Mỗi ngày chúng ta đều gây ra nghiệp xấu và phước đức đồng thời cùng lúc với hành động, ý nghĩ, lời nói. Cuộc sống của chúng ta vận hành khách quan theo quy luật Nhân Quả nên tự mình làm thì tự mình chịu, không có ai là người ban phát phúc hay họa cho ta cả.
Có nhiều điều ta chưa thể giải thích ngay được vì Nhân - Quả có mối liên hệ hữu cơ với nhau không chỉ trong hiện tại mà còn trong quá khứ và tương lai.
Tưởng như mọi thứ đơn giản như việc cứ làm việc phước sinh ra niềm vui, họa sinh ra nỗi buồn. Tạo nhiều việc lành sẽ có nhiều phước, cuộc sống sung sướng hạnh phúc, tạo nhiều việc dữ sẽ chuốc lấy họa, cuộc sống bất hạnh khổ đau... Thế nhưng sự thật là trong phước có họa và trong họa lại có phước.
1. Tưởng rằng mình khôn ngoan
Những người làm ăn kinh doanh khôn ngoan, "đánh đâu thắng đó", đầu tư đâu cũng lãi to lãi nhỏ, mua được mảnh đất này, mảnh đất kia kiếm lời một cách dễ dàng... hoặc thậm chí là những người trẻ thi đâu cũng đỗ đạt cao, làm gì cũng được người lớn khen ngợi, họ liền nghĩ rằng mình thông minh, khôn ngoan, giỏi giang. Thực ra tất cả những điều này chỉ phản ánh thực tế là họ có nhiều phước từ trong quá khứ và họ đang lần lượt hưởng chúng mà thôi.
Mỗi lời khen, mỗi lần họ nhận thưởng, mỗi lần có khoản tiền hậu hĩnh đổ về nghĩa là họ đang bắt đầu hưởng phước của mình.
Kinh Nhân Quả có câu “Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị”. Nghĩa là, muốn biết cái nhân kiếp trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả kiếp sau, hãy nhìn việc làm ngay hôm nay. Thế nên một người người kiếp trước sống thánh thiện, kiếp này có cuộc sống sung sướng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Có thể thấy sự giàu có, sung sướng hay may mắn mà một người đang sở hữu không hề liên quan tới sự thông minh hay nhanh trí như hầu hết chúng ta vẫn nghĩ. Đó là lý do nhiều người dù rất khôn ngoan, học rộng biết nhiều nhưng vẫn không thể giàu có.
Những gì một người đang có được ở hiện tại hoàn toàn là do phước của mình tạo nên, vì thế đừng đồng nhất, vội vàng kết luận nó với sự khôn ngoan của chính mình.
2. Có tâm kiêu mạn
Chính nguyên nhân đầu tiên "Tưởng rằng mình khôn ngoan" nên chúng ta có xu hướng có tâm kiêu mạn khi mình có cuộc sống hơn người khác về tiền bạc, học thức hay địa vị.
Không ít người giàu có chê bai người nghèo khó còn người thông minh lại xem thường kẻ ngu dại. Không ít người làm việc máy lạnh coi thường người lao động chân tay... Đó là cái bẫy của người nhiều phước đang mắc phải. Họ tự mãn với những gì mình có và không đánh giá cao những ai không bằng mình.
Cái bẫy này khiến họ tạo ra những ác nghiệp ngay từ trong suy nghĩ xem thường đó, sau khi họ hưởng hết phước cũ thì những nghiệp xấu sẽ ập tới. Đó có thể là họ bị chê trách trong công việc, bị hạ bệ, bị mất danh tiếng... Trong khi đó, những người biết mình có ít phước nên luôn khiêm tốn, chăm chỉ tạo phước, sau này họ lại nhận được quả lành.
Vậy nên cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, đang sung sướng hay giàu có thì chớ nuôi dưỡng tâm kiêu mạn này, mỗi lần nó khởi sinh trong suy nghĩ hãy tìm cách chuyển đổi suy nghĩ cho phù hợp.
3. Tưởng rằng mình mãi mãi hạnh phúc hay giàu có
Nhân sinh vô thường, thế nên việc nay nhiều phước ngày khác không còn chút nào hoàn toàn xảy ra. Nhất là người đời không đủ khôn ngoan nhận ra rằng mình đang lãng phí phước của mình mỗi ngày.
Trong thực tế có những người kiếm tiền dễ như trở bàn tay, tiền cứ thể đồ về theo giờ. Vậy nhưng điều đó chỉ diễn ra trong một giai đoạn, sau đó không lâu họ lâm vào nợ nần, thậm chí tù tội.
Vậy nên làm người khôn ngoan nhất là biết đủ, chỉ có những người đang hưởng phước nhưng họ cũng chỉ nhận chút vừa phải về mình, không lãng phí thì mới có thể giữ gìn nó.
Người sẵn sàng chịu đựng gian khổ sẽ chỉ vất vả trong một khoảng thời gian, còn người chỉ biết tận hưởng cuộc sống, nghĩ rằng mình giàu thế này thì không thể nghèo nổi thì cũng nên cẩn trọng với suy nghĩ của mình.
Đời người, ai cũng mấy lần phải trải qua thử thách, khốn khổ qua đi thì hạnh phúc mới tới. Nhân sinh như một tách trà, mới uống vào sẽ thấy vị đắng, đắng qua sẽ cảm thấy ngọt ngào.
Đường đến hạnh phúc thật ra là đầm lầy, là núi cao, là sông nước, không bao giờ là con đường thẳng tắp, cũng chẳng có xe sang hay thuyền nào đang đợi bạn. Vì thế, lúc khó khăn hãy tin tưởng sẽ có ngày thanh nhàn, đang có ngày thanh nhàn hãy chuẩn bị tâm lý cho những ngày khó khăn.
4. Chỉ hưởng phước, không "tái đầu tư"
May mắn hay còn gọi cách khác là lộc, phước không phải là từ trên trời rơi xuống, mà là do chính bạn tích lũy mà có được. Nếu bạn thấy vận may của mình đặc biệt tốt, thì đó chính là phước báo của bạn từ những điều tốt đẹp trước đó đã tích tụ mà thành.
Vậy nhưng đừng chỉ có hưởng, hả hê rằng ta đã từng gieo nhân tốt, ngay khi bạn đang sử dụng nó cũng hãy nghĩ ngay tới việc "tái đầu tư". Gặt hết thóc về nhà rồi cũng nên để lại một phần để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo, nếu bạn xay hết thóc thành gạo thì ăn hết gạo bạn sẽ chết đói.
Có câu: "Nếu bạn không tích luỹ bước, bạn không thể đi được ngàn dặm, nếu không tích luỹ dòng nhỏ thì không thể làm nên sông, nên biển."
Vậy nên đừng để cái bẫy của cuộc sống sung sướng mà phước mang lại khiến ta mê mờ tâm trí, quên mất cả việc tích trữ, gom góp và đầu tư cho "mùa sau" bằng việc dành ít nhất 10% sỗ tiền đổ về túi làm từ thiện, giúp người, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn,...
Đời người rất mong manh, khi nhắm mắt xuôi tay không có ai mang theo được gì ngoại trừ cái Nghiệp. Tạo nhiều nghiệp lành thì hưởng phước lành, tai qua nạn khỏi, sung sướng hạnh phúc; tạo nhiều nghiệp dữ sẽ chuốc tai họa, bất hạnh khổ đau.
5. Quên chăm sóc đời sống tâm linh
Trong cuộc sống, chúng ta hay đồng nhất với việc một người giàu có, của cải chất đầy, cuộc sống hạnh phúc là nhiều phước. Tuy nhiên, ta đã quên mất một khía cạnh quan trọng đó là đời sống tâm linh. Thực ra, một người có cơ hội tiếp cận, học hỏi, tu tập theo chánh pháp (giữa bộn bề khắp nơi là tà pháp) mới thực sự là người nhiều phước hơn bất cứ ai.
Hiện nay, chúng ta quá coi trọng đời sống vật chất nên cho rằng nó "yếu thế" hơn so với đời sống tâm linh. Thế nên một người được cho là nhiều phước ở thế gian sau đó họ vẫn nuôi tham vọng, không ngừng kiếm tiền hoặc theo đuổi hạnh phúc đời thường mà quên mất đời sống tâm linh thì kết cục rất đáng buồn.
Đó là lý do những người đứng trên đỉnh vinh quang, vô cùng giàu có, gia đình đủ đầy, hạnh phúc nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng, không biết mục đích sống của mình là gì. Họ cho rằng mình đã có mọi thứ, không làm sao khỏa lấp trống vắng trong lòng và cuối cùng họ lại tìm niềm vui trong chất kích thích hoặc tự tử vì thiếu mục tiêu để cố gắng.
Thế nên một trong những cái bẫy của người nhiều phước mà không phải ai cũng có thể nhận diện ra đó là xem thường đời sống tâm linh hoặc cho rằng nó vô nghĩa. Điều này chỉ chứng tỏ họ vô minh và thiếu trí tuệ mà thôi.
Cả khoa học và đời sống tâm linh là hai thứ không thể tách rời trong cuộc sống của con người nhưng cần phải duy trì sự cân bằng giữa tín ngưỡng và khoa học để có cái nhìn thực tế về cuộc sống, thay vì cuồng tín hay phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo.
Phước cũng thuộc về thế giới tâm linh và cũng chưa được khoa học giải thích, chứng minh như những hiện tượng trên nên nó vẫn còn là điều bí ẩn khiến nhiều người ngờ vực, hoài nghi.
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: