Cô hồn là gì? Tại sao phải cúng cô hồn?

Thứ Năm, 26/07/2018 09:05 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tháng 7 Âm lịch chúng ta thường phải cúng cô hồn và có rất nhiều điều kiêng kị đi kèm nhưng không phải ai cũng hiểu cô hồn là gì và việc cúng lễ đó có ý nghĩa như thế nào đến đời sống của chúng ta.
 

Cô hồn là gì?


Cô hồn được tạm hiểu là hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái, là hồn ma cô đơn vất vưởng chưa được siêu thoát.

Cô hồn dã quỷ theo dân gian là những hồn ma, quỷ lang thang cô độc không có nơi trú ngụ và thường ở nay đây mai đó.

Dân gian quan niệm, mỗi chúng ta có cả phần hồn và phần xác, khi chết đi vẫn còn phần hồn sẽ được đầu thai sang một kiếp khác nhưng có những linh hồn oan khuất, nặng nghiệp với dương gian, không được siêu thoát sẽ lang bạt ở chốn này.

 
Cô hồn là gì?  

Cô hồn thường đi cùng dã quỷ, nên người xưa thường nhắc cô hồn dã quỷ. Những linh hồn tha phương cùng những con quỷ sống vật vờ ở dương gian, có thể quấy nhiễu tới con người.

Những linh hồn ở dương gián quá lâu vẫn còn nhiều oan khuất, sân hận trong lòng sẽ trở thành ma quỷ, đây giống như nguồn năng lượng kì bí mắc kẹt giữa cõi trần và cõi âm, thuộc về cõi âm nhưng lại lưu ở cõi trần. 
 
Tháng 7 lịch âm hàng năm, người Việt chọn ngày trong tháng để cúng cô hồn, không nhất thiết phải là ngày rằm. Ngày cúng cô hồn có thể tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau. 
 

Ý nghĩa việc cúng cô hồn

 
Ở Việt Nam, cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Tục lệ cúng cô hồn được biết là đã có từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn cúng tế cầu siêu cho tứ sanh đang luân hồi trong lục đạo. Đến đời nhà Tống (960 - 1279), Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo liên kết với nhau.

Ngày Xá Tội vong nhân của Phật Giáo, Tết Trung Nguyên của Đạo Giáo và việc thờ kính tổ tiên của Nho Giáo đã kết hợp hoạt động, hình thành tập tục cúng cô hồn tại vùng Đông Á.
 
Người Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á có quan niệm rằng những người chết vì chiến tranh, đánh nhau, bệnh dịch, tàn sát, chết oan, tội lỗi, thiên tai, tai nạn xe cộ..., thì “đại miếu bất thu, tiểu miếu bất lưu” (Miếu lớn không nhận, miếu nhỏ không cho ở), hồn không được cúng dưỡng, phải đoạ đày trong địa ngục hay phải lang thang khắp nơi, có khi phá phách, làm hại người sống. 
 
 
Để cõi âm và cõi dương đều được bình an, từ xa xưa người Việt cũng đã có tập tục cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch, để họ sớm được thoát khỏi Địa Ngục, mà nhân gian cũng không bị cô hồn phá rối. 

Người trần phải cúng cháo, gạo, muối... cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc nơi dương thế. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi, quỷ đói được coi, gọi là “anh em tốt” hay “thần cửa sau” với dụng ý lấy lòng những linh hồn quỷ đói này.

Như vậy, cúng cô hồn là một tập tục thể hiện lòng trắc ẩn, nhân đạo nhằm cứu giúp những linh hồn khốn khổ, nhưng đồng thời cũng có thể là một hình thức “hối lộ” để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được họ giúp đỡ.

MiMo