến với sự sống hiện tại này.
 
Vậy thì cái chết là sự tách rời giữa tri thức (hay dòng tiếp nối liên tục tâm thần) và cơ sở vật chất. Theo quan điểm Phật giáo nói về tái sinh thì dòng tiếp nối liên tục đó không chấm dứt. Dù nó không thể tiếp tục lưu trú trong cơ sở vật chất thô thiển nữa nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại. Tùy theo trường hợp, nó có thể chuyển sang một thể dạng trung gian gọi là bardo (trung ấm) hay là không. 
 
Dầu sao đi nữa thì nó sẽ hướng vào một sự tái sinh mới. Nó hướng vào một cơ sở vật chất mới, thâm nhập vào đấy và làm phát sinh ra một sự thụ thai mới, tức là điểm khởi đầu của một cuộc sống mới. 
 
Cuộc sống mới ấy sẽ kéo dài một thời gian nào đó và rồi cũng sẽ chấm dứt, và cứ tiếp tục như thế. Người ta gọi đấy là chu kỳ của những sự hiện hữu phát sinh do điều kiện, nghĩa là do nghiệp mà ra. 
 
Thật ra thì những gì xui khiến dòng tiếp nối liên tục của tri thức hướng vào một cơ sở vật chất cá biệt nào đó không tùy thuộc vào quyết tâm của một cá thể - ít ra thì đây cũng là trường hợp của những cá thể bình thường - mà duy nhất do sự tác động của nghiệp mà cá thể ấy đã tích lũy từ trước.
 
Chỉ có dòng tiếp nối liên tục tâm thần là tồn tại và những gì mà nó có thể mang theo là những vết hằn (của nghiệp) đã in sâu vào nó. Những gì tiếp tục tồn tại và kéo dài từ kiếp sống này sang kiếp sống khác trên dòng liên tục tâm thần chính là nghiệp của chúng ta.

Dù đấy là nghiệp tốt hay nghiệp xấu thì cũng đều gom lại thành một tổng hợp các vết hằn hay là các tiềm năng hay xu hướng mà dòng tiếp nối tâm thần sẽ mang theo với nó. 
 
Nếu ai chưa hiểu nghiệp là gì thì cũng xin giải thích thêm đấy là những xu hướng tích tụ trên dòng tiếp nối liên tục tâm thần. Những xu hướng ấy mang tính cách "tích cực" khi chúng có khả năng mang lại những giác cảm hạnh phúc, những cảm nhận về hạnh phúc. Ngược lại thì những nghiệp "tiêu cực" là những vết hằn hay những tiềm năng lắng đọng trong tâm thức mà chúng sẽ mang lại những cảm nhận khổ đau.
 

Chuẩn bị những gì cho cái chết

 
Không cần bắt buộc phải là một người Phật giáo mà chỉ cần tin có sự tái sinh thì cũng đủ để hiểu rằng cái chết không phải là một sự chấm dứt vĩnh viễn vì sau đó sẽ còn phải hướng vào một sự tái sinh mới, và trong trường hợp đó thì bất cứ ai cũng đều hiểu rằng cái thể dạng tâm thức cuối cùng đúng vào lúc sắp chết sẽ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. 
 
Nếu vào giây phút đó ta tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức tốt thì nó sẽ giúp ta hướng vào một sự tái sinh thuận lợi.
 
Nói một cách khác là ta phải làm thế nào để gợi lên cho ta một thể dạng tâm thức lợi ích đúng vào lúc mà ta sắp chết. Bất cứ ai cũng có thể là một người tốt được, dù cho họ theo một tín ngưỡng nào cũng vậy. Dù đứng trên quan điểm nào thì bất cứ ai cũng đều có thể tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức đầy yêu thương và từ bi hay đức tin vào lúc hấp hối. 
 
Vay doi voi Phat giao thi y nghia cua tinh thuong la gi
 
Vậy đối với Phật giáo thì ý nghĩa của tình thương là gì ? Tình thương hiểu theo Phật giáo là mong cầu hạnh phúc cho người khác. 
 
Ngoài ra cũng không nên quên rằng chúng ta phải làm sao để thể dạng tâm thức lợi ích đó được hiển hiện khi mà chúng ta vẫn còn thì giờ, tức là không nên chờ đợi đến giây phút chót khi quá trình của cái chết đã bắt đầu xảy ra. 
 
Cái chết sẽ xảy ra khi cơ sở vật chất trở nên quá suy yếu hoặc rơi vào một tình trạng quá tệ hại không còn đủ sức chuyển tải được tâm thức nữa. Tuy nhiên thì trước đó cũng sẽ qua một giai đoạn mà cơ sở vật chất trở nên suy thoái thật nặng nề và tâm thức không còn sử dụng được các khả năng của nó một cách bình thường như trước, thì trong tình trạng đó tâm thức sẽ rơi vào một trạng thái trung hòa (mê man). 
 
Vì thế phải hành động ngay để tạo ra một thể dạng tâm thức tích cực và lợi ích trước khi nó rơi vào tình trạng trung hòa mới có thể tác động và ảnh hưởng đến tình trạng tâm thức trung hòa khi đã gần kề cái chết. Thể dạng tâm thức lợi ích sẽ giúp tăng cường thêm sức mạnh cho các nghiệp tích cực và cũng từ đó sẽ hướng vào một sự tái sinh thuận lợi. 
 
Đó là kết quả mang lại từ một sự chuẩn bị thật lâu dài, có nghĩa là từ khi mà ta còn đang khoẻ mạnh. Không phải chờ đến lúc hấp hối ta mới bắt đầu tập thương yêu người khác và làm hiển hiện lên trong ta lòng từ bi. 
 
Tình thương và lòng từ bi chỉ có thể hiển hiện lên trong lúc nguy kịch khi mà chúng đã được thấm nhuần từ trước bằng những cố gắng lâu dài. Nói một cách khác là ta nên tập luyện ngay bây giờ để quen dần với thể dạng tâm thức đó dù đấy là tình thương yêu, lòng từ bi, đạo đức, hay đức tin cũng thế. Phải tập thế nào để tất cả những thứ ấy trở thành thói quen và chúng sẽ tự động hiển hiện lên vào giây phút mà ta sắp ra đi.
 
Phải chọn lựa một thể dạng thích hợp nhất với bản tính của mình để làm hiển hiện ra trong tâm thức - chẳng hạn như tình nhân ái, tình thương yêu người khác,… phải luyện tập thường xuyên để giúp chúng ngày càng vững mạnh hơn.

Tập như thế cho đến khi nào thể dạng tâm thức đó trở thành một phản ứng tự nhiên và đột phát khi ta phải bất thần đối đầu với những tình huống đang xảy ra. Ta có thể tập luyện để phát huy tâm thức ấy, dù cho trên thực tế ta không thể giúp đỡ người khác một cách cụ thể đi nữa. 
 
Chỉ cần tạo được thói quen trong tâm thức luôn luôn nghĩ đến người khác, lúc nào cũng cảm thấy gần gũi với người khác và trực tiếp liên đới với hạnh phúc của người khác. Như thế đến khi hấp hối thì những ý nghĩ và xúc cảm đó sẽ hiển hiện lên một cách tự nhiên trong tâm thức ta.
 
luon san sang cho cai chet dang den
 
Không phải cứ chuyên cần tập luyện theo các giờ giấc đều đặn trong ngày là đủ mà đúng hơn phải cố gắng hơn thế nữa để theo dõi tư duy hiển hiện ra trong tâm thức mình vào bất cứ lúc nào. 
 
Chúng ta không nói một cách mất kiểm soát, nếu khi nào đã đủ sức phân loại được tư duy nào là tốt, xấu hay trung hòa, thì cũng nhân đó mà so sánh tỷ lệ xuất hiện của chúng trong đầu ta ra sao để xác định xem ta có xu hướng tốt một cách tự nhiên, hay ngược lại ta chỉ là một người có xu hướng xấu hoặc trung hòa. 
 
Sau khi xác định được như thế ta phải cố cảnh giác trong từng giây phút một trong cuộc sống để chủ động tâm thức mình, kiểm soát những tư duy của mình.
 
Nếu nhận biết được như thế thì dần dần về sau chúng ta cũng sẽ không phát ra những ngôn từ thuộc vào loại đó nữa, tức là những ngôn từ bề ngoài không nhất thiết là xấu, nhưng bên trong thì lại tiềm ẩn những ý đồ tiêu cực.
 
Khi đã quen với sự cảnh giác để luôn luôn tự hỏi chủ đích của mình là gì, thì đến một lúc nào đó ta sẽ có thể chủ động hoàn toàn được tâm thức của mình và cả những hành động phát sinh từ thân xác của mình nữa. 
 
Nói một cách khác, để trả lời cho câu hỏi chuẩn bị những gì cho cái chết thì ngay lúc này trong cuộc sống thường nhật ta cũng nên bắt đầu tập cho quen dần với các thể dạng tâm thức lợi ích, và các thể dạng lợi ích ấy cũng sẽ mang lại cho ta nhiều điều cải thiện trong cuộc sống hằng ngày của ta. 
 
Ta nên sống như thế nào để đến lúc lâm chung thì thể dạng tâm thức thuận lợi sẽ đến với ta một cách tự nhiên. Nếu không đủ sức tạo cho mình một cuộc sống như thế, thì ít ra cũng cố tránh không để cho tâm thức bị dao động và tràn ngập bởi sự giận dữ hay bám víu. 
 
Một tâm thức an bình sẽ trợ giúp cho ta hay cho bất cứ ai trong giây phút hấp hối. Vì thế, khi đang ở cạnh người sắp ra đi thì ta phải tránh tất cả những gì có thể làm cho người ấy bị rối loạn hay dao động tức là tránh tạo ra cho họ một thể dạng tâm thức tiêu cực. 
 
Cố gắng giúp họ tạo ra một thể dạng tâm thức lợi ích và tích cực. Ta cũng phải cẩn thận trong từng cử chỉ, phải chú ý đến sự dịu dàng trong từng lời nói để cho người hấp hối vững tâm. Không nên tỏ ra bồn chồn hay khóc lóc, không nên nói lớn tiếng, cũng không nên lay người hấp hối. 
 
Tóm lại, tất cả chúng ta đều ước mong đạt được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Vậy nếu muốn thực hiện được điều đó thì phải tìm hiểu chính mình, theo dõi được những gì đang diễn biến trong tâm thức của mình.  

Nguyệt Minh

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X