Chưa lập gia đình có phải là bất hiếu? Nên làm gì trong hoàn cảnh này?

Thứ Sáu, 05/05/2023 16:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu hỏi chưa lập gia đình có phải là bất hiếu được nhiều bạn trẻ đặt ra vì càng ngày càng có nhiều người kết hôn muộn hoặc thậm chí không có ý định kết hôn khiến bố mẹ của họ vô cùng lo lắng.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Chưa lập gia đình có phải là bất hiếu?


Cuộc sống hiện đại với nhiều lối tư duy khoáng đạt hơn nên giới trẻ không vội vàng chuyện chồng con như xưa. Thế nên khi cha mẹ thấy con có công việc ổn định, lại sống có vẻ đơn độc nên cũng muốn chúng sớm thành thân để yên bề gia thất.

Với tâm lý của các ông bố bà mẹ thương con, hay lo lắng cho con thì việc họ hối thúc con lập gia đình cũng là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, sự động viên thái quá hay sốt ruột thúc giục của gia đình và người thân sẽ tạo ra áp lực. Không ít người lo lắng rằng liệu chưa lập gia đình có là bất hiếu hay không?

Về khía cạnh này cần xét theo từng quan điểm cụ thể theo dân gian và theo Đạo Phật như sau.

Nhiều bạn trẻ lo lắng chưa lập gia đình có phải là bất hiếu?


1.1 Theo dân gian


Đúng là bố mẹ nào chẳng mong con cái trở thành người thành đạt, giỏi giang, hạnh phúc... Thế nên, theo quan niệm xưa cũ thì một người không lập gia đình thường sẽ bị coi như chưa làm tròn chữ hiếu với cha mẹ.

Không những thế, nếu đã lập gia đình mà không sinh được con trai để nối dõi tông đường thì còn bị chỉ trích nặng nề hơn.

Theo quan niệm dân gian việc sinh con, nhất là con trai nhằm mục đích duy trì nòi giống, có người nối dõi tông đường, để cảm thấy sự sống của mình còn tiếp nối đến mai sau… Thế nên, gia đình nào không sinh được con trai còn bị cho là bất hiếu. 
 
Thậm chí là cho tới ngày nay, quan niệm trên vẫn còn tồn tại ở trong nhiều gia đình. Nhiều người vẫn cố gắng để có bằng được đứa con trai cũng là vì lý do này.

Vậy nên trong gia đình mà con trai cạo tóc đi tu còn bị xem là không có phúc vì họ nghĩ rằng người này không lập gia đình, không sinh con nên làm kết thúc sự tiếp nối của dòng tộc của mình.
 

1.2 Theo Phật giáo

 
Trong Đạo Phật, chữ Hiếu luôn được đề cao, nhưng chữ Hiếu tập trung vào các phẩm chất của con người hơn, đó bao gồm biết kính trọng, phụng dưỡng, thuận hòa và hỗ trợ cha mẹ sống hướng thiện.

Đức Phật dạy về vai trò của bố mẹ với con cái trong Kinh có ghi lại:
  • Sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ;
  • Sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ;
  • Sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống;
  • Sẽ bảo vệ tài sản thừa tự;
  • Sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.
Theo đó, người Phật tử không có bổn phận hay trách nhiệm phải lập gia đình để làm tròn chữ hiếu. 

Hơn nữa, trong Đạo Phật nhấn mạnh chữ duyên, theo đó một người lập gia đình muộn là do duyên chưa đủ chứ không liên quan đến chữ hiếu. Vì thế, việc kết hôn của con cái là thuận theo tự nhiên, không nên gượng ép, không nên áp đặt ý kiến của bản thân lên con cái.

Việc "hữu duyên" không phải cứ mong cầu, nỗ lực là được, việc này cũng giống như việc ghép một bức tranh, khi đang thiếu một vài mảnh thì làm gì bức tranh có thể được hoàn thiện. Thế nên việc cần làm là sống an vui, kiên nhẫn đợi duyên tới.

Ngược lại, nếu một người vội vàng lập gia đình, không tìm hiểu chín chắn, rồi hôn nhân trục trặc, đổ vỡ, con cái chia lìa, khiến bố mẹ hai bên ăn không ngon, ngủ không yên thì mới là bất hiếu. 
Lời phật dạy về báo hiếu cha mẹ: Vận may tối thượng ở ngay chữ Hiếu
Nghe Lời phật dạy về báo hiếu cha mẹ để bạn chợt nhận ra rằng chẳng cần phải đi cầu may ở đâu xa cả, chỉ cần báo hiếu cho đấng sinh thành của mình là đủ.

2. Nên làm gì để cha mẹ an lòng khi con kết hôn muộn?

 
 
Tuy rằng không phạm chữ hiếu khi kết hôn muộn theo góc nhìn Phật giáo thế nhưng với phận làm con thì không nên cố gắng chống đối, cự cãi, gây thêm mâu thuẫn khiến gia đình không vui.

Điều quan trọng nhất trong hoàn cảnh này là giúp bố mẹ an lòng. Muốn vậy thì trước hết phải làm cho cha mẹ hiểu mình vì có hiểu được mới cảm thông, thấu hiểu.

Với khoảng cách thế hệ và quan niệm sống khác biệt nên việc bố mẹ lo lắng, thúc ép là chuyện bình thường. Con cái nên tìm cách tâm sự với cha mẹ, bày tỏ cho họ biết rằng mình cũng muốn tìm người phù hợp nhưng duyên chưa tới.

Đừng ngại giải thích cho cha mẹ biết chuyện kết hôn cần phải hội đủ nhân duyên, thúc ép quá sẽ tăng thêm áp lực, miễn cưỡng sẽ không hạnh phúc. Hôn nhân là việc quan trọng không phải cứ cố làm theo ý của người khác thì mọi thứ sẽ tốt đẹp.

Vì điều bố mẹ mong muốn lớn nhất đó là hạnh phúc của con mình. Hiểu được nỗi lòng của con cái rồi, cha mẹ sẽ cảm thông hơn.
 
Ngoài ra, con cái cũng phải thay đổi lối sống của mình cho lành mạnh để bố mẹ cảm thấy an tâm. Hãy mở tấm lòng của mình để sống với tất cả mọi người một cách tốt đẹp nhất. Để cha mẹ không thấy bạn cô đơn buồn tủi, họ sẽ hiểu bạn đang một mình là do số phận chứ không phải là bạn cố tình như thế.

Hãy sống sao cho cha mẹ mình cảm thấy tự hào về mình, khi mình là một người nhân hậu, giỏi giang, mạnh mẽ… đó cũng có nghĩa mình là người con có hiếu.

Ngoài ra, hiếu đạo không chỉ đơn phương một chiều từ con cái đến cha mẹ mà còn là ở chiều ngược lại. Vai trò của bố mẹ đó là: Ngăn con làm điều ác; khuyến khích chúng làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ/gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Thế nên bố mẹ nên tập trung những việc quan trọng này hơn là ép con tập trung mỗi chuyện cưới xin.
 
Ngày nay việc khủng hoảng trong mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng rõ ràng và có nguyên nhân trực tiếp là từ những áp lực vô hình đang đè nặng lên vai cha mẹ, con cái.

Những áp lực này lại có nguyên nhân sâu xa từ những vọng tưởng về nhau và kể cả việc suy nghĩ: chưa lập gia đình là bất hiếu. Xóa bỏ góc nhìn này chưa bao giờ là dễ dàng. 

Thế nhưng cuối cùng thì dù là bố mẹ - con cái có yêu thương, thân thiết nhau tới mức nào thì mỗi người vẫn là những cá nhân riêng lẻ, có một tư tưởng, lối sống riêng biệt. Nếu gia đình quá áp đặt sẽ khiến trói buộc cuộc đời của chúng với lý thuyết của việc: Phải làm cho cha mẹ hạnh phúc.

Trong khi đó, sự thật là cuộc đời của con hạnh phúc thì ai ai cũng hạnh phúc. Nếu có thể giải thoát cha mẹ khỏi những vọng tưởng về con cái của họ đồng nghĩa giải thoát đứa trẻ để chúng có thể tự do trở thành một con người tự chịu trách nhiệm với bản thân, tự đối mặt với nghiệp báo của chúng thì mới mang lại cuộc sống lành mạnh cho cả con cái lẫn bố mẹ.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: