1. Dạy con lòng tốt chia sẻ với cộng đồng
Mỗi cá nhân phải có ý thức hơn về vai trò của mình trong xã hội này, dù là một bản thể riêng lẻ nhưng ta không thể nào sống thiếu cộng đồng và cần nượng tựa, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Thế nên việc thể hiện lòng tốt của mình đối với cộng đồng cũng rất quan trong, thế nhưng hầu hết chúng ta xem nhẹ việc này.
Cha mẹ cũng cần dạy con cách hành xử tử tế. Bởi lẽ, đây là giá trị cốt lõi của cuộc sống. Biết cách quan tâm, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hành xử đúng đắn là điều có thể giúp con tiến nhanh, tiến xa và tiến chắc chắn.
Cha mẹ của Gates từng tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện và công việc cộng đồng bởi họ cho rằng đó là cách để con cái có thể nhìn vào học tập.
Gates Sr. cho biết: "Vợ tôi là một người tin rằng: Ai được ban cho nhiều thì cũng sẽ bị đòi lại nhiều. Ngay từ đầu, bà ấy đã gieo tư tưởng này như một giá trị quan trọng trong gia đình chúng tôi". Điều này đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực từ thiện của Gates ngày nay.
Việc dạy cho trẻ biết được giá trị của việc giúp đỡ người khác thì không phải bố mẹ nào cũng làm. Việc giáo dục con về tầm quan trọng của lòng tốt đã tạo cho Gates trở thành con người được mọi người luôn nể phục vì sự hào phóng của ông đối với cộng đồng.
2. Dạy cách ăn mặc và sử dụng internet
Một trong những thiếu sót khi bố mẹ dạy con đó là không nói về vấn đề ăn mặc hoặc sử dụng mạng xã hội như thế nào cho an toàn.
Lúc nhỏ con sẽ được chúng ta hỗ trợ từ bữa ăn cho tới giấc ngủ nhưng tới một thời điểm nào đó, con đã có thể tự ra quyết định cho mình. Thế nhưng với sự hiểu biết quá non nớt con sẽ dễ bị cuốn theo những thứ xấu xí.
Khi con ở độ tuổi từ 6-8 cũng là lúc bạn cần hướng dẫn con cách tìm kiếm thông tin từ sách vở, Internet. Những thông tin nào con có thể sử dụng cho việc học tập và thông tin nào là không phù hợp với lứa tuổi.
Đây cũng là thời điểm thích hợp cha mẹ dạy con những điều cơ bản về an toàn khi sử dụng mạng xã hội, tự quản lý thời gian xem TV và chơi game, biết tập thể dục đều đặn.
3. Sống có nguyên tắc
Đây là điều ít bố mẹ nào nhắc đến trong việc dạy con nhưng thực sự rất quan trọng. Một quốc gia có quy tắc riêng, mỗi lớp học, trường có những quy định,... mà tất cả chúng ta cần phải tuân thủ.
Dạy cho con biết rằng chúng ta sống trong một xã hội có nguyên tắc, luật lệ rõ ràng, vì vậy, chẳng có lý do gì để chúng ta hành xử bừa bãi, không theo quy tắc cả. Một người tuỳ ý thích gì làm nấy sẽ khó lòng tồn tại giữa đám đông và không được hoan nghênh như những người thông suốt mọi nguyên tắc chung.
Hướng dẫn con nhận thức sớm điều này sẽ giúp trẻ hạn chế để xảy ra những rắc rối không đáng có, ngay từ khi con còn bé, cha mẹ hãy dạy con biết tìm hiểu và tuân thủ theo những quy tắc mà cả một tổ chức hay tập thể đã đặt ra.
Ví dụ như, bạn có thể nhắc nhở con rằng đồ của ai thì tôn trọng không động đến đồ của họ, nếu có mượn dùng thì phải trả lại chỗ cũ là điều vô cùng quan trọng và sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống sau này của con.
Điều đó không chỉ có lợi cho lối tư duy có trình tự của con, mà còn giúp hình thành tinh thần trách nhiệm trong trẻ.
4. Bố mẹ luôn tin tưởng con
Thiếu sót khi bố mẹ dạy con đó là không nói cho chúng biết rằng bố mẹ tin tưởng và luôn ở bên con khi cần.
Trên hành trình trưởng thành của mình, trẻ sẽ luôn phạm rất nhiều sai lầm nhưng đừng quên nói với con rằng bố mẹ luôn ở đó để dang rộng vòng tay đón con về. Đó là cách để các con cảm thấy an toàn, an tâm, giúp con gần gũi với bố mẹ mình hơn.
Không cần những bài học nào quá to tát, chính sự tin tưởng của cha mẹ sẽ giúp con cái tin tưởng vào chính mình, cảm thấy được tôn trọng và yêu thương.
Tuổi trẻ vốn hay hoài nghi khả năng của mình. Cha mẹ có thể động viên con kiên trì thêm một chút với đam mê, cùng con sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn trên chặng đường hiện thực hoá niềm đam mê ấy.
Nếu bạn luôn cấm đoán, thích con làm theo ý của mình thì chúng sẽ có xu hướng không chia sẻ khi có chuyện buồn và che giấu cảm xúc vì thiếu sự tin tưởng.
Hãy trao cho con lòng tự tin, có như thế con sẽ bước đi bằng chính đôi chân, nghị lực và trí tuệ của mình, có nhiều cơ hội thành đạt trong cuộc sống.
Điển hình như cha mẹ của Bill Gates không kỳ vọng con trai sẽ trở thành tỷ phú, nhưng con lại muốn nghỉ học ở Harvard để theo đuổi đam mê. Bố Gates từng chia sẻ: "Những kỳ vọng của Mary và của tôi là những kỳ vọng rất đỗi bình thường như những cha mẹ có con học đại học. Đó là mong con có một tấm bằng".
Bố của Bill Gates cho rằng đó là một quyết định khó khăn với hai người, nhưng cuối cùng họ đã nhượng bộ và đành phải tin tưởng vào quyết định của con trai.
5. Dạy con lòng biết ơn
Hiểu đúng về lòng biết ơn bạn sẽ biết rằng nếu con được nuôi dưỡng những tư tưởng tốt đẹp này từ sớm thì con sẽ là người cực kỳ hữu ích cho xã hội. Bạn sẽ chẳng bao giờ phài lo lắng hay hoài nghi về tương lai của chúng nữa.
Nhất là những đứa trẻ nhỏ chỉ biết tập trung vào những nhu cầu của riêng mình còn việc nhận thức về những giá trị đạo đức còn rất hạn chế. Thế nên ngay khi con nhận thức được những điều xảy ra trong cuộc sống cũng là lúc bố mẹ nhắc nhở con về lòng biết ơn.
Ví dụ như con biết ơn những ai đã dọn cho con đường trở nên sạch sẽ, biết ơn những bữa ăn ngon mà mẹ nấu cho chứ không xem đó là việc đương nhiên. Ngoài ra, con cũng cần học cách tôn trọng người phục vụ, quý trọng tình bạn cùng các mối quan hệ,...
Biết ơn người dạy dỗ và dìu dắt chúng ta nên người là bài học đầu tiên về truyền thống tôn sư trọng đạo.
6. Không ai hoàn hảo cả
Một trong những thiếu sót khi bố mẹ dạy con đó là không nói cho con biết rằng không ai hoàn hảo cả. Bố mẹ nuôi dưỡng con nhưng vô số điều bố mẹ không biết phải làm thế nào cho tốt, chính bố mẹ cũng làm sai và sửa trong quá trình hướng dẫn cho con.
Hoặc khi con bị điểm kém môn nào đó, mẹ hãy nói cho con biết không ai là hoàn toàn hoàn hảo để con không thấy tự ti về chính mình. Trong các tình huống của cuộc sống, hãy cho con biết tất cả mọi người đều có thể mắc sai lầm, kể cả cha mẹ cũng thế.
Trước những nỗ lực của trẻ, dù không đạt được những thành công (điểm cao trong các kì thi chẳng hạn) như cha mẹ mong đợi, bạn hãy nói cho con của bạn biết rằng, tnhư vậy là đã làm rất tốt rồi. Cha mẹ hãy khích lệ con yêu để con nỗ lực chứ đừng quá đặt nặng chuyện thành tích, gây áp lực cho trẻ.