Lời Phật dạy về Ngũ dục: Hết sức thận trọng, không cần ép buộc lìa bỏ thái quá

Thứ Hai, 18/10/2021 10:54 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ta có thể nhận ra mối nguy tiềm tàng qua lời Phật dạy về Ngũ dục. Từ đó, chúng ta mới có thể tỉnh táo nhận định tình hình cũng như nhận ra cảnh báo về những "cái bẫy" trong cuộc sống mà không phải ai cũng biết.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Ngũ dục là gì?

 
Cuộc sống ở thế gian này, ai cũng có những mong cầu riêng, nhưng thứ chúng ta dễ sa đà nhất mà cứ tưởng nó chẳng có gì là sai trái đó là ham muốn giàu có, sắc đẹp, tiếng thơm, ăn ngon, được ngủ nghỉ thoải mái...
 
Từ đó, Đức Phật đã đúc rút ra Ngũ dục thể hiện 5 sự ham muốn của một chúng sinh như sau:
 
1. Tài dục: Tham lam nhiều tiền bạc, của cải, mê đắm vật chất.
 
2. Sắc dục: Chìm đắm trong nhan sắc, tình cảm.
 
3. Danh dục: Tham lam có quyền chức, địa vị, danh tiếng. 
 
4. Thực dục: Tham lam trong ăn uống, thích món ăn phải là cao lương mỹ vị.
 
5. Thùy dục: Tham muốn được ngủ nghỉ nhiều.
 
Trong Kinh Di Giáo, lời Phật dạy về Ngũ dục như sau: "Tỳ Kheo các ông! Đã có thể an trụ trong giới rồi, phải biết kiềm chế ngũ căn chẳng để buông lung theo ngũ dục. Thí như người chăn trâu, cầm roi nhìn nó, chẳng cho phạm vào lúa mạ người, nếu chúng ta để ngũ căn tức mắt tai mũi lưỡi thân chạy theo ngũ dục sẽ gây tai hại rất nặng, cũng như ngựa chứng chẳng dùng dây cương chế ngự, chính nó sẽ đưa ta sa vào hầm hố, chông gai…"

Do đó, những ai tham lam muốn có nhiều điều trên được xem là một trong số kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn theo lời Phật dạy, luôn tự rước lấy đau khổ vào người lúc nào không hay cũng chỉ vì niềm vui chóng vánh, nhất thời.
 
 

2. Tác hại của ngũ dục

 
Đức Phật nhắc tới ngũ dục trong rất nhiều bản kinh là có lý do của nó. Ngài luôn muốn nhắc nhở các hàng đệ tử phải cẩn trọng vì đó là năm đối tượng con người thường tiếp xúc mỗi ngày. Do đó, phải có sự tỉnh táo nhất định để nhận diện và có thái độ thận trọng với chúng.

Tuy nhiên, Ngài cũng không đến nỗi cực đoan bắt chúng ta phải đoạn trừ ngũ dục một cách thái quá, như thế là đi ngược lại với các giá trị sống, không đưa đến an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh.
 

2.1. Tài dục


Đây là ham muốn của hầu hết chúng ta, thế nên không ít người đã dành cả đời để đuổi theo tiền bạc, mong thu được nhiều của cải, tài sản nhiều nhất có thể về mình. Trong khi đó, tiêu chuẩn về giàu có là vô cùng, vô tận, kẻ có trăm tỷ lại muốn có nghìn tỷ, người giàu lại muốn được giàu thêm, họ chưa bao giờ biết điểm dừng là gì.

Đáng buồn nhất là cảnh anh em, vợ chồng, con cái và bố mẹ tranh chấp nhau về tiền bạc, nhà cửa,... gây không ít tổn thất về tinh thần và thậm chí còn gây ra những án mạng đau lòng.

Cuối cùng, con người cũng hại nhau vì chữ tiền mà họ quên đi rằng cuộc sống này vô thường, tiền bạc có chất thành núi, nhà cửa lộng lẫy như lâu đài hay tài sản rải khắp năm Châu,... cũng chẳng mang theo được khi ta qua đời.

Thế nên, ở thế gian này, hãy biết lượng sức mình, mặc cho người ta theo đuổi nhà cao cửa rộng còn mình chỉ cần an vui, tự tại trong cuộc sống hiện tại với những gì mình có là đủ. Dù sao nơi ở thoải mái và tiện lợi thì được rồi, vậy tại sao phải bận tâm với việc phải ở lầu sang, gác tía?

Đó là chưa kể đến việc nếu ta giàu có dễ bị ghen ghét, làm hại, cuối cùng, sự thoải mái về vật chất đủ đầy không tạo nên hạnh phúc hay sự mãn nguyện. Sống thoải mái về mọi phương diện vật chất là điều tốt, nhưng cảm nhận được bình yên, hạnh phúc mới là lý tưởng sống lâu dài.

Điều này không có nghĩa là bỏ hết công việc hay tham vọng đi, như thế cuộc sống rất buồn chán, thay vào đó là thái độ cầu thị trong việc mình làm, thực hiện việc gì cũng bằng tâm, đức của mình chứ không phải vì tham lam mà vơ vét của cải người khác về mình.
 

2.2. Sắc dục


Có quá nhiều lời cảnh báo mối nguy về sắc dục khiến tan cửa nát nhà, sự nghiệp tiêu tan,... thế nhưng đâu phải ai cũng đủ tỉnh táo vì bản năng trong con người chế ngự, kiểm soát khiến cho không ít người sa vào lầm lỡ, có muốn hối hận cũng đã muộn màng.

Những mỹ nữ từ cổ kim đều ẩn tàng tai họa, thế nên trong bộ chữ của người Tàu: Trên đầu chữ “Sắc” là chữ Dao. Thực tế là từ xưa đến nay, không thể đếm xuể biết bao nhiêu anh hùng gục trước ải mỹ nhân mà thân bại danh liệt, nước mất nhà tan.

Thực ra tình cảm là điều thiêng liêng, tình yêu bản chất vốn không xấu xa tội lỗi, ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc trong đời sống lứa đôi. Thế nhưng khi ta lại có xu hướng muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, ích kỷ sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế, mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì vô cùng hung ác.

Chúng ta nên thủy chung một chồng một vợ, không được dan díu và quan hệ bất chính với vợ/chồng người khác. Ngoại tình là nguyên nhân dẫn đến ghen tuông vô cớ và phá hoại hạnh phúc không biết bao nhiêu gia đình.

Nên hiểu rằng, phàm là con người dễ bị dục vọng dẫn dụ, vì thế ta dễ rơi vào vòng tội lỗi trong gang tấc. Ta chỉ còn cách tránh xa các tác nhân khiến mình dễ khởi tâm xấu và không quên tự nhắc nhở bản thân mỗi ngày tìm cách bận rộn với công việc, tránh nhàn cư vi bất thiện.
 

2.3. Danh dục 


Không ít người có tiền hay không cũng không quan trọng với họ bằng việc có danh vọng. Thế nên mới có câu: Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông.

Không ít người vì lý do này mà họ dùng tiền, tình đổi lấy chút danh vọng nhằm được người đời kính ngưỡng. Nhưng ai đâu ngờ khi có được điều đó rồi họ cũng không thấy thỏa mãn vì sự ngưỡng vọng đó hoàn toàn là giả tạo.

Chính họ cũng sớm nhận ra người đến với mình cũng chỉ vì nịnh bợ, mưu cầu lợi ích cá nhân cho họ, chẳng ai chân thành. Điều này cứ thế lặp đi lặp lại khiến ta có lúc còn cảm thấy chán ghét bản thân, thấy mình không xứng đáng,... Danh thơm tiếng tốt tưởng là hay nhưng cuối cùng lại là chiếc dây trói vô hình khiến họ không được sống thực với chính mình, trở thành con rối trong mắt mọi người.
 
 

2.4. Thực dục


Chắc chắn không ít người phản biện rằng: Sống ở trên đời ai chẳng muốn ăn ngon, mặc đẹp, đến cả việc có nhu cầu ăn cao lương mỹ vị làm niềm vui cũng không được thỏa mãn thì còn gì là thưởng thức cuộc sống nữa chứ?

Thế nhưng trong lời Phật dạy về Ngũ dục cũng nhắc tới chuyện ăn uống cho thấy việc này hết sức quan trọng. Đối với thức ăn vật chất, Đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể.

Thực ra ăn tham vô độ khiến ta tự rước bệnh vào thân mà thôi, nhất là những món ăn nhiều chất tưởng là đồ bổ béo nhưng lại lắm tác dụng phụ, gây ra sự dư thừa chất không cần thiết cho cơ thể và đây chính là mầm mống gây ra bệnh tật.

Thế nên, muốn sống thọ thì phải điều chỉnh chế độ ăn cho vừa đủ chứ không phải là tham nhiều.
 

2.5. Thùy dục


Tạm hiểu là ta muốn ngủ, nghỉ nhiều cũng có nghĩa là lười nhác, luôn muốn được nhàn thân, không phải làm gì cả. Thực ra đây là nhu cầu cơ bản của tất thảy chúng sinh nhưng nếu sa đà quá thì không tốt, ta tự biến mình thành kẻ vô dụng lúc nào không hay.

Chính những tỷ phú thế giới từng tiết lộ rằng nếu họ được lười thì họ cũng chỉ muốn ăn ngủ và không muốn làm gì. Thế nên mỗi ngày họ vẫn phải tìm lại động lực, mục tiêu sống để tiếp tục thực hiện ước mơ, tham vọng của mình. 
 

3. Cách kiểm soát ngũ dục


Ngũ dục cũng còn được gọi là "ngũ độc tiễn" tức năm mũi tên độc hại do đó chúng ta cần phải cảnh giác. Hơn nữa đó là "cái bẫy" không chỉ chúng sinh ở cõi ta bà này mà còn đối với cả chư thiên ở cõi Trời.

Đúng là ai chẳng mong cầu có tiền tài, sắc đẹp, danh vọng địa vị, ăn uống thoải mái và ngủ nghỉ tự do nhưng phải hiểu rằng tùy theo phước báo của mỗi người mà sự hưởng thụ này có giới hạn nhất định. Việc hưởng thụ ngũ dục như là nhu cầu cần thiết không có gì là sai nhưng đừng quá tham lam, phải biết đâu là điểm dừng.
 
Một đời sống có ý nghĩa và giá trị khi có an vui từ trong tâm, không quá lệ thuộc vào phương tiện vật chất, nhưng không thể không có tiền bạc và tài sản, vì nó là phương tiện để nuôi sống chúng ta.

Theo lời Phật dạy về làm giàu, Ngài vẫn khuyến khích chúng ta làm ra tiền bạc, của cải một cách chính đáng. Tức là mỗi cá nhân vẫn cần siêng năng, chăm chỉ, bằng đôi bàn tay và khối óc của mình để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.
 
Nhưng bên cạnh đó Ngài răn chúng ta nên giảm bớt ham muốn quá đáng, tham cầu trong khả năng của mình, biết tiết độ trong mọi nhu cầu để có sự an lạc thảnh thơi, mà không bị những lo lắng, thất vọng, sợ hãi… vì sự vô độ đang làm mình phiền não, khổ đau.
 
Lời Phật dạy về Ngũ dục tập trung vào việc điều hướng chúng ta cần biết đủ, có nghĩa là cần ý thức về việc tiết chế, biết điều hòa để có được sự thảnh thơi an lạc, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, nhờ đó tránh được những hệ lụy do nỗi phiền muộn của sự tham muốn quá độ gây nên.
 
Giàu có về tinh thần chính là sự giàu có thực sự, khi đó ta bình an, tâm trong sạch, mang tới nhiều phước đức. Hạnh phúc là xem nhẹ những ham muốn vật chất, vượt qua sự lo lắng sầu muộn của thế gian, và bằng lòng với những gì đang có hiện tại. 
 
Ngoài ra, Phật giáo luôn khuyến khích chúng ta làm các việc thiện cũng là cách để tập trung vào điều tốt, hạn chế việc dành thời gian cho những việc không mang tới sự an lạc đích thực. Vì vậy, mỗi ngày làm một việc thiện là một trong những cách tốt nhất để tích gom phước đức, khai mở cánh cửa trí tuệ.
 
Mặc dù điều đó cần phụ thuộc vào môi trường, điều kiện của mỗi người, người nghèo cũng có cách làm việc thiện riêng, nhưng chiều sâu của mọi việc thiện không phải cân đo đong đếm bằng tiền, bạn chỉ cần làm bằng cái tâm của mình là đủ.

Thực ra không cần theo đuổi hình thức, người nhỏ làm việc nhỏ, không cần so đo tính toán, không vì cuộc sống tương lai, không vì hưởng thọ kết quả, chỉ vì một ý niệm cầu thiện, như vậy là đã có phước báu rồi.