Một trong những lý do con cháu của ông Rockefeller có thể tiếp nối vinh quang và thành công cho đến nay là nhờ vào nền giáo dục của gia đình họ từ thời thơ ấu. Thế nên những bài học quý giá từ tỷ phú dầu mỏ Rockefeller rất đáng để lưu truyền, gìn giữ tới muôn đời sau.
1. Kiên trì đến cùng
“Nếu muốn thành công, anh phải thử những hướng đi mới thay vì cứ đi vào những lối mòn đã được mọi người công nhận… Tôi nghĩ điều đó đòi hỏi lòng kiên trì”, Rockefeller từng gửi lới khuyên tới những ai khởi nghiệp.
Thực tế là nếu không có sự kiện trì thì Rockefeller không thể nào thành công, nhất là khi ông tự nhận mình không thông minh, không có gì nổi bật so với bạn bè đồng lứa. Ông nhạt nhòa đến nỗi khi ông nổi tiếng, các bạn trong lớp cũng không nhớ là từng học cùng Rockefeller.
Bố Rockefeller là ông William, hành nghề chữa bệnh vặt kiếm sống, ông thỉnh thoảng buôn bán lặt vặt để có thêm tiền, mẹ ông là người nội trợ trong gia đình. Thế nhưng khi biết nói và biết đi, ông đã học những bài vỡ lòng về kinh doanh và thương trường. Còn mẹ là người dạy ông tiết kiệm, bà là người mẹ giỏi vun vén, nghiêm khắc trong việc dạy con.
Gia đình Rockefeller dọn đến một nông trại gần Cleveland vào năm 1853 nhưng nhà nghèo nên Rockefeller không thể học đại học. Tuy nhiên, Rockefeller bỏ ngang trung học để học khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn từ một trường đại học cộng đồng.
Rockefeller được làm việc cho một nhà thờ khi ông 15 tuổi vào đúng giai đoạn khủng hoảng tài chính. Thế là Rockefeller phải đứng trước cổng xin tiền giáo dân mỗi sáng Chủ nhật để gây quỹ giúp nhà thờ trả nợ. Sau đó 1 năm ông rời nhà thờ và đi xin việc làm.
Ngay từ những ngày đầu đi xin việc ông liên tục bị từ chối, nhờ sự kiên trì và tinh thần không bỏ cuộc đã giúp ông tự mở ra cơ hội cho mình. Vì muốn được làm công ty lớn và danh tiếng, Rockefeller đã tự mình lập danh sách những doanh nghiệp, ngân hàng và công ty được đánh giá cao nhất trong vùng.
Sau đó, mỗi ngày ông mặc vest, cạo râu và đánh bóng giày đến từng tên công ty trong danh sách đó để xin việc. Ông chỉ xin nói chuyện với người đứng đầu và cho biết mình có kiến thức về kế toán và tôi muốn làm việc ở đây.
Tất nhiên, không ai chọn cậu nhóc 16 tuổi làm việc, thế nên trong suốt 6 tuần Rockefeller vẫn tiếp tục hành trình tìm việc không mệt mỏi của mình. Cho đến ngày lịch sử của cuộc đời ông 26/9/1855, có công ty sản xuất nhỏ Hewitt & Tuttle cho ông cơ hội làm việc không lương.
Kể từ đó, cuộc đời ông bước sang một trang mới, sau này, khi đã vô cùng giàu có, ông vẫn thường xuyên kỷ niệm ngày 26/9 hàng năm bằng các buổi tiệc hoành tráng hơn cả tiệc sinh nhật mình. Ban đầu, Rockefeller làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán cho công ty đến khi được trả lương vào ngày 1/1/1856.
2. Thành thật
Ông vua dầu lửa là người cực kỳ khắt khe về tính trung thực trong làm ăn, cuộc sống và các mối quan hệ. Về các con số ông luôn rõ ràng, cẩn thận ghi chép lại, không bao giờ có ý định gian dối hay trốn thuế. Ông có một cuốn sổ riêng, trong đó ghi lại tất cả các số liệu tài chính của công ty, cập nhật từng ngày và chính xác đến số thập phân cuối cùng.
Bằng cách đó, Rockefeller cũng có thể tạo ra một “thước đo khách quan”, theo đó ông có thể so sánh hiệu quả các hoạt động và tự đưa ra đánh giá từ các con số mình đã có được thay vì dựa vào báo cáo chủ quan của cấp dưới.
Hầu hết tiền ông đầu tư, kinh doanh là tiền nợ ngân hàng nhưng ông cũng luôn trả nợ đúng hạn. Và chính sự nổi tiếng về sự minh bạch cũng như tinh thần tiết kiệm, tư duy chia sẻ cộng đồng đã giúp ông tạo được niềm tin từ các ngân hàng.
Các ngân hàng lớn đã nhiều lần đứng ra giải cứu công ty dầu mỏ Standard Oil của ông. Họ thậm chí gia hạn trả nợ, đề xuất cho công ty của ông vay thêm khi việc kinh doanh của ông gặp trục trặc.
Vì thế, Rockefeller gần như có đủ vũ khí cần thiết để nắm bắt cơ hội và đánh những trận quyết liệt vào công nghiệp dầu, khi dầu hỏa được phát hiện tại Pennsylvania năm 1859.
3. Quan tâm tới tiểu tiết
Rockefeller luôn cẩn thận, tỷ mỉ bất chấp một việc có nhàm chán đến đâu, ông thường ký từng bức thư rất cẩn trọng và chính xác, như thể đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vậy.
Hay từ thói quen hàng ngày cho tới các mối quan hệ của mình, ông trùm dầu mỏ đều chú ý đến từng tiểu tiết. Chính những chi tiết nhỏ này tưởng không quan trọng nhưng khi kết hợp lại để tạo nên doanh nhân quyền lực bậc nhất thế giới.
Ngoài để ý đến công việc, Rockefeller còn dành thời gian quý giá của mình để hiểu những người làm việc với ông rõ hơn và luôn tôn trọng mọi người.
Tỷ phú dầu mỏ nổi tiếng với việc chú ý đến từng chi tiết và tập trung vào tính hiệu quả. Ngay cả giai đoạn công ty Standard Oil đã trở thành một tập đoàn khổng lồ, ông vẫn kiên trì từng chút một cải thiện hoạt động công ty sao cho hiệu quả nhất có thể.
4. Sống cần kiệm, bất kể hoàn cảnh
Rockefeller tin rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp định hình thành công của ông là theo dõi mọi khoản chi tiêu và tiết kiệm.
Từ khi còn trẻ, ông đã ghi chép tình hình tài chính của mình và một cuốn sổ nhỏ màu đỏ mà ông đặt tên là "Sổ Cái A". Ông vẫn luôn giữ nó trong két sắt và khi đã về già, ông có thể mở ra xem lại và đưa cho con cháu của mình học tập.
Không chỉ sống giản dị nhất có thể ở những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống mà ngay cả khi cuộc sống dư giả, việc làm ăn phát đạt, Rockefeller vẫn chọn lối sống khiêm tốn.
Ông cũng luôn sử dụng bóng golf cũ, thấy người khác dùng bóng mới, ông trầm trồ: "Hẳn là họ giàu có lắm!".
Cho dù ngày lễ đặc biệt của vợ chồng ông, họ không chọn món đồ sang trọng, thay vào đó là bút hoặc găng tay, và không quên viết cho nhau những dòng thư dạt dào tình cảm, bày tỏ rằng họ trân trọng món quà đến mức nào.
Có thể nói, ông giữ thói quen tiết kiệm của mình cả đời, dù mua và cho xây dựng những căn nhà lớn nhưng chúng khá khiêm tốn so với khả năng tài chính của mình.
Các con của ông cũng có sổ kế toán riêng, họ có thể kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm những việc nhỏ trong nhà hay giúp hàng xóm. Họ mặc quần áo cũ của anh chị và chỉ nhận được một ít quà và đồ chơi. Thậm chí, khi 4 đứa con đều muốn mua xe đạp, Rockefeller quyết định chỉ mua một chiếc để các con học cách chia sẻ.
Dạy con quản lý tài chính như thế nào, vì sao nên cho trẻ tiền tiêu vặt, bao nhiêu tuổi thì cho con biết về tiền... là những câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh
5. Luôn sẵn sàng tìm con đường đi mới
Ông từng dẫn dắt công ty Standard Oil của mình tấn công vào thị trường châu Á và điểm đến là Trung Quốc với cái tên “Mei Foo” (Mỹ Phu - “mỹ” có nghĩa đẹp và “phu” có nghĩa niềm tin).
Để thâu tóm thị trường, ông sẵn sàng bán dầu với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho không tại các vùng quê nghèo để họ thay đổi thói quen bỏ đèn dầu thực vật sang dùng đèn dầu. Cuối cùng ông thành công khi Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Standard Oil tại châu Á.
Điều này cho thấy ông cực kỳ tỉnh táo và nhanh nhẹn trong việc nắm bắt tình hình và thay đổi để thích nghi với những làn sóng mới.
6. Phát triển kỹ năng lãnh đạo
Thời đỉnh cao sự nghiệp, tỷ phú đầu tiên của thế giới phải trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của 33 công ty dầu và gián tiếp chỉ đạo kinh doanh cho hàng trăm công ty khác. Số nhân viên ông phải quản lý lên đến hàng trăm ngàn người. Thế nhưng cách lãnh đạo của ông tinh gọn và khôn ngoan. Rockefeller thường chọn cách giao bớt công việc cho những người ông tin tưởng, tận dụng tài năng và sự thông minh của họ.
Rockefeller cho hay: "Lãnh đạo tốt bao gồm việc chỉ cho những người bình thường cách làm công việc của những người cấp trên" .
Ông thừa nhận bản thân mình không giỏi, ông chỉ biết cách tận dụng năng lực của nhiều người: “Khả năng xử lý với con người là thứ có thể mua được như bất kỳ hàng hóa nào. Chẳng hạn như cà phê hay đường, và tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn để mua thứ khả năng đó hơn là bất kỳ thứ gì khác trên đời”.
Ông đề cao khả năng làm việc độc lập cho những nhân viên có năng lực. Thay vì bắt ép, đốc thúc, Rockefeller thường bày tỏ các quyết định của mình dưới dạng khuyến khích hoặc đặt câu hỏi.
Vị tỷ phú này cũng làm việc dựa trên sự nhất trí của mọi người, ông luôn tôn trọng với nhân viên, nhắc nhở cấp trên nên biết tên của tất cả mọi người trong bộ phận và thi thoảng đến thăm nhân viên để lắng nghe nhu cầu của họ.
Ông luôn tạo ra sự thống nhất và giải quyết mâu thuẫn giữa các lãnh đạo công ty, lắng nghe ý kiến của họ, sau đó đưa ra đề xuất của bản thân. Tiếp theo là nhượng bộ để duy trì sự đoàn kết, chỉ thực hiện những gì được sự đồng ý của cả hội đồng quản trị.
7. Làm giàu để giúp được nhiều người hơn
Bố mẹ luôn nhắc nhở Rockefeller sống đạo đức và biết cho đi, bố của ông còn thực hành bằng cách dạy bọn trẻ làm những món quà nho nhỏ cho nhà thờ để tặng người nghèo.
Thậm chí, sau khi kết thúc thời gian làm việc không lương, ông bắt đầu nhận được số tiền 50USD cho hơn ba tháng làm việc nhưng vẫn để dành "25 xu cho một ông cụ nghèo" và "50 xu cho một bà cơ nhỡ" bên cạnh tiền thuê nhà, tiền giặt đồ.
Đến năm 20 tuổi, ông luôn đóng góp hơn 10% thu nhập của mình. Sau này, ông tài trợ cho những dự án lớn bao gồm các trường đại học, cơ sở nghiên cứu y khoa, trường học và các chiến dịch sức khỏe toàn cầu. Cho đến khi qua đời, ông đã quyên góp gần 540 triệu USD.
Thế mới thấy, mục đích xây dựng đế chế công nghiệp của Rockefeller là để ông có càng nhiều tiền giúp đỡ cộng đồng. Chính Rockefeller từng tuyên bố: "Nếu mục đích duy nhất của anh chỉ là trở nên giàu có, anh sẽ không bao giờ đạt được điều đó".
Ông cảm thấy mình may mắn vì được trở nên giàu có, ông hiểu rằng đặc ân này đồng nghĩa là nhiệm vụ giúp nhiều người hơn nữa. Ông từng chia sẻ: "Được sở hữu món quà Chúa ban, tôi tin rằng nhiệm vụ của tôi là kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để sử dụng số tiền tôi kiếm được vì lợi ích của đồng loại theo mệnh lệnh của lương tâm tôi."
Xem thêm tin liên quan: