(Lichngaytot.com) Tìm hiểu La Hầu La là ai chúng ta còn học được sự khiêm nhường, kiên nhẫn hết mực cùng những nét tính cách tuyệt vời của Ngài.
1. Thời niên thiếu và duyên lành xuất gia
Tôn giả La Hầu La sinh ra và lớn lên tại thành Ca tỳ la vệ của tộc Thích Ca là con trai duy nhất của thái tử Tất đạt đa và công chúa Da Du Đà La, là cháu nội của của vua Tịnh Phạn dòng dõi Gotama và hoàng hậu Ma Da.
Tên La Hầu La được chính Đức Phật đặt cho con trai với ý nghĩa "ràng buộc" - có trách nhiệm đối với Thái tử, là sợi dây ràng buộc tình cảm duy nhất của Ngài với trần bụi, với cuộc sống luân hồi sinh tử.
Lần đầu tiên La Hầu La được gặp bố mình là lúc lên bảy tuổi, đúng lúc Đức Phật về thăm lại quê nhà lần đầu tiên sau 3 năm thành đạo.
Trong chuyến về thăm nhà, nhà vua cùng nhân dân đi đón Phật, vợ của Ngài là Da Du Ðà Là và con trai La Hầu La không đi, chỉ lên lầu ngó trông.
Nhưng với trí thông minh sẵn có, La Hầu La biết rằng Phật chẳng còn là phụ thân riêng của mình mà là một bậc đại tử phụ của tất cả chúng sanh. Nhưng với tính thơ ngây, La Hầu La thường đòi được ở chung với Phật. Mỗi khi gặp Phật, La Hầu La lại đòi Phật cho gia tài. Một hôm, sau khi từ rừng Ni Câu Ðà vào đến hoàng cung, Phật nói với Xá Lợi Phất:
- La Hầu La cứ đòi xin ta gia tài, ta không cho thứ tài sản hạnh phúc mong manh của cuộc đời, ta muốn cho cậu bé gia tài vô giá. Ta lại không muốn La Hầu La thừa kế ngôi báu, chỉ muốn cậu bé xuất gia cầu đạo giải thoát. Do đó, ta muốn Xá Lợi Phất hướng dẫn La Hầu La xuất gia làm vị Sa Di đầu tiên trong giáo đoàn.
Lúc mới xuất gia, La Hầu La tinh nghịch, mắc lỗi nói dối.
Đức Phật dạy con thông qua hình ảnh chậu nước với một ít nước dơ, xứng đáng được đổ bỏ; chậu nước sau khi bị đổ bỏ, trống không chẳng lợi ích gì để giáo hóa.
Một hôm Phật bảo La Hầu La mang cho Ngài một chậu nước để Phật rửa chân, rửa chân xong, đức Phật bảo:
- Nước này không thể uống được vì đã ô uế. Nước đã ô uế không dùng được, tâm cũng vậy, mang danh xuất gia mà không tinh tấn tu học, không giữ gìn lời nói, lòng tràng đầy ba ô uế thì cũng như chậu nước này vậy. Đã không dùng thì nên bỏ đi.
Phật bảo La Hầu La mang chậu nước đi đổ, một lát sau La Hầu La mang chậu không về. Phật nói tiếp:
- Chậu này không dùng được vì mặt chậu bám đầy chất dơ. Chậu dơ không dùng được, thân thể cũng thế, mang danh xuất gia mà không tu giới định huệ, không thanh tịnh thân khẩu ý, mình dính đầy ba độc cấu uế thì có khác gì cái chậu dơ này. Đã không dùng đến thì thà đập bể còn hơn. Phật đá nhẹ vào khiến cái chậu vỡ làm đôi. Hỏi: Nhà ngươi có tiếc cái chậu không?
Thưa không, vì là chậu dơ, La Hầu La đáp. Này La Hầu La nhà ngươi không tiếc cái chậu dơ như thế nào thì Tăng đoàn không tiếc người dơ như thế ấy. Mang danh xuất gia mà không giữ uy nghiêm, hý ngôn lộng ngữ thì ai mà thương mến nhà ngươi cho được.
Sau đó, đức Phật chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình thông qua hình ảnh chiếc gương. Kể từ đó, La Hầu La thề quyết tâm hoán cải, nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, suốt ngày kín tiếng lặng hơi, quyết luyện mật hạnh.
Xuất gia năm lên 7 tuổi, từ vị Sa di nhỏ tuổi nhất trải qua 13 năm thực tập lời Phật dạy đến năm 20 tuổi cầu thọ Cụ túc giới. Khi đó La Hầu La được Đức Phật tán thán: "Trong các vị đệ tử Tỳ kheo của Ta ưa thích học tập, này các Tỷ kheo, tối thắng là La Hầu La".
2. Sự tích về La Hầu La trở thành Sa di đầu tiên
Khi Đức Phật trở về thành sau nhiều năm xa cách cùng 1000 vị Tỳ Kheo, thế nhưng vì biết nếu các Thầy Tỳ Kheo sơ học nếu ở lâu trong vương cung dễ sanh tâm so sánh với lối sống đạm bạc của Tăng đoàn, nên chỉ vài ngày sau Ngài đưa đại chúng về trụ tại rừng Ni Câu Đà, cách thành Ca Tỳ La không xa.
Tuy ở rừng Ni Câu Đà, nhưng Đức Thế Tôn cũng thường về hoàng cung trì bát khất thực hoặc thuyết pháp. Cậu bé La Hầu La tỏ ra rất yêu mến Ngài nên nói rằng:
- Đức Phật, con rất thích được ở chung với Ngài.
Sợ dây cha con giữa hai người thực sự gắn kết, lúc này Đức Thế Tôn cũng trả lời:
- Rồi cũng có ngày ta cho con sống gần bên ta.
Sau đó không lâu, La Hầu La cũng đủ duyên xuất gia theo Đức Phật, nhân do là vợ của Ngài - Da Du Đà La thường khuyến khích con rằng:
- Con hãy đi theo phụ thân để hỏi xin tài sản đi. Cha con có những châu báu mà chúng ta chưa được thấy bao giờ.
La Hầu La với trái tim ngây thơ trong sáng, liền làm theo ý mẹ, cậu thường chạy theo đức Phật nói:
- Phật Đà cho con gia tài đi.
Một hôm, đang lúc Đức Thế Tôn khất thực trở về rừng Ni Câu Đà, Ngài đi trước, La Hầu La chạy theo sau chẳng có ai ngăn cản cậu, cậu cứ lẽo đẽo theo sau Phật và nói.
- Cho con gia tài đi. Cho con gia tài đi.
Lúc này Da Du Đà La nhìn thấy con đi sau lưng Phật, có cảm giác nó cũng sẽ xuất gia, bất giác rơi nước mắt.
Đức Phật về đến rừng gọi Xá Lợi Phất đến nói:
- Xá Lợi Phất! - La Hầu La cứ đòi xin ta gia tài, ta không cho thứ tài sản hạnh phúc mong manh của cuộc đời, ta muốn cho cậu bé gia tài vô giá. Ta lại không muốn La Hầu La thừa kế ngôi báu, chỉ muốn cậu bé xuất gia cầu đạo giải thoát. Do đó, ta muốn Xá Lợi Phất hướng dẫn La Hầu La xuất gia làm vị Sa Di đầu tiên trong giáo đoàn.
Đức Phật nói xong, gọi Mục Kiền Liên cạo tóc cho cậu bé, lại lễ bái Xá Lợi Phất làm Thầy Bổn Sư truyền giới Sa Di cho La Hầu La.
3. Vì sao La Hầu La là Mật hạnh đệ nhất?
Tìm hiểu La Hầu La là ai chúng ta biết rằng đây là vị Thánh Tăng, một trong
thập đại đệ tử của Đức Phật được Ngài ca ngợi là bậc Mật hạnh đệ nhất. Kinh tạng đề cập đến Ngài tuy không nhiều nhưng cũng đủ để nói lên mật hạnh của Ngài.
La Hầu La xuất gia năm lên 7 tuổi, từ vị Sa di nhỏ tuổi nhất trải qua 13 năm thực tập lời Phật dạy đến năm 20 tuổi cầu thọ Cụ túc giới. Ở lứa tuổi ấy, những phẩm hạnh đáng kính của La Hầu La được Đức Phật tán thán: "Trong các vị đệ tử Tỳ Kheo của ta ưa thích học tập, này các Tỳ Kheo, tối thắng là La Hầu La".
Lúc Phật ở Kosambi, Ngài chế giới không cho Sa di ngủ chung phòng với Tỳ Kheo, nhưng vì có người vô tình để một vị khách ở phòng của La Hầu La nên cậu bé liền ra nhà vệ sinh của Phật nằm ngủ đúng hôm mưa gió.
Đức Phật dùng thần thông biết chuyện mới hỏi chon trai:
- Này La Hầu La, sao con nằm ở đây?
- Vì không có chỗ ở, bạch Thế Tôn, trước đây các Tỳ Kheo cho con ở chung, nay vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở. Nghĩ rằng, đây là một chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây.
La Hầu La luôn nhận lỗi về mình, không muốn va chạm một ai, không chống đối một Tỳ Kheo nào, kham nhẫn với chướng ngại là hạnh thầm lặng, ẩn mật của La Hầu La.
Lúc Đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên, Ngài dạy La Hầu La tu tập pháp quán niệm hơi thở, quán niệm về ngũ đại, quán niệm về tứ vô lượng tâm, quán tứ niệm xứ.
- Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này La Hầu La, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này La Hầu La, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động hay không nhàm chán; cũng vậy, này La Hầu La, hãy tu tập như đất.
Đức Phật bảo Xá Lợi Phất giao cho La Hầu La công việc hàng ngày quét dọn tinh xá. Một hôm khác, Tôn giả La Hầu La cùng với Xá Lợi Phất vào thành khất thực, bị một số kẻ xấu bỏ cát cùng với cơm vào trong bình bát, rồi dùng gậy đánh lên đầu của La Hầu La. Nhìn gương mặt bừng bừng tức giận La Hầu La, Tôn giả Xá Lợi Phất ôn tồn khuyên bảo:
- Nếu là đệ tử Phật, người nên có tinh thần nhẫn nhục, không nên giữ lửa hận trong lòng mà thay vào đó nên luyện tập tâm từ bi thương hại cho chúng sanh, vinh nhục khen chê không đáng để chúng ta quan tâm. Đức Phật đã dạy rằng trên thế gian này không có một sức mạnh nào sánh bằng sự nhẫn nhục.
Sự việc này sau khi Phật biết Phật đã dạy thêm rằng:
- Này La Hầu La! Người không biết nhẫn nhục không thể thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, thường bị đọa lạc vào đường dữ. Có nhẫn nhục mới có bình an, mới tiêu trừ được họa hoạn, khai thông trí tuệ. Trí tuệ tối cao là con đẻ của nhẫn nhục. Người có trí tuệ mới thấy được quả báo thâm viễn, khắc phục sân tâm, thường hành tinh tấn, thể hiện chân tinh thần và chân ý nghĩa của Phật pháp hòa hợp với thế tục mà không bị ô nhiễm. Nhẫn nhục là tăng thượng duyên của đạo pháp, giúp hành giả sớm chứng giải thoát.
La Hầu La đối với chuyện bị chiếm phòng, tự nguyện nhượng bộ; trên đường đi bị kẻ ác đánh trọng thương đều có thể nhẫn được. Tu dưỡng cẩn mật như vậy, chỉ còn một đoạn nữa là được chứng đạo. Vả lại Thầy tu theo mật hạnh nên giữ gìn độc cư im lặng khó ai nhận ra Thầy chứng đạo hay chưa chứng đạo.
Tuy còn trẻ nhưng La Hầu La đạo mạo như một người lão thành. Những cuộc nhóm họp đông đảo trong sinh hoạt của Tăng đoàn, Thầy ít khi tham dự, chỉ im lặng dụng công tu tập.
Có Thầy Tỳ Kheo hỏi Phật về chuyện tu hành của La Hầu La:
- Bạch Thế Tôn! Sa Di La Hầu La nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, không phạm một lỗi nhỏ, vì muốn cầu chứng đạo, Thầy đã tận tình buông sạch, vậy mà tại sao Thầy vẫn chưa chứng đạo?.
Đức Thế Tôn trả lời dứt khoát:
- Giữ giới tịnh tâm, giữ thân đoan chánh, nhất định có thể dứt sạch ô nhiễm, nhất định dần dần chứng quả.
Đối với việc La Hầu La tu tập, Đức Phật đầy tin tưởng, nhưng ngày ấy cũng không còn xa.
Có lần khi Đức thế Tôn khất thực trở về đến chỗ La Hầu La đang tọa thiền. La Hầu La từ toà đứng dậy, đảnh lễ Phật và thưa:
- Bạch Thế Tôn! Phiền não con đã hết. Con đã chứng đạo xong.
Đức Phật rất hoan hỷ còn hơn sự hoan hỷ của La Hầu La, Ngài khen ngợi:
- Trong các đệ tử của Ta, La Hầu La là mật hạnh đệ nhất.
Gọi là mật hạnh, nghĩa là trong ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, La Hầu La đều biết hết.
4. Tiền kiếp của La Hầu La
Tiền kiếp của La Hầu La kể về con nai cháu với ba cử chỉ đã học từ những đức tính tốt đẹp, khôn ngoan của loài nai đặc biệt là của nai cậu (tiền thân Phật) và nai mẹ Upplavannā, cứu sống nó khỏi sự truy sát từ người thợ săn.
Con nai cháu đó chính là tiền thân của tôn giả La Hầu La. Đức Thế Tôn một lần nữa khẳng định:
- La Hầu La không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã ham học như vậy.
Với đức tính tốt đẹp như vậy, lại có quan hệ huyết thống đối với Đức Thế Tôn, nếu là những vị còn tâm tánh phàm phu chắc hẳn sẽ thường dựa dẫm, ỷ lại vào Đức Phật, nhưng La Hầu La không như vậy.
5. Ngài La Hầu La những ngày cuối đời
Về sự đản sinh và Niết bàn của La Hầu La có hai truyền thuyết: Một thuyết cho rằng La Hầu La ra đời năm Thái tử Tất Đạt Đa 19 tuổi, thuyết khác cho rằng La Hầu La chào đời năm Thái Tử Tất Đạt Đa 25 tuổi.
Về năm Niết Bàn của La Hầu La cũng có hai truyền thuyết. Một thuyết nói La Hầu La Niết bàn trước Phật vài năm, thuyết khác ghi khi Phật Niết Bàn La Hầu La còn quỳ bên Phật.
Theo truyền ký Da Du Đà La cùng tuổi với Phật, nhưng niết bàn năm 78 tuổi như thế là trước Phật 2 năm. Còn La Hầu La niết bàn không quá 50 tuổi trước cả Phật và Da Du Đà La.
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: