Chánh mạng là gì mà "gắn chặt" với ta cả đời có tư duy đúng chưa chắc đã dám thay đổi

Thứ Ba, 27/02/2024 17:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiểu được Chánh mạng là gì cũng chỉ mới cho chúng ta được những chỉ dẫn cơ bản, quá trình thực hành nó mới là quan trọng và có thể mang tới ta đến với bình an, hạnh phúc đích thực.
Mục lục (Ẩn/Hiện)



1. Chánh mạng là gì?

 
Chánh mạng là sinh kế, là nghề nghiệp, là phương tiện để nuôi bản thân và gia đình đúng với lời dạy của Phật, có lợi cho mình và không tổn hại đến các chúng sinh khác. Điều đó có nghĩa là chọn công việc mà ta có thể giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, từ bỏ những phương tiện mưu sinh bất chánh gây tổn hại tới người và vật cũng như tới muôn loài.

Đức Phật đã cho chúng ta một hướng dẫn căn bản: bất cứ công việc/nghề nghiệp nào cũng có thể được coi là Chánh mạng nếu nó không đem lại tai hại cho bản thân người làm công việc đó hay cho bất cứ ai khác.

Đúng là nghề nghiệp là nơi mà chúng ta dành rất nhiều thời gian, cùng tâm huyết của mình vào đó nên nếu ta tập trung công sức của mình cho nó thì thân và tâm ta gắn chặt với nó. Khi thường xuyên làm những việc tiêu cực thì nó càng nhân tác động xấu lên mọi người lên gấp nhiều lần.
  • Chánh mạng: chân thật, sống có ý nghĩa không làm hại cho đời, sống bằng đôi tay cần cù siêng năng, trí tuệ chân thật của mình, biết sống tôn trọng và chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng xã hội.
  • Tà mạng: Ngược lại với Chánh mạng là Tà mạng, tức là sinh sống bằng những phương tiện bất chánh, hành nghề bất chánh, như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, bán hàng giả... Nói dối chỉ là tà ngữ nhưng khi nói dối được dùng trong những giao dịch mua bán hay trong toà án để trục lợi, thì nó là Tà mạng.

Trong Trung A hàm, kinh Phân biệt thánh đế:


Đức Phật định nghĩa: “Này chư Hiền, thế nào là Chánh mạng? Đó là khi vị Thánh đệ tử suy niệm về Khổ là Khổ, Tập là Tập, Diệt là Diệt, Đạo là Đạo; hoặc quán sát về sự tạo tác trước kia của mình, hoặc học suy niệm về các hành, hoặc thấy các hành là tai họa, hoặc thấy Niết bàn là tịch tĩnh; hoặc khi bằng suy niệm không nhiễm trước mà quán sát tâm hoàn toàn giải thoát, trong đó không phải là mong cầu vô lý, không do nhiều tham dục mà không biết vừa đủ, không làm các thứ xảo quyệt bùa chú, để sinh sống bằng Tà mạng. Chỉ theo Chánh pháp mà mong cầu y phục, chớ không phải với phi pháp, cũng theo Chánh pháp để mong cầu thực phẩm, giường chõng, chớ không phải với phi pháp. Đó là Chánh mạng”.

Chánh mạng còn là nỗ lực một nghề lương thiện, đó là mạng sống chân chánh. Nhưng để có cuộc sống lương thiện cần phải có tầm nhìn, suy nghĩ cùng nhiều nhân duyên hỗ trợ mật thiết để có cuộc sống thiện lành trên bước đường tu tập Bát Chánh đạo và tiến lên con đường giải thoát của Đạo Phật.

Đức Phật nói rằng: "Và này các Tỳ kheo, Chánh mạng là gì? Có trường hợp một đệ tử của những người cao quý, đã từ bỏ nghề nghiệp bất thiện, nuôi thân mạng của mình với Chánh mạng: Như thế, Tỳ kheo, đây được gọi là Chánh mạng. Người ta phải xác quyết rằng nghề nghiệp mình là đúng đắn: hợp pháp, hòa bình, lương thiện, và không có hậu quả gây hại cho chính mình và các chúng sanh khác.
 
 Đức Phật đã chỉ ra năm loại hoạt động gây nguy hại nhất khi tham gia vào:
  • Sản xuất và bán súng, cũng như các loại vũ khí hủy diệt.
  • Mua bán các chúng sinh khác, chẳng hạn như buôn bán nô lệ, hoặc mại dâm.
  • Sản xuất thịt, vì nghề nghiệp này cần giết một chúng sanh.
  • Mua bán liên quan đến các chất độc hại, gây ảnh hưởng đến trạng thái của ý thức chúng ta, chẳng hạn như ma túy và rượu.
  • Sản xuất hoặc bán các chất độc, được tạo ra để giết hại; ngay trong thời của Đức Phật Gautama, có một nghề như vậy: một người hành nghề này có thể đi mua thuốc độc cho một vụ giết người. 

2. Lợi ích của Chánh mạng


Khi hiểu được Chánh mạng là gì và kiên trì thực hành mỗi ngày sẽ thu về rất nhiều lợi ích về lâu về dài.
 

2.1 Tránh bị mất đi phước đức của mình


Con người sinh ra trong cõi đời này từ nhỏ tới lớn đều rơi vào trong cuộc chiến đấu để sống và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bản thân cũng như nuôi sống gia đình mình. Vòng xoáy cuộc sống cứ thế cuốn lấy ta đi khiến ta đôi khi không nhận định được đâu là đúng, là sai, cứ thấy có cơ hội kiếm được tiền là lao vào mà dường như không thể nào kiểm soát được tình hình.

Thế nhưng họ không nhận ra được rằng theo quy luật Nhân Quả khi họ làm hại người khác chính là làm hại chính mình. Giết hại nhiều con vật thì tương lai ta bị bệnh tật, làm ăn gian dối thì tương lai ta cũng bị lừa gạt, mất hết tiền bạc.... Thế nên việc kinh doanh trên sự đau khổ của người khác, hay phải giết nhiều loài động vận,... thì càng làm hao tổn nhiều phước đức của mình. Nhất là khi chúng ta làm nghề lâu năm thì càng cạn kiện đi ruộng phước của mình.

Thế nhưng khi hiểu Chánh mạng là gì và bằng mọi giá giữ cho Chánh mạng của mình được trong sạch, chọn công việc thiện để mưu sinh, tránh xa được điều ác thì ta sẽ tránh bị mất đi phước đức của mình. Thậm chí nếu hiểu sâu Nhân - Quả biết cách vun xới cho ruộng phước của mình thì càng ngày càng gia tăng được phước đức của bản thân.

Phật dạy: 10 hành vi âm thầm tiêu hao âm đức mỗi ngày khiến phước lộc tiêu tán - Ai cũng phạm phải ít nhất 3 điều!
Người xưa dạy rằng, đức là ngọn nguồn của hết thảy phúc báo. Âm đức không tự nhiên mà có, cần trải qua quá trình tích lũy và bồi đắp. Tiếc rằng, không ít người
 
 

2.2 Có cuộc sống bình an


Khi giữ những giới trên liên quan đến nghề nghiệp hay cách thức nuôi mạng sống của mình thì có nghĩa là ta đang thực hành Chánh mạng. Mỗi hành động, công việc và mưu sinh nên làm một cách chân chính, đúng đắn, vô hại và đúng với đạo đức, lòng nhân đạo.

Nếu chúng ta chấp nhận Chánh mạng là mục đích của mình, thì ta không chỉ có tiến bộ ở khía cạnh tâm linh cho chính mình mà còn mang lại nhiều điều tốt đẹp cho mọi người và muôn loại.

Khi công việc của ta đang làm hướng đến việc mang tới lợi ích, đến sự thoải mái tinh thần cho tất cả những người liên quan thì chúng ta cũng cảm thấy an vui.

Khi đó ta biết rằng việc làm của mình chỉ tập trung cho lợi ích của người khác, nhờ đó mà luôn có được tâm thế bình an, vui vẻ, thoải mái, tự tin. Nói chung với tất cả nghề nghiệp gì cũng cần phải trải lòng chân thật, không có gì quý giá hơn bằng việc sống thanh tịnh tâm, có thể giúp cho mọi người vui và lòng mình cũng vui.

Lúc này sẽ không còn chiến tranh và bạo tàn, cũng không còn những lối sống sa hoa trác táng như rượu chè, bài bạc, ma túy, mại dâm, bất công và tệ nạn xã hội.

Chánh mạng đích thực có thể mang tới cuộc sống cho những đất nước giàu mạnh, văn minh và hạnh phúc, mang lại hòa bình cho cả thế giới.
 

2.3 Điều hòa xã hội


Chánh mạng trong đời sống là phải sống một cách chân thật, sống có ý nghĩa không làm hại cho đời, sống bằng đôi tay cần cù siêng năng, trí tuệ chân thật của mình, biết sống tôn trọng và chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Nếu người sống Tà mạng hàng ngày tìm cách lừa gạt, giết chóc, hoặc say sưa, trộm cắp và do đó gây xáo trộn cho toàn thể cộng đồng,... thì ngược lại những người có Chánh mạng sẽ góp công, góp sức để xã hội an toàn, vui vẻ, hòa hợp.

Khi mỗi cá nhân biết kiểm soát hành động của mình theo khuôn khổ thì từ đó cũng có thể điều hòa được xã hội, cuộc sống của ai cũng an toàn, vui vẻ, thoải mái.
 
Tóm lại, Chánh mạng tạo điều hòa trong đời sống xã hội và đem lại hạnh phúc đích thực.
 

3. Làm thế nào để có Chánh mạng?


Hiểu, thực hành và có được Chánh mạng là một hành trình dài từ tìm hiểu cho tới hành động không ngừng nghỉ. Thế nên mỗi cá nhân phải đủ kiên trì, quyết tâm lớn mới mong có ngày đạt được thành tựu.


3.1 Tránh xa lợi ích trước mắt


Để thực hành cuộc sống Chánh mạng trong đời sống hàng ngày, ít nhất chúng ta cần phải biết tránh xa lợi ích bất chánh trước mắt, thay vì muốn vơ hết lợi ích của mình ngay lập tức thì nghĩ tới lợi ích của người khác trước tiên.

Thế nhưng ít ai có tầm nhìn xa, lòng tham thôi thúc chúng ta luôn mong mình nhanh chóng giàu có, có được cuộc sống sung sướng mà không phải vất vả nhiều, do đó mà tìm cách kiếm tiền bất chấp, gây nhiều tội lỗi, làm tổn hại xã hội, và băng hoại tình người.

Người biết tránh xa lợi ích trước mắt, ngắn hạn sẽ không vì lòng tham mà bán thuốc giả làm hại người. Không vì sự tiện lợi của mình mà thải rác bừa bãi ra môi trường. 

Người có Chánh mạnh sẽ biết bảo vệ cây xanh là bảo vệ chính mình và bảo vệ trái đất, trồng cây gây rừng, kiến thiết lại những vùng bị tàn phá, đồng thời lên án và ngăn chặn phá rừng. 
 
Những người làm công việc viết lách thay vì câu views bằng cách viết bài chê bai, đè nén người khác xuống thì tập trung ca ngợi sự thật người tốt việc tốt, nội dung lành mạnh, xây dựng tình đoàn kết, thắp sáng tình yêu thương, chuyển hóa lòng người từ xấu thành tốt...

Chánh mạng trong đời sống là phải sống một cách chân thật, sống có ý nghĩa không làm hại cho đời, sống bằng đôi tay cần cù siêng năng, trí tuệ chân thật của mình, biết sống tôn trọng và chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Người sống Chánh mạng thì luôn có tầm nhìn xa với bất cứ làm công việc gì, nghề nghiệp nào, có như thế họ mới đủ dũng cảm dẹp hết lòng tham, quyết giữ tâm ngay thẳng, thanh sạch để có cuộc sống an vui, phước báu miên viễn.
 

3.2 Phân biệt được đâu là Tà mạng, Chánh mạng


Việc quan trọng là ta phải chọn được công việc Chánh mạng để có thể theo đuổi, làm nó tới cùng. Điều đó đồng nghĩa với việc ta hiểu đâu là Tà mạng và Chánh mạng.

Chánh nghiệp, là biểu hiện của nhận thức và tư duy đúng đắn, tức là nhờ có Chánh kiến và Chánh tư duy, chúng ta biết nên sống bằng những ngành nghề nào không gây khổ đau cho bản thân mình, cho tha nhân và muôn loài.

Để có được Chánh mạng, chúng ta hiểu biết công việc hay nghề nghiệp nào được xem là sai trái là sai trái và công việc hay nghề nghiệp nào là đúng đắn, muốn như thế chúng ta cũng phải có Chánh kiến.

Tuy nhiên, việc phân biệt Tà mạng hay Chánh mạng không dễ dàng như cách chúng ta vẫn nghĩ.

Ví dụ như công việc liên quan tới giết súc vật, ta có thể biết ngay đó là Tà mạng nhưng thông thường việc đánh giá thế nào là một việc làm/nghề nghiệp được coi là Chánh mạng thì phức tạp hơn nhiều. Một số công việc có thể được chấp nhận ở một số nơi nhưng lại không được chấp nhận ở chỗ khác tùy vào hoàn cảnh.

Phải hiểu một điều rằng, không có việc gì là hoàn hảo. Điều quan trọng là trong bản thân ta đã hoàn toàn đoạn diệt được tất cả tham, sân, và si thì ta sẽ được dẫn đường chỉ lỗi. Hiện tại chúng ta đang cùng đường tiến đến sự hoàn hảo đó, vẫn có thể làm được nhiều thứ để hòa hợp công việc làm với cuộc sống tâm linh.

3.3 Có lòng từ bi
 

Chánh mạng là biểu hiện của đời sống đạo đức lành mạnh. Xuất phát từ tâm chân thật, từ bi, bình đẳng, người Phật tử biết sống trong sạch, ngay thẳng bằng những ngành nghề chân chính, lương thiện. Người sống bằng nghề nghiệp lương thiện là người có đạo đức. Mà đạo đức thì lúc nào cũng đáng quý, đáng kính.

Có lòng từ bi thì chúng ta sẽ không muốn gây tổn hại cho bất cứ ai bằng thân, khẩu, ý của mình. Thế nên muốn có Chánh mạng còn phải có lòng từ bi để chúng sinh nhờ lòng từ của tất cả chúng ta mà được sống yên ổn.

Theo Đạo Phật, từ bi là lòng thương yêu rộng lớn vô biên, không chỉ dành cho con người, loài vật mà thương đến cả cây cỏ hoa lá... Lòng yêu thương trải rộng không phân biệt giữa kẻ thù và người thương, không phân biệt con mình hay con của người khác,...

Để thực hành tốt Chánh mạng còn phải sống và làm việc đúng pháp luật, phù hợp với truyền thống dân tộc, tiêu dùng thông minh đúng nhu cầu, không lãng phí tiền của, thời gian gia đình và xã hội. Tài sản làm ra cần phải chia sẻ, giúp đỡ người khác để tạo nhiều công đức về sau…

Nói chung, chúng ta không nên sống dựa vào những việc làm, công việc trái đạo đức. Tuy nhiên, để thay đổi nghề nghiệp, công việc không phải là việc dễ dàng gì, không phải nói là làm được ngay, cho dù ta hiểu được Chánh mạng là gì vì chúng ta vẫn được bị nghiệp chi phối mạnh mẽ.

Ví dụ như không ít người phải giết hại nhiều động vật để mưu sinh, để làm quán ăn nhưng rất khó khăn trong việc chuyển đổi kinh doanh, họ không biết làm gì khác để kiếm sống, phải thay đổi hoàn toàn công việc là không dễ dàng gì.

Thế nên chỉ còn cách từng bước nhỏ thay đổi hàng ngày để tích lũy đủ việc thiện, phước đức, dẫn dắt ta sang một công việc mới đảm bảo các tiêu chí mà ta hằng mong muốn.

(Tổng hợp)