Đức Phật nói về phước đức của người nghệ sĩ: Có phải cứ ca múa hát diễn hay sẽ sanh Thiên?

Thứ Năm, 11/05/2023 17:15 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những gì Đức Phật nói về phước đức của người nghệ sĩ giúp ta hiểu rõ vai trò của một người có tầm ảnh hưởng lớn lao tới xã hội thì không nên chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền, làm giàu cho bản thân.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Đức Phật nói về phước đức của người nghệ sĩ


Chuyện kể lại rằng, thời Đức Thế Tôn còn tại thế, có một người chủ gánh hát tò mò hỏi Người rằng có phải những người hay ca hát để mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người thì khi chết đi sẽ được lên cõi trời và luôn được cười tươi rạng rỡ hay không?

Người chủ gánh hát nghe được những lời này từ những bô lão thế hệ trước trong giới văn nghệ sĩ truyền tai nhau.

Thế nhưng Đức Thế Tôn có vẻ trốn tránh, không muốn trả lời trực tiếp khi đáp lại rằng, không nên bàn luận chuyện này, không muốn bày tỏ quan điểm về những vấn đề như thế. 

Người này vẫn không bỏ cuộc, đi theo hỏi tiếp cho đến khi Đức Phật phải trả lời bằng một câu hỏi: 

- Đoàn chủ, ông nghĩ thử xem khi trước đây thế gian chưa có người nào được giải thoát, mọi người đều tham sân si, họ cũng không biết tới việc bản thân cần rũ bỏ những điều đó nên cứ bám chấp vào nó.

Thời đó, những người nghệ sĩ thể hiện các màn ca múa, hí kịch cũng chủ đề tham sân si để phục vụ sở thích, mong muốn của khán giả. Mọi người thích thú nên đến xem mỗi lúc một đông hơn.

Những người đó vui vẻ xem người ta biểu diễn và làm mạnh thêm tham sân si, bản thân càng bị trói buộc vô hình vào nó thì liệu đó có tốt chăng? Hơn nữa việc này giống như tay thì bị trói, lại có người cố tình làm khó dễ, làm ta thêm đau đớn, lại càng bị trói chặt vào khổ đau. 

Đức Phật nói về phước đức của người nghệ sĩ


Lúc này người chủ gánh hát dường như hiểu ra được điều gì đó và gật đầu đồng ý với những gì Đức Phật nói. Ngài cũng giải thích thêm rằng một người chưa tự mình giải thoát khỏi tham sân si lại còn bị bám chấp thêm vào đó sau khi nghe ca múa hí kịch kia thì càng khiến họ đau khổ hơn mà thôi. 

Đức Thế Tôn cho biết, các bô lão trước đây truyền tai nhau rằng nghệ nhân biểu diễn ca múa hí kịch, mang niềm vui đến cho mọi người, được sinh vào cõi trời vui vẻ, quan điểm như vậy được xem là tà kiến. 

Người chủ gánh hát nghe Đức Thế Tôn giải thích xong đã buông bỏ hết mọi thứ, quy y theo Đức Phật. Sau này, chính đoàn chủ gánh hát đã tu thành quả vị A La Hán.
 
Bài học: Không phải thứ gì làm cho người đời vui vẻ, tươi cười cũng có thể tạo ra điều tốt đẹp cho người khác, mọi thứ còn được soi xét tới nguyên nhân và kết quả sâu xa của nó. 

Thế nên, khi nghe câu chuyện Đức Phật nói về phước đức của người nghệ sĩ có thể thấy một người làm nghệ sĩ phải hiểu rõ vai trò cũng như tầm quan trọng của mình.

Lời Phật Dạy không khẳng định rằng cứ làm kịch sĩ sẽ đọa địa ngục, mà đức Phật chỉ ra là anh diễn cái gì, anh tạo ra tác động gì với xã hội, và chính cái đó quyết định tương lai của anh.

Một người có phước hay tội, còn tùy thuộc vào họ đem nghệ thuật phụng sự cho cái gì, theo đó họ nhận được phước vô lượng, hoặc tội khủng khiếp.
 
Đức Phật nói về giá trị âm nhạc: Nên hay không nên say đắm trong những giai điệu?
Để hiểu những điều Đức Phật nói về giá trị âm nhạc một cách công bằng thì chúng ta cần nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau, đừng vội cho rằng Ngài không

2. Hãy biết chọn lựa bài hát, ca từ trước khi nghe

 
Có thể nói, không phải cứ là nghệ sĩ (từ ca sĩ cho tới diễn viên sân khấu hay điện ảnh...) là xấu, nên tránh xa hay người làm nghề này vì sợ sau này qua đời sẽ rơi vào địa ngục tăm tối. Điều quan trọng là nội dung họ muốn chuyển tải tới công chúng qua những tác phẩm nghệ thuật của mình là gì.

Thực tế là người nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới công chúng. Những người được xem là Idol chỉ cần xuất hiện là trang phục họ mặc được bán cháy hàng, họ dùng sản phẩm gì là người ta tin tưởng và làm theo...

Tương tự như thế, càng bài hát nào càng nổi tiếng càng được lan truyền và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Thế nên nghệ sĩ cần phải quan tâm tới câu từ, ý tứ trong bài hát.

Nên hiểu rằng việc sử dụng âm nhạc có thể truyền tải thông điệp, lan tỏa năng lượng mạnh mẽ, có thể lớn gấp trăm, nghìn lần so với bình thường. Vậy nên trong cùng một sự việc (cụ thể là trong buổi biểu diễn), nếu nó ẩn tàng cái xấu, cái xấu sẽ nhân lên, nếu là cái tốt thì nó cũng sẽ nhân lên.

Hiểu được điều này, nghệ sĩ nên thận trọng trong việc việc chọn lựa ca khúc, nội dung biểu diễn.

Trong khi đó, chúng ta cũng hãy cẩn thận chọn lựa bài hát để nghe vì giai điệu hay ca từ của chúng rất quan trọng. Ngoài ra, đừng chỉ đơn thuần nghĩ rằng âm nhạc chỉ để giải trí nên nghe gì cũng được. Làm gì cũng phải có mục đích cụ thể, nhất là khi âm nhạc có thể tác động rất lớn tới cuộc sống của mỗi người.

Kỳ thực, nếu dùng các loại hình nghệ thuật để đi tuyên dương những điều tốt đẹp, khuyến khích con người làm việc thiện, điều lành thì có tác động tích cực mạnh mẽ đến xã hội. Việc này rất đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, khi nhiều luồng văn hóa lai tạp, pha trộn khiến nhiều giá trị bị đảo lộn, nhiều tác phẩm nghệ thuật lại gửi những thông điệp tiêu cực, một số nội dung mà chúng ta cần tránh đó là: 
  • Tình dục: Những văn hóa phẩm đồi trụy đang lan tràn trên mạng, chúng điều hướng con người sa đà vào dục vọng mà quên đi những giá trị sống quan trọng khác.
  • Cổ vũ lối sống tiêu dùng, hoang phí: Lối sống hưởng thụ chỉ làm hao tổn phước đức, nếu trong các tác phẩm nghệ thuật như ca hát, nhạc kịch khuyến khích tinh thần này thì càng khiến con người chìm sâu vào tội lỗi.
  • Nhớ nhung sầu muộn, tiếc nuối: Những nội dung này càng khiến con người hoang mang về tương lai, luôn sống trong cảm giác buồn bã, nuối tiếc.
  • Tà kiến: Những tác phẩm gửi thông điệp sai lệch, dẫn dắt con người trở nên bạo lực, kỳ thị chủng tộc, giai cấp…  
Khi mở rộng ý nghĩa trong câu trả lời của Đức Phật ra chúng ta thấy rằng việc này không chỉ áp dụng cho lĩnh vực nghệ thuật như ca hát, hí kịch mà còn ở trong văn thơ, truyện, ảnh, hội họa, vũ đạo,... Hoặc có thể nói là ở trong bất cứ ngành nghề nào, nếu mang tới tác động tiêu cực tới con người, xã hội thì đều phải tự mình gánh tội lỗi mà bản thân mình gây ra.