Kết hôn với người chết còn gọi là âm hôn, nghĩa là làm đám cưới cho người đã chết, một trong những phong tục có từ lâu đời của người Trung Quốc.
► Lịch ngày tốt gửi đến độc giả những câu chuyện về thế giới tâm linh huyền bí có thật |
Theo phong tục, trai gái vị thành niên nếu không may qua đời trước khi kết hôn thì những gia đình giàu có sẽ tìm người sống để tiến hành gả cưới, còn những gia đình bình thường thì sẽ tìm những gia đình cùng cảnh ngộ có con mất sớm giống gia đình mình để gả cưới.
Còn với những thiếu niên chưa trưởng thành không may chết sớm, do cha mẹ quá thương xót con nên vẫn nhất quyết tìm đối tượng cho con vì họ cho rằng như vậy mới làm tròn bổn phận của đấng sinh thành. Thật ra, đây chỉ là một hành động gửi gắm tình thương của cha mẹ.
Ngoài ra, người xưa thường tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Thời đó cũng có những nhà phong thủy vì muốn kiếm tiền bất chính nên xúi giục nhiều gia đình cử hành cưới cho người chết. Bởi vậy, tục này thường chỉ diễn ra trong những gia đình giàu có.
Âm hôn xuất hiện từ những năm trước triều Hán. Do hao tốn tiền của, sức người trong xã hội và vô nghĩa nên đã từng bị nghiêm cấm, nhưng không vì thế mà phong tục này bị triệt tiêu.
Tục cưới vợ cho người chết thực sự hưng thịnh trong thời nhà Tống. Theo ghi chép trong Tạc mộng lục, phàm là những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải nhờ “quỷ mai mối” đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ. Nếu xem quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ, chôn cất hai người cùng một mộ.
Thời nhà Thanh, những cô gái được chôn cùng người chết đều phải còn trinh, mãi tới tận cuối đời Thanh hủ tục này mới dần biến mất.
Thông thường, kết hôn với người chết cũng phải thông qua người mai mối, hai bên gia đình qua nhà nhau dạm ngõ, đến lúc cử hành lễ hợp hôn cũng có thiệp hồng thông báo. Do âm hôn chỉ diễn ra một lần duy nhất nên không có khái niệm to, nhỏ, bởi vậy lễ vật nhà trai tặng cho nhà gái cũng chỉ là những lễ phẩm thông dụng.
Đến nay, cưới vợ cho ma đã không còn là một phong tục phổ biến trong xã hội, nhưng nó vẫn chưa hoàn toàn bị diệt vong.
ST