Bố mẹ không tin tưởng con cái: Sai lầm khiến con có cuộc đời bi ai

Thứ Sáu, 10/02/2023 11:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có thể việc bố mẹ không tin tưởng con cái xuất phát từ một ý nghĩ tốt đẹp nào đó cho con, thế nhưng vì không hiểu và làm sai, cuối cùng thất bại trong việc hướng dẫn chúng đi đúng hướng.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Nhà văn nổi tiếng người Anh Charles Dickens từng nói: "Trong cuộc sống có 4 thứ không bao giờ được phá vỡ. Đó là tin tưởng, quan tâm, lời hứa và tình yêu. Bởi khi bị phá vỡ, chúng chẳng phát ra âm thanh nào nhưng sẽ gây đau đớn tột cùng".

Trong đó, niềm tin là một thứ không phải ông bố và bà mẹ nào cũng sẵn sàng trao cho con của mình.

Chuyện kể lại rằng, có một cô con gái tuổi mới lớn thường xuyên có biểu hiện lạ, bà mẹ liền nghi ngờ nó đang có bạn trai, đang giấu mẹ chuyện gì, thậm chí tưởng con đang mang thai.

Mặc cho con phủ nhận bà vẫn không tin, nên nhất cứ nhất động của con bà đều suy ra là nó đang giấu mẹ chuyện yêu đương và mang thai. Mối quan hệ của hai người vì thế mà không còn như xưa, cô bé tức giận, không muốn gần mẹ, không muốn về nhà vì sợ những câu hỏi chất vấn đầy hoài nghi của mẹ mình... Cuối cùng đưa con đi khám bà mới biết rằng con mình bị bệnh nhưng từ đó về sau con không còn tin tưởng gì ở mẹ mình nữa.

Có nhiều bậc phụ huynh cũng phạm sai lầm tương tự như thế nhưng họ không tự nhận ra lỗi lầm của chính mình. 
 
 

1. Biểu hiện của bố mẹ thiếu tin tưởng con


1.1 Thích thú khi thấy con sợ mình


Ảnh hưởng theo phong cách nuôi dạy con thế hệ cũ nên hiện nay vẫn không ít bậc phụ huynh vẫn thích dọa nạt, ép con phải nghe theo lời mình răm rắp. Vì muốn dạy con ngoan ngoãn, biết nghe lời nên các ông bố, bà mẹ cứ thấy con sợ mình liền vui mừng.

Chúng ta tưởng rằng con sợ, răm rắp làm theo lời mình nghĩa là chúng nó ngoan. Thực ra đây là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng con. Mỗi người có một thế giới quan khác nhau: Góc nhìn của con khác góc nhìn của bố mẹ. Thế nên có lúc ý kiến đối chọi là điều hoàn toàn bình thường.

Nghiêm khắc dạy con là cần thiết nhưng làm con sợ chưa bao giờ là cách hay, điều quan trọng nhất vẫn là hiểu trẻ và có định hướng phù hợp cho chúng. Khi chúng ta khiến con sợ mình nghĩa là ta đã làm sai phương pháp.

Việc thường xuyên quát mắng thay vì ôn tồn chỉ dạy chỉ khiến trẻ cảm thấy lo sợ, luôn sống trong cảm giác lo rằng mình sẽ làm sai ý bố mẹ, sẽ bị mắng hoặc đánh đập.

Thời gian càng kéo dài, những tổn thương tâm lý trong chúng ngày càng lớn, tạo khoảng khoảng giữa cha mẹ và con cái hoặc các vấn đề liên quan tới tinh thần sau này.  
 

1.2 Cố gắng làm thay con mọi việc

 
Sợ con phạm sai lầm và cố gắng làm thay con mọi việc không phải là biểu hiện của tình yêu con, nó là dấu hiệu của sự thiếu tin tưởng. Bố mẹ cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá đúng việc này nếu không bạn vẫn ngụy tạo cho các sai lầm của mình rằng yêu con.

Thấy con sắp làm hỏng việc gì, bị từ chối hoặc làm hỏng thứ gì đó. Khi điều này sắp xảy ra, rất nhiều phụ huynh đã lao vào cứu trẻ trước. Việc ngăn cản con phạm sai lầm đã cướp đi cơ hội để trẻ học cách phục hồi - đứng dậy sau thất bại.

Dù con bị điểm kém, có câu trả lời sai trong bài kiểm tra quan trọng đi nữa thì những sai lầm đó đều là cơ hội để con rút kinh nghiệm. Sai lầm là để con biết mình không nên chủ quan, bổ sung kiến thức còn kém,... nhờ đó mà có thể hoàn thiện bản thân. 

Bản năng của người làm cha làm mẹ là luôn muốn con yêu được an toàn trong vòng tay của mình. Thế nhưng việc bao bọc quá mức sẽ vô tình tạo ra rào cản khiến trẻ không thể tự do khám phá thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Từ đó, trẻ không thể hình thành các kỹ năng để vượt qua được thử thách, trở ngại trong cuộc sống.  
 

1.3 Kỳ vọng quá lớn vào trẻ


Kỳ vọng đối với con trẻ là điều nên có, đặc biệt là khi chúng được thể hiện đúng chỗ và có chừng mực cụ thể sẽ trở thành động lực to lớn để con cái nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn. 

Mặc dù những gì cha mẹ hy vọng và ước mong ở con đều xuất phát từ sự yêu thương nhưng nếu áp đặt kỳ vọng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Nếu không biết cách điều chỉnh thì nó lại trở thành yếu tố có thể giết chết cả tương lai của trẻ nhỏ.

Không ít ông bố bà mẹ nghĩ rằng khi xưa mình không có được điều kiện tốt nên không được thành công như người ta. Thế nên, họ cố gắng dồn hết tiền bạc có được để cho con được đi học trường tốt, học thêm các kỹ năng khác nhau nhưng kết quả lại không như ý nên thất vọng.

Điều này chỉ xảy ra khi bạn kỳ vọng quá lớn vào con, vô tình tạo ra áp lực cho chúng và ẩn sau trong đó cũng là sự thiếu tin tưởng vào trẻ.

Nếu bạn tin con, bạn đã hiểu đâu là việc con có khả năng, đâu là việc con còn có thiếu sót. Từ đó, bạn có thể ở bên hỗ trợ, đồng hành cùng con chứ không phải nghĩ rằng mình bỏ ra nhiều tiền thì sẽ nhận về một thiên tài. Nếu mọi thứ đều giải quyết bằng tiền thì lại quá dễ dàng.

Sự kỳ vọng quá lớn không có căn cứ sẽ chỉ làm bố mẹ và con cái mất niềm tin lẫn nhau mà thôi.

 

2. Tác hại của sự thiếu tin tưởng con


2.1 Trẻ thiếu tự tin nghĩ mình là kẻ thất bại


Những sự bất đồng trong suy nghĩ, hành vi giữa cha mẹ và con cái cũng là lý do khiến cho khoảng cách giữa hai thế hệ dần trở nên xa cách. Đặc biệt là khi bố mẹ thể hiện sự thiếu tin tưởng vào con sẽ càng khiến chúng không biết nên làm gì cho đúng, cho phù hợp với mong muốn của bố mẹ.

Vậy nên, khi bố mẹ không tin tưởng con cái sẽ có rất nhiều tác hại khôn lường không chỉ ảnh hưởng tới tuổi thơ mà cả khi trẻ đã trưởng thành. Ý kiến của bố mẹ ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ, thế nên khi không có được sự tin tưởng, chúng sẽ rất buồn, nghĩ rằng bố mẹ không yêu thương mình.

Tệ hơn nữa, có những đứa trẻ tin rằng mình không xứng đáng được yêu, hoặc không xứng đáng nhận được bất cứ tình cảm đặc biệt nào từ người khác. Kết quả là khi lớn lên, chúng có một gia đình không hạnh phúc, ảnh hưởng cả thế hệ sau.

Nhất là việc quát mắng, đánh đập con càng gây ra những tổn thương lớn trong tâm hồn của trẻ. Điều này khiến con cái dần mất niềm tin vào chính mình và cả những người xung quanh, luôn suy nghĩ rằng con không thể làm được điều gì để bố mẹ tự hào.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những vấn đề xảy ra trong quá khứ ảnh hưởng phần lớn tới cuộc đời của một người. Điều này khiến cho trẻ thường xuyên sợ hãi vì bị trách mắng ít có khả năng thành công hơn so với những người khác.
 

2.2 Con nói dối, có tâm lý nổi loạn

 
Nhiều khi bố mẹ thấy con nói dối quanh co liền khẳng định là con hư, liền tìm cách trừng phạt chúng vì nghĩ rằng còn nhỏ tuổi mà như thế này thì tương lai không biết thể nào.

Họ không nhận ra rằng kết quả này là do sự thiếu tin tưởng vào con. Bố mẹ càng tỏ ra thiếu tin tưởng, con càng tỏ ra tức giận, đầu óc cũng bắt đầu tính toán, mưu mẹo, sẵn sàng nói dối để không bị trách mắng, đánh đập. 
 
Với những trẻ có cá tính mạnh mẽ, nó không chỉ dừng lại việc nói dối mà còn tìm cách nổi loạn, tỏ ra ngỗ nghịch để tỏ thái độ chống đối. Điều này càng gia tăng mâu thuẫn giữa bố mẹ, con cái ở tuổi trưởng thành.
 

2.3. Khoảng cách bố mẹ, con cái ngày càng lớn

 
Một cuộc khảo sát với bọn trẻ với câu hỏi tìm ra nguyên nhân khiến chúng không muốn nói chuyện với bố mẹ khi trưởng thành cho kết quả nhiều nhất đó là: "Mất niềm tin".
 
Một khi chúng xác định được trong đầu rằng: Bố mẹ không tin mình thì chúng sẽ không dám kể với họ bất cứ điều gì. Chính điều này đã cắt đứt mối liên hệ giữa hai người. Thế nên, trong cuộc sống của chúng về sau, bất kể khi chúng xảy ra vấn đề gì cũng không nói cho bố mẹ mình biết. Điều đáng lo ngại là nếu gặp phải điều xấu, các bậc phụ huynh sẽ không biết và điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời. 
  

2.4 Khó khám phá năng lực của bản thân

 
Ít người biết rằng năng lực của con thường bị giới hạn bằng những lời nhận xét của bố mẹ. Nhất là trong giai đoạn chúng cần khám phá bản thân mình là ai, chúng càng tin tưởng những nhận định lặp đi lặp lại của người chúng yêu quý. Đừng dán nhãn cho con: Trẻ càng hư càng cần được thấu hiểu hơn là chê trách.

Khi trẻ muốn thử nghiệm những thứ mới mẻ, bố mẹ liền không cho, nghĩ rằng con quá nhỏ. Họ vô tình đã kìm hãm sự tự tin của đứa trẻ, không tin tưởng vào năng lực, làm hạn chế ham muốn học tập của con.

Khi con muốn giúp làm việc gì đó, bạn liền ngăn cản vì sợ làm hỏng đồ, hoặc con làm rơi vãi, cuối cùng chúng không có khả năng thực hiện. Khi gặp phải bất cứ việc gì, chúng sẽ tự khắc rụt lại, biến mình trở thành đáng thương, đúng như những lời bố mẹ chúng chê bai mình từ nhỏ.

Dường như thế giới của trẻ bị đóng lại trong những từ ngữ chê bai, thể hiện sự thiếu tin tưởng con. Trong khi đó, nếu bố mẹ làm điều ngược lại, trẻ có cơ hội bung tỏa, vượt qua những giới hạn thông thường.

Điển hình như thiên tài Edison, mặc cho giáo viên nhận xét là chậm chạp, thiểu năng nhưng mẹ ông vẫn luôn tin tưởng con trai, kiên nhẫn dạy dỗ cậu bé. Dưới sự dìu dắt của mẹ, Edison say mê đọc sách - thói quen này trở thành nền tảng cho những phát minh lớn trong tương lai của cậu.
 

2.5. Quá nhạy cảm
 

Trẻ em như bọt biển, chúng thường hấp thụ những thứ xung quanh mình vô điều kiện, không lý do. Thế nên khi không nhận được sự tin tưởng của bố mẹ chúng càng trở nên nhạy cảm hơn, cảm giác này có thể đeo bám khiến chúng luôn cảm thấy bất an.

Hơn nữa, những đứa trẻ này sẽ thấy khó có thể để thoát ra được các mối quan hệ tiêu cực, chúng dễ chấp nhận việc bị đối xử tệ bạc và xem đó là bình thường.

Những đứa trẻ nhạy cảm này sẽ không dám thể hiện cái tôi, luôn tìm cách để người khác hài lòng.  
 

3. Cách thể hiện sự tin tưởng với trẻ

 
 
Với những tác hại của việc bố mẹ không tin tưởng con cái kể trên bạn có thể thấy việc dạy trẻ đúng cách quan trọng như thế nào. Thế nên việc trang bị cho mình nhiều kiến thức nuôi dạy trẻ trong suốt quá trình bé trưởng thành là cực kỳ quan trọng.

Alfred Adler - một nhà tâm lý học người Úc từng nói: "Người may mắn là người được chữa lành tổn thương trong thời thơ ấu, người không may mắn là người phải dùng cả cuộc đời để chữa lành những thương tổn ấu thơ".
 
Trong quá trình chăm sóc con, hãy để con cảm nhận sự tin tưởng, để con được cảm nhận thực sự thấy tình yêu, sự tự do. Đừng cho rằng đáp ứng mọi yêu cầu về vật chất là thương con và cũng đừng nghĩ rằng chỉ cần nói: " Bố/mẹ tin con" nhưng hành động lại ngược lại. 
 

3.1 Cho trẻ cơ hội tự giác

 
Những hình phạt mỗi khi trẻ làm trái ý không phải là cách hay vì có cố gắng xử phạt như thế nào trẻ vẫn không ngoan hơn. Nếu không thì cũng là tạm thời nghe lời nhưng đang tìm cách chống đối.

Vì thế, hãy cho con cơ hội phạm lỗi, chỉ cho con thấy hậu quả của việc mình làm để tự rút kinh nghiệm. Có thể bạn nói và quát chúng không nghe nhưng sự tự giác, sự hối lỗi do chính con cảm nhận sẽ giúp chúng trưởng thành hơn.
 

3.2 Cố gắng lắng nghe và hiểu con

 
Những người trong vai trò là bố mẹ thường có xu hướng áp đặt ý kiến của mình, thế nên việc lắng nghe và hiểu con quả là khó khăn.

Điều này đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Nếu không muốn thường xuyên đối đầu với con hãy cố gắng bình tĩnh và học cách kiềm chế cái tôi của bản thân khi nói chuyện với con để tránh những hệ luỵ không mong muốn.

Nhiều bố mẹ nghĩ rằng “Mình sinh ra con, con làm gì cũng phải theo ý mình. Sai là cấm thôi, sao phải giải thích?”. Có thể vì họ muốn tốt cho con nhưng không có nghĩa là theo cách của họ. Thế nên mối quan hệ của cha mẹ và con cái đột nhiên căng thẳng, rạn nứt.

Có câu chuyện về một cô bé không ngủ được vì nghĩ rằng mình nhìn thấy ma. Bố dù không tin nhưng vẫn hỏi con: "Trông nó như thế nào?". Cô bé giải thích thấy ma trên đường đi học và hôm sau ông bố đi theo con để xác nhận thông tin.

Ông bất ngờ phát hiện ra có một kẻ có tiền sử bắt cóc trẻ em sau khi báo cảnh sát. Nhờ việc lắng nghe những lời tưởng như vô nghĩa mà ông bố đã cứu con thoát nạn. 
 

3.3 Đừng sợ tin con là mù quáng

 
Tâm lý chung của hầu hết chúng ta đó là nghĩ rằng trẻ con không biết gì lại hay nói dối nên tại sao phải tin chúng, đó là niềm tin mù quáng. 

Đối với bà Maye Musk - mẹ của tỷ phú Elon Musk, bà đã chọn cách hoàn toàn tin con để rèn luyện ra một tài năng xuất chúng. "Niềm tin này không hề mù quáng vì trẻ có khả năng vô hạn. Ngay cả khi bây giờ trẻ không đủ tốt, đủ giỏi nhưng chúng có thể tỏa sáng vào ngày mai", mẹ tỷ phú từng nói trong một cuộc phỏng vấn.

Vì thế, với những điều con nói, con thể hiện, thay vì từ chối, hãy để con được trải nghiệm bằng cách nói với con: "Hãy thử xem sao" để thể hiện sự tin tưởng chúng.
 
Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: