Thứ Ba, 03/10/2017 09:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Rằm tháng Tám là một trong những ngày rằm quan trọng đối với người dân Việt Nam vì dịp này không chỉ dành cho trẻ con mà còn là lúc người lớn nhớ về những gì đã đi qua tuổi thơ của mình.
Mỗi ngày rằm tháng Tám âm lịch về, người Việt lại tưng bừng tổ chức Tết trông Trăng cho trẻ em với nào quà, nào nhạc múa hát, phá cỗ trông trăng... Và từ đó những hình ảnh quen thuộc đó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng ta lúc nào không hay.
Vì thế, cứ nhắc tới Tết Trung thu những hình ảnh quen thuộc như Trăng tròn, đèn Trung thu, bánh nướng, bánh dẻo,... và cả gia đình quây quần bên nhau cứ hiền hiện trong tâm trí khiến chúng ta không khỏi bồi hồi.
Cỗ rằm tháng Tám
Thường trong ngày rằm tháng Tám gió mát, mặt Trăng tròn vành vạnh chiếu sáng cho mọi cảnh vật trở nên lung linh hơn trong đêm. Đây cũng là lúc lễ tế thần mặt trăng bắt đầu. Trên bàn thờ có hoa quả, có bánh hình mặt trăng còn gọi là bánh "đoàn viên", bởi lẽ, trong dịp này, cả gia đình có dịp đoàn tụ để cùng ăn bánh và cùng thưởng thức ánh trăng thu trong trẻo và bầu không khí ấm áp của đêm rằm đến với mọi nhà.
Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con bép múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.
Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là bưởi, chuối và cốm, thị, hồng đỏ và hồng. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu, chơi cỗ trông trăng xong, các em cùng nhau phá cỗ, tức là ăn mâm cỗ lúc đã khuya.
Tham khảo:
Ý nghĩa Tết Trung thu truyền thống của Việt NamThi cỗ và thi đèn
Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt Trăng, treo đèn kết hoa, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng. Nhiều nơi có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô.
Trẻ em đón tết có đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. . Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt.
Hát Trống quân
Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba “thình, thùng, thình.” Ngày xưa trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm.
Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận (hát theo vần, theo ý) hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.
Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. Tục hát trống quân, theo truyền thuyết, có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng.
Múa Sư tử (múa lân)
Múa lân (ở miền Bắc thường gọi là múa sư tử mặc dù sư tử thì không có sừng) thường được tổ chức vào trước tết Trung Thu nhưng nhộn nhịp nhất là hai đêm 14 và 15. Ngày rằm tháng Tám thường múa Lân vì mọi người tin rằng con Lân tượng trưng cho điềm lành.
Đám múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân... Ðám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau. Trong những ngày này, tại các tư gia thường có treo giải thưởng bằng tiền ở trên cao cho con lân leo lên lấy.
Bài hát về Trung thu
Trong dịp Tết Trung Thu, trẻ em có dịp được học bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” một cách thích thú: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn kéo quân với đèn cá trắm, đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng. Đèn xanh lơ với đèn tím tím, đèn xanh lam với đèn trắng trắng. Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu.”
Đây có thể xem là bài hát quen thuộc gắn liền với nhiều thế hệ vì cứ mỗi dịp rằm tháng Tám bài hát lại được bật lên rộn ràng khắp các thôn làng cũng như khu phố.
Mặt nạ Trung thu
Mặt nạ và đèn ông sao là hai loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Trước đây ở miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 – 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng… cho trẻ em trong gia đình.
Các loại mặt nạ thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi, với các hình phổ biến về các nhân vật trẻ em yêu thích bấy giờ như: đầu sư tử, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh… Ngày nay, phần lớn đồ chơi ở Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, các loại mặt nạ được làm bằng nhựa mỏng, không đẹp bằng mặt nạ thời trước.
Ngắm Trăng (Thưởng nguyệt)
Ngắm Trăng vốn bắt nguồn từ việc cúng Trăng. Đến đời Đường, thú ngắm Trăng dịp Trung thu trở nên thịnh hành, thể hiện nhiều trong thơ ca thời này. Nhưng đến đời Tống, lễ hội ngắm trăng mới chính thức trở thành Tết Trung thu. Tục lệ ăn bánh hình mặt Trăng (bánh nướng, bánh dẻo) trong dịp Tết Trung thu cũng bắt đầu từ thời này.