Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

12 nhân duyên trong Đạo Phật: VÔ MINH là nguồn gốc của mọi tội ác trên đời này

Thứ Năm, 12/01/2023 17:34 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) 12 nhân duyên trong Đạo Phật càng chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng chính vô minh khiến ta ngụp lặn mãi trong luân hồi, nhân quả mà không thể tìm thấy đường ra cho mình.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
 

1. Thập nhị nhân duyên


Thuyết nhân duyên trong Phật giáo bao gồm mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Đức Phật sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, ngài đã để dành bảy ngày đầu tiên để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Trong đêm cuối cùng của bảy ngày ấy, ngài quán xét thập nhị nhân duyên theo chiều thuận, như sau: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là những mắt xích lần lượt móc nối nhau, tạo nên tiến trình của sự tái sanh, luân hồi sinh tử. Chỉ có ai thực sự quan tâm tới điều này và phá vỡ mắt xích bất kỳ trong số đó thì mới có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.
 
12 nhan duyen trong Dao Phat
12 nhân duyên trong Đạo Phật

1.1 Vô minh


Vô minh còn được người đời gọi nôm na là "ngu ngốc" - tức là không nhận ra được bản tính duyên khởi chân thật, thiếu sáng suốt, hay bị mê lầm, vướng mắc. Ta bị những cái kinh nghiệm, sự thấy biết của thể gian trói buộc và cứ cố chấp vào đó, cho rằng nó là chân thật. Thậm chí chỉ tin vào những gì được xem là mắt thấy tai nghe, cố gắng phủ định tất cả những gì họ không thực sự mắt thấy tai nghe.

Chính sự vô minh đã khiến chúng ta lầm lạc, chúng sanh cứ thế mãi sống trong sai lầm, sống trong ảo tưởng mà không thể nào biết cách thoát ra được cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.

Ta mỗi ngày cứ thế mà lấy cái sai làm cái đúng, lấy cái giả làm cái thật và tiếp tục bám chấp vào đó một cách mu muội. Người sống trong vô minh không thể biết là mình đang sống trong vô minh.

Chính vô minh là nguồn gốc gây ảnh hưởng tới 11 duyên còn lại, là nguyên nhân chính gây ra mọi tội lỗi, làm cho chúng ta bị trôi lăn trong khổ đau tưởng như không có hồi kết.
 

1.2. Hành


Nghĩa là hành động, theo chu trình của nhân quả (do A tạo nên B) nên với sự thúc đẩy của vô minh, ta bắt đầu có thân, khẩu, ý không đúng đắn, tạo ra hành động tương ứng.

Đó chính là cái tâm niệm sinh diệt chuyển biến không ngừng ấy, nó làm cho chúng sanh nhận lầm có cái tâm riêng, cái ta riêng của mình, chủ trương gây các nghiệp, rồi về sau chịu quả báo.

Vô minh và Hành nếu đem phân phối vào nhân quả trong 3 đời thì chúng thuộc về nghiệp nhân ở quá khứ sẽ có kết quả ở hiện tại.
 

1.3. Thức


Thức sinh khởi khi có hành tác động, đó là nguồn gốc của kiến thức, trí tuệ nhưng vì ảnh hưởng của vô minh và hành nên tạo ra nhận thức mới có phần sai biệt với bản chất.

Vì sự hiểu biết sai lầm nầy, nên chấp có Năng là mình, có Sở là ngoại vật, từ đó bảo thủ thân mạng, có những cảm xúc vui buồn, thương ghét...
 
Thức là một trong ba phần tử "thọ, noãn, thức" để thọ thai và tạo thành thân mạng.

Tâm niệm sinh diệt tiếp tục ấy, theo nghiệp báo duyên ra cái thức tâm của mỗi đời, chịu cái thân và cái cảnh của loài này hoặc loài khác.
 

1.4. Danh sắc


Các thức theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc. Danh là danh từ trừu tượng như Thụ, Tưởng, Hành, Thức uẩn, không có hình ảnh, chỉ là trạng thái tùy theo cảnh giới mà hiển hiện. Sắc, bao gồm những cái có hình tướng, như thân và cảnh.

Đây chủ yếu nói về Sắc uẩn là do sự phối hợp của bốn Đại : Đất, Nước, Lửa, Gió tức chỉ cho tổng báo thân của loài hữu tình khi còn ở trong thai trạng và dần dần sinh trưởng.

Có Nghiệp thức là có sự luân chuyển, nên khi tâm thức chuyển sự sống qua kiếp khác, nhờ có tâm thức (danh) và tinh huyết của cha mẹ (sắc) hòa hợp nương tựa nhau, sự sống nảy nở và tồn tại.
 

1.5. Lục nhập


Khi sắc thụ thai kết hợp với tinh cha, huyết mẹ (sắc do vật thực sanh) thì đã tượng hình một giống hữu tình, lần lần lớn lên để hoàn chỉnh lục căn.

6 quan năng được hình thành (bào thai), đó là Sáu căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý có đối tượng Sáu trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Sáu trần tiếp xúc với sáu căn nên gọi là Lục nhập, khi bào thai còn trong bụng mẹ thai nhi tiếp xúc gián tiếp qua người mẹ.

Thân tâm đối với cảnh giới thì duyên khởi ra các sự lãnh nạp nơi 6 giác quan, nhãn căn lãnh nạp sắc trần, nhĩ căn lãnh nạp thanh trần, tỷ căn lãnh nạp hương trần, thiệt căn lãnh nạp vị trần, thân căn lãnh nạp xúc trần và ý căn lãnh nạp pháp trần.
 

1.6. Xúc


Xúc là va chạm, giao tiếp; nghĩa là sau khi thai nhi ra đời có sự tiếp xúc giữa quan năng với ngoại cảnh, nhưng vì còn nhỏ chừng 1,2 tuổi nên trẻ con chưa biết nhận xét vui, buồn, tốt, xấu ... vì chưa có đủ lý trí để phân biệt, cảm nhận một cách rõ ràng, tinh tế nên trong giai đoạn nầy gọi là xúc.
 

1.7. Thọ


Cảm giác, ví như sờ lửa thấy nóng, sờ nước đá ta có cảm giác lạnh. Đây là giai đoạn đứa bé chừng 3 đến 13 tuổi, sự tiếp thọ với ngoại cảnh đã tiến bộ, đứa bé biết thương ghét, giận hờn, buồn, vui, đam mê...

Năm món: Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ đem phân phối vào nhân quả ba đời thì chúng thuộc quả hiện tại, do nghiệp nhân quá khứ là Vô minh và Hành gây ra.
 
Phat noi ve nhan duyen
 

1.8. Ái


Do duyên cảm thọ mà phát sanh ái.
 
Ái hay ái dục có bản chất thèm muốn hay khao khát các đối tượng yêu thích, nhưng không bao giờ cảm thấy đủ, không bao giờ được thỏa mãn.

Do biết buồn vui, thương ghét cho nên sinh lòng tham ái vào khoảng tuổi từ 14 đến 19, đây là tuổi dậy thì. Yêu cái gì mình thích và ghét cái gì mình không ưa.

Do các thọ đó, mà sinh lòng ưa ghét, đối với lạc thọ, hỷ thọ thì ưa, đối với khổ thọ, ưu thọ thì ghét và đã có ưa ghét thì tâm gắn bó với thân, với cảnh, hơn bao giờ hết. 
 

1.9. Thủ


Thủ có nghĩa nắm giữ, chấp chặt, cầm lấy. Khi ái yêu thích một đối tượng nào đấy thì thủ nắm giữ, đam mê, chấp chặt đối tượng ấy.

Giai đoạn tương đương từ 20 tuổi trở đi, thân thể phát triển cường tráng, sự tham ái càng mạnh cho nên yêu thích cái gì thì muốn giữ lấy cái đó. Chính vì sự giành giữ để thỏa mãn nên có việc lành việc dữ xảy ra tạo nên thiện và ác nghiệp phải chịu quả báo đời sau.
 

1.10. Hữu


Do tâm chấp trước, nên những sự vật như huyễn như hóa lại biến thành thật có, có thân, có cảnh, có người, có ta, có gây nghiệp, có chịu báo, có sống và có chết, cái có như thế, tức là hữu.
 
Ba món: Ái, Thủ và Hữu đem phân phối trong nhân quả ba đời, chúng thuộc về nghiệp nhân hiện tại. 
 

1.11. Sanh


Sau khi có nghiệp hữu liền có sanh hữu. Sanh hữu tức thức tái sanh đi tìm cảnh giới tương ứng ở kiếp sau.

Chỉ chung cho tổng báo thân của loài hữu tình (tâm và sắc), trong ấy gồm cả thể chất (vật lý) và tinh thần (tâm lý) , sống trong một thời gian do hành nghiệp quyết định.

Có sống, tức là có sinh, nói một cách khác, là do không rõ đạo lý duyên khởi như huyễn, không có tự tánh, nên nhận lầm thật có sinh sống. 
 

1.12. Lão tử


Điều cuối cùng trong 12 nhân duyên trong Đạo Phật đó là Lão tử, nghĩa là già rồi chết. Do có sinh sống, nên có già, rồi có chết.

Sinh, Lão tử đem phân phối nhân quả trong ba đời, chúng thuộc về quả báo ở vị lai.
 
Vì sao con người phải luân hồi? Phải chăng chính là món quà cuộc sống?
Chỉ khi tìm hiểu vì sao con người phải luân hồi chúng ta mới hiểu rằng là người cũng là một điều tuyệt vời trên hành trình khám phá cuộc sống của mỗi cá nhân,

2. Phân loại và công năng

 
Tạm chia thành ba bộ:
 
- Chỉ trạng thái mê mờ của tâm lý nên nhận định rất sai lầm. Vô minh, Ái, Thủ.
 
- Nghiệp: Chỉ cho những hành động sai lầm phát ra ở thân, tâm; chúng gồm có: Hành và Hữu.
 
- Khổ: Quả báo đau khổ do nghiệp nhân mê mờ (vô minh, ái, thủ) và hành động sai lầm (hành, hữu) gây ra. Thức, danh, sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử chịu quả báo do những nghiệp nhân trên gây ra.
 
Công năng:
 
- Muốn chấm dứt luân hồi, giải thoát khổ đau thì chúng ta phải trừ những nghiệp nhân hữu lậu: Vô minh, Ái, Thủ, Hành, Hữu. Như vậy sẽ không có quả báo trong hiện tại và tương lai: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, sanh, lão tử.
 
- Sự chấm dứt những nghiệp nhân hữu lậu, chính là không để cho vọng tâm làm mê mờ, như thế trí tuệ được sáng suốt.
 
- Những bậc chuyên quan sát, nghiên cứu tu tập theo 12 nhân duyên, diệt trừ các nghiệp hữu lậu, thoát khỏi luân hồi chứng đắc quả vị Bích Chi Phật.
 

3. Ý nghĩa của 12 nhân duyên

 
Trong 12 mắt xích trên, cái nào cũng là nhân, cái nào cũng là quả. Tùy thuộc nhân này cho quả này, quả này lại làm nhân để sinh quả khác... 

Hiểu rõ 12 nhân duyên trong Đạo Phật chúng ta có thể hiểu vì sao con người chịu những khổ đau, tại sao phải bị luân hồi trong sáu nẻo. Chúng ta phải nghiên cứu, quan sát chuyên tâm tu học đồng thời truyền đạt lại cho những người khác, để cùng nhau tu học, cùng nhau tinh tấn, cùng nhau giải thoát mọi khổ đau, ràng buộc trong vòng sinh tử.

Thế nên Đức Phật dạy: "Ai thấy thập nhị nhân duyên tức thấy Pháp. Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai".

Quan trọng nhất là phá đi lớp Vô minh trở nên có tri kiến, như trường hợp của chư Phật và chư vị A La Hán thì mọi vấn đề nhân và quả cũng chấm dứt. Nói vô minh duyên sinh ra hành, thì có nghĩa là, nếu thiếu vô minh làm nhân duyên thì hành không phát khởi được.

Đức Phật dạy rằng: "Vô Minh là lớp ảo kiến mịt mù dày đặc trong ấy chúng sanh quây quần quanh lộn".

Đối với các khâu khác, thì cũng đều có nghĩa như thế. Nhưng, nếu trong tất cả các duyên tạo thành một khâu, diệt trừ được một duyên, thì cái khâu ấy quyết định không sinh ra được. Chính vì vậy, ngược lại, lúc lưu chuyển, khi đã diệt trừ được vô minh, thì cả 12 nhân duyên đều được diệt trừ và người tu hành được giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.

Tin cùng chuyên mục

X